14 ngày trong khu cách ly của 3 phóng viên VOV

14 ngày trong khu cách ly tập trung đã trở thành trải nghiệm đáng nhớ trong nghề báo của 3 phóng viên VOV.

 

3 phóng viên của Đài TNVN là Hoàng Văn Ân (Ban Thời sự), Đỗ Trọng Phú (báo VOV.VN), Nguyễn Anh Tuấn (Kênh truyền hình Vietnam Journey) được cử đi học khóa đào tạo ngắn hạn về báo chí tại Ấn Độ. Họ trở về nước đúng lúc dịch Covid-19 ở hai nước diễn biến phức tạp, vì thế, họ phải vào khu cách ly tập trung ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay.

Cái khó ló cái may

3 người chúng tôi lên đường tham dự một khoá đào tạo báo chí 1 tháng tại Ấn Độ vào ngày 24/2. Tình hình dịch Covid-19 ở cả hai nước diễn biến phức tạp khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Chúng tôi được về nước sớm hơn dự kiến 3 ngày khi mà cả chính phủ Ấn Độ và Việt Nam đều đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách để kiểm soát dịch bệnh.

Những ngày cuối ở Ấn Độ, điều chúng tôi quan tâm lo lắng là: Làm sao sớm mua được vé để về Việt Nam. Chỉ đến khi làm xong thủ tục và vào cổng chờ chuyến bay VJ972 của hãng Vietjet - chuyến bay cuối cùng về Hà Nội trước khi chính phủ Ấn Độ tạm dừng đón các chuyến bay quốc tế hạ cánh tại các sân bay của mình - chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Cũng chính thời điểm này, chúng tôi mới nghĩ đến “cơ may” mà mình sắp được nhận: Đi cách ly tập trung. Chúng tôi sẽ là nhóm phóng viên đầu tiên của VOV được trải qua cuộc sống tại khu cách ly tập trung trọn vẹn 14 ngày.

Nhà báo Đỗ Trọng Phú tác nghiệp tại bếp ăn của tiểu đoàn.

Chúng tôi nhận thức rõ những rủi ro từ việc tiếp xúc với kiều bào, du học sinh, người lao động về từ nhiều nước khác nhau khi tác nghiệp, nhưng chúng tôi tự động viên nhau: "Trong khó khăn luôn luôn có cơ hội". Cả nhóm xác định: Bằng việc tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng dịch, cộng thêm những may mắn, chắc chắn chúng tôi sẽ khoẻ mạnh đóng góp nhiều tin, bài hấp dẫn cho VOV.

Một điều may mắn khác là chúng tôi được tiểu đoàn 2 Trường Quân sự Quân đoàn 1 - nơi chúng tôi cách ly - tạo điều kiện thuận lợi nên vạn sự khởi đầu... suôn sẻ.

Ngay ngày đầu tiên tại Trường Quân sự Quân đoàn 1, những tác phẩm đầu tiên của chúng tôi đã được phát sóng, xuất bản. Những ngày sau đó, chúng tôi liên tiếp nhận những "đơn đặt hàng" tin, bài của các đơn vị như VOV2, VTC, Báo TNVN...

MOJO - một trải nghiệm thực tế

MOJO - Mobile Journalism - Làm báo bằng thiết bị di động là một khái niệm chúng tôi đã được làm quen trong khóa học tại Ấn Độ. Về đến Việt Nam, chúng tôi lập tức có cơ hội được áp dụng những điều mình đã học.

Chúng tôi có 1 máy ảnh chuyên nghiệp, 1 laptop và 4 chiếc điện thoại thông minh. Chỉ có chiếc laptop là dùng chung, còn lại chúng tôi tận dụng những gì mình có trong tay. Phóng viên Đỗ Trọng Phú luôn tận dụng chiếc iphone từ khi chuẩn bị lên máy bay vể nước để chụp ảnh, làm clip ngắn. Còn phóng viên Nguyễn Anh Tuấn dường như lúc nào cũng cầm sẵn điện thoại thông minh trên tay để ghi hình. Về phần mình, tôi luôn sử dụng điện thoại để ghi âm, viết bài và cắt ghép tiếng động - những khâu cơ bản nhất của phát thanh.

Cả nhóm thường xuyên chia sẻ những đề tài, ý tưởng, nhân vật và cả tư liệu. Sau đó chúng tôi sẽ thực hiện các đề tài đó theo đặc trưng từng loại hình. Phóng viên Nguyễn Anh Tuấn là người có nhiều kinh nghiệm nhất trong nhóm. Anh chia sẻ: “Dù tác nghiệp trong bối cảnh nào, nội dung phóng viên phản ánh mới là điều quan trọng nhất. Các phương tiện chỉ là phụ trợ. Phương tiện càng hiện đại càng tốt, còn nếu không, mọi thứ vẫn có thể làm được với một chiếc smartphone".

Trong nhóm chúng tôi, Đỗ Trọng Phú là người có thêm nhiều bạn mới trong khu cách ly nhất. Lợi thế về tốc độ, sự lan truyền trên mạng xã hội của báo điện tử đã được anh khai thác triệt để. Những người bạn mới - anh coi đó là món quà vô giá!

Sử dụng điện thoại làm phát thanh

Sử dụng điện thoại trong sản xuất tin, bài phát thanh chưa bao giờ dễ dàng như thế. Vấn đề là bạn chọn đúng ứng dụng mình cần trong kho ứng dụng khổng lồ của Google hay Apple.

Tôi sử dụng Google Note để lưu lại tất cả những tư liệu và tin, bài của mình. 2 chiếc điện thoại sẽ được đồng bộ bằng một tài khoản gmail. Điều đó có nghĩa là tôi vừa có thể dùng 1 điện thoại gọi về phòng thu, 1 điện thoại để hiển thị văn bản. Việc có 2 chiếc điện thoại càng trở nên quan trọng - đặc biệt là bạn nên sử dụng 2 nhà mạng khác nhau - bởi lẽ bạn sẽ cần một chiếc điện thoại để phát sóng 4G còn một chiếc để thực hiện các công việc khác. Thêm nữa, trong trường hợp 1 chiếc điện thoại bị trục trặc, bạn vẫn còn một giải pháp dự phòng. 

Nhà báó Nguyễn Anh Tuấn tác nghiệp cùng một chiến sĩ quay phim của tiểu đoàn

 Ngoài ra, các ứng dụng về biên tập âm thanh cũng khá phổ biến. Tôi thường xuyên dùng ứng dụng Wavepad Free cho công việc của mình. Còn ghi âm tôi sử dụng ứng dụng Recorder của Google với chất lượng âm thanh chỉ kém máy ghi âm chuyên nghiệp chút ít. Tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ những đồng nghiệp của mình tại Ban Thời sự trong việc dàn dựng các tác phẩm phát thanh. Nếu không có họ, chắc tôi sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Kỷ niệm đáng nhớ tại khu bếp ăn

3h sáng ngày 25/3, tôi cùng nhà báo Nguyễn Anh Tuấn quyết định dậy sớm để thực hiện một phóng sự về các chiến sĩ hậu cần tại khu cách ly. Vì không có đế 3 chân hay tay cầm chống rung cho máy điện thoại nên chúng tôi kê mọi thứ có thể; đặt điện thoại lên để có được một khung hình hình như ý. Tiếp đó, tôi là người giữ máy, còn nhà báo Nguyễn Anh Tuấn sẽ dẫn hiện trường. Thậm chí có cảnh quay ngoài trời, chúng tôi còn tận dụng khoảng hở giữa các thanh sắt tại lan can để đặt điện thoại vào đó và... ghi hình.

Bữa cơm đầu tiên trong khu cách ly.

Cả hai anh em phối hợp khá ăn ý nên công việc diễn ra suôn sẻ. Lời bình được nhà báo Nguyễn Anh Tuấn viết trong thư điện tử, còn file hình được gửi nhờ laptop của cán bộ trợ lý chính trị tại tiểu đoàn 2 - đặt ngay cạnh thiết bị phát wifi duy nhất của đơn vị. Phóng sự của Nguyễn Anh Tuấn được phát lại đến 3 lần, trước giờ cơm chiều của toàn khu cách ly.

Lời kết

"Chớ nên phàn nàn là trước mắt mình đất quá hẹp, cứ lùi lại một bước tự khắc thấy nó rộng ra". 14 ngày đã qua, chúng tôi không thấy việc cách ly tập trung là một phiền toái. Ngược lại, đó là cơ hội, là dịp may mà không phải phóng viên nào cũng có được. Chúng tôi có những người bạn mới, được nghe nhiều câu chuyện kể thú vị để làm phong phú thêm vốn sống. Và cuối cùng, chúng tôi phải cảm ơn những chiến sĩ quân đội - nhân vật chính trong các tác phẩm của chúng tôi - đã ngày đêm vất vả vì đồng bào tại các khu cách ly. Chính các anh đã tiếp thêm động lực để chúng tôi làm tốt hơn công việc của mình. 2 tuần tại khu cách ly - một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm báo của chúng tôi./.

Những điều "đầu tiên"trong khu cách ly

- Lần đầu tiên cả nhóm chúng tôi biết được cuộc sống trong quân ngũ, được tắm nhà tắm tập thể, được cắt cỏ, tỉa cây cùng bộ đội...

- Bữa cơm mang đậm hương vị Việt Nam đầu tiên chúng tôi được ăn sau 1 tháng ăn đồ Ấn Độ là tại khu cách ly tập trung gồm: gà kho, trứng rán, đậu phụ rim và rau muống. Tuyệt ngon!

- Lần đầu tiên chúng tôi được tác nghiệp trong phạm vi hẹp như thế. Nơi xa nhất chúng tôi được đến là bếp ăn của tiểu đoàn, cách nơi chúng tôi ở tập trung chừng 300m.

- Lần đầu tiên chúng tôi được trải nghiệm đủ mọi công việc nghề nghiệp từ nối cầu, dẫn hiện trường cho đến... làm nhân vật chính của talkshow.

- Và đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi tác nghiệp mà được mua bảo hiểm rủi ro. 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận