Giai đoạn đầu đầy thử thách
Ngày tôi về nhận trách nhiệm lãnh đạo phòng, vào cuối những năm 1980, đơn vị vẫn mang tên Phòng Quan hệ quốc tế (QHQT). Phòng được xếp ở một vị trí khiêm tốn, trong góc của Hội trường mái ngói trên sân Tòa nhà 58 Quán Sứ, dưới mấy cây muỗm xum xuê bóng lá. Mấy anh chị của phòng được tập họp từ các đơn vị biên tập trong Đài và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực hợp tác quốc tế (HTQT) ngoài chút vốn ngoại ngữ.
Sau đó, đất nước bước vào giai đoạn đổi mới. Mỗi ngành đều đứng trước đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển mình. Đặc biệt trong bối cảnh quốc tế vào đầu những năm 1990 khi khối XHCN cũ tan rã dẫn đến việc hình thành những mối quan hệ quốc tế hoàn toàn mới, đòi hỏi hoạt động hợp tác quốc tế phải có sự thay đổi về chất. Mặt khác, ngành phát thanh Việt Nam trước sự lớn mạnh vượt bậc của truyền hình cùng các phương tiện truyền thông khác đòi hỏi phải nhanh chóng vươn lên.
Lúc đó ngoại trừ mấy đài nằm trong khu vực truyền thống như các nước Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia... hầu như VOV chưa hề có quan hệ với các đài khác. Với số nhân viên ít ỏi, ngân sách hạn hẹp cho các hoạt động hợp tác quốc tế cùng với cơ sở làm việc, trang thiết bị nghèo nàn... yêu cầu cấp thiết của đổi mới đã đặt ra cho những người làm HTQT của VOV thách thức không hề nhỏ.
Những bước đi thận trọng nhưng bài bản
Muốn phát triển HTQT trong hoàn cảnh như vậy không thể làm gì khác hơn là cố gắng nội lực và mạnh dạn mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài. Một trong những việc làm đầu tiên của Phòng QHQT (mãi đến năm 1993 mới được nâng cấp thành Ban QHQT), là tạo lập mối quan hệ tin cậy với các đối tác gần xa, trong đó đích đến là cộng đồng các đài phát thanh các nước thông qua kênh ngoại giao, giao lưu... Sau đó, nhiều đoàn của Đài được cử đi tham quan, tìm hiểu hoạt động của các đài bạn và đón các đoàn quốc tế từ các đài bạn và tổ chức phát thanh quốc tế... sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Lần đầu tiên tổ chức đón các đoàn khách quốc tế cấp cao vào Việt Nam khiến anh chị em trong phòng không khỏi lúng túng, vì hoạt động này đòi hỏi tính chuyên nghiệp từ khâu tổ chức sự kiện, tiến hành hội đàm, soạn thảo, ký kết văn bản hợp tác, trình cấp thẩm quyền phê duyệt... đến tổ chức thực hiện ở VOV và các đài địa phương.
Từ đầu những năm 1990, VOV lần lượt ký các văn bản hợp tác và đi vào hoạt động hợp tác thực sự với các Đài quốc tế có tầm cỡ như: ABC, Radio Australia, Radio Canada International, Radio France, Đài RFI, BBC, Radio Japan, NHK, Đài Thụy Điển SR, KBS (Korea), All India Radio, Deutsche Welle.... Bên cạnh đó là việc duy trì và tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác truyền thống với Nga, Trung Quốc, Đài Phát thanh Quốc gia Lào, Đài Tiếng nói Nhân dân Campuchia.
Nhiều văn bản hợp tác song phương được ký, đã tiến hành hàng loạt các cuộc viếng thăm, trao đổi đoàn từ lãnh đạo đến phóng viên. Lần đầu tiên, VOV có thể cử phóng viên tham gia một số hoạt động nghiệp vụ tại khu vực và các nước từ nguồn ngân sách của mình thay vì hoàn toàn dựa vào việc đối tác mời và chu cấp ăn ở, đi lại... Cũng trên cơ sở đó, VOV đã mạnh dạn thiết lập các cơ quan thường trú ở một số nước như: Thái, Pháp, Nga, Lào, Campuchia...
Một trong những hoạt động HTQT luôn quan tâm là tranh thủ mọi cơ hội để đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ từ khai thác các nguồn. Trong những năm tháng đó, hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên của VOV nói riêng và hàng nghìn lượt biên tập, phóng viên của các đài trong cả nước đã có điều kiện hưởng thụ các hình thức đào tạo khác nhau ở cả trong và ngoài nước từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động phát thanh.
Hợp tác với Thụy Điển - điểm sáng đầy tự hào
Trong các đánh giá của mình về mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) khẳng định hợp tác trên lĩnh vực phát thanh là một trong những điểm sáng. VOV là cơ quan được Bộ Văn hóa - Thông tin lúc đó thay mặt Chính phủ giao trách nhiệm triển khai thực hiện. Chỉ tính trong vòng 10 năm (1993-2003) qua Giai đoạn thể nghiệm và Giai đoạn I của Dự án mang tên “Hỗ trợ phát thanh địa phương ở Việt Nam” đã có 30 đài phát thanh trong cả nước được thụ hưởng dự án với tổng kinh phí hơn 30 triệu cu-ron Thụy Điển, trong đó chỉ tính riêng giai đoạn I đã có kinh phí 22,5 triệu cu-ron Thụy Điển, tương đương gần 3 triệu USD. 2.300 lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật phát thanh cả nước đã tham gia ngót 100 khóa đào tạo của Dự án ở trong và ngoài nước. Sau khi Dự án kết thúc, VOV cùng với toàn bộ 30 đài phát thanh các tỉnh ở cả 3 miền Bắc Trung Nam đã đi vào phát thanh trực tiếp, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động phát thanh ở Việt Nam.
Mục tiêu của Dự án qua cả 2 giai đoạn, đó là thông qua việc cung cấp khối lượng thiết bị phát thanh gọn nhẹ cùng với việc mở các khóa đào tạo tại chỗ với sự giảng dạy của các chuyên gia đến từ Thụy Điển giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên của đài làm quen với công nghệ phát thanh trực tiếp, từ đó thay đổi kết cấu chương trình và phương thức phát thanh cũ, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong công nghệ phát thanh ở Việt Nam, phù hợp với yêu cầu chung của HĐH-CNH. Mục tiêu đó sau 10 năm thực hiện đã đạt được nhờ nỗ lực của cả 2 phía Việt Nam và Thụy Điển./.
Sự thành công trong hợp tác với SIDA cũng mở ra những thành công trong hoạt động HTQT của VOV sau này.