'Công chúng sẽ chỉ cho ta cách thay đổi như thế nào'

Thay đổi đồng nghĩa với tồn tại. Công chúng sẽ chỉ cho ta cách thay đổi như thế nào? Là chia sẻ của nhà báo Ngô Thiệu Phong.

 

“Internet và công nghệ đã xô đổ nhiều lý thuyết về truyền thông, làm mờ dần ranh giới thể loại cũng như các loại hình báo chí. Giờ thay đổi đồng nghĩa với tồn tại. Công chúng sẽ chỉ cho ta cách thay đổi như thế nào”, nhà báo Ngô Thiệu Phong - Giám đốc Cơ quan thường trú Đài TNVN khu vực Tây Bắc đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện về nghề.

Tìm hiểu đến “chân tơ kẽ tóc”...

 Nhà báo Ngô Thiệu Phong đã định danh trong lòng thính giả nhiều năm với các bài viết chuyên sâu ở lĩnh vực “giáo dục đào tạo”. Anh viết bài và thể hiện trực tiếp trên sóng phát thanh, được nhiều thính giả mến mộ. Điều gì ở phát thanh khiến anh “đắm đuối” nhiều năm đến vậy?

 Thế hệ 6x chúng tôi xưa không có nhiều phương tiện nghe, nhìn, đọc như bây giờ, chỉ có tiếng đài thôi. Quen thuộc với nó từ tấm bé. Hồi đó (những năm 70), bố tôi rất thích nghe chương trình Văn nghệ quân đội và ca nhạc theo yêu cầu vào sáng chủ nhật nên tôi càng bị cuốn theo.

Vừa vào Đài (năm 1996), tôi được điều lên Tây Bắc, có điều kiện vào bản làng, vào đồn biên phòng, các trường lớp cắm bản heo hút giữa rừng sâu, bóng dáng của văn minh cũng chỉ là tiếng đài, tiếng nói phổ thông thân thuộc cũng chỉ là tiếng đài, nên càng thấm. Yêu nó! Mê nó và trân trọng nó!

 Cách đây mấy năm anh có nói rằng: “Cái gì tôi đã tìm hiểu là tôi tìm hiểu đến chân tơ kẽ tóc chứ không chỉ tìm hiểu một cách qua loa, hời hợt”. Bây giờ anh không chỉ viết, còn kiêm quản lý, “chân tơ kẽ tóc” có còn là chuyện mà anh “tâm đắc” nữa hay không?

Tôi có thời gian dài làm ở ban chuyên đề Ban Văn hóa - Đời sống và Khoa giáo (VOV2) nên buộc phải rèn cách viết thật sâu. Muốn viết sâu thì tìm hiểu cho kỹ, phải biết được những điều người ta không nói, phải thấy được những thứ người ta không trưng ra… Làm chuyên đề rủng rỉnh thời gian mới làm vậy được. Tất nhiên, ai có tố chất thì sẽ có hệ thống ăng-ten bắt sóng nhạy hơn, thoáng cái thấy liền. Làm quản lý thì cơ hội lọ mọ không nhiều. Bận nhiều! Việc chính bây giờ là tạo điều kiện cho anh em viết, hướng dẫn anh em làm.

“Chân tơ kẽ tóc” trong chỉ đạo đôi khi cũng khiến anh em cảm thấy “chi tiết cụ thể quá”. Đấy là câu một bạn phóng viên - nhân viên của tôi góp ý cho tôi đấy! Tôi tiếp thu ý kiến phê bình đó của nhân viên để điều chỉnh, nhưng vẫn khẳng định người quản lý mà biết “chân tơ kẽ tóc” các phần việc thì tốt quá! Nhưng có nói ra không và cần nói khi nào thôi. Cái này cũng tùy trường hợp, tùy đối tượng. Nếu điều hành chi tiết quá sẽ làm mất hứng thú công việc của anh em, làm giảm khả năng sáng tạo. Mình cần đào tạo anh em giỏi hơn mình chứ không phải là cái bóng của mình.

Nhà báo Ngô Thiệu Phong trong chuyến công tác tại Lùng Phình- Bắc Hà- Lào Cai

Không yêu mà cứ cố viết thành yêu thì con chữ lăn lông lốc

 Trong bối cảnh thông tin cạnh tranh bằng giây, để có những tác phẩm “không qua loa, không hời hợt” mà kịp thời thật chẳng dễ, thưa nhà báo?

 Hai cái đó tưởng mâu thuẫn nhưng có thể giải quyết được! Chắc gì người nhét cả cái bánh vào miệng đã ăn nhanh bằng người biết chia nó thành miếng nhỏ? Thông tin theo sự kiện thành một chuỗi, cái sau bù đắp cho cái trước. Mỗi tin có ít nhất một thông tin mới thì sẽ không hời hợt. Khi mà món fastfood (tin) này kết thúc cũng là lúc phóng viên có đủ dữ liệu và có thời gian ngẫm ngợi cho các bài sâu, phục vụ cho một lớp công chúng khác. Vấn đề ở cách làm mà thôi.

 Phát thanh cần phải phát huy tối đa ưu thế của mình trong cuộc cạnh tranh thông tin nhanh, chính xác. Người làm phát thanh như các anh, chắc hẳn cũng phải thay đổi rất nhiều so với trước đây?

 Tôi đang lo mình tụt hậu. Mà có lẽ thế (cười)! Bây giờ VOV là tổ hợp truyền thông gồm đủ 4 loại hình báo chí (phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử) chứ đâu chỉ riêng báo nói. Làm báo gì thì cũng cần nhanh và chính xác. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tôi vẫn nhắc anh em thật lưu tâm yếu tố chính xác. Trước đây phát thanh có lợi thế nhanh nhưng giờ chưa chắc. Liệu có nhanh bằng cư dân mạng không? Cầu vừa sập có ông đứng ở đầu cầu livestream rồi!

Sẽ đến lúc thông tin mới đến dồn dập ở đủ các kênh, trong đó có mạng xã hội. Và khi đó công chúng cần sự chính xác, cần sự xác thực của thông tin. Bối cảnh này không chỉ phát thanh mà tất cả cơ quan truyền thông phải thở chung nhịp với công nghệ và khoa học kỹ thuật. Internet và công nghệ đã xô đổ nhiều lý thuyết về truyền thông, làm mờ dần ranh giới thể loại cũng như các loại hình báo chí. Báo in có bề dày truyền thống là thế mà nay cũng phải loay hoay bươn chải. Giờ thay đổi đồng nghĩa với tồn tại. Công chúng sẽ chỉ cho ta cách thay đổi như thế nào.

 Với phóng viên thường trú có lẽ sự thay đổi còn áp lực hơn nhiều khi mà phải tác nghiệp “3 trong 1” và nhiều hơn thế. Anh có thể chia sẻ thêm về việc làm báo phát thanh đa năng ở khu vực Tây Bắc?

Mỗi vị trí có áp lực riêng. Phóng viên VOV Tây Bắc phải có đôi chân khỏe, để leo; có dạ dày và thần kinh tốt, để uống; không chỉ mang máy ghi âm mà còn máy ghi hình; về nhà phải phân thân, hóa thân thành thính giả, khán giả, độc giả thật khó tính để làm tin bài cho 4 loại hình.

 Nhiều người ấn tượng với anh bởi những tác phẩm viết về đồng bào dân tộc miền núi. Để có được những tác phẩm thành công ấy, việc tác nghiệp “đa năng”, sự tâm huyết với nghề và bám sát hơi thở cuộc sống... đâu là điều quan trọng nhất trong kinh nghiệm của anh?

Điều quan trọng nhất là “hơi thở cuộc sống”. Mình từ chỗ thấu hiểu họ, rồi yêu họ, thương họ thật lòng! Vừa viết vừa sống cuộc sống của họ. Người làm báo rất cần một trái tim nóng. Có cảm xúc thì viết sẽ hay! Chữ nghĩa có hồn đấy! Không yêu mà cứ cố viết thành yêu thì con chữ lăn lông lốc, rời rạc như cơm nguội, cũng chữ đấy mà nhạt phèo./.

Xin cảm ơn anh!

Sông Mây (thực hiện)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận