Thấu hiểu điều đó, các nhà báo Trung Hiếu, Chu Trinh và Phan Ánh cơ quan thường trú Đài TNVN tại khu vực ĐBSCL đã thực hiện một loạt bài viết về vấn đề này tại địa phương.
Tác phẩm: “Giải bài toán lãng phí đất đai Khu công nghiệp tại ĐBSCL do nhóm tác giả: Trần Trung Hiếu, Nguyễn Chu Trinh, Phan Văn Ánh phóng viên Đài TNVN tài khu vực ĐBSCL đã đoạt giải nhất giải báo chí toàn quốc Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí lần thứ II năm 2018-2019.
Nỗi khổ của người dân trong khu quy hoạch “treo”
Theo Quyết định số 68, ngày 15/1/2018, về việc “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ đã có những định hướng cụ thể phát triển công nghiệp, Khu công nghiệp (CN, KCN) tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Quyết định này được ban hành, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quy hoạch, sử dụng đất và phát triển KCN của toàn vùng. Thế nhưng trong quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên đã nhận ra là ngay tại Cần Thơ, thành phố trung tâm của ĐBSCL, nơi được xem có lợi thế hàng đầu phát triển KCN cũng còn nhiều diện tích đất KCN bỏ hoang. Vì vậy, nhóm đặt ra câu hỏi: Thực trạng KCN tại các tỉnh thành khác trong vùng như thế nào?
Để đi tìm câu trả lời, Trung Hiếu, Chu Trinh và Phan Ánh đã tìm đến những mảnh đất vốn là “bờ xôi, ruộng mật” của nông dân, nhưng rất nhiều diện tích bị bỏ hoang, chăn thả trâu bò; tìm gặp nông dân để nghe bà con trải lòng về nỗi khổ của mình. Đó là chuyện: Đất thổ cư của họ đã có “sổ đỏ” nhưng không thể tách thửa xây nhà cho con cái khi cưới vợ gả chồng; nhà xuống cấp, hư hỏng nhưng không được sửa chữa; muốn vay vốn ngân hàng để làm ăn cũng không được chấp nhận… vì nằm trong quy hoạch KCN... Đó là chuyện, những vườn cây ăn trái tươi tốt bây giờ lụi tàn, hoang phế ngay cạnh trung tâm thành phố sầm uất, nhưng người dân chỉ biết đứng nhìn xót xa mà không dám đầu tư do không biết đất bị thu hồi khi nào. Có những KCN đã quy hoạch “treo” tới 10, 20 năm... và chưa biết sẽ còn “treo” đến khi nào và điều đó đồng nghĩa với việc nỗi khổ của người dẫn vẫn tiếp tục. Nhóm phóng viên đã lắng nghe những lời chia sẻ, tâm sự tự đáy lòng của họ và thấy rằng trách nhiệm của người làm báo là phải “cất tiếng lòng” cho họ.
Thính giả nghe bài viết chắc không thể quên được câu chuyện của gia đình bà Lê Thị Biên (khu vực Phú Thuận A, Phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Nhà bà có 2ha đất nằm gọn trong quy hoạch KCN Hưng Phú 1. Dự án “treo” đã hơn 10 năm, tiền đền bù gia đình chưa nhận được nhưng đất bán đi không ai dám mua, nhà cũ kỹ xuống cấp không được sửa sang. Trước đây, nhờ canh tác trên diện tích đất đai màu mỡ mà gia đình có cuộc sống ổn định thì nay, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn khi chồng phải chạy xe ôm, vợ chỉ dám trồng một ít chuối và lá lốt trên diện tích đất của gia đình để bán được đồng nào hay đồng đó. Lúc bí bách, chồng bà Biên phải tìm đến Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Cần Thơ (chủ đầu tư dự án) đề nghị thu hồi một phần đất của gia đình để có tiền trang trải cho cuộc sống nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Nỗi khổ của gia đình bà Biên là nỗi khổ chung của những người dân có đất nằm trong quy hoạch dự án các KCN trên địa bàn.
Những tác động tích cực
Nhà báo Phan Ánh cho biết, khi thực hiện đề tài, nhóm cần số liệu tổng quan về các KCN của vùng ĐBSCL như: tổng diện tích bao nhiêu? Diện tích lấp đầy bao nhiêu?... để có cái nhìn toàn cảnh. Thế nhưng khi tìm đến các cơ quan chức năng để được cung cấp thông tin, họ đều tìm cách từ chối. Cuối cùng, lãnh đạo cơ quan yêu cầu từng phóng viên phụ trách địa bàn phải lấy số liệu diện tích KCN của từng tỉnh để tính toán ra số liệu của vùng. Tuy nhiên, điều này cũng không dễ khi một số ngành, địa phương sợ trách nhiệm hay sợ “đụng chạm" cấp trên cố tình né tránh để khỏi phải cung cấp thông tin bằng cách cứ hẹn hết lần này đến lần khác. Tuy vậy, nhóm không hề nản chí, kiên trì đi lại nhiều lần thuyết phục họ và cuối cùng cũng có được những thông tin cần thiết. Sau đó, đơn vị có công văn gửi Bộ KH-ĐT để lấy số liệu tổng quan một lần nữa mới đầy đủ thông tin cho loạt bài viết.
Để làm rõ nguyên nhân vì sao tồn tại thực trạng “phung phí tài nguyên đất” kéo dài thời gian qua, giải pháp nào để khắc phục? Nhóm đã chia nhau đi gặp lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, những chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của ĐBSCL nói chung và phát triển KCN nói riêng. Qua đó loạt bài viết đã cất lên tiếng nói để những nhà hoạch định chính sách và các cấp có thẩm quyền có những điều chỉnh phù hợp với quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Làm sao giải được bài toán lãng phí đất đang tồn tại, làm sao gỡ được những khó khăn người dân đang phải gánh chịu.
Theo nhà báo Trung Hiếu, điều đáng mừng là khi bài viết được phát sóng đã tác động đến các địa phương. Tại Cần Thơ, trong một kỳ họp HĐND của thành phố, các đại biểu đã đưa vấn đề ra để nghị bàn, tìm giải pháp. UBND TP. Cần Thơ đã ghi nhận và vào cuộc, kiên quyết thu hồi những dự án KCN đã giao cho chủ đầu tư mà không thực hiện, hoặc chậm tiến độ nhiều năm. Nhà báo Chu Trinh cho biết thêm, tại KCN Dầu khí Soài Rạp (Tiền Giang) có hơn 280ha đất bị bỏ hoang nhiều năm. Khi VOV phát sóng đã tạo dư luận, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này và sau đó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẩn trương thực hiện chuyển giao dự án KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp cho tỉnh Tiền Giang quản lý, sử dụng.
Nhận được thông tin này, người dân sống tại khu vực dự án rất phấn khởi và họ càng thêm tin yêu tiếng nói của Đài phát thanh Quốc gia./.
“Một bài báo đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả thì phải phản ánh đúng thực chất vụ việc, có đủ thông tin, chứng cứ hợp lý, được dư luận xã hội quan tâm. Trong bài viết đó phải mổ xẻ các vấn đề tồn tại, đưa ra giải pháp khả thi” - nhà báo Phan Ánh.
|
“Để khuyến khích các nhà báo viết về đề tài này trước hết lãnh đạo cơ quan báo chí phải tạo điều kiện về vật chất, hỗ trợ về tinh thần để nhà báo thực hiện bài viết. Khi gặp khó khăn, trở ngại, lãnh đạo cơ quan báo chí phải có hướng giải quyết, can thiệp kịp thời; phải có phương án bảo vệ phóng viên. Người làm báo phải được trang bị các thiết bị, ghi âm, ghi hình hiện đại; có chế độ khen thưởng, biểu dương hợp lý” - nhà báo Chu Trinh, Trung Hiếu.
|