Tâm nguyện đời người: Tác phẩm đậm tính nhân văn

Với cách làm sáng tạo, tác phẩm 'Tâm nguyện đời người' của Ban Văn hóa-Xã hội (VOV2) Đài TNVN đã giành giải A Giải báo chí Quốc gia năm 2018.

 

Chọn góc tiếp cận “trúng”, chọn nhân vật “đắt”

Đất nước thống nhất 44 năm, vết thương chiến tranh cũng đang từng ngày được hàn gắn, cỏ đã lên xanh nơi chiến trường xưa ác liệt, nhưng với rất nhiều gia đình, có một nỗi đau vẫn âm ỉ, day dứt khôn nguôi, khi họ vẫn chưa tìm được hài cốt của người thân đã hy sinh.

Theo thống kê, cả nước có hơn 1,1 triệu liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Hiện đã tìm kiếm được 900.000 hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính được 600.000 mộ, còn khoảng 200.000 mộ liệt sĩ chưa được quy tập về nghĩa trang và 300.000 hài cốt liệt sĩ cần được xác định danh tính.

Rõ ràng câu chuyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính đang là vấn đề nóng của xã hội và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc vì thế, nhà báo Hồng Quyên, nhà báo Thanh Hương và ekip thực hiện chương trình Tâm nguyện đời người đã lựa chọn góc tiếp cận này. Để chương trình không khô cứng, giáo điều, ekip đã lựa chọn được một nhân vật rất “đắt”, một nhân vật xứng đáng được tôn vinh, đó là cựu chiến binh - thương binh Phạm Ngọc Mậu (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng), người đã dành trọn đời mình để đi trả món nợ ân nghĩa với đồng đội.

Âm thầm và lặng lẽ, hoàn toàn xuất phát từ cái tâm, không nhận bất kỳ danh hiệu gì, tiền bạc tự túc, suốt 30 năm qua với chiếc ba lô đã bạc màu, sờn rách, bác Mậu đã băng qua nhiều cánh rừng, con suối để hoàn thành tâm nguyện đời mình. Hành trình vẫn chưa dừng lại khi nhiều đồng đội chưa được trở về quê mẹ như chia sẻ của bác: “Sự mong ngóng của những người mẹ, người vợ khó gì có thể chia sẻ nổi. Khi tôi tìm được hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Cánh ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đưa về quê nhà thì 3 ngày sau mẹ của liệt sĩ (ở tuổi 92) qua đời. Bà đã mong ngóng con bao năm trời và khi con được trở về bà mới yên tâm nhắm mắt xuôi tay. Mong rằng các cơ quan chức năng đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm và giám định AND để vợi bớt nỗi đau của các gia đình liệt sĩ”.

 Sự trăn trở của bác cũng là nỗi day dứt khôn nguôi của những người đang sống - đó là tìm và đưa được hài cốt liệt sĩ về an nghỉ tại quê nhà.

Khi thực hiện các cuộc gặp gỡ với thân nhân gia đình liệt sĩ, có một điều khiến tôi ám ảnh, đó là có những người mẹ, có những người vợ cả cuộc đời của họ chỉ để chờ đợi… chờ đợi tìm thấy hài cốt người thân đưa về bên gia đình, dẫu biết rằng việc đó là vô cùng khó khăn. Khi hiểu được điều đấy, chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn, rõ hơn hạnh phúc thiêng liêng khi quy tập được các hài cốt liệt sĩ về bên người thân và càng trân trọng hơn những hành trình gần 30 năm qua của bác Mậu”, nhà báo Bá Duy - VOV2

Bác Phạm Ngọc Mậu (người mặc quân phục) cùng nhà báo Thanh Hương (mặc áo dài đỏ) và một số phóng viên VOV2.

Những bất ngờ, những xung đột tạo cảm xúc

Một chương trình trực tiếp kéo dài 60 phút nhưng cuốn hút người nghe từ đầu tới cuối chương trình nhờ kịch bản được xây dựng chặt chẽ và sinh động. Đan xen những chia sẻ của nhân vật khách mời là những phóng sự chân thực về thân nhân những gia đình liệt sĩ. Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép của chiến tranh. Mỗi câu chuyện là một ký ức đong đầy. Kịch bản được xây dựng với những yếu tố gây bất ngờ; có những xung đột tạo cao trào đẩy cảm xúc của khách mời và thính giả lên cao.

Thính giả Lê Văn Bổng (Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ: “Mặc dù chương trình kéo dài tới một tiếng đồng hồ nhưng tôi nghe không dứt ra được. Chương trình rất hấp dẫn nhờ lựa chọn được những nhân vật tiêu biểu, lại có những kịch tính khiến thính giả muốn dõi theo để biết diễn biến câu chuyện sẽ kết thúc ra sao. Chương trình rất cảm động, tôi đã khóc khi nghe chương trình này”.

