Những ngày đầu làm báo

Năm 1973, mất gần 8 năm 'lắc chai, lắc lọ' trong phòng thí nghiệm ở Viện Nghiên cứu Hóa học (Bộ Công nghiệp nặng), tôi mới bước vào nghề làm báo phát thanh.

 

“Lính mới” của Phòng Thành thị miền Nam

          Hồi ấy, qua một người bạn thân cùng quê, tôi tìm đến Trụ sở Đài TNVN ở 58 Quán Sứ, Hà Nội, xin gặp ông Mai Thúc Long, lúc ấy là Trưởng Ban miền Nam. Lần đầu gặp tôi, ông Mai Thúc Long yêu cầu tôi mang đến cho ông xem những gì mà tôi đã từng viết. Ngày ấy, vào Đài TNVN không phải thi cử như sau này. Vì thế, tôi hiểu những bài viết của mình là “chứng chỉ” cần thiết để tôi trở thành một nhà báo. Và thật may, tôi lục tìm được trong vốn liếng ít ỏi của mình những bài thơ, dăm ba truyện ngắn đã được in ở báo tỉnh hoặc trong các ấn phẩm của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ quê hương tôi. Không biết những bài viết ấy của tôi có hay ho gì không, nhưng sau khi đọc những bài viết ấy, ông Mai Thúc Long đã đồng ý nhận tôi về làm việc tại Phòng Thành thị miền Nam của Ban miền Nam.

          Ngày đầu tiên “trình phòng” Thành thị miền Nam, tôi thật sự “choáng”. Bởi, đón tôi là những tên tuổi lớn mà không ít lần tôi đã được nghe những bài viết của các anh trên sóng. Như bác Nguyễn Đức Chánh, tức tác giả Trung Ngôn trong tiết mục “Câu chuyện châm biếm”, là anh Phan Đắc Lộc, tức nhà báo Viễn Kính của mục “Theo dòng thời cuộc”. Và nữa, là các anh Phan Đắc Lập, Nguyễn Kim Trạch, Trúc Thông, Đào Xuân Tân...

          Nhìn lại mình, tôi thật sự e ngại. Nhưng thôi, “đâm lao thì phải theo lao” vậy. Tôi tự nhủ, cứ đi đi rồi sẽ thành đường...

          Ông Mai Thúc Long là người rất tâm lý. Như đoán hiểu tâm trạng của tôi nên ông đã động viên tôi chân tình và kịp thời ngay từ những ngày đầu. Ông gọi tôi vào phòng làm việc của ông và giao cho tôi một chồng báo cũ được xuất bản ở vùng địch tạm chiếm và hướng dẫn tôi cách đọc báo để tìm hiểu về tình hình thành thị miền Nam lúc bấy giờ. Ông cũng hướng dẫn tôi những thông tin khái quát nhất về những vấn đề đang đặt ra trong cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ta ở các thành thị miền Nam.

          Tôi ôm chồng báo cũ rời phòng làm việc của Trưởng ban. Trở về bàn làm việc của mình, tôi bắt đầu công việc “vào rừng”. Trước mắt tôi là những tờ báo xuất bản trong vùng địch ở Sài Gòn như báo: Đại dân tộc, Dân chủ, Điện tín, Chính luận, Sóng thần... Tôi lần xem vài trang báo đã thấy ù tai, chóng mặt vì chẳng hiểu gì nhiều. Đã thế, tôi còn không chịu nổi trước những luận điệu xuyên tạc, vu khống đến trắng trợn của một số người cầm bút phía bên kia đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nhưng, cũng thật may cho tôi là các anh chị trong phòng đã giúp tôi “lấy lại tinh thần”, và hướng dẫn tôi những hiểu biết sơ đẳng của nghề làm báo.

          Đọc báo cũ được đôi ba ngày, tôi dần dần vỡ vạc ra những hiểu biết cần thiết về tình hình miền Nam, về nghề làm báo phát thanh. Một hôm, tôi chợt nhận ra rằng, nếu tôi cứ ngồi đọc báo cũ, thì rồi những tờ báo hôm nay sẽ tiếp tục trở thành báo cũ. Nghĩ thế, tôi quyết định thay đổi cách đọc báo. Tôi lấy ngay những tờ báo mới nhất của phòng để tìm hiểu tình hình miền Nam. Và rồi, tôi “tìm thấy” cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của anh em ở nghiệp đoàn xích lô Sài Gòn. Tôi nghiền ngẫm, tổng hợp tình hình từ nhiều tờ báo khác nhau, rồi viết một bài bình luận về cuộc đấu tranh này. Viết xong, tôi mạnh dạn đem vào phòng sếp.

Nhà báo Đình Khải (bên trái) cùng nhà báo Xuân Bách trong phòng thu bình luận bóng đá.

          Ngày hôm sau, ông Mai Thúc Long khen tinh thần làm việc của tôi và khen bài viết của tôi. Nhận lại bài viết từ tay ông, tôi nghĩ có lẽ ông động viên, khích lệ tôi, chứ tôi thấy ông đã tẩy xóa, sửa chữa be bét. Sau đó, ông duyệt cho phát sóng bài viết đầu tiên này của tôi, khiến tôi vừa ngượng, lại vừa sung sướng như muốn phát điên lên...

Vượt qua rào cản ngôn ngữ

          Những ngày đầu làm báo ở Đài TNVN tôi đã gặp không ít khó khăn, mà một trong những khó khăn là rào cản ngôn ngữ giữa hai miền Bắc - Nam. Ngày ấy, sự giao lưu giữa hai miền Nam - Bắc còn nhiều hạn chế. Người dân miền Bắc dường như chỉ được tiếp xúc với người miền Nam qua các cán bộ, chiến sĩ tập kết ra Bắc năm 1954. Nhưng số cán bộ, chiến sĩ ấy chẳng những không nhiều mà sự tiếp xúc cũng rất hạn chế vì đa số anh chị em đóng quân trong các doanh trại hoặc làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Bởi thế, ngôn ngữ miền Nam không phải người dân miền Bắc nào cũng có điều kiện làm quen, học hỏi. Cá nhân tôi cũng không tránh khỏi tình trạng này.

          Những ngày đầu làm việc ở Phòng Thành thị miền Nam, khi lật giở từng trang báo xuất bản ở vùng tạm chiếm miền Nam, tôi đã vấp ngay phải rào cản ngôn ngữ. Đập vào mắt tôi là những từ ngữ được viết theo hai khuynh hướng: hoặc là “bê nguyên si” tiếng nước ngoài, hoặc là vẫn dùng nhiều từ Hán - Việt cổ mà ở miền Bắc đã bỏ lâu rồi. Nhưng, khó khăn hơn cả là có rất nhiều từ địa phương Nam bộ mà khi đọc tôi chẳng hiểu gì cả. Ví như các từ chỉ vật: mè, bắp, mì, hột vịt, hoa kiểng..., các từ nhân xưng: ảnh, ổng, bả... Ngày nay, người miền Bắc hầu như ai cũng đã hiểu được những từ này, nhưng trước ngày đất nước thống nhất, tôi đọc báo Sài Gòn mà chẳng hiểu gì cả. Vậy nên tôi phải tự mình tìm lối thoát cho mình. Tôi tranh thủ nhờ các anh Nguyễn Đức Chánh, Phan Đắc Lộc và các anh chị quê ở miền Nam công tác cùng phòng “dịch” giúp những từ miền Nam mà tôi không hiểu ra tiếng miền Bắc. Và rồi, tôi tiếp tục bổ sung vốn từ ngữ Nam bộ bằng cách lên K5 ở Quảng Bá tìm gặp các cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc chữa bệnh hoặc học tập để bổ sung vốn từ ngữ Nam bộ. Tôi cũng đã nhiều lần tìm đến Ủy ban Thống nhất ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để học hỏi thêm từ anh chị em cán bộ miền Nam.

Nhà báo Đình Khải (người cầm míc) phỏng vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1993. (Ảnh tác giả cung cấp)

          Năm 1973, sau Hiệp định Paris, 2 miền Nam - Bắc trao đổi tù binh. Tôi đã tranh thủ những chuyến công tác vào Sầm Sơn (Thanh Hóa) tìm gặp những anh chị em vừa từ tuyến lửa trở về, vừa để lấy tư liệu viết tin bài, vừa tranh thủ làm phong phú thêm vốn từ ngữ miền Nam. Cuốn “từ điển” tiếng Nam bộ mà tôi tự lập ra cứ mỗi ngày lại được bổ sung thêm những từ ngữ mới. Cũng không chỉ sưu tầm ngữ nghĩa tiếng Nam bộ, tôi còn tìm mọi cơ hội được gần gũi và giao tiếp với anh chị em cán bộ miền Nam để học hỏi cách nói, cách viết của anh chị em. Với tất cả những cố gắng của mình, tôi mong muốn những bài báo của mình được phát trong chương trình Thành thị miền Nam 19 giờ hằng ngày sẽ gần gũi với bà con trong Nam hơn...

          Nhân kỷ niệm ngày đất nước thống nhất 30/4, xin kể lại những bước đi đầu tiên của tôi hơn 40 năm trước, trong những ngày đầu bước vào nghề làm báo phát thanh ở Ban miền Nam của Đài TNVN. Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm ban đầu ấy. Và thật vui khi đó chính là những viên gạch đầu tiên trên con đường làm báo của tôi sau này./.

Đình Khải 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận