'Chuyến xe cuối cùng' - bài thơ tiên cảm

Nhà thơ, nhà báo Trần Mạnh Thường, nguyên Trưởng ban VH-NT, Đài TNVN là người yêu công việc, sẵn lòng truyền lửa cho thế hệ sau, không hề tính toán phân vân.

 

"...Còn bao nhiêu nỗi yêu thương/ Gửi cho người đã nắng sương với mình…”. Cứ mỗi lần nghe, đọc, hoặc nghĩ đến câu thơ này, cổ họng tôi lại nghẹn lại. Tôi nhớ đến ông, dáng người tầm thước, khuôn mặt phúc hậu và cặp kính cận rất dày chăm chú soi vào tờ báo đang đưa sát lên tới mũi. Ông là nhà thơ nhà báo Trần Mạnh Thường!

Còn nhớ, hôm đầu tiên rụt rè bước vào Ban Văn học - Nghệ thuật Đài TNVN, tôi cùng một số anh chị em phóng viên, biên tập viên mới tuyển dụng được đón tiếp giản dị chu đáo.

Với tư cách trưởng ban, ông chủ động giới thiệu chúng tôi với từng người. Tất cả cùng ngồi trong phòng làm việc của ông, quanh chiếc bàn rộng thường dùng luôn làm bàn họp -  họp đảng ủy, công đoàn, họp phòng, đoàn viên, nhóm... cũng ở đây. Bữa đó liên hoan nhẹ, dư vị của chén trà nóng và múi quýt thơm ngọt đến nay vẫn còn ngân rung nơi đầu lưỡi.

Nhà thơ Trần Mạnh Thường - nguyên Trưởng ban Văn học -Nghệ thuật mặc áo vàng, thứ 3 từ phải qua.

Những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, ân cần, cả sự trông đợi như thể sẽ góp phần là một nhân tố mới mẻ. Ở nhà thơ, nhà báo Trần Mạnh Thường là sự giản dị, giản dị đến xuề xòa, từ cách xưng hô, đến lối giao tiếp, cách sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ. Hình như không có khoảng cách giữa một vị trưởng ban với các phóng viên, biên tập viên mới chân ướt chân ráo vào làm việc. Hình như không có khoảng cách giữa ông và mọi người, hoặc nếu có, thì đó là sự tôn trọng, kính nể, như với một người anh, người bác, người chú trong gia đình. Hiếm khi thấy ông phàn nàn, trách móc ai. Nếu có, thì nét cau mày ấy, ngữ điệu bộc trực như người trong nhà ấy, chẳng ai có thể giận ông. Đặc biệt với người trẻ, ông luôn động viên. Động viên khích lệ cả khi ông đã về hưu. Nếu trong lòng tôi có niềm hân hoan với công việc, một phần là được tiếp xúc với những người như ông. Cả đôi khi chán nản, lại cố xốc mình lên, vì sợ sẽ phụ một tấm lòng.

Ông không phải là người hoàn hảo. Ông có những ưu điểm và nhược điểm của mình. Nhiều người quý ông và cũng có những người chưa thực quý. Điều ấy cũng hết sức bình thường. Nhưng có lẽ không ai có thể coi ông là kẻ thù. Ông thuộc một thế hệ mà lịch sử và thời đại góp phần làm nên nhân cách. Ông yêu công việc, yêu Tiếng nói Việt Nam, sẵn lòng truyền lửa cho thế hệ sau, không hề tính toán phân vân. Hình thức với ông là thứ bên ngoài. Cái bên trong mới là quan trọng nhất. Có lẽ thứ kén chọn nhất với ông là trà. Trà pha uống phải đậm, thơm, mộc kèm nước nóng giòn. Cũng vậy, khi duyệt các chương trình văn nghệ, hay khi gợi ý, định hướng đề tài, bao giờ ông cũng chú trọng nội dung. Một chương trình phát thanh hay, trước hết phải chứa đựng những tác phẩm hay, những chất liệu quý. Và quan trọng nhất là phải vì cuộc sống, phải hướng tới những người lao khổ đang một nắng hai sương bươn bả ngoài cuộc đời.

“Còn bao nhiêu nỗi yêu thương

Gửi cho người đã nắng sương với mình”

Vâng, người đã nắng sương sương nắng cùng ông, hiện đang sống tại một căn hộ chung cư ở Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội). Người phụ nữ gốc thành Nam xởi lởi. Thi thoảng, chị em chúng tôi đến thăm, bà lại cảm ơn và kể hết chuyện này đến chuyện khác, lại nhắc đến “ông Thường”, và gạt nước mắt nhớ lại buổi sáng định mệnh, một buổi sáng đầu mùa hạ, khi ông đi tập thể dục về, tắm rửa, nghe đài, ăn sáng và ngồi trên sofa đọc sách, như mọi lần. Chỉ khác mọi lần, ông ôm ngực kêu đau, và rồi ra đi mãi mãi…

“Chuyến xe cuối cùng” được viết năm 2013, trước khi ông mất một thời gian. Đó là bài thơ cuối cùng, có lẽ cũng là bài thơ hay nhất ông để lại. Từng cặp lục bát nhuần nhuyễn, với những hình ảnh thanh âm như được viết ra từ một giấc mơ, một giấc mơ lạ mà quen,

“Tưởng rằng nhà mới ở đâu/ Ai ngờ mình biết từ lâu lắm rồi/ Cũng có đất, cũng có trời/ Có cây có lá, có người ở bên/ Rì rầm tiếng lạ tiếng quen/ Chao ôi toàn những người hiền quanh ta!...”.

Ông đã dự cảm cho sự ra đi của mình như thế. Bình thản, an yên, như đón nhận một hạnh phúc. Bởi ông đã sống trọn vẹn như hằng tâm niệm: “Nuôi cây nảy lộc đâm chồi/Làm nên bóng mát cho người nghỉ chân”.

Khi nghe tin ông qua đời, điều duy nhất tôi làm được, là nhận bản thảo chép tay bài thơ này, gõ vi tính, lưu giữ cẩn thận vào một file riêng, rồi gửi sang báo Văn nghệ kèm ảnh chụp bài thơ. Sau đó, tôi cũng đưa bài thơ ấy vào một buổi thu thơ gần nhất, chọn một giọng ngâm phù hợp nhất, viết lời giới thiệu đầy chiu chắt trong chương trình Tiếng thơ

Và giờ đây, bài thơ ấy lại làm tôi rơi nước mắt…

Chuyến xe cuối cùng

Trần Mạnh Thường

Tưởng rằng nhà mới ở đâu

Ai ngờ mình biết từ lâu lắm rồi

Cũng có đất, cũng có trời

Có cây có lá, có người ở bên

Rì rầm tiếng lạ tiếng quen

Chao ôi toàn những người hiền quanh ta!...

 

Buồn vui mấy nỗi chuyển nhà

Cầm bằng một chuyến đi xa về gần

Bao nhiêu đau khổ trầm luân

Lặng im gửi bánh xe lăn dọc đường!

Còn bao nhiêu nỗi yêu thương

Gửi cho người đã nắng sương với mình!

 

Ở cùng thập loại chúng sinh

Chỉ xin giữ lại chút tình này thôi:

Nuôi cây nảy lộc đâm chồi

Làm nên bóng mát cho người nghỉ chân

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận