TRẦN THIÊN NHIÊN - Một cái tên đã trở thành thương hiệu của Chương trình Thời sự nói riêng và Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung - vừa ra đi ở tuổi 86.
Ngày 19/12/1946, khi mới 12 tuổi, ông đã trở thành liên lạc viên cho tự vệ thành Hà Nội, tham gia chiến đấu trên các chiến luỹ của Thủ đô. Sau khi bộ đội ta hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tại Hà Nội rút lên chiến khu, từ tháng 1/1947, ông làm liên lạc viên, nhân viên văn thư tại văn phòng Huyện uỷ huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam và từ tháng 7/1947 đến tháng 5/1952 tại văn phòng Tỉnh uỷ Ninh Bình. Tuy tuổi còn nhỏ, sống xa gia đình nhưng ông đã hoàn thành tốt các phần việc được giao.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn mới, ông xin tòng quân , từ tháng 5/1952 đến tháng 6/1953 là trinh sát viên thuộc tỉnh đội Ninh Bình. Từ tháng 7/1953 đến tháng 10/1954 ông được điều trở lại làm việc tại Văn phòng Uỷ ban hành chính-kháng chiến tỉnh Ninh Bình.
Hoà bình lập lại trên niền Bắc nước ta, từ tháng 10/1954 đến tháng 2/1956, ông được cử đi học lớp phiên dịch tiếng Trung tại Nha học xá Trung ương Hà Nội. Ra trường, từ tháng 2/1956 đến tháng 19/1964, ông làm phiên dịch tiếng Trung tại Bộ Công nghiệp và công trường xây dựng khu gang thép Thái Nguyên, rồi chuyển sang làm phiên dịch tiếng Trung tại Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh.
Do thành tích công tác và năng lực làm việc, tháng 8/1964 ông được cơ quan cử đi học tại Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1968, tốt nghiệp Đại học, ông được phân về công tác tại tạp chí Tuyên huấn (thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương). Năm 1972, ông được điều về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trở thành một trong những cây bút thuộc “ thế hệ Vàng” của phòng Thời sự, Ban biên tập Đối nội (nay là Ban biên tập Thời sự)
Với tài chữ nghĩa, với vốn kiến thức thực tế và lăn lộn cơ sở những bài báo của nhà báo Trần Thiên Nhiên không chỉ có báo mà còn nặng chất văn chương nên rất phù hợp với làn sóng phát thanh vừa có thông tin lại phải hay để lọt tai thính giả, đi vào lòng người... Ông không chỉ nổi tiếng với nhiều bài phóng sự, bình luận mà còn là tay viết bút ký, ký sự truyền thanh mà mỗi lần tết đến xuân về phát trên sóng Thời sự đều trở thành những bài viết để đời, mẫu mực.
Giờ đây, ông đã đi xa... nhưng thương hiệu “Trần Thiên Nhiên” sẽ còn mãi trong công chúng phát thanh một thời và các đồng nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam./.