10 năm chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu: Bám sát tiêu chí: đúng, trúng và hay

Các chàng trai, cô gái Cơ Tu ngày nào bỡ ngỡ rời núi về phố làm phát thanh viên, phóng viên… nay tên tuổi họ đã rất thân quen với thính giả.

 

10 năm hòa làn sóng tiếng nói Việt Nam

Ngày 12/10/2019 - tròn 10 năm, Cơ quan thường trú (CQTT) khu vực miền Trung- Đài TNVN (VOV) phát sóng chính thức chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu.

Thực hiện Chương trình phát thanh (CTPT) tiếng Cơ Tu dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực miền Trung ra đời vào thời điểm ấy có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương VII - khoá IX về công tác dân tộc. Với diện phủ sóng rộng lớn của VOV, CTPT tiếng Cơ Tu mang đến cho đồng bào vùng núi, vùng cao, vùng biên giới nhiều thông tin cần thiết. Chương trình này đáp ứng sự mong mỏi từ bao đời nay về nhu cầu thông tin bằng tiếng mẹ đẻ của hàng vạn người dân Cơ Tu sống dọc dải Trường Sơn thuộc các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, cộng đồng Cơ Tu sống dọc biên giới Việt Nam - Lào và một số dân tộc thiểu số có nền văn hóa và ngôn ngữ tương đồng với dân tộc Cơ Tu.

Nhớ lại ngày đầu phát sóng, tiết mục “Dưới mái nhà Gươl” mang đậm bản sắc văn hóa người Cơ Tu đã tạo dấu ấn khó phai. Từ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến những hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế... đều được kể lại “Dưới mái nhà Gươl. Cách dẫn chương trình theo hình thức câu chuyện có diễn xuất, hội thoại… mang đến cho người nghe cảm giác gần gũi.

Ông Briu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, địa phương có trên 90% dân số là người Cơ Tu khẳng định:“Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu với nhiều chuyên mục thiết thực, gần gũi đem lại luồng sinh khí mới, góp phần xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế người Cơ Tu ở dãy Trường Sơn

Trước yêu cầu đổi mới, CQTT khu vực miền Trung đã 4 lần đổi mới toàn diện CTPT tiếng Cơ Tu. Đó là, sau gần 1 năm phát sóng, ngày 1/10/2010, CQTT khu vực miền Trung tăng thời lượng phát sóng CTPT tiếng Cơ Tu từ 30 phút lên 45 phút/chương trình. Khi tăng thời lượng phát sóng chương trình có nhiều chuyên mục, tiết mục gần gũi, thiết thực với thính giả; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, bám sát đời sống đồng bào Cơ Tu. Năm 2013, trang thông tin điện tử Cơ Tu chính thức ra mắt với giao diện được trình bày bắt mắt, nội dung phong phú. Đây cũng là trang thông tin điện tử duy nhất được trình bày bằng 2 thứ tiếng Cơ Tu và tiếng phổ thông. Các chuyên mục như “Ca nhạc dành cho bạn trẻ”, “Bài hát đi cùng năm tháng”, “Âm nhạc các dân tộc Việt Nam”,… kèm hình ảnh và file âm thanh… tiện lợi cho người đọc, người nghe. Trang thông tin điện tử Cơ Tu tuy sinh sau đẻ muộn nhưng luôn dẫn đầu về lượng truy cập hằng tháng.

Chương trình phát thanh tiếng Cơ Tu là chương trình duy nhất trong 12 chương trình tiếng dân tộc của Đài TNVN đoạt 2 giải Vàng, 2 giải Bạc, 1 giải đồng qua các kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc và một giải Nhất liên ngành.

Năm 2015, chương trình có sự thay đổi căn bản về chất, hướng đến đối tượng phục vụ là cộng đồng dân tộc Cơ Tu. Chương trình có thêm những tiết mục, chuyện mục như: Cùng nhau bàn cách làm ăn, Thầy thuốc của buôn làng, Dưới mái Nhà Gươl, Văn hoá các dân tộc anh em...Quốc hội với người dân, chuyên mục Dành cho phụ nữ, chuyên mục Du lịch qua sóng phát thanh, Tìm hiểu chính sách và pháp luật, chuyên mục Dành cho thanh niên, chuyên mục Dành cho người cao tuổi, chuyên mục dành cho thiếu nhi... Công việc nhiều nên các biên tập viên người Cơ Tu chỉ đáp ứng khoảng 60-70% khối lượng công việc.

Ông Phạm Tấn Tư, Giám đốc CQTT khu vực miền Trung

Không ngừng đổi mới

Nhân kỷ niệm 10 năm đưa tiếng nói của đồng bào Cơ Tu hòa vào làn sóng TNVN, CQTT khu vực miền Trung thực hiện Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng CTPT tiếng Cơ Tu. Lần này, chương trình được đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, theo hướng thông tin gần gũi, thiết thực; hình thức ngắn gọn, cụ thể, dễ tiếp nhận đối với đồng bào dân tộc Cơ Tu. Các chuyên mục, tiết mục phát thanh hằng ngày tạo nên sự tương tác cần thiết giữa chương trình với thính giả. Nội dung tập trung những vấn đề về dân tộc miền núi, ưu tiên phản ánh những hoạt động các tỉnh miền Trung và cộng đồng dân tộc Cơ Tu. Các chuyên mục, tiết mục được thay đổi sát thực tế và phù hợp hơn với đồng bào Cơ Tu; thực hiện những bài viết có chiều sâu, phát hiện vấn đề, giới thiệu các nhân tố mới, điển hình người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới hình thức dẫn chương trình; đảm bảo đúng định hướng tuyên truyền của lãnh đạo Đài TNVN. Bản tin hằng ngày được cập nhật phong phú, đảm bảo tính vùng miền và toàn quốc, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng Cơ Tu và các dân tộc anh em.

Lãnh đạo cơ quan thường trú miền Trung và tập thể phòng tiếng dân tộc.

Các chàng trai cô gái Cơ Tu ngày nào bỡ ngỡ rời núi về phố làm phát thanh viên, phóng viên, nay đã học xong đại học báo chí, ngày càng có nhiều kinh nghiệm. Những cái tên Alăng Lợi, Hóih Nhàn, Vơních Oang, Aviết Sĩ, A Lăng Kim Cương nay đã đi vào lòng thính giả với phong cách riêng.

“Chúng tôi bám sát phương châm là nói cho đồng bào nghe, nói về đồng bào, tức là phản ánh đời sống, những gì thiết thực với đồng bào. Và chúng tôi cũng tạo một diễn đàn là để đồng bào nói”- ông Phạm Tấn Tư, Giám đốc CQTT khu vực miền Trung.

Chương trình được lãnh đạo Đài TNVN, Ban Phát thanh Dân tộc (VOV5) đánh giá có nhiều nỗ lực. Cái được của chương trình là đảm bảo cân đối các vấn đề tuyên truyền về miền núi dân tộc trong nước, trong khu vực, sử dụng hài hòa các thể loại phát thanh. Ông Phạm Tấn Tư, Giám đốc CQTT khu vực miền Trung - Đài TNVN nhấn mạnh: “Với nhu cầu thông tin của đồng bào ngày càng cao, vì thế những người sản xuất chương trình phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, bám sát thực tế cuộc sống, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con để kịp thời chuyển tải những thông tin mà bà con cần nghe. Trong mỗi chương trình, chúng tôi ý thức được rằng có 3 yếu tố trọng tâm, đó là đúng, trúng và hay. Đúng ở đây là đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đúng nơi, đúng điểm, đúng vùng, đúng đối tượng; trúng là trúng thời điểm tuyên truyền, trúng cái bà con đang cần muốn nghe, trúng với yêu cầu đòi hỏi thực tế cuộc sống. Một yếu tố nữa là hay. Tiêu chí này phụ thuộc vào sự sáng tạo của người làm báo phát thanh.”

Hành trình 10 năm qua đánh dấu sự lớn mạnh của những người thực hiện CTPT tiếng Cơ Tu trong tập thể ngôi nhà VOV miền Trung. Cũng từ đây, đội ngũ những người làm chương trình sẵn sàng tâm thế, tiếp nối truyền thống, thực hiện những chương trình hấp dẫn hơn, phục vụ tốt đồng bào Cơ Tu ở dải đất miền Trung thân yêu./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận