Hành trình rẻo cao

'Hành trình rẻo cao' là kho tư liệu quý giá, trực quan, sống động, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc rất ít người.

 

Khi nguồn thông tin về các dân tộc rất ít người ở Việt Nam vô cùng hiếm hoi, ít ỏi và đang dần bị mai một, thì “Hành trình rẻo cao” chính là kho tư liệu quý giá, trực quan, sống động, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc này.

Và Giải Đặc biệt của Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2017-2018 là một phần thưởng xứng đáng dành cho ê-kíp suốt 5 năm (2013-2018) sống cùng “Hành trình rẻo cao” - series phim tài liệu về các dân tộc rất ít người (DTRIN) ở Việt Nam của Kênh Truyền hình Nông nghiệp Nông thôn - VTC16, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Đài Tiếng nói Việt Nam.

16 DTRIN “sống” trong phim

Đây là lần đầu tiên có một series (18 tập) phim tài liệu truyền hình về các DTRIN ở Việt Nam một cách hệ thống. Xuyên suốt bộ phim là bức tranh sinh động về 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người: Lô Lô, Pà Thẻn, Pu Péo, Cờ Lao, Bố Y, La Hủ, Phù Lá, Lự, Mảng, Si La, Cống, La Ha, Ơ Đu, Chứt, Rơ Măm, Brâu.

 “Hành trình rẻo cao” được thai nghén từ năm 2013. Khi đó, nhận thấy vấn đề về các DTRIN được Quốc hội quan tâm, chú trọng, VTC16 đã quyết định làm một bộ phim tài liệu về nội dung này. Nhà báo Nguyễn Kha Thoa, Tổng đạo diễn và chỉ đạo sản xuất phim cho biết: “Chúng tôi xác định đây sẽ là bộ phim độc đáo, có ý nghĩa lớn với xã hội, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của các DTRIN, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số, đồng thời đặt ra những vấn đề còn tồn tại trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách ấy”.

16 DTRIN thường sinh sống ở miền núi, nơi vùng cao cheo leo hoặc vùng sâu, xa nhất của Tổ quốc. Bởi vậy, để có được những thước phim về họ, có nghĩa đoàn làm phim phải rong ruổi từ đỉnh núi này sang ngọn núi kia, từ rẻo cao này đến vách đá khác. “Và đó là lý do để chúng tôi đặt cho phim cái tên “Hành trình rẻo cao”. Hành trình ấy cũng gợi cho chúng tôi ý tưởng thể hiện bộ phim tài liệu khoa học này dưới dạng ký sự đậm tính dung dị, gần gũi”, nhà báo Nguyễn Kha Thoa cho hay.

Trước khi chính thức khởi quay, ê-kíp làm phim đã có 1 năm đến các thư viện tìm đọc tài liệu, trò chuyện với các chuyên gia văn hóa, về nơi đồng bào DTRIN sinh sống khảo sát thực tế, gặp các ban, ngành, sở tại địa phương để tìm hiểu bước đầu về các DTRIN. Thế nhưng tài liệu lưu trữ về các DTRIN lại ít ỏi, nghèo nàn, thậm chí có những dân tộc không có chút tài liệu nào nói về họ.

Nhưng đó mới chỉ là khó khăn mở đầu cho cả chuỗi thách thức, hiểm nguy mà đoàn làm phim phải đối mặt. Để có được series phim tài liệu gồm 18 tập phim phản ánh chân thực nhất về đời sống, văn hóa của các DTRIN là sự cống hiến không mệt mỏi của ê-kíp 50 người trong suốt 5 năm ấy. Cho đến giờ, đoàn làm phim vẫn nhớ những chuyến đi đối mặt với tử thần. Nhà báo Lê Huyền Trang chia sẻ: “Cả đoàn với lỉnh kỉnh máy móc thiết bị, đồ ăn, thức uống… đi chênh vênh trên những con đường xương sống gập ghềnh, nhỏ chỉ vừa đủ hàng một đi và hun hút sâu - một bên là vực, một bên là vách núi dựng đứng. Những chuyến đi gặp mưa to, gió lớn hay lũ quét, đoạn đường mình vừa đi qua thì lở núi, đất cát, đá đổ sập ngay sau lưng. Có những lúc ô tô lên dốc mà cảm thấy như đang lùi xuống vực. Vậy mà có khi phải đi tới 2, 3 chuyến kéo dài hàng tuần như vậy, ê-kíp mới hoàn thiện được những thước phim về dân tộc đó”.

 

Những ngày tác nghiệp ở nơi không điện, không sóng điện thoại, đoàn làm phim bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ban ngày ăn, ở với bà con, với cả lợn, gà, đêm xuống trải chiếu ngủ dưới đất. Không còn để ý được chuyện sạch hay bẩn, có khi nằm mà dĩn bò xung quanh. Bà con lên rừng từ 3 - 4h sáng, cả đoàn làm phim cũng thức dậy, khăn gói đi cùng. Nhà báo Bùi Xuân cho hay: “Suốt quá trình làm phim, ê-kíp luôn phải “rình rập” các sự kiện của các DTRIN bằng cách giữ liên lạc thường xuyên với người dân địa phương. Mỗi khi có sự kiện diễn ra, họ gọi báo, bất kể vào lúc nào, chúng tôi đều lập tức lên đường, kịp tham gia và quay tất cả nghi lễ của họ”.

Làm tất cả vì các DTRIN

Những trường hợp không có người phiên dịch, như với dân tộc La Hủ (Lai Châu), buộc phải làm phim trong điều kiện bất đồng ngôn ngữ, “ê-kíp chỉ còn cách sống chung, làm cùng, tham gia mọi hoạt động của họ để cảm nhận, hiểu con người, suy nghĩ và văn hóa, quan niệm của dân tộc đó chứ không phải chỉ đứng ngoài quan sát”, Bùi Xuân chia sẻ.

Nhà báo Lê Huyền Trang và một bà mẹ người Mảng.

“Các DTRIN coi đoàn làm phim là người của bản làng. Một bà mẹ người Mảng rất nghèo đã mang bộ quần áo đẹp nhất mà bà chỉ mặc mỗi dịp lễ để mặc cho tôi. Rồi bà chải và cột tóc cho tôi, cẩn thận, tỉ mỉ. Lúc ấy, tôi thấy mình là một cô gái Mảng thực thụ”.

Nhà báo Lê Huyền Trang.

Có những DTRIN văn hóa đã bị mai một, lai căng, biến đổi nên khác nhiều so với ít ỏi tài liệu mà ê-kíp thu thập được trước đó, thậm chí một số dân tộc mất cả ngôn ngữ, chữ viết riêng và bị Kinh hóa. “Nền văn hóa của các DTRIN như những mảnh vỡ. Việc của chúng ta bây giờ là nhặt và ghép những mảnh vỡ đó lại với nhau, lưu giữ tất cả những gì quý giá có thể giữ, được chừng nào hay chừng đó”, dẫn lời của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam - người đã “rút ruột” nói về cộng đồng các DTRIN - nhà báo Lê Huyền Trang bày tỏ: Đó là điều khiến đoàn làm phim luôn bị tiếc nuối, ám ảnh, day dứt...

Tôn trọng nguyên bản. Nguyên tắc này, ê-kíp tuân thủ triệt để khi thực hiện bộ phim. Phóng viên hiện trường được khuyến khích khai thác kỹ càng, chi tiết về các DTRIN và không can thiệp, sắp đặt các chất liệu đó. Là một trong những người chịu trách nhiệm tổng thể về “Hành trình rẻo cao”, nhà báo Lê Huyền Trang cho hay, khối chất liệu các phóng viên mang về rất quý giá và đồ sộ. Khi làm hậu kỳ và duyệt phim, chúng tôi phải cắt gọt, gạn lọc làm sao để vừa với thời lượng 30 phút mỗi tập phim mà vẫn giữ được hồn cốt, thông điệp nổi bật, nét độc đáo, sự chân thực nhất về dân tộc đó. “Nếu chúng ta không cố gắng lưu giữ những nét đẹp ấy để mọi người biết tới, quan tâm và chung tay bảo tồn thì tất cả những điều đẹp đẽ mình được nhìn thấy hôm nay rất nhanh thôi sẽ không còn nữa”, Huyền Trang bày tỏ. “Hành trình rẻo cao” còn ẩn chứa một dụng ý, cũng là điều mà đoàn làm phim mong mỏi, đó là bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng, các DTRIN sẽ nhận ra giá trị của dân tộc họ và có ý thức gìn giữ, phát triển.

Mang “nhiệm vụ” tổng kết những vấn đề chung đặt ra ở 16 tập phim trước đó, hai tập cuối của “Hành trình rẻo cao” đề cập thực trạng phát triển của các DTRIN và những vấn đề liên quan đến chính sách phát triển đối với nhóm các dân tộc này; đồng thời khắc lại vấn đề cốt lõi của mối quan hệ giữa rừng - với vai trò là không gian sinh tồn, cũng là nguồn gốc hình thành những giá trị văn hoá đặc sắc - với các DTRIN.

Nhà báo Phạm Văn Trung, Giám đốc Kênh VTC16 cho biết: “Khi bắt tay xây dựng kịch bản, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, nội dung phim còn “hiền” quá, chưa chạm tới những vấn đề “nóng” nhất. Có ý kiến lại cho đây là những vấn đề “nhạy cảm” nên cần hạn chế việc đưa thông tin, hình ảnh mang tính tiêu cực. Chúng tôi xác định, phim không “tô hồng” hay “bôi đen” mà phản ánh hiện thực một cách chân thực, khách quan, đa chiều, vì lợi ích chung”. Ê-kíp đưa vào phim nhiều câu chuyện, chi tiết ghi nhận được ở những vùng có đồng bào các DTRIN sinh sống. Bên cạnh đó, là những con số thống kê, đánh giá, nhận định từ chính các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, ê-kíp đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà hoạch định chính sách, giám sát thực hiện chính sách, các đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện chính sách, các chuyên gia độc lập, có uy tín cũng như người dân ở các DTRIN để đảm bảo tính khách quan, đa chiều cho bộ phim.

““Nói có sách, mách có chứng” với tinh thần xây dựng, mục đích cuối cùng của “Hành trình rẻo cao” là vì sự phát triển bền vững của các DTRIN” - nhà báo Phạm Văn Trung khẳng định./.

Box 2 :

“Nhóm các DTRIN dù rất khó khăn nhưng họ hài lòng và vui vẻ với cuộc sống của họ. Với đồng bào dân tộc thiểu số, sự thiếu thốn về vật chất không khiến họ cảm thấy kém hạnh phúc hay bất hạnh. Đó là thứ mà mình phải học từ họ”.

Nhà báo Bùi Xuân.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận