VOV ra mắt 3 cuốn sách quý - Những câu chuyện sống động về nghề báo

Gặp mặt kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019) và ra mắt 3 cuốn sách vừa xuất bản.

 

Ngày 15/5/2019, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Ngôn ngữ học Việt Nam long trọng tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019) và ra mắt 3 cuốn sách vừa xuất bản

 Tôn vinh những đóng góp vô giá

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân cách vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người đã làm "rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Cuộc đời và sự nghiệp của Người luôn gắn liền với độc lập, tự do cho dân tộc, cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Với báo chí Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, khai mở và bản thân Người là một tài năng về báo chí, là tấm gương cho các thế hệ làm báo Việt Nam học tập và noi theo.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Thế Kỷ: “Lời căn dặn của Bác lúc sinh thời, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và vẫn nóng hổi tính thời sự”.

Buổi lễ diễn ra trong không khí long trọng và ấm áp

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, và những người làm báo cả nước đang học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại, người thầy về báo chí, là tấm gương soi cho các thế hệ người làm báo Việt Nam.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

 Tại buổi gặp mặt, Ban Tổ chức đã giới thiệu tới công chúng và những người làm báo cả nước 3 cuốn sách quý vừa xuất bản. Đó là cuốn "Bác Hồ - người có nhiều duyên nợ với báo chí" của Nhà báo lão thành Phan Quang tập hợp hơn ba chục bài báo, bài viết của tác giả ghi lại những kỷ niệm trong những lần vinh dự được gặp, được phục vụ Bác Hồ và những cảm nhận về những lời dạy của Bác Hồ với báo chí Cách mạng Việt Nam do đích thân Người sáng lập; Cuốn "Tiếng nói cùng năm tháng", giới thiệu về nghề phát thanh viên và những giọng vàng trên sóng Đài TNVN trong 74 năm qua. Và bộ Kỷ yếu hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”, gồm 02 tập với các tham luận rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn với những người làm báo chí, truyền thông, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Báo chí – dòng sông không ngừng chảy

      Theo nhà báo Phan Quang, báo chí là một dòng sông không ngừng chảy, những nhà báo thuộc các thế hệ khác nhau là những giọt nước làm nên dòng sông ấy. Dù ở thượng nguồn hay hạ lưu, sông vẫn dòng sông ấy, nước vẫn giọt nước ấy. Các nhà báo nhiều thế hệ chúng ta cùng có một điểm chung, ấy là lòng yêu nước, là ý nguyện của nhà báo dâng hiến cuộc đời vì nước vì dân. Trong cuốn sách của mình, nhà báo lão thành Phan Quang kể lại câu chuyện khi mới vào nghề báo, Bác Hồ căn dặn: “Chúc chú viết đúng, viết hay, có nhiều người đọc”. “Đọc quyển sách mới của Phan Quang chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn lời dạy của Bác Hồ: “Viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì và viết như thế nào”, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ khi đọc cuốn "Bác Hồ - người có nhiều duyên nợ với báo chí" của nhà báo Phan Quang.

 

     Nhận xét về cuốn sách này, ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng: “Đọc những trang viết của Phan Quang thấy thật đậm nét tình cảm của tác giả với Bác Hồ kính yêu cùng những câu chuyện sống động, những suy ngẫm, chiêm nghiệm về nghề báo – một nghề thực sự gian khó, nhiều thử thách. Chúng ta cảm phục sức lao động không ngừng nghỉ của cây đại thụ Phan Quang”.

      Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan báo chí đầu tiên của Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị và thành lập ngày 7/9/1945. Từ Đài Tiếng nói Việt Nam đã hình thành một nghề mới, khá đặc biệt, yêu cầu rất cao: Nghề phát thanh viên. Những phát thanh viên của Đài đã nâng tầm nghề của mình trở thành nghệ thuật của giọng nói, của biểu cảm, của Tiếng Việt. Giọng đọc thế hệ Vàng phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam gắn liền với những sự kiện hào hùng, bi tráng của dân tộc. Chính họ đã truyền đi ngọn lửa chiến đấu, ngọn lửa lao động, sáng tạo, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ Quốc.  Ghi nhận những đóng góp ấy, Đài TNVN hoàn thành việc biên soạn cuốn sách "Tiếng nói cùng năm tháng" giới thiệu về nghề phát thanh viên và những giọng phát thanh viên tiêu biểu của Đài TNVN đã đi vào tâm khảm của các thế hệ bạn nghe Đài cả trong nước và quốc tế.

      Nhà báo Trần Đức Nuôi chia sẻ về cuốn sách: “Đọc cuốn sách, ít nhiều bạn đọc sẽ tìm lại cho mình những kỷ niệm, những ký ức về một thời gắn bó với những chiếc ra-đi-ô dù ở hậu phương hay nơi chiến trường, ở đô thị hay ở nông thôn, vùng miền núi, hải đảo hoặc ở nước ngoài. Đài TNVN, trong đó có đội ngũ phát thanh viên đã vinh dự góp phần vào những thắng lợi chung của toàn dân tộc, thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ”.

Nhà báo Trần Đức Nuôi

       Cùng với hai cuốn sách nói trên Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu bộ Kỷ yếu hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Đây là cuốn sách ghi lại hội thảo cùng tên do Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức cách đây hơn hai năm. Hội thảo mang tầm quốc gia đã phần nào lý giải, trả lời một số vấn đề đặt ra khi sử dụng ngôn ngữ trong đời sống hiện đại hôm nay.

Sau một thời gian chuẩn bị, biên soạn, và đặc biệt là được sự giúp đỡ hiệu quả của Nhà xuất bản Thông tin Truyền thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), bộ Kỷ yếu của Hội thảo đã được xuất bản. Theo nhà báo Hồ Quang Lợi: “Kỷ yếu hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” là tài liệu cần thiết, bổ ích cho những người làm báo, nghiên cứu khoa học, giảng dạy báo chí, ngôn ngữ và phục vụ công tác quản lý

Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao 3 cuốn sách được Đài TNVM giới thiệu và ra mắt tại buổi Gặp mặt kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đây là những tài liệu quý để chúng ta tìm hiểu và học tập phong cách báo chí, phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh, học tập và làm theo những lời dạy của Người trong hoạt động báo chí

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận