Đồ nho trong làng báo Tây Nguyên

Một nhà báo vẫn khẳng định được vị thế nghề nghiệp của mình bằng cách làm việc đề cao sự chuẩn tắc, thận trọng trên mọi phương diện. Anh là nhà báo Khoa Điềm.

 

Thời kỳ nhiều lĩnh vực nghề nghiệp đề cao sự phá cách, trong đó có nghề báo, ở VOV Tây Nguyên, một nhà báo vẫn khẳng định được vị thế nghề nghiệp của mình bằng cách làm việc đề cao sự chuẩn tắc, thận trọng trên mọi phương diện. Anh là nhà báo Khoa Điềm.

Không chỉ dẫn đầu đơn vị về năng suất lao động, anh còn là nhà báo đa năng cả truyền hình, phát thanh và báo mạng; đồng thời cũng là người ghi nhiều dấu ấn chuyên môn khi giành những giải thưởng ở cả tầm quốc gia và khu vực.

Bị chê vì… không phạm khuyết điểm

Trong những người làm báo ở Tây Nguyên, Khoa Điềm của cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên (VOV Tây Nguyên) bị đồng nghiệp “chê thậm tệ”.

Về tác phong, anh bị chê “quá điềm đạm”. Về công tác, anh bị chê “quá đúng qui trình”. Trong đời sống, anh bị chê kém phong lưu, như không biết uống rượu, không biết đánh bài, chơi cờ, bida hay karaoke...

Nhà báo Cao Nguyên, TTXVN tại Kon Tum, là đồng nghiệp sát cánh cùng Khoa Điềm nhiều năm, than thở: “Chán thầy đồ này lắm. Bây giờ anh em có tổ chức gặp gỡ vui vẻ, thà mời thằng con lớp 6 của lão dự, nó còn uống được đôi ly, hát được đôi bài. Còn lão ấy, chỉ nên gặp để bàn chuyện tình chim cánh cụt”…

Nhà báo Khoa Điềm trong một chuyến đi tác nghiệp.

Chuyện tình chim cánh cụt là cách nói lóng của một số nhà báo về chuyện nghề. Đây là chuyện gần như duy nhất thu hút Khoa Điềm, bởi anh thật sự là con nghiện công việc.

Anh tâm sự: “Nếu ngày nào đó mà không viết gì, mình cảm giác như có 1 ngày đã bị lãng phí”. Chính vì nghiện công việc, ở tuổi 45, được coi là già về thể chất, Khoa Điềm vẫn ngày ngày bôn ba khắp địa bàn phụ trách, từ vùng rừng sâu Chư Mom Ray đến vùng núi cao Ngọc Linh, Đắk Glei, Kon Plông, không kém bất kỳ một đàn em trẻ trung sung sức nào. Lãnh đạo cơ quan VOV Tây Nguyên cũng vui vẻ với việc nhận và xử lý các tin, bài do Khoa Điềm trình lúc quá nửa đêm, hay nhận các báo cáo công việc của anh vào lúc vừa rạng sáng.

Trong một lần tổng kết cơ quan, nhà báo Giang Trung Sơn khi còn làm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn tại VOV Tây Nguyên phê bình: Khuyết điểm, hạn chế của Khoa Điềm là… không phạm khuyết điểm, hạn chế nào cả!

 

Chấp nhận “hiền lành”, “cổ lỗ”

Những năm gần đây, báo chí nước ta nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng, phổ biến hiện tượng “say” tin mặt trái. Các báo điện tử hoạt động mạnh, các tin dân sinh giật gân, chủ đề “cướp - hiếp - giết” thu hút lượng views lớn nên các báo này càng ra sức đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Phóng viên ở vùng kém sôi động như Tây Nguyên phần lớn cũng phải thay đổi cho phù hợp với xu thế. Chỉ riêng Khoa Điềm “bảo thủ”, nói “không”.  Trong số khoảng 300 sản phẩm, tác phẩm báo chí, cả phát thanh, truyền hình, báo điện tử do anh thực hiện mỗi năm, rất đa dang về đề tài, sắc thái, nhưng không có lấy 1 tin giật gân.

Trước những góp ý, cả trực tiếp và kín đáo của đồng nghiệp, rằng như vậy là quá “hiền lành”, “cổ lỗ”…, Khoa Điềm chỉ cười: “Tôi cũng nhiều trăn trở khi có những tin được coi là hot, mà mình đành bỏ qua. Nhưng sau khi tự hỏi, tự cân nhắc xem những sản phẩm hot như vậy đem lại giá trị gì cho tôi và cho người đọc, người nghe… thì tôi thấy rằng, mình không theo dòng tin ấy là phù hợp. Còn làm báo sao cho thật thu hút, đúng là điều cần thiết, nhưng điều ấy phải đặt phía sau sự trung thực”.

Thành công của cách làm báo chính thống

“Mưa lũ gây thiệt hại trên diện rộng”, “Di dân khẩn cấp khỏi vùng sạt lở”, “cán bộ chiến sĩ giúp dân làm đường”, “Người cựu chiến binh hàng chục năm đi tìm đồng đội”, “Lên tận biên giới để lừa đảo người dân”, “Giang hồ hỗn chiến 2 người chết 3 người bị thương” - là vài tít tin bài trong 1 tháng của Khoa Điềm, cho thấy phóng viên không hề “hiền lành”, “cổ lỗ” mà rất đa dạng, xông xáo. Đây cũng là căn cơ để một phóng viên công tác tại Kon Tum, địa phương nhỏ bé, ít dân nhất khu vực, lại hầu như luôn dẫn đầu VOV Tây Nguyên về năng suất lao động, với khoảng 300 sản phẩm, tác phẩm mỗi năm.

Đi nhiều, gắn bó với cơ sở, nhìn bằng hai mắt, nghe bằng hai tai và phân tích vấn đề bằng cả tư duy logic cùng tinh thần trách nhiệm, Khoa Điềm đã nhìn thấy những vấn đề lớn ở một địa phương nhỏ, hiện tượng nhỏ. Từ những chuyến xe tải mỗi ngày ì ạch qua tỉnh Kon Tum, anh đã phát hiện nhiều dấu hiệu tiêu cực và triển khai thành loạt tin bài 5 kỳ: “Xe quá tải ngang nhiên trên quốc lộ 14 và nghi vấn tiêu cực”. Năm 2013, tác phẩm này được trao Giải B, Giải Báo chí Quốc gia.

Thu hút đầu tư nhiều, triển khai đầu tư ít là điều không lạ lùng gì đối với người dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nhưng phóng viên đã phát hiện tiêu cực lớn đang gây hại cho nền nông nghiệp địa phương và triển khai loạt bài “Sập bẫy dự án, hàng nghìn ha đất vàng Kon Plông bị bỏ hoang”, đoạt Giải C Giải Báo chí Quốc gia 2019.

Cách đây không lâu, làm việc với VOV - Cơ quan thường trú Tây Nguyên, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ đặt ra tiêu chuẩn: Làm báo bây giờ phải giỏi cả phát thanh, truyền hình, báo điện tử; phải tác nghiệp được cả trực tiếp và gián tiếp, phải gắn bó với cơ sở để tác phẩm báo chí thể hiện được chiều sâu của thực tiễn.

Thực tế cho thấy, nhà báo Nguyễn Khoa Điềm là người đầu tiên ở VOV Tây Nguyên đáp ứng được các tiêu chuẩn. Việc “quá điềm đạm”, “quá đúng quy trình”, hay “hiền lành”, “cổ lỗ”… đều không cản trở lòng yêu nghề, tinh thần dấn thân chân chính của người làm báo cách mạng. Ngược lại, chính những điều đó, đang giúp anh vươn tới thành công./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận