Thơ thiếu nhi trên sóng phát thanh: Kích thích trí tưởng tượng bay bổng

Vì sao những chương trình thiếu nhi trên Đài TNVN lại được thính giả nhỏ tuổi yêu thích như vậy? TS ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ đã có những lý giải về điều này.

 

Nhiều chương trình dành cho thiếu nhi của Ban Văn học - Nghệ thuật Đài TNVN (VOV6) như chương trình: Văn nghệ thiếu nhi, Kể chuyện hát ru… đã gắn bó với thiếu nhi nhiều thế hệ.

Bài thơ "Đi học" của nhà thơ Minh Chính, "Hạt gạo làng ta" của nhà thơ Trần Đăng Khoa và những bài thơ thiếu nhi khác được phổ nhạc rất thành công và  càng được nhiều người biết đến khi được phát trên làn sóng. Sự hấp dẫn của những tác phẩm ấy có từ đâu, thưa tiến sĩ?

Những bài thơ được phổ thành ca khúc, trước tiên là những bài thơ hay, giàu nhạc tính. Sự giàu có nhạc tính ấy lại gặp được người nhạc sĩ đồng điệu, đồng cảm, tìm được giai điệu đẹp để chắp cánh cho những bài thơ ấy, khiến mỗi bài thơ có thêm một đời sống mới. Tôi nghĩ đó cũng là cái duyên của nghệ thuật khi thơ và nhạc gặp nhau. Sở dĩ gọi là duyên vì thực tế không phải lúc nào lời và nhạc cũng bắt kịp nhau để tạo nên một tác phẩm hoàn mỹ. Có nhiều bài thơ hay nhưng bản phổ nhạc lại không mấy thành công. Hoặc có những bài nhạc hay nhưng ca từ chỉ ở độ thường thường bậc trung.

Với những bài thơ thiếu nhi được phổ nhạc thành công, lại được phát trên làn sóng, thính giả nhí như được “thưởng thức kép” bởi các tác phẩm thơ đã vô cùng quen thuộc, nằm sẵn trong ký ức của họ, nay lại được nghe qua những giọng đọc truyền cảm càng tăng thêm sức sống cho bài thơ.

Đội ngũ phát thanh viên đọc văn thơ thiếu nhi trong chương trình Văn nghệ thiếu nhi là các bạn học sinh. Tiến sĩ có cho rằng điều này góp phần tạo thành công cho chương trình?

          Đây là một cách thiết kế chương trình rất linh hoạt của những người phụ trách Ban Văn học - Nghệ thuật, Đài TNVN. Việc dùng các giọng đọc là các bạn thiếu nhi thể hiện các tác phẩm dành cho lứa tuổi này tạo sự gần gũi, thân mật, thân thương đối với những thính giả là thiếu nhi. Các em sẽ cảm thấy rõ ràng đây là chương trình dành cho thế hệ của mình. Và chính điều đó sẽ vun đắp và kích thích tình yêu văn chương của các em, khả năng sáng tạo của các em. Dĩ nhiên việc chọn ra giọng đọc nào truyền cảm, có khả năng diễn cảm tốt cũng là vấn đề cần được lưu ý khi để các bạn học sinh tham gia vào các chương trình truyền thanh với tư cách là người đọc tác phẩm.

Tiến sĩ có thể lý giải vì sao tác phẩm thơ khi lên sóng lại tạo được hiệu ứng rất  tốt?

Nhiều chương trình dành cho thiếu nhi của Đài TNVN được chính các em thể hiện được khán giả nhí rất yêu thích. Ảnh TruBeCác tác phẩm thơ cho thiếu nhi khi lên sóng tạo được sự chú ý và hấp dẫn đặc biệt bởi những lý do như sau: Một là, các tác phẩm đã được qua nhiều vòng tuyển chọn, cân nhắc, đã tạo được ấn tượng trong lòng nhiều độc giả bởi các giá trị nội dung và nghệ thuật. Hai là, tác phẩm được thể hiện bằng âm thanh ngọt ngào, truyền cảm của những nghệ sĩ đọc, ngâm gây được sự chú ý khác biệt so với việc các em thiếu nhi đã quen đọc thơ trên giấy. Như vậy là có một sự chuyển di thú vị từ đối tượng tiếp nhận là độc giả sang đối tượng tiếp nhận là thính giả. Ba là, việc nghe bằng tai sẽ kích thích trí tưởng tượng của các em được bay bổng theo những chiều kích khác. Bốn là, việc nghe đọc thơ trên Đài có thể được thưởng thức trong những hoàn cảnh hết sức linh hoạt, cả khi nghỉ ngơi lẫn khi đang làm việc…

Theo tiến sĩ, Ban Văn học - Nghệ thuật cần phải làm gì để chương trình Văn nghệ thiếu nhi ngày càng hấp dẫn và cuốn hút thính giả?

Theo tôi, để khuyến khích các em nghe Đài, thích thú và hưởng ứng các chương trình Văn nghệ thiếu nhi thì nên chăng hằng năm, Ban Văn học - Nghệ thuật tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học. Những tác phẩm đoạt giải sẽ chọn phát sóng, đó là cách kích thích các em sáng tác. Điều quan trọng hơn cả là tạo ra môi trường văn chương nuôi dưỡng tình yêu thi ca, tình yêu văn học cho các em. Nếu tổ chức được những cuộc thi như thế, tôi tin sẽ gặt hái được nhiều thành quả.

          Xin cảm ơn tiến sĩ!

Vân Khánh thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận