Phát thanh phi truyền thống
TS. Lại Thị Hải Bình, Trưởng khoa Truyền thông đa phương tiện, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, dù có nhiều loại hình truyền thông nhưng phát thanh vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thời sự, đời sống, thông tin về các tình huống khẩn cấp... Tuy nhiên, tổ chức sản xuất theo cách truyền thống không còn phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, phát thanh cần chuyển mình thành một nền tảng nội dung linh hoạt, thông minh và kết nối với công chúng trên nhiều kênh khác nhau. TS Bình đưa ra một số gợi ý để phát thanh tăng cường tiếp cận công chúng trên nền tảng số như: Thứ nhất, số hoá nội dung thông tin truyền thống sang hình thức phát thanh trực tuyến trên website, app trên thiết bị di động như spotify, podcasts. Các nội dung âm thanh cần lưu trữ trực tuyến để thính giả có thể nghe bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để sản xuất nội dung phù hợp với sở thích từng người dựa trên trải nghiệm cá nhân. Tích hợp với trợ lý ảo chatbot để người nghe có thể kích hoạt phát thanh bằng giọng nói như dùng giọng nói để mở kênh, dùng chatbot để tìm kiếm nội dung tin tức phù hợp. Thứ hai, các cơ quan truyền thông nên tăng cường quảng bá chương trình trên thiết bị di động và tương tác với công chúng bằng các buổi livestream trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội (facebook, youtube, tiktok). Đồng thời khuyến khích người nghe tham gia vào chương trình qua việc gửi bình luận, câu hỏi, hoặc thảo luận trực tuyến. Thứ ba, nội dung thông tin cần xây dựng ngắn gọn, dễ dàng chia sẻ trên mạng xã hội.
Đồng tình với việc muốn kéo công chúng, nhất là giới trẻ hiện nay đến với phát thanh thì phát thanh không thể chỉ dừng lại ở mô hình truyền thống mà phải linh hoạt, đa nền tảng, nhà báo Bá Duy, VOV2 cho rằng, phát thanh phi truyền thống vẫn là xu hướng trong thời gian tới. Phát thanh tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ: Đưa nội dung lên các nền tảng trực tuyến, tối ưu hóa cho thiết bị di động và cá nhân hóa trải nghiệm của thính giả… Bên cạnh đó, tăng cường yếu tố đa phương tiện như kết hợp âm thanh với hình ảnh, đồ họa, video ngắn để hấp dẫn hơn. Phát thanh cần tăng cường tương tác trực tiếp với thính giả. Thay vì chỉ phát nội dung một chiều, cần tận dụng mạng xã hội, livestream, chatbox để kết nối nhanh với công chúng. “Tôi thích cách một BTV, PTV, MC hay PV ngồi trong phòng thu không chỉ tương tác với thính giả qua một micro/qua làn sóng phát thanh mà còn livestream tương tác với thính giả trên các nền tảng mạng xã hội. Trong thời đại số, sự thay đổi của phát thanh không chỉ dừng lại ở cách thức truyền dẫn, phát sóng, phân phối nội dung mà nội dung - content cũng cần linh hoạt, bắt kịp xu hướng. Không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin mà còn mang lại trải nghiệm giải trí, đồng hành với đời sống của người nghe” - nhà báo Bá Duy nhìn nhận.
Nhà báo Hoàng Ân, VOV1 thì quan tâm đến việc nghiên cứu công chúng trong môi trường số hiện nay. Việc nghiên cứu về công chúng giúp chúng ta hiểu hơn về độ tuổi, thói quen, khung thời gian, loại nội dung đang là xu hướng, được số đông theo dõi trong thời gian dài. Từ đó, chúng ta sẽ đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của công chúng. Cùng với đó, các nhà báo phát thanh phải phát triển các kỹ năng để đưa tác phẩm của mình lên các nền tảng số sớm nhất có thể. Việc này không đơn giản chỉ là upload các file âm thanh lên các nền tảng số mà còn phải là khả năng hoàn thiện các nội dung đó ở định dạng khác (video dài, video ngắn, infographic).
“Digital First” là xu thế tất yếu
Nhà báo Chu Đức (Kênh VOV giao thông) chia sẻ câu chuyện thực tế mà anh cùng các đồng nghiệp ở kênh VOV đã và đang làm. Nhận thấy công chúng đang bị "giằng", "kéo" đi bởi các nền tảng đa phương tiện khác, anh cùng đồng nghiệp tận dụng phát thanh để chuyển thể sang các tác phẩm đa phương tiện nhưng đa số là thất bại. “Cách làm này tiết kiệm nhất nhân lực, chi phí, thời gian, nhưng kém hiệu quả. Sau đó, chúng tôi tiếp tục triển khai giải pháp mà các đài PT-TH nổi tiếng trong khu vực và thế giới đang làm, đó là digital first. Khi thực hiện một đề tài, các phóng viên triển khai quy trình sản xuất đa phương tiện ngay từ đầu, sau đó tùy nhu cầu sẽ gia công, phân phối sang các nền tảng khác như: báo nói, web, báo in, podcast... Cách làm này thành công ngoài tưởng tượng, có những số chúng tôi thực hiện 30 phút thu hút 50.000 - 60.000 views trên nền tảng youtube, lượng tương tác trên fanpage, website (dạng e-magazine) cũng tăng đột biến. Nó cho thấy, dân phát thanh cũng có thể làm digital, social media. Tất nhiên, cách làm này (tổng lực trên video, web, phát thanh) tốn người hơn, dụng công hơn, tốn chi phí hơn nên bước đầu chúng tôi thực hiện thí điểm ở nhóm nhỏ, với những đề tài trọng điểm. Một đài phát thanh ở Austraylia được nhà nước bao cấp 100% phải mất 7 năm để phủ sóng quy trình digital first này đến toàn bộ phóng viên, biên tập viên và tổ chức sản xuất. Vì vậy để thực hiện việc này đỏi hỏi quyết tâm rất cao, tính sẵn sàng đổi mới từ tổng biên tập tới từng nhân sự trực tiếp đi phỏng vấn, tiếp cận đề tài. Digital first là một con đường dài và rất khó. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang triển khai mô hình này trong một dự án quy mô nhỏ trong lòng tòa soạn. Sự thay đổi đã có, dù mới bước đầu, nhưng tôi tin, những thay đổi này sẽ mang đến sự tích cực cho phát thanh, và tương lai của loại hình báo chí này” - nhà báo Chu Đức khẳng định.
Các kênh sóng tích cực đổi mới
Mới đây, VOV1 ra mắt giao diện mới trang thông tin điện tử https://vov1.vov.vn, khẳng định bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện và mạnh mẽ. Trang có 11 chuyên mục chính với nội dung phong phú, hình thức ngắn gọn cùng với đồ họa đẹp hiện đại. Ngoài việc phát sóng các chương trình trực tiếp, trang thông tin điện tử còn được liên kết với các nền tàng số khác của VOV1 hứa hẹn đa dạng thông tin trên nền tàng số đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng theo tiêu chí: nhanh, tin cậy, hấp dẫn.
Trên tinh thần “không chỉ là radio”, VOV2 cũng sản xuất, phát triển podcast trên trang https://vov2.vov.vn giúp thính giả có thể nghe lại chương trình bất cứ lúc nào. Kênh cũng đưa nhiều chuyên mục lên nền tảng số như spotify, apple podcasts; tăng cường sản xuất các video ngắn để phân phối trên nền tảng số. Không chỉ có nội dung phát thanh, nhiều chương trình còn được bổ sung hình ảnh, đồ họa để thu hút người xem trên youtube, facebook, tiktok, zalo… Các chương trình được sản xuất theo hướng ngắn gọn, dễ tiếp cận. “Chúng tôi tương tác mạnh hơn với thính giả: Kết nối với thính giả qua mạng xã hội, lắng nghe phản hồi và điều chỉnh nội dung phù hợp hơn. Chúng tôi đã quen với việc ngoài lên sóng trực tiếp tại phòng thu, hiện trường còn livestream đồng hành trên các nền tảng khác nhau; quen với việc sản xuất các sản phẩm podcast vừa có thể đăng tải trên phát thanh truyền thống và cả phi truyền thống; quen với việc viết tin/bài không chỉ đọc trên sóng mà còn đăng tải trên môi trường số... Thay đổi để thích ứng với thời đại số là điều mà người làm báo phát thanh phải làm. Tuy nhiên, dù thay đổi thế nào thì điều tôi mong mỏi là “chất” phát thanh không bị mất đi hoặc bị nhạt nhòa vào các loại hình truyền thông, mạng xã hội. Công nghệ có thể thay đổi nhưng phát thanh vẫn phải dựa trên sức mạnh của âm thanh, của giọng nói và hiệu ứng âm thanh để truyền tải cảm xúc” - nhà báo Bá Duy bày tỏ.
Thạc sĩ Đoàn Thị Thoa - Phó trưởng khoa Báo chí Truyền thông - Trường cao đẳng PT-TH II đồng quan điểm với nhà báo Bá Duy khi cho rằng, dù thay đổi thì phát thanh vẫn nên chú trọng khai thác khả năng biến hóa vô tận của âm thanh. Bà Thoa phân tích: Phát thanh cần phải chú trọng đến cả công chúng và công nghệ. Công việc bận rộn, công chúng không có thời gian để nghe các chương trình dài với nội dung dàn trải trên radio truyền thống, spotify. Các dạng chương trình chia sẻ tâm tình hay phổ biến kiến thức của podcast cũng đòi hỏi người nghe phải có thời gian và không gian thưởng thức. Trong khi các ứng dụng về hình ảnh như: tiktok, thước phim ngắn, video theo strend phục vụ nhu cầu giải trí của người xem vô cùng hiệu quả. Người xem có thể lướt điện thoại thông minh bất cứ khi rảnh rỗi. Tuy nhiên, các ứng dụng hình ảnh chạy theo xu hướng chưa được đầu tư chỉn chu về mặt nghệ thuật, hiệu ứng để đem lại cảm xúc và sự thư giãn thanh tao cho người xem. Công chúng thời đại công nghệ số cần sự nhanh nhạy, tiện dụng nhưng bên cạnh đó trình độ cảm thụ, tính thẩm mỹ cũng được nâng cao. Phát thanh với giá trị và khả năng biến hóa vô tận của âm thanh có thể tạo ra các chương trình phát thanh theo xu hướng sáng tạo, ngắn gọn, hấp dẫn trên nhiều kênh và nền tảng khác nhau phục vụ nhiều đối tượng thính giả. Như thế phát thanh không chỉ thu hút người lớn tuổi mà còn hấp dẫn cả giới trẻ.
“Phát thanh không chỉ cung cấp thông tin mà còn tạo ra sự đồng cảm, giúp người nghe cảm thấy như đang được trò chuyện với một người bạn. Dù chuyển đổi số, sản xuất và phân phối nội dung trên nhiều nền tảng khác nhau nhưng không làm mất đi bản sắc, đặc trưng của phát thanh” - Nhà báo Bá Duy (VOV2)
|
Ngày Phát thanh Thế giới (13/2) năm 2025 có chủ đề "Phát thanh và Biến đổi khí hậu" nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát thanh trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu. Hưởng ứng Ngày Phát thanh thế giới, vào lúc 9h00 ngày 13/2, Đài TNVN tổ chức chương trình toạ đàm: Phát thanh và biến đổi khí hậu.
|