Người làm báo dấn thân và nỗi lo phơi nhiễm

Dù biết rõ những rủi ro có thể xảy đến trong khi tác nghiệp, nhưng những phóng viên tham gia đưa tin về vụ cháy vẫn không thể lường được khả năng phơi nhiễm

 

Dù biết rõ những rủi ro có thể xảy đến trong khi tác nghiệp, nhưng những phóng viên tham gia đưa tin về vụ cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) vẫn không thể lường được khả năng phơi nhiễm độc thủy ngân.

Tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Nguyễn Ngân

Dấn thân vì độc giả

19h tối, buông bát cơm đang ăn dở, vội vã lao đến hiện trường vụ hỏa hoạn từ những phút đầu tiên khi xảy ra đám cháy, phóng viên trẻ Nguyễn Văn Ngân (Nguyễn Ngân, Báo Điện tử VOV) là một trong số phóng viên có mặt sớm nhất để đưa tin trực tiếp về vụ hỏa hoạn tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) vào tối 28/8/2019 và chỉ rời khỏi hiện trường về nghỉ vào lúc 3h sáng hôm sau. Rồi chỉ vài tiếng sau đó, 9h sáng ngày 29/9, Nguyễn Ngân đã lại có mặt ở hiện trường vụ hỏa hoạn để tiếp tục có những thông tin mới nhất truyền tải tới độc giả.

Nguyễn Ngân đã phải để lại hầu hết đồ nghề tác nghiệp ở “vòng ngoài”, chỉ mang theo 1 chiếc điện thoại thông minh, đóng giả làm nhân viên PCCC để có thể tiếp cận gần nhất với hiện trường đám cháy, dùng điện thoại chụp ảnh, quay clip... Tác nghiệp suốt hơn 8 giờ đồng hồ với cái bụng rỗng, đói, mệt nhưng Ngân vẫn bám hiện trường cho đến khi đám cháy tạm thời được khống chế thì anh mới về nghỉ khi trời tờ mờ sáng.

Nhà báo Nguyễn Ngân (đội mũ) tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: Tuấn Mark

Vẫn còn nguyên cảm giác bàng hoàng như khi trực tiếp chứng kiến, đưa tin “bà hỏa” nuốt trọn Công ty Rạng Đông, Nguyễn Ngân chia sẻ: “Xác định nghề báo là nghề vất vả, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, công tác tại một cơ quan báo chí lớn như VOV, với đặc thù báo điện tử là phải nhanh, chính xác và trực tiếp, dù biết là có rủi ro nhưng nếu không dấn thân tới hiện trường thì sẽ không thể có những thông tin xác thực nhất, đáp ứng được yêu cầu công việc, yêu cầu thông tin cung cấp tới độc giả”.

20h ngày 28/8, đang trên đường về nhà sau một ngày vất vả với việc phản ánh tình trạng giao thông trên địa bàn, phóng viên Đào Duy Đăng (Kênh VOV Giao thông) lại rẽ ngang đến hiện trường vụ cháy ngay khi nhận lệnh điều động qua điện thoại của trưởng phòng, tiếp tục phản ánh thông tin vụ cháy. Trong số hàng trăm phóng viên đến tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy, anh Đăng là người thuộc rõ địa hình, đường sá quanh khu vực Công ty Rạng Đông nhưng cũng phải rất vất vả với nhiều “ngón nghề” ngụy trang và mất hơn 1h mới tiếp cận đươc hiện trường vụ hỏa hoạn, bởi toàn bộ khu vực đã bị cơ quan chức năng phong tỏa trên diện rộng.  Vì vụ hỏa hoạn xảy ra vào lúc đêm tối, hiện trường xung quanh bị phong tỏa nên không thể mua được thức ăn, nước uống… khi tác nghiệp.

Anh Đăng cho biết: “Khi tới hiện trường, người dân quá đông và đám cháy quá lớn khiến việc tác nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã phải để lại xe máy ngoài đường để đi bộ tới hiện trường. Lúc ấy chỉ lo mất xe nhưng cũng không biết làm thế nào, cũng không mua được đồ ăn tối. Tác nghiệp tới 3h sáng hôm sau ở quanh khu vực ngõ 342 Khương Đình, nơi khu nhà kho của Công ty Rạng Đông đang cháy dữ dội và chỉ cách đám cháy khoảng 10m nên ghi nhận được những thông tin, hình ảnh xác thực nhất cung cấp tới độc giả của VOV Giao thông”.

Nghề báo vẫn là “nghề nguy hiểm”

Là phóng viên có kinh nghiệm, từng tham gia đưa tin trực tiếp nhiều vụ hỏa hoạn, lũ lụt,… cả Nguyễn Ngân và Duy Đăng đều hiểu rõ khả năng rủi ro khi tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường và tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân khi tác nghiệp. Hành động dấn thân vì công việc luôn được cân nhắc cẩn thận, bởi: “không có cái giá nào là xứng đáng nếu có tai nạn xảy ra cho bản thân”.

Phóng viên Duy Đăng chia sẻ: “Dù có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp trong điều kiện khó khăn tại hiện trường các vụ cháy nổ nhưng vẫn không thể lường hết rủi ro. Qua 10 năm làm báo, bản thân tôi luôn xác định nghề báo là “nghề nguy hiểm”. Mọi kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy không bao giờ là đủ. Rủi ro luôn có thể xảy đến bất cứ lúc nào và không lường trước được, ngay cả khi đám cháy đã được khống chế thì việc một thanh gỗ, xà nhà, bức tường… bất ngờ sụp xuống sau đám cháy là điều khó có thể kiểm soát. Bởi vậy, việc giữ khoảng cách và luôn cẩn thận trong tác nghiệp là điều vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo an toàn”.

Tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy trong những điều kiện không đảm bảo an toàn. Ảnh: Nguyễn Ngân.

Dù mang tâm thế như vậy khi xông vào tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường vụ hỏa hoạn Công ty Rạng Đông, nhưng cả phóng viên Nguyễn Ngân và Duy Đăng đều nhận lệnh đột xuất, hiện trường bị phong tỏa phạm vi rộng nên không thể mua nổi dù chỉ 1 chiếc khẩu trang y tế để bảo vệ bản thân khỏi khói bụi khi tác nghiệp.

“Khi tới gần đám cháy, tôi thấy khói có mùi rất lạ và khó chịu, dù không biết đó là gì nhưng không thể mua được khẩu trang, vì lúc đi tác nghiệp đột xuất, gấp gáp nên cũng không kịp mang theo. Vì thế, khi thấy chiếc khẩu trang ai đó làm rơi trên đường, tôi nhặt dùng tạm vì thấy khói bụi có gì đó rất lạ và không an toàn”, Nguyễn Ngân chia sẻ.

Nỗi lo phơi nhiễm

Vụ cháy với nguy cơ hiểm họa môi trường tại Công ty Rạng Đông trên phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã biến một tuyến phố sầm uất với những hàng quán nhộn nhịp khách ra vào thành một khu phố lặng lẽ, đìu hiu với những cánh cửa đóng kín. Người dân sống xung quanh khu vực Công ty Rạng Đông và ở các khu chung cư lân cận đã đi “di tản” để tự bảo vệ mình trước nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy. Xem những thông tin nhiễu loạn trên các phương tiện truyền thông mà không tránh khỏi lo âu.

Nhà báo Nguyễn Ngân (đội mũ) hỗ trợ đồng nghiệp tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 8/9, đã có tổng cộng 582 người dân sống gần Công ty Rạng Đông (bán kính 500m) được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí, hơn 200 người được chỉ định đi bệnh viện làm xét nghiệm theo dõi thủy ngân... Tuy nhiên, việc chậm có kết quả xét nghiệm, phân tích độc tố của các cơ quan chức năng và sự nhiễu loạn thông tin đang làm dấy lên những mối lo vô hình trong lòng người dân sinh sống xung quanh khu vực, những phóng viên và bất cứ ai đã có mặt tại hiện trường vụ cháy.

“Khi đang tác nghiệp và cả khi quay lại hiện trường vụ cháy vào ngày hôm sau, tôi vẫn không hề biết mùi khó chịu trong vụ cháy có liên quan đến hóa chất, thủy ngân. Đến mấy ngày sau đó, khi phát lộ những thông tin về việc thủy ngân phát tán ra môi trường do đám cháy, tôi thực sự lo lắng. Không chỉ tôi mà cả gia đình, người thân... ngày nào cũng gọi điện hỏi han kết quả xét nghiệm. Nhưng sau gần 10 ngày kể từ khi tôi làm xét nghiệm độc tố tại khoa phòng độc, Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm vẫn chưa có”, Nguyễn Ngân lo lắng chia sẻ.

“Nếu nhiễm thì đã nhiễm rồi. Xét nghiệm mà tới 10 ngày vẫn chưa có kết quả thì liệu sau đó có kịp thải độc nữa không? Đến lúc này biện pháp thải độc như thế nào vẫn chưa được cơ quan y tế công bố thì liệu có thải độc được không? Thôi thì đành coi đây là tai nạn nghề nghiệp, là bài học cho chính mình và đồng nghiệp”, phóng viên Duy Đăng bộc bạch.

Ngay sau khi có thông tin liên quan đến nhiễm độc thủy ngân sau vụ hỏa hoạn, lãnh đạo Báo Điện tử VOV đã hỗ trợ kinh phí và bố trí đưa các phóng viên của báo tác nghiệp tại hiện trường đi xét nghiệm độc tố. Đây là việc làm kịp thời, hợp lý, hợp tình của VOV.vn, thể hiện sự quan tâm của Báo tới anh em phóng viên khi tác nghiệp. Tuy nhiên, việc chậm có kết quả sau gần 10 ngày xét nghiệm đang là nỗi lo trong lòng những người đã dấn thân vì công việc, vì công chúng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận