Người để lại cho con cháu cái lý lịch

Cái hình ảnh, cái lý lịch ấy ông đã để lại không chỉ cho con cháu ông...

 

Gần 30 năm trước, khi mới bước chân về Thời sự, gây ấn tượng mạnh với tôi là một người gày gò dáng hơi lòng khòng. Sau, tôi được biết ông là nhà báo Trần Thiên Nhiên, cây bút hàng đầu của Đài Tiếng nói Việt Nam và của làng báo nước ta. Thật vinh hạnh, bởi tôi từng nghe danh ông trên Đài trước đó hàng chục năm, qua những phóng sự, bút ký, tùy bút, và những câu chuyện đêm khuya.

Tôi được nghe tên ông từ nhỏ vì cha tôi là người “nghiện” nghe Đài. Còn nhớ, sau ngày đất nước thống nhất, cha tôi đi công tác Sài Gòn mang về cái đài hiệu Aiwa chạy cả điện và pin, mất điện vẫn nghe được, tuy có lúc sóng ậm ạch nên anh em tôi hay gọi là cái đài “Ăn vạ”. Cái đài ấy có hộp băng cát-xét, nên cha tôi hay nhờ tôi ghi âm những bản tin thời sự, phóng sự, bút ký để nghe lại, trong đó có nhiều bài của nhà báo Trần Thiên Nhiên. Sau này học báo chí, tiểu luận và luận văn tốt nghiệp của tôi có trích dẫn và phân tích các bài báo của ông. Nội dung nhiều bài báo gắn với tên tuổi Trần Thiên Nhiên như “Tặng Đảng cái bằng khen”, “Sự kiện Hàng Đào”, “Con kiến mà kiện củ khoai”, “Bom nguyên tử và quyền con người”, “Từ giây phút này đây, hỡi sông Đà”… cũng như phong cách viết báo của ông được sinh viên báo chí những năm 90 của thế kỷ trước rất hâm mộ, đọc đi đọc lại, nghiên cứu, trích dẫn, phân tích... Tác phẩm báo chí của ông giàu hình ảnh, câu chuyện giản dị mà ý nghĩa sâu sắc, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, luận giải thuyết phục, dẫn dắt duyên dáng.

Hồi đó ở Thời sự có 2 “ông già” sáng sáng đến dự giao ban rồi đi, có lần đi lâu lâu mới về. Tôi hỏi anh trưởng phòng rằng 2 bác ấy làm gì, anh cười bảo rằng các bác ấy từng là “sếp” của bọn anh nhưng gần đây giao việc quản lý cho lớp trẻ để đi và viết, sợ phải ngồi ở nhà “gác gôn” mãi ngòi bút nó mòn đi. 2 “ông già” ấy là Trần Thiên Nhiên và Thắng Lộc. Một lần đi công tác biên giới, ông Nhiên rủ tôi vòng qua nhà đón ông Lộc, nhưng ông Lộc bận việc nhà đột xuất không đi được. Ông Nhiên nói: “Tiếc quá, đi với ông ấy cháu sẽ được nghe kể nhiều chuyện hay!”. Tôi hỏi: “Chuyện gì ạ?”. Ông Nhiên nói: “Chuyện nghề, chuyện đời, chuyện ứng xử người với người…”.

Nói vậy chứ trẻ như tôi hồi đó chưa thể hiểu hết ý nghĩa những câu chuyện của các nhà báo lão thành, càng khó mà biết được cái tâm, cái tầm của những “cây đa, cây đề”. Hai năm sau, ông Lộc đã đi thật xa, đi không về. Một năm sau nữa, ông Nhiên nghỉ hưu, nhưng vẫn đi và viết cho Thời sự thêm nhiều năm, đến khi sức khỏe không cho phép nữa ông mới nghỉ hẳn. Tôi, vì thế, có may mắn được đi và viết cùng ông Nhiên hàng chục chuyến.

Lên đỉnh Mã Pì Lèng

Hôm nay, tôi vẫn thấy hiển hiện trước mắt nguyên vẹn hình ảnh những chuyến đi “để đời” hồi đó như vừa mới hôm qua, vẫn nghe vẳng bên tai những câu chuyện đầy ý nghĩa của 2 “ông già” Thời sự. Nhớ nhất là chuyện ông Nhiên bảo tôi rằng: “Cháu trực thời sự và chịu khó đi thực tế thì không cần học báo chí!”. Tôi hỏi: “Không học cháu làm sao viết được?”. Ông bảo: “Học từ công việc nhanh hơn. Chỉ cần chịu khó đi, quan sát, hỏi, ghi chép, suy ngẫm, rồi viết ra, nghĩ được gì cứ viết hết ra!”. Tôi lại hỏi: “Lần trước đi về cháu đã làm như thế, nhưng tại sao chưa thành bài báo?”. Ông cười nói: “Chưa thành bài báo thì cất bản thảo đi, rồi trực thời sự, tuần sau lấy ra đọc như tiếp nhận thông tin lần đầu, rồi viết lại như mới, thế nào cũng khá hơn!”. Tôi làm theo cách ông Nhiên bảo, và một thời gian ngắn sau tôi đã có những bài báo đầu tiên, chưa hay, nhưng cũng tàm tạm.

Nhà báo Trần Thiên Nhiên rất ít khi tụ tập quán xá với đồng nghiệp cũng như những người ông cần gặp để lấy thông tin, những nhân vật trong các tác phẩm của ông. Quí mến thì ông mời tới ăn cơm tại nhà ông ở 128C Đại La. Căn hộ tập thể chật hẹp này từng đón tiếp một đại biểu quốc hội trẻ nhất hồi ấy. Anh này có tài lại có duyên, nên sau trở thành con rể của Đài, làm tới Chủ tịch một tỉnh ở phía Nam, vừa nghỉ hưu. Có lần tôi hỏi ông Nhiên tại sao ông ít giao du, ông nói là do ông không muốn người khác nhìn vấn đề méo mó đi. Tôi hỏi: “Ai lại dám nhìn sai lệch về các bậc lão thành?”. Ông nói: “Càng lão thành càng phải giữ gìn, không để lại cho con cháu nhiều tài sản tiền bạc thì cũng phải để lại cái hình ảnh, cái lý lịch trong sạch”.

Nơi đây ghi dấu ấn của những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc, của đất nướcNhớ đến đây, tôi hiểu sâu hơn điều ông Nhiên nói. Cái hình ảnh, cái lý lịch ấy ông đã để lại không chỉ cho con cháu ông, mà từ lâu rồi đã vang lên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và còn mãi trên các trang báo nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia, trong những trang tiểu luận và luận văn tốt nghiệp của sinh viên báo chí. Cũng từ lâu rồi, cái hình ảnh, cái lý lịch ấy đã in sâu trong lòng đồng nghiệp và lớp lớp học trò là đàn em, đàn cháu của ông./

GTS

 

Bình luận

    Chưa có bình luận