Hôm nay (21/4), vừa tròn 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) nhân dịp này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh: Trong thời kỳ mới, trận địa tư tưởng, văn hóa trên báo chí vẫn nóng bỏng, kẻ thù của chúng ta có những vũ khí xảo quyệt hơn, đòi hỏi những người làm báo phải luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo.
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, trong thư gửi Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời Bác Hồ kính yêu: cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Vậy lời căn dặn này có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Trong giai đoạn mới của cách mạng, khi chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại, hoá đất nước và hội nhập quốc tế, những người làm báo Việt Nam chúng ta, vẫn luôn luôn ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ - người sáng lập, và là người thầy của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
Chúng ta cũng thực hiện những lời căn dặn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thực hiện các nghị quyết. Gần đây nhất là nghị quyết Trung ương 5 khoá 10 về công tác tư tưởng, lý luận của báo chí trước yêu cầu mới, trong đó xác định trận địa tư tưởng báo chí là trận địa rất quan trọng. Làm sao chúng ta phải tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết nhau lại để đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước cũng như đoàn kết để bảo vệ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Cho đến bây giờ trận tuyến về tư tưởng văn hoá trên báo chí vẫn đang diễn ra giữa một bên là chúng ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh; theo đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và một bên là thế lực luôn luôn xuyên tạc, đổi trắng thay đen. Chưa nói đến các thế lực thù địch vừa muốn tấn công vào trận địa tư tưởng báo chí, đồng thời còn muốn xâm lấn cả lãnh thổ của chúng ta.
Cho nên trận địa tư tưởng văn hoá trên báo chí bây giờ vẫn nóng bỏng chứ không phải dịu đi. Chỉ khác nhau hình thức biểu hiện, còn tính chất và tầm quan trọng thì vẫn như thế. Tôi nghĩ mỗi cơ quan báo chí cũng như mỗi người làm báo phải luôn luôn quán triệt điều đó để mài sắc ngòi bút của mình, trau dồi bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng là những người chiến sĩ báo chí trên trận địa tư tưởng của Đảng.
PV: Để trở thành những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá thì mỗi phóng viên, biên tập viên, những người làm báo, trong đó có những người làm phát thanh, truyền hình phải trau dồi những phẩm chất gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Mỗi thời kỳ cách mạng cũng có những thay đổi. Thời kỳ này trận địa tư tưởng văn hoá của Đảng có những biểu hiện mới, có những tính chất phức tạp. Bây giờ kẻ thù, những thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, chính trị cũng có trăm phương ngàn kế để đánh vào trận địa tư tưởng của chúng ta.
Ở bên ngoài đã có hàng trăm đài, kênh phát thanh truyền hình chĩa vào Việt Nam. Có một số đài ở khu vực châu Á, Đông Nam Á có những chương trình bằng tiếng Việt trên mạng internet đánh vào chúng ta. Trước hết nó phủ nhận chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đề cao cái gọi là tự do báo chí tuyệt đối, xóa nhòa mọi ranh giới.
Báo chí cách mạng phục vụ đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong thời kỳ mới này, những người làm báo trước hết kế thừa truyền thống vẻ vang 70 năm của Hội Nhà báo Việt Nam, truyền thống vẻ vang 95 năm từ tờ báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập. Nhưng trong giai đoạn mới, trận địa tư tưởng có những diễn biến mới, kẻ thù của chúng ta cũng có những vũ khí xảo quyệt hơn, cho nên chúng ta phải nâng cao bản lĩnh chính trị, về chuyên môn, nghiệp vụ những người làm báo.
Bây giờ chúng ta phải sử dụng các hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hiện đại để đưa sản phẩm đến với công chúng. Không chỉ trong nước và nước ngoài, không chỉ phản ánh những vấn đề đối nội, chúng ta còn phải có những thông tin đối ngoại làm cho cộng đồng quốc tế hiểu tình hình Việt Nam, ủng hộ chúng ta, hợp tác với chúng ta trong xây dựng một khu vực, một thế giới hoà bình ổn định, hợp tác và phát triển, đồng thời ủng hộ Việt Nam trong cả việc bảo vệ chủ quyền trên đất liền cũng như trên biển. Chúng ta đòi hỏi những người làm báo có tầm nhìn, tư duy, có năng lực chuyên môn, có những bài báo sắc bén để đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch, nâng cao đạo đức của những người làm báo.
Cả nước hiện có xấp xỉ gần 20.000 người làm báo, được cấp thẻ nhà báo, còn có người chưa được cấp thẻ. Trong số đó cũng có một số rất ít những “con sâu làm rầu nồi canh”, có những sai trái, vi phạm đạo đức nghề nghiệp như đi dọa nạt doanh nghiệp, thông tin sai sự thật, làm cho hình ảnh những người làm báo ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì thế, chúng ta phải trau dồi để những người làm báo, nói như các nhà báo lão thành, là “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, có tầm nhìn vừa rộng, vừa sâu, có một tấm lòng vì Đảng, vì dân, vì đất nước. Ngòi bút phải sắc bén để tuyên truyền một cách thuyết phục, đấu tranh sắc sảo để bẻ gãy những luận điệu sai trái, thù địch.
PV: Trong thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: 70 năm qua thì các thế hệ Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo cả nước đã luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Vậy thưa PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đâu là những thách thức với đội ngũ người làm báo trong giai đoạn tiếp theo trong việc đóng góp tích cực hơn nữa vào công cuộc phát triển của đất nước?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Giai đoạn mới của cách mạng, những người làm báo gặp những thuận lợi cơ bản. Chúng ta được sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, được sự ủng hộ của các ban, bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự đồng tình, cổ vũ, giúp đỡ của người dân - công chúng báo chí. Các cơ sở vật chất kỹ thuật của báo chí cũng được nâng lên rất nhiều.
Những người làm báo hiện nay được đào tạo rất cơ bản. Đấy là thuận lợi, nhưng kinh tế thị trường có mặt trái của nó, nhiều khi có thể làm sa ngã một số nhà báo, trong khi đó kẻ thù luôn luôn tìm cách tấn công chúng ta. Họ mời gọi tham gia các lớp đào tạo, tập huấn ở nước ngoài, có những lớp họ gài bẫy để tuyên truyền những quan điểm báo chí tư sản. Rồi họ sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền những quan điểm sai trái, có những thông tin làm cho người dân không biết đâu là trắng, đâu là đen. Một ma trận thông tin như thế, thời kỳ bùng nổ thông tin, đòi hỏi những người làm báo, trong đó những hội viên của Hội nhà báo Việt Nam phải luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo.
Trước hết là tuân thủ sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng cấp trên, tuân thủ sự chỉ đạo của các ban biên tập để từ đó có những tin, bài chính xác; phải nhanh nhạy, phải có tính xây dựng, có tính định hướng, góp ích cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyên Nhung/VOV1