Những 'binh sĩ' nhà đài trên tuyến đầu chống dịch

Đài TNVN với những thông tin nhanh chóng, chính xác đã kịp thời giúp người dân yên tâm, tin tưởng chung tay cùng Chính phủ chống dịch.

 

Sẵn sàng xông pha

Để có những thông tin nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác là sự nỗ lực của đội ngũ phóng viên VOV. Dù những ngày này, VOV tăng cường khai thác thông tin qua các hạ tầng và nhiều biện pháp khác, nhưng có những thông tin phóng viên vẫn phải xông pha vào chỗ dễ lây nhiễm để có thể cung cấp cho khán, thính giả những thông tin trung thực, khách quan nhất.

Là phóng viên phụ trách lĩnh vực y tế của Kênh VOV Giao thông, giai đoạn này là những ngày tháng vất vả, thậm chí nguy hiểm của phóng viên Chu Đức. Chu Đức từng đặt chân đến những chỗ dễ lây nhiễm nhất như: Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), Khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), điểm dịch xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên… Chu Đức chia sẻ, có một điều nghịch lý là phóng viên hằng ngày tuyên tuyền, khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, còn bản thân vẫn phải lao đến những nơi mà ai cũng muốn tránh xa như: các cơ sở y tế, những nơi bị cách ly, những vùng có dịch, những khu vực điều trị… Dù họ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng mong muốn có được thông tin nóng hổi, hữu ích, đẩy lùi tin giả, xua tan lo lắng của xã hội, ổn định tâm lý người dân khiến họ vượt qua được nỗi sợ của bản thân.

Phóng viên Chu Đức với Văn Hải (VO1) tại thời điểm 1 tiếng trước thời điểm 0h, khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ tại xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc)  Ảnh Dũng Tuấn.

Ngày 28/3 khi Bệnh viện Bạch Mai có lệnh phong tỏa thì ngày 1/4, một ekip gồm 3 nam, 1 nữ của Kênh VTC14 (VTC) đã vào “nằm vùng” tại Bệnh viện Bạch Mai với mong muốn mang đến cho khán giả những hình ảnh chân thực, những câu chuyện xúc động về đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện. Nhờ đó, thông tin về Bệnh viện Bạch Mai xuất hiện đều đặn trên kênh sóng của VTC14 với những nội dung đời sống, xúc cảm!

Ngày 2/4, VTC1 đã cử một ekip đến tác nghiệp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh, nơi đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid - 19. Ngoài việc đưa tin, bài hằng ngày, ekip còn làm một bộ phim tài liệu về các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Đó là nhiệm vụ khá gian nan nhưng tất cả đều đồng lòng vượt qua để phục vụ khán giả một cách tốt nhất.

Phóng viên Tam Điệp, người tham gia ekip cho rằng: “Chúng tôi như chiến sĩ trên mặt trận thông tin, sẵn sàng xông pha tuyến đầu để ghi lại hình ảnh của các y bác sĩ, cũng như bệnh nhân đang điều trị Covid -19.  Chúng tôi xác định tâm thế trước khi đi là có thể đối mặt với rủi ro, sau khi về sẽ phải vào khu cách ly tại khu tập trung 14 ngày theo quy định, nhưng chúng tôi nguyện đồng lòng cùng ngành y tế và toàn xã hội đẩy lùi dịch bệnh”.

Với phóng viên Hoàng Ân, Ban Thời sự (VOV1), 14 ngày anh sống và tác nghiệp trong khu cách ly tập trung tại Trường quân sự Quân đoàn 1 đã giúp cho thính giả hiểu biết một cách chân thực về cuộc sống tại nơi cách ly, những tình cảm ấm áp của người dân dành cho nhau, của bộ đội dành cho người dân và của người dân dành cho bộ đội. Nhờ những bài viết của anh người dân không còn tâm lý sợ hãi nếu phải vào khu cách ly tập trung.

Định hướng người dân tìm đến thông tin chính thống

Thính giả Lê Đặng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết, từ khi có dịch bệnh Covid-19 trên mạng xã hội thường xuyên xuất hiện tin đồn gây hoang mang cho người dân. Vì thế, ông và bà con bảo nhau chỉ nghe thông tin từ Đài TNVN bởi thông tin từ Đài luôn chính xác. “Đài TNVN đã trang bị cho chúng tôi những kiến thức phòng chống dịch bệnh, từ việc làm thế nào để hạn chế lây nhiễm đến những tư vấn dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Trước đây, bà con chúng tôi nghĩ đến khu cách ly đã thấy sợ, nhưng nhờ những thông tin từ Đài bà con đã phần nào yên tâm nếu chẳng may mình phải vào khu cách ly tập trung. Chúng tôi tin tưởng và đồng hành với chính quyền để chúng ta sớm đẩy lùi dịch bệnh, trở về cuộc sống bình yên như trước đây” - ông Đặng bày tỏ.

Nhà báo Phạm Nhung (chính giữa) cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại Vĩnh Phúc.                      tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên.           tại tại

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì gọi vui VOV là một binh đoàn quan trọng trong việc chống dịch. Ngày ngày, nhà văn theo dõi các chương trình của VOV từ phát thanh, truyền hình, báo điện tử. “Có những bài viết, những hình ảnh làm trái tim tôi xúc động. Ví dụ, Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian bị phong tỏa là nơi nguy hiểm, tôi vẫn thấy các em, các cháu vào tác nghiệp. Khác chi ngày xưa chúng tôi trẻ tuổi, nghe lời đất nước non sông, xung phong dưới làn đạn của kẻ thù bảo vệ Hà Nội! Lo lắng cho anh em “binh sĩ”, tôi điện hỏi các “tướng lĩnh” của “binh đoàn” được biết VOV đã có kế hoạch, biện pháp rất chi tiết, cụ thể để bảo vệ anh em. Tôi thương yêu, kính trọng anh chị em, các cháu “binh đoàn” VOV rất nhiều! Các anh chị, các cháu thật xứng đáng là các chiến sĩ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid 19. Tôi ở nhà theo lệnh nhưng vẫn đồng hành với các anh chị em và 
cầu nguyện cho “binh đoàn” VOV, các vị “tướng lĩnh”, “sĩ quan” và anh em “binh sĩ” an bình”.

Luôn đặt an toàn lên hàng đầu

Phóng viên Hoàng Ân chia sẻ, 14 ngày sống trong khu cách ly tập trung, anh nhận thức rõ ro những rủi từ việc tiếp xúc với kiều bào, du học sinh, người lao động về từ nhiều nước. “Chúng tôi tự động viên nhau không chùn bước trước khó khan và bảo nhau thực hiện tốt các nguyên tắc phòng dịch như: luôn đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, vệ sinh thiết bị mỗi khi tác nghiệp, uống vitamin để tăng sức đề kháng… Sức khỏe đảm bảo, chúng tôi mới có thể đóng góp nhiều tin, bài hấp dẫn cho công chúng” - Hoàng Ân nhớ lại.

Mỗi lần đi tác nghiệp tại những nơi dễ lây nhiễm, phóng viên Chu Đức cũng phải thuyết phục lãnh đạo kênh bằng những cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tác nghiệp, tuân thủ những giới hạn khi xuống thực địa tại các vùng dịch để vừa có thông tin nóng hổi, chân thực vừa không gặp nguy cơ bị cách ly sau khi trở về. Phóng viên Chu Đức cho rằng, cách vượt qua nỗi sợ là phải hiểu biết về nó. Vì thế, anh tự trang bị cho mình những kiến thức về dịch bệnh, cơ chế lây nhiễm, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của ngành y tế khi tác nghiệp. “Phóng viên chúng tôi thận trọng, chứ không hoảng loạn trước dịch bệnh. Mỗi mùa dịch qua đi, nó là nguy cơ nhưng cũng là dịp để phóng viên thể hiện bản lĩnh, chuyên môn của mình” -  Chu Đức chia sẻ.

Phóng viên Phạm Nhung cùng ekip của kênh VTC14 vào “nằm vùng” tại Bệnh viện Bạch Mai.

Là nữ giới nhưng phóng viên Phạm Nhung, Kênh VTC14, từ đầu mùa dịch đến nay luôn xông pha trên tuyến đầu. Chị đến tác nghiệp tại nhiều chỗ có nguy cơ lây nhiễm cao. Chị cũng là nữ duy nhất trong ekip tham gia tác nghiệp tại bệnh viên Bạch Mai trong những ngày bệnh viện bị phong tỏa. Nhà báo Phạm Nhung cho biết: “Để đảm bảo an toàn khi tác nghiệp, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ những đồ dùng, thiết bị bảo hộ. Trước khi đi, lãnh đạo Kênh trao đổi tỉ mỉ về các biện pháp để đảm sức khỏe của từng thành viên, với mục tiêu tác nghiệp hiệu quả nhưng an toàn. Chúng tôi cũng tự trang bị cho mình những kiến thức khoa học về dịch bệnh qua sự tư vấn của các chuyên gia y tế. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo kinh nghiệm của những nhà báo đã từng tác nghiệp trong dịch bệnh. Chúng tôi tự nhủ phải cẩn thận trong mọi tình huống để mỗi bánh răng trong cỗ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả”.

Minh Thư 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận