Với vị thế một Đài quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) liên tục nhận được sự tin tưởng và yêu mến của công chúng trong và ngoài nước. Gần 20 năm qua, VOV đã mở 12 cơ quan đại diện Thường trú ở nước ngoài, góp phần đưa Tiếng nói Việt Nam vươn xa, trở thành cầu nối giữa Việt nam và thế giới, đồng thời giúp công chúng trong nước hiểu thêm về tình hình quốc tế.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phía Chính phủ Ấn Độ, ngày mai (12/2), VOV sẽ khai trương cơ quan đại diện tại Ấn Độ. Đây sẽ là cơ quan đại diện thứ 13 của Đài Tiếng nói Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện uy tín và tầm vóc của VOV với tư cách là một cơ quan truyền thông quốc gia đa phương tiện.
Nhân dịp này, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện này.
PV: Thưa ông, ngày 12/2 Đài TNVN sẽ khai trương Cơ quan Thường trú tại Ấn Độ. Xin ông chia sẻ về tầm quan trọng của sự kiện này?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Việt Nam và Ấn Độ là 2 nước có quan hệ truyền thống từ lâu đời, nhất là về mặt văn hóa. Việt Nam và Ấn Độ đã mở cơ quan đại diện tại hai bên từ rất sớm và đến năm 1972 thì 2 nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục phát triển.
Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng đất nước mới. Quan hệ giữa 2 bên được các nhà lãnh đạo 2 nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Jawaharlal Nehru và sau này các thế hệ lãnh đạo đều gắn bó, thân thiết với nhau.
Nhân dân 2 nước rất quý mến, tin cậy lẫn nhau. Do đó, việc Việt Nam tăng cường hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ, trong đó có cả về báo chí, văn hóa, nghệ thuật là điều rất cần thiết. Năm nay, có một điều rất mừng, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) mở Cơ quan thường trú tại Ấn Độ- đây là cơ quan thường trú thứ 13 của VOV ở nước ngoài.
Cùng lúc, hãng hàng không Vietjet Air cũng mở đường bay thẳng đến Ấn Độ, có mấy tuyến tới một số bang của Ấn Độ. Với những “cây cầu” về báo chí, về văn hóa và hàng không này, sẽ làm cho 2 nước xích lại gần nhau hơn nữa.
Đồng thời thông qua báo chí, văn hóa và giao thương thì 2 nước hiểu nhau hơn, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đưa mối quan hệ lên tầm cao và hiệu quả hơn.
Việc mở Cơ quan thường trú tại Ấn Độ chúng tôi cũng đã mong muốn từ lâu. Đài Tiếng nói Việt Nam đã có các cơ quan thường trú ở các nước, các khu vực quan trọng nhất trên thế giới. Tôi tin việc mở cơ quan thường trú VOV tại Ấn Độ không những được lãnh đạo của 2 nước quan tâm mà đặc biệt là công chúng của hai nước cũng quan tâm.
Vì qua kênh báo chí, chúng ta có nhiều thông tin về Ấn Độ và cũng truyền tải nhiều hơn thông tin về Việt Nam cho công chúng Ấn Độ.
Gần đây, tôi và Ngài Đại sứ Ấn Độ đã thảo luận và bày tỏ mong muốn Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí, như Đài Phát thanh Quốc gia Ấn Độ tăng cường hợp tác với nhau nhiều hơn nữa. Việc mở Cơ quan thường trú tại Ấn Độ là cụ thể hóa các kế hoạch của chúng ta.
PV: Ấn Độ nói riêng và các quốc gia Nam Á nói chung có vị trí địa chiến lược rất quan trọng đối với Việt Nam. Vậy, cơ quan Thường trú VOV ở Ấn Độ sẽ đảm nhiệm những nhiệm vụ nào thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Trước hết, bằng cách tiếp cận đất nước Ấn Độ, có thể nói thông tin của chúng ta là thông tin từ đầu nguồn, từ phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thông tin được sử dụng, truyền tải trên phát thanh, truyền hình, kể cả báo in, báo điện tử và chúng ta sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan báo chí khác ở Việt Nam.
Rồi trong hoạt động báo chí, việc phóng viên thường trú xuất hiện tại các sự kiện, các vấn đề quan trọng sẽ làm tăng tính chính xác và tính nhanh nhạy của thông tin. Điều này đối với hoạt động báo chí là cần thiết.
Và một việc nữa cũng thể hiện mối quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, khi mà chúng ta tăng cường các thông tin về báo chí, văn hóa, cùng với những hợp tác về kinh tế, văn hóa, du lịch, an ninh, quốc phòng.
PV: Ấn Độ là một trong những đối tác lớn của Việt Nam, việc mở cơ quan thường trú của VOV ở địa bàn quan trọng này được kỳ vọng sẽ tạo đà thúc đẩy nhiều cơ hội hợp tác mới về thông tin và truyền thông giữa hai nước. Ông đánh giá như thế nào về những cơ hội này?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Cơ hội này bắt đầu từ hai phía. Chúng tôi thấy các bạn Ấn Độ rất sẵn sàng để tăng cường quan hệ giữa hai nước, trong đó có quan hệ về văn hóa và báo chí. Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ giao nhiệm vụ cho cơ quan thường trú của VOV tại Ấn Độ là tăng cường thông tin về Ấn Độ để công chúng Việt Nam hiểu rõ hơn về Ấn Độ.
Mặt khác, cơ quan thường trú cũng có trách nhiệm đưa thông tin tốt, thân thiện về Việt Nam để công chúng Ấn Độ hiểu về Việt Nam. Theo đó, thì chúng ta cũng phải tăng cường sóng phát thanh và truyền hình để người Ấn Độ cũng nghe được chương trình phát thanh và xem được chương trình truyền hình của chúng ta qua hệ thống vệ tinh hay qua internet hoặc là các phương tiện truyền dẫn khác.
PV: Hiện, Cơ quan Thường trú tại Ấn Độ là cơ quan đại diện thứ 13 của VOV ở nước ngoài. Việc mở Cơ quan Thường trú VOV tại Ấn Độ và trước đó là ở nhiều địa bàn trọng yếu khác trên toàn cầu, đã cho thấy một tầm nhìn mới của VOV. Vậy đâu là chiến lược ở quy mô quốc tế mà VOV đang hướng tới thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Trước đây chúng ta thường lấy tin của Thông tấn xã Việt Nam, nhưng mà lúc đó chỉ có tin ngắn, còn bây giờ, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam có thể đảm nhiệm là phóng viên đa phương tiện, “4 trong 1”. Tức là vừa làm phát thanh, vừa làm truyền hình, vừa làm báo điện tử và báo in. Nhiệm vụ và chức năng tăng lên.
Thứ hai nữa, không chỉ làm tin, với các vấn đề, sự kiện quan trọng thì còn phải bình luận để công chúng hiểu được bản chất của sự việc như thế nào. Và điều này cũng khác với nhiệm vụ trước đây của phóng viên thường trú.
Bây giờ phóng viên của chúng ta ở Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Indonesia và nhiều nước..., chúng ta đã có những phóng viên rất giỏi, vừa thông thạo ngoại ngữ, vừa có khả năng giao tiếp trước ống kính, chứ không chỉ là trước micro, âm thanh.
Đây là điều rất khác so với trước đây và có một điểm nữa là trong mấy năm gần đây, chúng tôi quy định, thường trú tại 1 nước có nhiệm vụ bao quát thông tin ở các nước lân cận. Nếu các nước bên cạnh Ấn Độ có sự kiện gì đó thì phóng viên của chúng ta sẽ đến đó tác nghiệp.
Như vậy là chúng ta mở 1 điểm thường trú nhưng không phải ở một nước mà cả các nước xung quanh vùng Nam Á, bên cạnh Ấn Độ, phóng viên thường trú sẽ bao quát những thông tin quan trọng, kịp thời đưa tin phản ánh, không bỏ lọt, để sót sự kiện.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.
Phan Tùng, Thu Hà/VOV.VN