Hưởng ứng Ngày phát thanh thế giới

'Đối thoại, khoan dung và hòa bình' là chủ đề của Ngày Phát thanh thế giới năm nay (13/2/2019).

Chủ đề này muốn nhấn mạnh: Những người làm phát thanh cần phải giúp khán, thính giả tăng cường sự hiểu biết, tăng cường đối thoại và khuyến khích họ đưa ra những ý tưởng mới. Chủ đề này cũng tập trung vào tác động của phát thanh trong việc tạo dựng một thế giới hòa bình và khoan dung hơn bằng cách tạo động lực cho sự tham gia và phát triển của công dân cũng như để tôn vinh nhân loại vì sự đa dạng của nó.

Trong thông điệp nhân Ngày phát thanh thế giới 2019, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết: “Chúng ta đề cao vai trò đặc biệt và sâu rộng của phát thanh trong việc mở rộng tầm nhìn và xây dựng xã hội hài hòa. Các đài phát thanh từ mạng lưới lớn của quốc tế đến các cộng đồng địa phương hôm nay ghi nhớ tầm quan trọng của phát thanh trong việc thúc đẩy những cuộc tranh luận công khai, khuyến khích người dân đóng góp ý kiến và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonia Guterres đã gửi đi thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của phát thanh: “Trong thế giới truyền thông kỹ thuật số hiện nay, phát thanh tiếp cận đến nhiều người hơn bất cứ phương tiện truyền thông nào khác. Nó truyền đạt những thông tin quan trọng và nâng cao nhận thức của người dân về nhiều vấn đề. Đó cũng là nền tảng tương tác giúp mọi người có thể bày tỏ quan điểm, mối quan tâm và nỗi bất bình của họ. Phát thanh có thể tạo ra một cộng đồng. Đối với Liên Hợp Quốc, đặc biệt là các hoạt động gìn giữ hòa bình của chúng tôi, phát thanh là cách cần thiết để thông tin, đoàn kết và mang đến quyền lợi cho những người bị ảnh hưởng do chiến tranh. Trong Ngày phát thanh thế giới, chúng ta hãy công nhận sức mạnh của phát tranh trong thúc đẩy đối thoại, khoan dung và hòa bình”.

Kể từ khi ra đời cách đây hơn 100 năm, phát thanh đã tạo tiền đề cho các cuộc trò chuyện và truyền đạt ý tưởng mới đến nhiều gia đình, làng xã, trường học, bệnh viện và nơi làm việc. Sự đa dạng về ngôn ngữ trên sóng phát thanh cũng đóng vai trò quan trọng. Mọi người có quyền bày tỏ quan điểm bằng ngôn ngữ riêng của họ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong năm nay khi UNESCO dẫn đầu các hoạt động kỷ niệm Năm quốc tế về ngôn ngữ bản địa.

Ngày Phát thanh Thế giới, viết tắt là WRD (World Radio Day) lần đầu tiên được công bố ở Hội nghị toàn thể UNESCO thứ 36 (3/11/2011), nhằm tôn vinh và đề cao vai trò của phát thanh trong cuộc sống hiện đại. Lý do chọn ngày 13/2 vì đây là ngày ra đời của Đài phát thanh trực thuộc Liên Hợp Quốc năm 1946, khi tổ chức này xuất hiện sau Thế chiến thứ hai nhằm mục tiêu duy trì hòa bình bền vững. Năm nay là năm thứ 8 UNESCO tổ chức ngày phát thanh thế giới.

Hiện nay, phát thanh vẫn là phương tiện dễ tiếp cận và hấp dẫn nhất. Phát thanh có chức năng thông tin, biến đổi và đoàn kết mọi người. Phát thanh có khả năng tập hợp mọi tầng lớp xã hội và thúc đẩy những cuộc đối thoại tích cực nhằm tạo ra sự thay đổi. Cụ thể hơn, phát thanh là phương tiện hoàn hảo để chống lại bạo lực và xung đột, đặc biệt là ở các khu vực có khả năng phải tiếp xúc nhiều hơn với những nguy cơ này. Đây là lý do tại sao UNESCO đang nỗ lực làm việc trên khắp thế giới để nâng cao tính đa dạng của các đài phát thanh.

UNESCO kêu gọi hàng trăm đài phát thanh trên toàn thế giới hãy lên kế hoạch phát sóng đặc biệt, hoặc tổ chức một ngày giới thiệu về đài phát thanh của bạn hoặc tổ chức một sự kiện quảng bá.

Hưởng ứng ngày phát thanh thế giới năm nay, vào ngày 13/2, Ban Đối ngoại (VOV5), Đài TNVN tổ chức cầu phát thanh trực tiếp với Liên Hợp Quốc.

Bình luận

    Chưa có bình luận