Nhà báo Thanh Hương nhận xét: “Với một chương trình trực tiếp kéo dài 60 phút, để “giữ chân” thính giả từ đầu tới cuối chương trình không phải là chuyện dễ. Khi xây dựng kịch bản, chúng tôi đã tạo yếu tố gây bất ngờ cho khách mời. Đó là cuộc gặp gỡ cảm động giữa cựu chiến binh Phạm Ngọc Mậu với anh Nguyễn Văn Thiếu - con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Tựu (nhờ có sự góp sức của bác Mậu mà liệt sĩ Tựu được trở về an nghỉ tại quê nhà) ngay tại phòng thu trực tiếp của chương trình. Giây phút gặp gỡ cảm động mang lại những cảm xúc nghẹn ngào không chỉ cho bác Mậu mà còn cho tất cả ekip thực hiện chương trình và thính giả nghe đài”.

Trong chương trình, thính giả còn lắng nghe cuộc trò chuyện cảm động giữa bác Mậu với em trai liệt sĩ Trần Xuân Út, người bạn thân thuở thiếu thời đã kề vai sát cánh bên bác trong cuộc chiến và đã anh dũng hy sinh nhưng đến nay chưa tìm được hài cốt.
"Những chi tiết gây bất ngờ trong chương trình khiến bác Mậu là người rất hiếm khi rơi nước mắt mà nhiều lúc khóc nghẹn trong phòng thu. Cảm xúc chân thật của khách mời đã tác động đến trái tim của bất cứ thính giả nghe đài nào. Vì thế chương trình tạo hiệu ứng xã hội ngay lúc phát sóng. Rất nhiều thính giả gọi điện đến phòng thu hay bình luận tại
trang fanpage VOV2 bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ bác Mậu. Có thính giả nhờ bác Mậu tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của người thân, có thính giả ủng hộ bác Mậu một số tiền nhỏ để bác có kinh phí tiếp tục thực hiện công việc ý nghĩa” - nhà báo Thanh Hương chia sẻ.

Mọi sự tri ân của những người đang sống với các anh hùng liệt sĩ sẽ không bao giờ là đủ. Mong rằng hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của những con người như bác Mậu không bao giờ đơn độc” - nhà báo Thanh Hương - VOV2

Tận dụng hiệu ứng âm thanh

Bác Phạm Ngọc Mậu xuất hiện tại phòng thu của VOV2 trong bộ trang phục màu xanh người lính, hành trang mang theo là chiếc ba lô nặng trĩu, trong đó chứa đựng nhiều kỷ vật của các liệt sĩ, hàng xấp thư và những công văn giấy tờ có liên quan đến hành trình đi tìm đồng đội của bác cùng những vật dụng quen thuộc của người lính như: chiếc xẻng đào đất, cặp lồng và bi đông nước…

Nhà báo Hồng Quyên cho biết: “Việc bác Mậu vào phòng thu thanh mang theo ba lô đựng các vật dụng và kỷ vật của người lính đã theo bác trong suốt hành trình dài 30 năm đi tìm đồng đội tưởng như không cần thiết với báo nói, nhưng hiệu ứng của nó lại vô cùng lớn; giúp cho bác Mậu, người dẫn chương trình cùng thính giả được sống trong một không khí ngập tràn cảm xúc nhờ sự chân thực của câu chuyện. Dù phát thanh có những khó khăn nhất định trong việc truyền đạt cảm xúc nhưng lại có những ưu thế riêng nếu biết tận dụng âm thanh. Chúng tôi tôn trọng tuyệt đối tính chân thực của âm thanh: từ âm thanh hiện trường, những chia sẻ, cảm xúc của khách mời tại phòng thu. Cuộc gặp gỡ bất ngờ của bác Mậu và con trai liệt sĩ Tựu, những cái ôm siết chặt, những xúc động nghẹn ngào, những giọt nước mắt tuy thính giả không nhìn thấy được nhưng cảm nhận rất rõ qua lời thuật tả của người dẫn chương trình”.

Nhà báo Hồng Quyên.

Trách nhiệm của những nhà báo không chỉ phán ánh những mặt trái của xã hội mà phải biết tìm ra và khơi dậy những cái tốt, để xã hội có thêm nhiều điểm sáng nhất là khi niềm tin của người dân về những điều tốt đẹp đang ngày một giảm sút. Qua câu chuyện của bác Mậu, tự bản thân mỗi chúng ta thấy trách nhiệm của mình trong việc góp phần lan tỏa những việc làm nhân nghĩa, tri ân các gia đình thương binh liệt sĩ cũng như giúp những người như bác Mậu thực hiện được tâm nguyện của đời mình đó là đưa được đồng đội trở về “đoàn tụ” bên gia đình. Chương trình này có ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ rất hiệu quả mà không hề khiên cưỡng”, nhà báo Hồng Quyên - VOV2.

 Một điểm mới nữa là chương trình được thực hiện theo phương thức đa phương tiện. Vừa phát sóng trên radio, trực tuyến trên trang web VOV2.VN và livestream trên trang fanpage vov2 cuộc sống muôn màu nên hiệu ứng đạt được cũng tốt hơn./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận