Đi theo đường dây 559 tiến vào Sài Gòn

Tháng 3/1975, đoàn phóng viên Đài TNVN được cử vào chiến trường miền Nam theo chế độ đi B để phản ánh cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam.

 

ĐầĐoàn gồm 7 người do anh Nguyễn Văn Hối làm trưởng đoàn, anh Phương Nam làm phó đoàn, tôi làm phóng viên, anh Vũ Xuân Mai lái xe, anh Tuất phụ trách âm thanh, anh Châu chuyên viên kỹ thuật phát sóng và anh Sỹ là nhân viên điện đài.

Chúng tôi được trang bị một xe kỹ thuật là chiếc ZIN 130 mang biển số MNB (đi B dài, để phân biệt với xe biển số MNK là đi B ngắn). Chúng tôi sẽ phải viết tin, bài phản ánh kịp thời không khí trận chiến do chính người viết đọc trước máy rồi phát sóng vào những giờ cố định bằng các thiết bị được lắp đặt trên xe. Do nhiệm vụ như vậy nên trên xe có lắp đặt một máy thu thanh chuyên dụng, một máy phát sóng phát thanh, một máy thông tin vô tuyến. Ngoài ra, tôi mang theo một máy ghi âm xách tay của Hungari nặng 5kg, anh Phương Nam có một máy ảnh cũ của Liên Xô. Trên đường đi, chúng tôi luôn sẵn sàng nhận tin và thực hiện liên lạc định kỳ hằng ngày với bộ phận nhận tin của đài ở Hà Nội thông qua chiếc máy thông tin vô tuyến cổ lỗ nhưng được dùng phổ biến trong quân đội thời ấy.

Theo kế hoạch đã được sắp đặt kỹ lưỡng, đoàn sẽ đi theo đường dây 559, có thể ăn nghỉ, lĩnh các nhu yếu phẩm tại các trạm đón tiếp thuộc đường dây này (thường gọi là Đoàn 559, một đơn vị hậu cần của quân đội chuyên phục vụ ở chiến trường miền Nam). Đây là đoàn phóng viên đầu tiên của Đài TNVN đi vào miền Nam trong dịp tổng tiến công mùa xuân 1975 cho nên rất được lãnh đạo đài quan tâm. Trước khi đi, chúng tôi được tập huấn nhanh trong 2 ngày về nhiệm vụ của đoàn, về tình hình chiến trường, về chính sách của Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN tại các vùng giải phóng.

Ngày chúng tôi xuất phát, quân ngụy đã rút khỏi Tây Nguyên, ai nấy đều háo hức, phấn chấn. Ngày 20/3, 7 người chúng tôi khởi hành từ 58 Quán Sứ với trang phục quân giải phóng, mũ tai bèo, giầy vải, tăng võng, bi-đông, hăng-gô, đèn pin và một con dao găm. Xe chạy chậm phần vì đường xấu, phần vì xe to, nặng nề. Chúng tôi dừng lại trạm giao liên đầu tiên của 559 ở phía tây Thanh Hóa. Có hàng trăm xe đủ loại đang trên đường vào và hàng nghìn chàng lính mới đang tập kết trong các khu rừng chuẩn bị bổ sung cho mặt trận. Chúng tôi tới một kho lớn của Đoàn 559 ở sâu trong rừng, bên một dòng suối chảy xiết để lĩnh bổ sung đủ tiêu chuẩn của cán bộ đi vào chiến trường với hai bộ quần áo giải phóng, một mũ tai bèo, một đôi dép cao su, thuốc sốt rét và một số thuốc khác, lương khô, mỳ chính, gạo và một số thực phẩm. Theo quy định, dọc đường chúng tôi có thể ghé vào các trạm trực thuộc 559 để bổ sung thêm xăng dầu, các nhu yếu phẩm khác và cũng có thể ăn ngủ tại trạm không phải trả tiền.

 Buổi trưa ngày 26/3 tại trạm 559 chưa kịp nghỉ ngơi thì được tin quân giải phóng đánh vào thành phố Huế, chúng tôi lên xe hăm hở chạy theo đường 9 về Đông Hà. Khi chúng tôi tiến vào thành phố Huế thì cả thành phố đã bình yên, không một tiếng súng. Xe chúng tôi chạy thẳng ra cửa biển Thuận An. Dọc con đường ngổn ngang quần áo, giầy giép, đồ quân dụng do lính ngụy tháo chạy vứt lại. Theo hướng dẫn của Ủy ban quân quản thành phố, chúng tôi đến ở trong Đài Truyền hình Huế cùng một tổ quân giải phóng đang bảo vệ đài. Tại đây, chúng tôi gặp anh Lưu Hữu Bảo, cán bộ kỹ thuật truyền hình và anh Lê Tự Thái, cán bộ kỹ thuật phát thanh, các anh vừa từ Hà Nội vào tiếp quản hai đài phát thanh và truyền hình. Hôm sau, trên sân Đài Truyền hình Huế, anh Châu, anh Tuất và anh Sỹ đã thành công trong việc phát lên sóng tin tức và bài phóng sự đầu tiên của chúng tôi, được bộ phận kỹ thuật của đài ở Hà Nội thông báo đã nhận được đầy đủ.         Từ đó, chúng tôi đi theo sát bước tiến của quân giải phóng. Dọc quốc lộ 1, chúng tôi tới các thành phố, thị xã chỉ sau vài giờ khi quân giải phóng tiến vào.

Sáng 29/3, chúng tôi vượt đèo Hải Vân vào đến Đà Nẵng, chúng tôi chỉ kịp phát về Hà Nội một bài ghi nhanh có phỏng vấn, có tiếng động rồi đi luôn Quảng Ngãi. Hôm đang ở Quảng Ngãi, nghe tin quân giải phóng tiến vào Quy Nhơn, anh Phương Nam nôn nóng phát lệnh khởi hành. Chúng tôi tới đây hầu như cùng lúc quân giải phóng tiến vào thị xã. Từ Quy Nhơn, chúng tôi đi Tuy Hòa, rồi lại hối hả đi Nha Trang.

Tại Nha Trang, chúng tôi được Ủy ban quân quản đưa đến ở trong nhà một bác sĩ đã chạy về Sài Gòn. Đêm đầu tiên, một trái lựu đạn ném qua tường nổ sát bên chiếc công trình xa để trong sân nhà. Ngay trong đêm được sự hộ tống của quân cảnh, chúng tôi đưa xe đến gửi trong khuôn viên nhà máy điện Nha Trang. Các anh kỹ thuật viên đã kéo dây ăng-ten lên ngọn cây ở sân nhà máy điện để phát về Hà Nội bài phóng sự tôi viết về nhà máy này.Trong những ngày ở Nha Trang, chúng tôi tự nấu ăn. Để có phương tiện đi lại làm việc, Ủy ban quân quản thành phố cho đoàn mượn một chiếc xe du lịch hiệu MAZDA. 

Ngày 19/4, toàn bộ tỉnh Bình Thuận giải phóng, chúng tôi rời Phan Rang đi Phan Thiết. Tại Phan Thiết, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu khá kỹ nghề làm nước mắm truyền thống và đời sống người dân miền biển. Cả đoàn dành một buổi sáng đến thăm ngôi trường Dục Thanh, nơi trước đây thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học và nghe các thầy cô giáo nói về những ngày dạy và học dưới chế độ thực dân mới Mỹ.

Ngày 21/4 thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh giải phóng, nhưng cuộc chiến còn rất quyết liệt ở phía trước vì quân ngụy còn cố thủ bảo vệ Sài Gòn. Chúng tôi đang ở Phan Thiết thì buổi trưa ngày 30/4 cả đoàn nghe thấy lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh qua đài Sài Gòn. Chúng tôi khẩn trương tiến về Sài Gòn. 

Trong những ngày đầu Sài Gòn mới giải phóng, chúng tôi đã chứng kiến cảnh đồng bào chào mừng quân giải phóng đông cả chục ngàn người ở trước dinh Độc Lập sáng 1-5. Dự và tường thuật buổi lễ ra mắt của Ủy ban quân quản thành phố ngày 7/5 cũng trên quảng trường trước dinh Độc Lập. Chúng tôi ra cảng Sài Gòn chứng kiến cảnh tàu Sông Hương đầu tiên chở gạo từ miền Bắc vào cứu đói cho nhân dân vùng mới giải phóng. Chúng tôi đi Vũng Tàu ghi lại cuộc đón tiếp đoàn chiến sĩ cách mạng từ nhà tù Côn Đảo trở về. 

Nhà báo Kim Trạch và Văn Hối tại căn cứ hải quân Cam Ranh (ngày 2/4/1975)

Với chiếc máy ghi âm cũ kỹ, tôi đến trụ sở công đoàn thành phố,  trước giải phóng thường gọi là "nhà kiếng", nơi làm việc của tổ chức công đoàn Trần Quốc Bửu, ghi lại được những mẩu chuyện cảm động về những người lao động đến bày tỏ nguyện vọng và các cán bộ công đoàn giải phóng bận rộn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho công nhân. Ở nhà máy đóng tàu Ba Son, tôi được nghe kể và gặp gỡ những công nhân đã dũng cảm bảo vệ công xưởng ngày quân giải phóng tiến vào thành phố và việc anh chị em công nhân nhường cơm sẻ áo cho nhau trong khó khăn ban đầu. Có những ấn tượng không bao giờ quên. Chúng tôi đã kịp thời ghi lại những hình ảnh và âm thanh mới mẻ, sôi động của Sài Gòn đang thay đổi từng giờ . Trên sân Đài Tiếng nói Tự do một thời là cái loa tâm lý chiến của Mỹ ngụy, hằng ngày chúng tôi hăm hở đọc những bài viết mà chúng tôi gửi gắm vào đó rất nhiều tâm huyết đã được phát về đài phát thanh Trung ương ở Hà Nội từ chiếc xe kỹ thuật, một phòng bá âm di động. Sau một tuần gửi bài về Hà Nội qua máy phát sóng đặt trên xe, chúng tôi đã được Đài phát thanh Giải phóng giúp việc phát bài qua làn sóng của đài. Thật không còn gì vui hơn khi buổi tối nằm trong một gian phòng đơn sơ mượn của dân, mở chiếc radio xách tay dò tìm được làn sóng của Đài TNVN phát từ Hà Nội và nghe được các bài viết của mình đang được phát trong chương trình Thời sự hoặc Thành thị miền Nam./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận