Không thể quên một địa chỉ đỏ

Trạm vô tuyến điện báo sẽ bị tháo dỡ do quy hoạch dự án đường trên cao, nhưng không phải vì thế mà vì tthế mà xóa bỏ đi một di tích lịch sử

Cuối năm 1970, lần đầu bước chân đến 128C Đại La, Hà Nội đập vào mắt tôi là 4 cột ăng ten cao ngất nghểu, một tòa nhà vuông vắn, tường dày cộp, màu trắng, thường gọi là “Nhà trắng”, gần cổng sắt là ngôi biệt thự Tây khá đẹp, mái ngói rêu phong.

Hơn chục năm sau, tìm tư liệu về lịch sử của Đài TNVN, tôi mới biết đây là Đài Phát tín Bạch Mai, người Pháp xây vào năm 1912 để liên lạc từ chính quyền thực dân ở Hà Nội với cả nước, toàn Đông Dương và Pa-ri - thủ đô nước Pháp. Ở đây đã ghi dấu hai sự kiện lịch sử của đất nước, không thể nào quên.

1. Lần đầu tiên phát đi bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, công bố với đồng bào chiến sĩ cả nước và nhân dân thế giới một nước Việt Nam mới chào đời, đánh dấu một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945 tại studio Đài TNVN đặt ở số 4 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội phát đi chương trình đầu tiên của Đài phát thanh Quốc gia mà nội dung trên hết, chủ đạo là 2 phát thanh viên Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Văn Nhất thay nhau đỉnh đạc đọc toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập, được truyền theo đường dây cáp về Đài Bạch Mai phát lên không trung, lan tỏa mọi miền đất nước, vượt qua biên giới “không cần hộ chiếu” đến với nhân dân thế giới. Thế giới biết được một nước Việt Nam độc lập, đứng về phe Đồng minh, chống phát xít, đã có tên trên bản đồ quốc tế qua làn sóng Đài TNVN phát đi từ Điện đài Bạch Mai. Thính giả trong nước và thế giới biết đến một đài phát thanh Quốc gia, tờ báo nói đầu tiên ở Việt Nam và cả Đông Dương cất cao “Tiếng nói Việt Nam”, đài phát thanh bằng tiếng Việt đầu tiên trên thế giới. Thấu hiểu giá trị lịch sử và ý nghĩa của khu Điện đài Bạch Mai nên sau trận bom hủy diệt của B52 Mỹ xuống các cơ sở của Đài TNVN, ông Trần Lâm, giám đốc đầu tiên của Đài Quốc gia đã báo cáo vắn tắt với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là: “may quá, còn sót lại cột ăng - ten, “nhà trắng”, biệt thự ở 128C Đại La”.

2.  Nơi phát đi hiệu lệnh “Toàn quốc kháng chiến”

Trưa 19/12 /1946, bà Dương Thị Ngân, phát thanh viên đầu tiên của Đài TNVN đang cùng tổ biên tập làm việc ở phố Cambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay) thì được lệnh khẩn cấp, tuyệt mật chuyển về 128C Đại La. Cũng chiều hôm ấy Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia Việt Nam Võ Nguyên Giáp lệnh cho toàn thể lực lượng vũ trang. Nội dung mật lệnh “Chuyến hàng sẽ đến lúc 18 giờ ngày 21/12. Hàng mang mã hiệu A + 2, B - 2. Chú ý theo dõi đón hàng đúng giờ”. Ta quy ước “chuyến hàng sẽ đến”, nghĩa là tổng tiến công bắt đầu. A + 2, B - 2, là giờ cộng thêm 2, ngày trừ đi hai, tức là Tổng tiến công bắt đầu từ 20 giờ, ngày 19/12. Kèm theo đó, Tổng chỉ huy quy ước khi Đài TNVN phát đi câu “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu!”. Đó là tín hiệu cho các mặt trận tiến công.

Người trong cuộc với nhóm công tác đặc biệt Dương Thị Ngân lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Tân, đội trưởng đội tự vệ quyết tử gồm 11 người thuộc trung đội thành Hoàng Diệu. Đội của ông có 2 nhiệm vụ tuyệt mật là bảo vệ tổ công tác Đài Phát thanh và phá hủy Điện đài Bạch Mai, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Chập tối ngày 19/12, ông Nguyễn Văn Tân nhận được mật lệnh của Ủy ban Kháng chiến Hà Nội “Phá Đài trước khi rút lui”. Ông Tân kể lại: “Tối hôm ấy Hà Nội lạnh lắm, nhưng người tôi nóng rực. Tôi thổi hồi còi hiệu lệnh thứ hai thì điện thành phố vụt tắt, tiếng đại bác vang rền từ pháo đài Láng, chỉ còn ánh điện chạy bằng máy nổ ở phòng phát thanh. Bà Dương Thị Ngân kể lại: “Lúc ấy đầu tôi ong lên, tim đập mạnh, tay bấm mạnh nút đọc. Trấn tĩnh giây lát, tôi đọc mạnh, dứt khoát: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Tiếng súng đại bác đã nổ ở Hà Nội. Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Sau đây là mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng:

Tổ quốc lâm nguy!

Giờ chiến đấu đã đến!

Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung - Nam - Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước.

Buổi phát thanh phải ngừng ở đây. Xin mời đồng bào đón nghe vào sáng mai như thường lệ”.

Điện trong phòng phát thanh đặt trong tầng trệt ngôi biệt thự gần cổng vụt tắt, tổ công tác bà Dương Thị Ngân chạy nhanh ra đường, lên xe “con voi” xuôi Hà Đông, lên Chùa Trầm kịp 6 giờ sáng hôm sau, ngày 20/12/1946, như đã hẹn với thính giả phát đi chương trình phát thanh đặc biệt, đọc toàn văn Lời kêu gọi Toàn Quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu chuyện lịch sử cảm động này do ông Nguyễn Văn Tân và bà Dương Thị Ngân kể lại. Lúc bấy giờ ông Tân đã ngoài 80. Tôi thưa là cụ cứ ở nhà C4 tập thể Kim Liên, chúng cháu sẽ đến ghi chép lại, nhưng cụ không nghe. Cụ bảo: “Không hiểu sao cứ đến Điện đài Bạch Mai ở 128C Đại La, hay lên 58 Quán Sứ tôi mới nhớ hết mọi chuyện”. Bà Dương Thị Ngân có lần bảo tôi: “Run rủi thế nào, năm 1977, Đài lại phân phối cho gia đình vợ chồng tôi ở ngay ngôi biệt thự mà tối 19/12/1946, tôi đọc bản tin đặc biệt của Đài làm hiệu lệnh cho “Toàn quốc kháng chiến”.

Cùng ở ngôi biệt thự này là gia đình nhà báo, nhà ngoại giao lão thành Lý Văn Sáu, người có công lớn không chỉ với ngành PT-TH Việt Nam mà còn đóng góp lớn cho ngành ngoại giao nước nhà.

Giờ đây các ông Trần Lâm, Lý Văn Sáu, Nguyễn Văn Nhất, Dương Thị Ngân, Nguyễn Văn Tân đã về với tổ tiên, với Bác Hồ, nhưng công tích còn đó, in dấu trong từng lối ngõ, căn phòng ngôi biệt thự rêu phong.

Vì sự phát triển của thành phố Hà Nội, cụm ăng - ten, “nhà trắng” sót lại sau trận bom hủy diệt của B52 nay không còn nữa, chỉ để lại ngôi biệt thự mang dấu ấn lịch sử cho cả khu Điện đài Bạch Mai ở tuổi 107

Nay mở rộng đường vành đai 2, xây đường trên cao cũng vì sự phát triển của Thủ đô, cũng vì cuộc sống ngày một tốt hơn lên, nên ngôi biệt thự này có nguy cơ bị phá bỏ. Nhưng không phải vì thế mà xóa bỏ đi một di tích lịch sử mà trong đó không chỉ là dấu ấn của Đài Phát thanh Quốc gia mà còn là chiến công của Thủ đô Hà Nội, là địa chỉ đỏ của chiến tranh Vệ quốc.

Trong những ngày xao xuyến phải rời khỏi ngôi nhà thân thương, anh Nguyễn Hồng Dương, con trai của ông bà Nguyễn Văn Nhất, Dương Thị Ngân có bài thơ dài đẫm nước mắt với câu kết “Nếu như ước một điều thôi /Ta sẽ ước ngôi nhà xưa yêu dấu”.

Xin chia sẻ cùng anh!./.

Tổng giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ: Đề nghị dựng biển di tích

Trao đổi với Tuổi Trẻ TP.HCM, ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài TNVN, cho biết những dịp kỷ niệm 50 năm (năm 1999) và 60 năm (năm 2009) thành lập Đài TNVN, đài có gửi văn bản đề nghị lên UBND TP. Hà Nội có biện pháp bảo tồn các di tích lịch sử của đài, trong đó có Trạm phát sóng Bạch Mai, nhưng việc này chưa nhận được sự quan tâm của thành phố.

Đài rất khó làm gì bởi các công trình thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai đã thuộc sở hữu của tư nhân hoặc cơ quan khác. Vì vậy, khi nghe thông tin căn biệt thự Pháp cổ và công trình nhà một tầng do người Pháp xây dựng thuộc Trạm Bạch Mai sẽ bị dỡ bỏ để làm đường trên cao, dù rất tiếc nuối nhưng Đài Tiếng nói Việt Nam cũng phải "đồng ý với thành phố".

Ông Kỷ cũng cho biết, trụ sở chính của đài hiện nay ở 58 Quán Sứ hơn chục năm trước đã không giữ được các biệt thự Pháp cổ (vốn là Đài Con Nhạn của Pháp) vì xây trụ sở mới. Thế nên, những dấu tích lịch sử về những ngày đầu thành lập của Đài Phát thanh quốc gia đến nay chỉ còn lại mấy công trình ở Trạm Bạch Mai nhưng cũng không thể giữ. Hiện, Đài đang đề nghị TP. Hà Nội dựng biển di tích ghi lại lịch sử của trạm phát sóng này. Nếu thực hiện được việc này thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận