Nếu như phóng viên trong nước mỗi người thường theo dõi một ngành, một lĩnh vực thì phóng viên VOV thường trú nước ngoài phải theo dõi cả khu vực và kiêm nhiệm các mảng đề tài. Đó là áp lực không nhỏ của các cơ quan thường trú ở nước ngoài để “sánh vai” cùng các đồng nghiệp quốc tế, đóng góp tích cực vào thành công chung của VOV, nâng cao uy tín của VOV trên thế giới.
Phạm Huân - phóng viên VOV thường trú tại Mỹ: Độc lập và đa năng
Tôi từng làm phóng viên thường trú nước ngoài tại hai địa bàn khác nhau: Ai Cập (2011 - 2013) và Mỹ (2016 cho tới nay). Mỗi địa bàn đều có những đặc điểm riêng và cho tôi nhiều trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời làm báo của mình. Tuy nhiên, dù ở nơi đâu, các phóng viên thường trú nước ngoài cũng đều phải thích nghi và phát huy tinh thần độc lập và đa năng trong tác nghiệp để thực hiện nhu cầu thông tin đa phương tiện trong xu thế báo chí hiện nay.
Môi trường tác nghiệp ở nước ngoài chính là nơi mỗi phóng viên phải phát huy hết khả năng của mình để hoàn thành tốt công việc được giao. Khả năng tác nghiệp độc lập là điều tất yếu mà các phóng viên cần trang bị cho bản thân và không ngừng cải thiện. Khác với các cơ quan thường trú trong nước, mỗi cơ quan thường trú nước ngoài chỉ có hai phóng viên. Do vậy, mọi việc đều phải thông thạo từ công tác nghiệp vụ cho tới lái xe, sổ sách, hay sửa chữa nhỏ và thậm chí cả chợ búa và bếp núc.
Cùng một lúc, chúng tôi phải thực hiện tin/bài cho cả 4 loại hình báo chí, bao gồm: phát thanh, báo điện tử, truyền hình và báo in với các hình thức thể hiện khác nhau để phục vụ mục đích truyền thông đa phương tiện theo xu thế hiện đại ngày nay. Để làm tốt cùng lúc 4 loại hình, đòi hỏi các phóng viên phải nhanh để đảm bảo tính thời sự cũng như tính hấp dẫn của nội dung và hình thức thể hiện từ nối cầu trực tiếp (cả phát thanh và truyền hình) cho tới các thể loại bài viết. Mỗi đợt có các sự kiện lớn là chúng tôi lại mất ăn, mất ngủ khi liên tục phải “trả bài” tùy theo yêu cầu của các đơn vị.
Hiện, tôi đang công tác tại cơ quan thường trú Mỹ với địa bàn là cả khu vực Bắc Mỹ và châu Mỹ La-tinh. Khó khăn của chúng tôi khi tác nghiệp là địa bàn nước Mỹ trải dài, có tổng cộng 50 bang mà mỗi bang đều rất rộng, có thể tương đương diện tích của một quốc gia nhỏ, do đó việc đi lại rất tốn kém và khó khăn. Để đi phỏng vấn hay viết bài mà di chuyển trong vòng 50km đã là rất gần. Không chỉ vậy, Mỹ luôn là tâm điểm của sự chú ý toàn cầu khi hầu hết các sự kiện quốc tế quan trọng đều có sự tham gia của Mỹ, đồng nghĩa với việc chúng tôi luôn trong tình trạng sẵn sàng “chiến đấu” khi có sự kiện diễn ra.
Thử thách, áp lực sẽ giúp các phóng viên trưởng thành hơn, độc lập hơn và đa năng hơn trong không chỉ công việc mà cả đời sống hằng ngày.
Anh Tú - phóng viên thường trú tại Nga: 3 trong 1 để “sánh vai” các đồng nghiệp quốc tế!
Là phóng viên thường trú của Đài TNVN tại LB Nga, hoạt động trong môi trường quốc tế, với những yêu cầu tổng hợp về chuyên môn, mà thường được gọi vui là “3 trong 1”, nghĩa là cùng một lúc vừa viết tin, bài cho phát thanh có tiếng động, vừa cho báo điện tử/báo in, có ảnh minh họa và cho các kênh truyền hình, quả thật không dễ dàng... Nhưng sẵn sàng dấn thân, quăng mình vào thử thách là tố chất cần có đối với bất kỳ phóng viên nào.
Khi mới vào việc, đối với tôi, những ngày đầu tiên không tránh khỏi áp lực. Địa bàn rộng, mình phải làm sao theo dõi được các thông tin, sự kiện, lựa chọn để tham dự, để viết. Nếu ở trong nước, mỗi phóng viên thường chỉ theo dõi một ngành, một lĩnh vực, thì phóng viên thường trú kiêm nhiệm tất cả các mảng đề tài: từ chính trị, đến kinh tế, văn hóa, xã hội… Các “đơn hàng” tôi nhận được cũng thường đa dạng chủ đề như vậy.
Khi tham dự một sự kiện, hoặc đi công tác thì “tay xách nách mang”, nào máy ghi âm, máy ảnh, máy quay, máy tính... Không phải ở sự kiện nào các phóng viên, quay phim cũng được tự do di chuyển. Có những sự kiện, ban tổ chức chỉ cho phép đứng ở cuối hội trường, hoặc ở vị trí mà họ quy định. Trong trường hợp này, ai nhanh chân thì chiếm được chỗ tốt. “Ladies first” không được để tâm trong lúc này, mà các đồng nghiệp nước ngoài, nhất là các kỹ thuật viên quay hình thường rất cao lớn, mang theo những cái máy quay... khủng hoặc máy ảnh có ống tele vừa to vừa dài... Nhưng tầm vóc vừa phải lại giúp tôi len, lách được vào chỗ phù hợp, cùng “sánh vai” các phóng viên quốc tế để tác nghiệp…
Do lệch múi giờ nên tôi cũng như đồng nghiệp thường làm việc đến 1-2h sáng, thậm chí 3h-4h sáng để gửi tin, bài về cho kịp phát sóng, đăng tải vào hôm sau. Chạy suốt ngày ở sự kiện, 9h-10h tối mới về đến nhà, hoặc đi công tác thì di chuyển suốt ngày, từ sáng sớm bay đi, đến nơi, gặp gỡ, phỏng vấn, ghi hình, 10-11h đêm mới về đến chỗ nghỉ, mệt nhoài, nhưng không được phép nghỉ, chúng tôi phải viết bài đến 2-3h sáng để kịp gửi về.
Bù lại, khi thức dậy vào sáng hôm sau, mở báo điện tử, đã thấy tin, bài lên trang, hoặc vào vov1.vn đã nghe được giọng mình trên sóng... Mở VTC1, VTC10 thì có thể xem lại các hình ảnh mình đã quay, dựng... Tin, bài gửi về càng được nhiều đơn vị sử dụng, thì càng... phấn khởi. Bà con trong cộng đồng, các đối tác xem được tin, bài trên báo, trên các kênh hình, bày tỏ sự cảm ơn, chính là những khích lệ đối với chúng tôi.
Bùi Hùng - phóng viên thường trú tại Nhật Bản: Cần mẫn đồng hành cùng cánh sóng VOV
Nhiều năm trước, phóng viên Đài TNVN thường trú nước ngoài chủ yếu làm tin bài cho phát thanh. Nhưng trước sự bùng nổ của xã hội thông tin, những phóng viên thường trú như có “đất” để “diễn” hơn, nhưng cũng muôn vàn khó khăn và thử thách. Vốn quen với radio, không thể tránh khỏi những lúng túng khi phải cầm máy quay, máy ảnh. Tất cả phải tự học là chính.
Do biên chế mỗi cơ quan thường trú chỉ có hai người, nên nhiều lúc tay phải cầm máy quay, trên cổ đeo máy ảnh, túi bên hông đeo máy thu âm đồng thời tác nghiệp. Có khi quay được cái bắt tay, thì chưa chắc đã chụp được ảnh cái bắt tay, thu âm được đoạn đầu nhưng đoạn sau đã bị “đuổi ra” do quy định thời gian.
Nhìn các bạn đồng nghiệp từ các hãng truyền thông lớn như AP, CNN, Reuter… ngước mắt nhìn cái “thân thể” chẳng giống ai mà ngài ngại, nhưng mình cứ toét miệng cười thể nào họ cũng chụp giúp mình cái ảnh khi mình đang quay phim cho mà xem.
Ám ảnh nhất vẫn là những cuộc đánh bom ngay gần cơ quan thường trú như ở Ai Cập, hay chẳng kịp quấn chăn, cứ chạy ra đường khi có động đất như ở Nhật. Nhắm mắt vẫn nằm mơ thấy những vụ xả súng hàng loạt ngay bên cạnh mình như ở Mỹ, hoảng sợ đắng lòng khi trộm đập cửa kính xe trộm mất túi ngay trước mắt như ở Pháp.
Trong xu thế hiện nay, truyền thông không đơn giản chỉ là thông tin, quảng bá, giáo dục… mà còn có nhiệm vụ ngoại giao, gắn kết, thực hiện giao lưu văn hóa, chính trị, kinh tế… nâng cao vị thế Việt Nam và VOV là nhiệm vụ rất quan trọng của các cơ quan thường trú nước ngoài.
Có những đêm vợ chồng đơn độc trên xe cấp cứu, nhìn con trẻ ốm mà lòng đau thắt. Dù có 1 tuần, hay 2 tuần ở viện đi chăng nữa, cũng chỉ có hai vợ chồng thay nhau, nhưng sóng vẫn không ngừng, các sự kiện vẫn diễn ra, thông tin vẫn phải thông suốt. Giọng đọc vẫn phải sáng nhất, tốt nhất có thể. Tuy nhiên cũng từ đó, hình như tiếng cười lại nhiều hơn, chắt chiu hết thời gian bên gia đình. Có thể sáng bắt tay quan chức cấp cao đấy, nhưng tối về vẫn chạy ngay vào bếp, nấu những món ăn giản đơn mà mấy chục năm qua mình chưa từng làm. Đó là những tình cảm yêu thương của phóng viên thường trú dành cho gia đình, cũng là tiếp thêm sức mạnh cho công việc.
Và dẫu có vất cả bao nhiêu nhưng với tâm huyết và tình yêu nghề, chúng tôi vẫn cần mẫn đồng hành cùng cánh sóng VOV.
Hương Giang ghi