Cái lý lẽ của mong muốn là: Phát thanh viên, 1 trong 6 thành viên làm nên chương trình phát thanh đầu tiên của Đài phát thanh Quốc gia, vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 7/9/1945, đồng nghĩa với truyền thống phát thanh đi cùng dân tộc, cùng năm tháng. Cũng có nghĩa là không có tiếng nói, không có phát thanh. Cao đẹp hơn nữa Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh tiếng Việt đầu tiên trên thế giới, là tấm hộ chiếu âm thanh xuyên quốc gia, mang thông điệp một nước độc lập, tự do, có chủ quyền, mưu cầu hạnh phúc cho người dân Việt Nam đến với thế giới. Người đầu tiên và cũng là người cuối cùng có trọng trách thiêng liêng mang tiếng nói đó, không ai khác là đội ngũ phát thanh viên.
Trong quá trình cùng đồng nghiệp biên soạn cuốn “70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam - 1945 - 2015”, tôi đã cảm nhận sâu sắc điều đó. Có lần, tôi nói với nghệ sĩ ưu tú, phát thanh viên Hà Phương là nên dành thời gian viết về đội ngũ phát thanh viên Đài TNVN. Anh rất tâm đắc, nhưng vẫn băn khoăn “khó lắm anh ơi”. Hai cái khó đặt ra, nói nôm na là người viết và người chi tiền.
Trong không khí đầm ấm cuộc gặp gỡ các thế hệ phát thanh viên Đài TNVN, tháng 9/2017, Tổng giám đốc Nguyễn Thế Kỷ tâm đắc với ý nguyện có một cuốn sách về “nghề nói” và bảo đảm Đài sẽ tổ chức biên tập, in ấn thành công, là món quà tặng các nghệ sĩ phát thanh viên và bạn bè trong, ngoài ngành. Tổng giám đốc đã truyền cảm hứng và bảo đảm cho nhóm biên soạn chúng tôi vượt qua nhiều khó khăn, rào cản để hoàn thành công việc. Hầu hết người viết đã nghỉ hưu, tư liệu của nghề “nói qua tai”, “nghe qua loa” thật sự là “nghèo”, khó khăn bội phần, chỉ có tình yêu người, yêu nghề là nóng hổi và giàu có.
Thôi, kể làm chi những đêm thức trắng, những ngày lọ mọ, cặm cụi truy tìm tài liệu, trang nhật ký đã bị lớp bụi thời gian che lấp. Kể làm chi những khoảnh khắc có một không hai như tác giả hẹn gặp nhà văn Bích Thuận để nghe bà kể về người chồng thân thương biên tập viên, phát thanh viên Trần Sinh đã quá cố. Tác giả chưa kịp gặp thì nhà văn Bích Thuận đã qua đời. Con trai bà đã làm việc còn lại của cha mẹ. Những trang viết thấm đẫm tình người.
Mọi việc đã qua, trên tay các bạn đọc thân thương là cuốn “Tiếng nói cùng năm tháng” đầy đặn trang in, đầy đặn nội dung.
Cuốn sách chia làm ba phần. Phần một là quá trình hình thành, phát triển của đội ngũ phát thanh viên Đài phát thanh Quốc gia từ 7/9/1945 cho đến nay, mang tựa đề: “Đạo quân đi dọc thời gian”. Ai là người đầu tiên, đặt bước chân ban đầu trên dặm đường ấy và cũng là người đầu tiên đặt viên gạch xây nên ngôi nhà ấm cúng phát thanh viên? Tại sao có cái tên ban đầu là “biên tập xướng ngôn”, rồi “Ban nói”, “tổ nói”, “phòng đọc” cho đến ngày nay là “phòng phát thanh viên”.
Một chặng đường thời gian từ tự phát, có thời khắc như “ngu ngơ” đáng mến đến tự nhận ra mình, biết mình là ai, quan trọng và cần thiết đến mức không thể thay thế như thế nào là cả một quá trình “từ không đến có”, hay nói như nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là “từ hai bàn tay trắng” mà xây nên cơ nghiệp.
Phần hai với cái tên nghề nghiệp “lặng thầm và lan tỏa”. Một mình đối mặt với con chữ, ngăn cách bởi tấm kính trong suốt. Độc thoại rồi đối thoại. Không gian im ắng. Không có khán giả. Chỉ có chiếc micro kim loại, trắng lạnh hiển hiện trước mặt. Phát thanh viên phải thể hiện đầy đủ cung bậc cảm xúc theo con chữ, nội dung văn bản, cho người nghe cảm nhận được tốt nhất thông tin và cảm thụ.
Lao động phát thanh viên là như vậy, là thầm lặng. Nhưng sản phẩm mang lại cho mọi người là sức lan tỏa trong không gian rộng lớn với thời gian không ngưng nghỉ. Họ là những phát thanh viên đầu tiên của Đài phát thanh Quốc gia, là những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú được Nhà nước phong tặng.
Mỗi nghệ sĩ phát thanh viên trong phần này được mô tả không chỉ lao động nghề nghiệp cần mẫn, nghiêm túc mà còn phong phú trong đời sống, có những nét rất riêng. Có một Tuyết Mai đã ở tuổi 80 mà thính giả nghe giọng trong trẻo, đầy cảm xúc nên cứ tưởng như còn trẻ lắm, viết thư về Đài gọi bà bằng cô, bằng em. Có một Vân Yến mà đến nay mới giải mã được nghệ danh.
Có một Ngân Thanh thời ở núi rừng Việt Bắc được bạn nghe đài thương quý gửi tặng lọ thuốc ho vì khi nghe chương trình phát thanh có tiếng ho nhè nhẹ. Tiếng ho lọt vào chương trình trực tiếp không phải của Ngân Thanh mà là của con trai bà. Đứa trẻ ấy nay đã lên ông và đang nâng niu cuốn sách có viết về cuộc đời phát thanh viên của mẹ.
Có một Minh Lý, nay ở tuổi 95, đang sống ở thành phố mang tên Bác không bao giờ quên buổi sáng lạnh tê tái đầu năm 1959 giữa lòng Hà Nội. Bà cùng đồng nghiệp tường thuật trực tiếp cuộc mít tinh, biểu tình tuần hành chống quân địch gây ra vụ thảm sát khủng khiếp bằng thuốc độc trộn cơm ở nhà tù Phú Lợi. Có một nhà thơ nổi tiếng đã nghe giọng đọc căm phẫn ấy. Sáng hôm sau nhà thơ vẫn nghe giọng đọc Minh Lý, nhưng “chị ấy sao khản cổ”. Sau đó ít lâu phát thanh viên Minh Lý nhận được bài thơ tặng từ miền Nam gửi ra. Bài thơ được in lại trong chân dung Minh Lý “Đọc cho người ta khóc”. Nhà thơ là ai? Các bạn đọc sẽ biết. Nhiều lắm, những chi tiết hay, độc như thế.
Có một Trịnh Thị Ngọ đọc tiếng Anh chuẩn và hay đến mức quyến rũ được binh lính, sĩ quan người Mỹ, giúp họ nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là nhịp sống chung trên trái đất này. Đến mức Bộ Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ cấm binh lính Mỹ nghe giọng đọc huyền thoại “Hà nội Hannah - Thu Hương” qua VOV. Đây là phần cốt lõi của cuốn sách.
Phần ba ngắn gọn, nhưng lại “Thẳm sâu nơi người nghe”. Đó là tình cảm yêu thương và nghiêm khắc của thính giả với giọng đọc trên Đài TNVN. Thời phát thanh truyền thống, hằng ngày, Đài TNVN nhận được 600 thư thính giả trong nước và hàng trăm thư thính giả nước ngoài. Các biên tập viên đã tuyển chọn lại để nói một điều giản dị như cụ Phan Chí Trung viết thư về Đài TNVN tâm sự: “Qua giọng đọc phát thanh viên, chúng tôi có thêm người bạn tâm giao, là nơi cung cấp đầy đủ các tài liệu. Đài còn là người bạn, động viên, an ủi tất cả mọi người”.
Những giọng đọc đi cùng năm tháng không chỉ làm giàu thông tin hằng ngày, nâng tầm cảm xúc của con người với cuộc sống mà bền vững hơn nữa, sâu xa hơn nữa là trực tiếp góp phần nuôi dưỡng, làm sáng hơn lên, đẹp hơn lên chuẩn mực tiếng Việt, giá trị Việt.
Đài TNVN giới thiệu 3 cuốn sách
Nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15/5, Đài TNVN đã giới thiệu đến công chúng 3 cuốn sách mới xuất bản.
Cuốn sách “Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí” của nhà báo Phan Quang tập hợp 35 bài báo, bài viết ghi lại những cảm xúc chân thực, những câu chuyện có thật và những cảm nhận về những lời dạy của Bác với báo chí Cách mạng Việt Nam.
Cuốn sách "Tiếng nói cùng năm tháng" giới thiệu về nghề phát thanh viên và những giọng phát thanh viên tiêu biểu của Đài TNVN trong 74 năm qua, đã đi vào tâm khảm của các thế hệ bạn nghe Đài cả trong nước và quốc tế.
Cuốn thứ ba là 2 tập sách kỷ yếu hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” tập hợp gần 100 bài viết công phu, chất lượng là kết quả từ Hội thảo khoa học toàn quốc do VOV, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức cuối năm 2017.
|