Ai nấy hết lòng vì công việc
Nhà thơ có thể chia sẻ những kỷ niệm về Ban Văn học nghệ thuật mà ông đã từng gắn bó?
Tôi về Đài TNVN từ ngày 1/12/1972, được giao phụ trách mục “Tiếng thơ”. 12 năm gắn bó với Ban Văn học nghệ thuật (VHNT) biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui mà giờ đây khi nhắc lại, tôi vẫn nhớ lắm và xúc động lắm! Tôi nhớ nhất thời khắc nghe tin Mỹ ngừng ném bom ở miền Bắc. Cả nước chưa biết, nhưng thông tin này Đài biết sớm hơn các cơ quan khác vì lúc bấy giờ Đài đang sơ tán ở Quốc Oai (Hà Tây cũ), Đài được Trung ương báo tin là Mỹ ký hiệp định ngừng ném bom. Bao năm khao khát hòa bình, nay Mỹ đã đình chiến rồi, chiến tranh sắp kết thúc rồi, tôi nghe tin ngồi lặng đi, vừa hạnh phúc nghẹn ngào vừa xót xa khi nhớ lại chỉ cách đấy một tháng thôi, cả phố Khâm Thiên (Hà Nội) tan hoang vì bom Mỹ thả xuống, cả dãy phố ấy nhà nào cũng bị tổn thất, mất mát thương đau không thể nào bù đắp.
Đêm cuối cùng ở Quốc Oai, vì ngày mai Đài sẽ về lại Hà Nội, tôi thắp 2 ngọn đèn Hoa Kỳ, ngồi lặng đi, rồi tôi viết bài thơ từ biệt vùng quê sơ tán như một lời tạ ơn bà con đã cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ cán bộ trong những tháng ngày ở đây.
Công việc ở Ban VHNT, đặc biệt vào những ngày giáp Tết cổ truyền rất nhiều chuyện vui. Mọi người tất bật chuẩn bị chương trình Tết, thơ Tết cho giao thừa. Chương trình “Tiếng thơ” ngày ấy được chuộng lắm! Tôi làm công việc biên tập nên phải chọn bài thơ nào cho phù hợp. Sau thời khắc Bác Hồ đọc thơ chúc Tết là chương trình “Tiếng thơ”, phải cân nhắc nên dùng thơ của ai, ai ngâm. Hồi ấy Ban VHNT hay dùng thơ của Tố Hữu, vì ông làm trong Bộ Chính trị, lại là nhà thơ lớn nên chọn thơ ông là hợp lý nhất, yên tâm nhất.
Thưa nhà thơ, ông phụ trách mảng“Tiếng thơ” của Ban VHNT trong nhiều năm, vậy nghệ sĩ nào, nhà thơ nào khiến ông nhớ nhất?
Các nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng lúc bấy giờ có: Châu Loan, Trần Thị Tuyết, Linh Nhân, Kim Cúc... Tôi rất yêu quý những nghệ sĩ này bởi họ làm việc say mê và nghiêm túc lắm! Trong số đó, tôi nể nghệ sĩ Trần Thị Tuyết vì bà làm rất nghiêm cẩn, đưa tác phẩm cho bà, bà không vội ngâm mà đọc đi đọc lại, còn hỏi những câu, những chữ mà bà chưa rõ nghĩa.
Sau khi thu âm xong, bao giờ tôi cũng mời ông Trần Lâm là Tổng Giám đốc Đài TNVN lúc bấy giờ nghe. Ông Trần Lâm rất thích nghe Đài chương trình Văn nghệ, đặc biệt thích “Tiếng thơ”. Ông Trần Lâm còn tư vấn cho tôi là với bài thơ này nên chọn nghệ sĩ nào ngâm cho phù hợp, cho đạt nhất. Tôi rất ngưỡng mộ sự thẩm định của ông ấy.
Tôi kính trọng một nghệ sĩ đệm đàn cho nghệ sĩ Trần Thị Tuyết là cụ Đinh Khắc Ban. Cụ Ban là nghệ sĩ đánh đàn đáy số 1 lúc bấy giờ.
Nói về cụ Ban, đến bây giờ tôi vẫn thấy thương cụ quá. Cụ khổ lắm, nhà cửa không có. Cụ tá túc tại phòng làm việc, khi mọi người về, cụ kê bàn ghế lại làm giường. Đồ dùng sinh hoạt cá nhân chẳng có gì. Cụ dùng cái ống bơ để thổi cơm, cơm chín thì trút ra bát tô, lại dùng cái ống bơ ấy để nấu canh hay kho chút cá. Cụ giản tiện hết mức. Kham khổ lắm! (khóc). Cụ Ban là nghệ sĩ của nhiều thời.
Tôi học được nhiều điều từ những tên tuổi lớn
Còn với những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ gắn bó với Ban VHNT lúc bấy giờ thì như thế nào, thưa ông?
Hồi đấy, Ban VHNT là nơi quỵ tụ các cây đa cây đề văn chương như: nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Xuân Diệu, nhạc sĩ Hoàng Vân, Hồ Bắc, nghệ sĩ ca trù Quách Thị Hồ... Tôi được sống gần họ và chứng kiến nhiều câu chuyện không liên quan đến văn nghệ, nhưng những câu chuyện ấy cho tôi nhìn thấy tận trong sâu thẳm nhân cách của những con người này.
Tôi còn nhớ kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Tuân và nghệ sĩ Quách Thị Hồ. Một sáng, nhà văn Nguyễn Tuân đến Đài rất sớm. Các nghệ sĩ hay ngồi uống trà nói chuyện tại phòng văn nghệ lúc bấy giờ, trà rất hiếm. Cụ Quách Thị Hồ mới giở cái túi đem ra một gói trà nhỏ, nhờ cụ Ban đun nước để pha mời cụ Nguyễn Tuân. Cụ Ban pha xong, cụ Quách Thị Hồ mới rót vào chén, hai tay nâng mời cụ Tuân thưởng thức. Cụ Quách Thị Hồ hỏi cụ Tuân là trà có ngon không? Cụ Tuân khà một tiếng, đáp: “Ngon thì ngon thật nhưng hình như nước chưa sôi kỹ”. Lập tức, cụ Quách Thị Hồ đáp trả: “Vậy ông ngậm trà vào miệng, tôi đổ thẳng nước sôi vào xem nước có sôi kỹ không nhé” (cười). Cụ Tuân không bắt bẻ gì được sự đáo để của người phụ nữ mà ông rất mực quý trọng.
Tôi biết cụ Tuân là người khảng khái, thậm chí có vẻ khinh khi, đến như cụ Hoàng Văn Hoan lúc bấy giờ làm trong chính phủ muốn đến nhà cụ Tuân chơi, chúc Tết mà cụ Tuân còn chối. Nhưng cụ Tuân lại vô cùng yêu quý, tôn trọng những nghệ sĩ hát ca trù ở phố Khâm Thiên, cái nghề mà có một thời người ta miệt thị, coi thường.
Ông có thể chia sẻ về những dấu ấn trong nghề khi ông đang cống hiến cho Ban Văn nghệ?
Tôi không có gì nổi bật đâu (cười), chỉ là một người làm công tác biên tập thôi, nhưng ở đó tôi học được rất nhiều. Cơ hội được làm việc với những tên tuổi lớn đã giúp tôi nhìn lại mình, soi mình vào. Tôi học cách viết văn, cách phê bình một bài thơ sao cho chuẩn xác, cách bình một truyện ngắn ra sao...
Tôi nhớ một kỷ niệm gắn với công việc biên tập thơ. Đó là khi tôi nhận được trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lúc bấy giờ ông đang ở chiến trường Bình Trị Thiên. Trường ca dài lắm, tôi phải chọn một chương để ncho gâm trong chương trình “Tiếng thơ”. Tôi mạnh dạn chọn chương “Đất nước”, nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm, cụ Ban đệm đàn. Thính giả thích lắm, gửi thư về bày tỏ tình cảm với chương trình.
Tôi gắn bó với Ban VHNT hơn 10 năm nên có nhiều dấu ấn và kỷ niệm sâu sắc. Giờ già rồi, tôi vẫn luôn theo dõi, vẫn giữ thói quen nghe đài, nhất là “Tiếng thơ” và “Đọc truyện đêm khuya”. Tuổi già gắn với cái radio để đầu giường cũng là một thú vui! Nghe để nhớ một thời từng gắn bó, nghe hôm nay để nhớ hôm qua....
|
Tôi rất xúc động vì bản thân đã đóng góp một phần nhỏ cho Ban VHNT. Sau này, khi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ra Trung ương, ông gặp tôi và cảm ơn tôi đã thấu hiểu tác phẩm của ông ấy. Đây là niềm động viên cho những người biên tập văn chương!