Ứng dụng công nghệ thông tin điều khiển, quản lý trạm phát sóng FM mini tự động

Từ nay đến cuối năm, trạm phát sóng FM mini không người trực sẽ được lắp đặt tại đỉnh núi Quế, cao 1.400m ở Tây Giang-Quảng Nam, tiết kiệm chi phí phát sóng.

 

Đây là thử nghiệm đầu tiên trong Công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin điều khiển, quản lý trạm phát sóng FM mini không người trực” của Trung tâm Kỹ thuật phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nảy ý tưởng từ khó khăn

Ý tưởng về một trạm phát sóng tự động đã nảy sinh trong nhóm tác giả công trình từ cách đây vài năm, khi nhận ra thực tế hiện nay đang rất cần một công trình như vậy. Bận bịu với công việc đến mức không có cả ngày nghỉ cuối tuần đúng nghĩa, thế nhưng khi tôi đặt vấn đề nói chuyện về trạm phát sóng tự động, nhóm tác giả (kỹ sư Vũ Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh; kỹ sư Vũ Đăng Khải, Phó Phòng Kỹ thuật; kỹ sư Đỗ Anh Đức) đã không ngại ngần dành thời gian cho tôi.

Phát thanh hiện vẫn đóng vai trò lớn và không thể thay thế, nhất là đối với đồng bào vùng sâu vùng xa, người tham gia giao thông và trên biển đảo. Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng các trạm phát sóng phát thanh là điều tất yếu. Thế nhưng điều đáng lo ngại là kinh phí để duy trì, khai thác và quản lý để các trạm phát sóng FM hoạt động hiện đang rất khó khăn. Trong khi đó, hiện nay Đài đang quản lý, khai thác một số lượng rất lớn - khoảng trên 100 máy phát sóng FM trên cả nước. Các máy phát sóng này được đặt ở các địa phương, các đài PT-TH tỉnh, các đài PT-TH huyện hoặc đài phát thanh xã. Bởi vậy, hằng năm, Đài phải chi tới trên 30 tỷ đồng cho việc quản lý và gác các trạm phát sóng. Tới đây, khi Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành đơn giá phát sóng mới thì con số chi phí đó sẽ còn tăng gấp đôi. Hơn nữa, Đài vẫn tiếp tục phải mở rộng vùng phủ sóng tới những vùng sâu vùng xa. Số lượng máy phát vì thế sẽ không dừng lại ở con số trên 100 mà có thể lên đến khoảng 200 - 300 máy mới phủ hết được trên phạm vi toàn quốc. Bởi vậy, kinh phí quản lý khai thác các trạm phát sóng sẽ là một con số rất lớn, có khi lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, nguồn thu của Đài đang bị giảm theo lộ trình của Chính phủ là cắt dần kinh phí thường xuyên hằng năm; đồng thời nguồn thu từ quảng cáo cũng bị giảm mạnh.

Một trạm phát sóng được lắp đặt trên đỉnh núi Phia Oắc, Cao Bằng.

Xuất phát từ bài toán kinh tế này, nhóm tác giả trăn trở làm thế nào để giúp Đài giảm chi phí phát sóng. Có được thuận lợi là hiện thế giới đang phát triển rất mạnh về công nghệ truyền thông, lại là những người đang làm trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình, nhóm tác giả đã bắt tay vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, biến ý tưởng xây dựng trạm phát sóng tự động thành hiện thực. Và sau gần 2 năm thì trạm phát sóng tự động thành hình hài. Các anh cho hay: “Trạm phát sóng tự động này sử dụng toàn bộ đường truyền của viễn thông, sử dụng IoT và AI để quản lý một trạm phát sóng từ xa không có người trực, đến giờ thì tự bật và hết giờ sẽ tự tắt. Trạm phát sóng tự động này có đầy đủ hệ thống an ninh để bảo vệ. Khi có bất cứ một biến động nào xảy ra, như có người bên ngoài thâm nhập vào thì hệ thống sẽ lập tức tự động vô hiệu hóa toàn bộ trạm phát sóng đó. Việc lắp đặt trạm phát sóng tự động trên đỉnh núi Quế nếu hiệu quả thì mô hình này sẽ dần được triển khai trên phạm vi cả nước. Xây dựng 1 trạm phát sóng tự động thì tầm phủ sóng sẽ xa hơn và thu bớt được một số trạm phát sóng xung quanh, giúp giảm gánh nặng chi phí quản lý, khai thác”.

Việc lắp đặt trạm phát sóng FM mini không người trực tại đỉnh núi Quế, cho đến giờ, về mặt công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật phát thanh đã sẵn sàng. Anh Vũ Hải Quang cho hay, huyện Tây Giang và UBND tỉnh Quảng Nam rất ủng hộ Đài. Sau khi trạm phát sóng tự động này đi vào hoạt động thành công, Đài TNVN sẽ từng bước mở rộng mô hình này trên cả nước, đồng thời tiến tới xây dựng những trạm phát sóng tự động có công suất lớn.

Niềm vui sau cánh sóng

Mong muốn biến ý tưởng thành hiện thực từ cách đây gần 2 năm nhưng bởi những khó khăn khách quan như: Hệ thống trên mạng internet và sóng 3G, 4G chưa được như hiện nay, và các ứng dụng bằng công nghệ IP cũng còn nhiều hạn chế, vì thế cho đến nay, Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh mới có điều kiện để có thể thực hiện được.

Vốn không phải người ưa kể khổ, nên tôi gạn hỏi mãi, kỹ sư Vũ Đăng Khải cho biết: “Để xây dựng một trạm phát sóng tự động, chúng ta cần cả công nghệ truyền thống và công nghệ mới IT. Với tinh thần xông pha vùng sâu xa, lắp đặt và các giải pháp về kỹ thuật truyền thống, tôi phụ trách về hệ thống container sử dụng thế nào, lắp đặt ra sao để vừa đủ diện tích mà đảm bảo được các yếu tố tiêu chuẩn kỹ thuật để hệ thống có thể hoạt động một cách bình thường”. Còn kỹ sư trẻ Đỗ Anh Đức mạnh về IT được giao nhiệm vụ chuyên làm điều khiển thông qua hệ thống IP. Khi lắp ráp lại, nhóm tác giả cùng ngồi lại thảo luận, họp bàn để điều chỉnh tối ưu nhất, đảm bảo vấn đề an toàn an ninh để các đối tượng xấu không thể xâm phạm; đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và đảm bảo để trạm phát sóng tự động hoạt động an toàn, luôn ở trong trạng thái bình thường, không bị mất sóng, dừng sóng. Điều quan trọng không kém là phải làm sao để đảm bảo được các chương trình phát sóng.

Vận chuyển máy móc, thiết bị lắp đặt trạm phát sóng lên các tỉnh miền núi.

Nhóm tác giả quả quyết: “Tôi đảm bảo chắc chắn trạm phát sóng tự động lắp đặt trên đỉnh núi Quế tới đây sẽ hoạt động tốt, thành công là 100%”. Nhóm đã có phương án dự phòng, chẳng hạn ngoài việc chống đột nhập từ ngoài vào được điều khiển bởi hệ thống tự động, Trung tâm cũng đã làm việc với các lực lượng kiểm lâm ở vùng sâu vùng xa để họ có trách nhiệm hỗ trợ an ninh nếu có bất trắc xảy ra. Bên cạnh đó, trong chuyện điều khiển bằng các hệ thống 3G, Trung tâm cũng phải sử dụng 2 nhà mạng VNPT và Viettel để phòng khi một trong hai mạng bị hỏng.

Tham gia vào công trình ứng dụng này từ những ngày đầu, kỹ sư Vũ Đăng Khải cho hay: Trước khi xây dựng thành công trạm phát sóng tự động, Trung tâm đã xây dựng những trạm bán tự động ở các tỉnh miền núi từ cách đây 1 - 2 năm. Đó được coi là những bước tập dượt để có được mô hình hoàn hảo của trạm phát sóng tự động. Với trạm phát sóng tự động lắp đặt ở đỉnh núi Quế tới đây, trạm giống như một container đã được lắp đặt sẵn toàn bộ thiết bị và chỉ việc đặt trạm đó xuống đỉnh núi. “Khi được giao việc giám sát điều hành trạm tự động từ xa, nay có kết quả như vậy, tôi rất vui vì công việc này đem lại lợi ích rất lớn - thứ nhất là giải quyết được vấn đề phủ sóng, thứ hai là giảm thiểu kinh phí cho Đài”, kỹ sư Vũ Đăng Khải bày tỏ.

Không nói gì về công sức của mình trong công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin điều khiển, quản lý trạm phát sóng FM mini không người trực”, kỹ sư Đỗ Anh Đức chỉ bộc bạch: “Thấy công việc của mình có thành quả, đem sóng phát thanh đến với từng người dân, tôi rất hạnh phúc!”.

Tôi cũng lây niềm vui ấy, hơn nữa, còn pha niềm tự hào về đội ngũ làm kỹ thuật của Trung tâm Kỹ thuật phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam./.

Công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin điều khiển, quản lý trạm phát sóng FM mini không người trực” vừa đoạt giải A Giải thưởng Tiếng nói Việt Nam về công trình nghiên cứu, công trình sáng tạo.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận