Miền đất để nhớ, một chốn đi về...

Nhà báo Vĩnh Trà (Trần Đức Nuôi) vừa ra mắt cuốn sách "Nơi tìm về" nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập đặc khu Vĩnh Linh (25/8/1954 - 25/8/2024),

 

Cuốn sách tập hợp những bút ký viết về tuyến lửa Vĩnh Linh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, là ký ức về sự chịu đựng và sức chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ và người làm phát thanh tại một vùng đất có sự gắn bó đặc biệt với Đài TNVN.

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch LCH Nhà báo VOV chia sẻ tại lễ ra mắt sách: "Nhà báo Trần Đức Nuôi là một người có sức sáng tạo rất bền bỉ. 28 cuốn sách của ông phần lớn gắn với ký ức chiến tranh, gắn với vùng đất Quảng Trị, đặc biệt là Vĩnh Linh, một địa danh rất thiêng liêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đọc những tác phẩm của ông, chúng tôi thấy rất xúc động, cùng với đó là suy nghĩ về những giá trị hiện tại mà thế hệ này theo đuổi là gì?".

Nhà báo Vĩnh Trà chia sẻ: “Ai sinh ra trên đời cũng có một miền quê, một miền đất để nhớ, một chốn đi về... Vĩnh Linh quê tôi là vùng đất eo thắt của hình chữ S, đến củ khoai, củ sắn cũng eo thắt như hình đất nước. Ấy là nơi “Đây rừng đó biển kia non”... Quê tôi gió Lào, cát trắng nắng chang chang, đã bao đời dẵng đẵng câu ca đau thắt lòng người “Gánh cực mà đổ lên non/Cong lưng mà chạy, cực còn chạy theo...

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), vĩ tuyến 17 chạy ngang quê tôi trở thành ranh giới éo le và khắc nghiệt của lịch sử chia cắt tạm thời hai miền đất nước. 21 năm ròng quê tôi thành tuyến lửa. Sông Bến Hải trở thành sông tuyến, cầu Hiền Lương là cầu tuyến, cột cờ Hiền Lương là cột cờ tuyến. Cuộc chiến ở mảnh đất hẹp này không chỉ là bom đạn, chết chóc mà còn giành giật nhau từng câu nói phải trái, trắng đen, chính tà trên hệ thống truyền thanh mà bà con quê tôi gọi là “loa tuyến”. 8 năm liền (1965-1973), kẻ thù đã trút xuống quê tôi vô vàn bom đạn. Tính ra mỗi người dân quê tôi, từ em nhỏ mới lọt lòng mẹ đến cụ già sắp kề miệng lỗ, phải chịu trên vai 7 tấn bom đạn. Chúng biến đất Vĩnh Linh thành bình địa, đến mức nhà văn Nguyễn Tuân phải thốt lên rằng, nơi đây không còn một cành cây cho chim đậu. Kẻ thù có thể hủy diệt những gì có được trên miền đất lửa này, nhưng không thể khuất phục người dân quê tôi. Không sống nổi trên mặt đất, người dân quê tôi đào hầm trong lòng đất mẹ để tồn tại và chiến đấu, giành chiến thắng... Có nơi đâu như quê tôi, cả đặc khu Vĩnh Linh là đơn vị anh hùng, các xã, thị trấn là những đơn vị anh hùng, có nơi được vinh danh hai lần anh hùng. Đúng là “Đất nghèo nuôi những anh hùng”. Tất thảy những sự kiện, con số, dấu mốc ấy cứ lặp đi lặp lại trong bút ký của tôi. Bởi đó là miền ký ức, là điệp khúc nhớ, là niềm thương, là nơi tôi tìm về”.

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch LCH Nhà báo VOV chúc mừng tác giả.

Cuốn sách của nhà báo Vĩnh Trà vinh dự được nhà báo Phan Quang (nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN) ghi cho Đôi điều cảm nhận. “Đọc bản thảo đã hoàn chỉnh của nhà văn Vĩnh Trà, lòng tôi rưng rưng xúc động. Chắc tôi không thể viết, không thể nói gì thêm về Vĩnh Linh đất đỏ lòng vàng thời đất nước ta chống Pháp, chống Mỹ. Tôi từng gặp những người ấy trong kháng chiến... Hòa bình lập lại, tôi nhiều lần trở lại Vĩnh Linh, Lệ Thủy thăm thú một số nơi. Đặc biệt gây ấn tượng là di tích địa đạo Vịnh Mốc, nơi đây cùng 114 làng hầm Vĩnh Linh có gần 70 em bé mở mắt chào đời trong khoảng thời gian gia đình ngày đi chiến đấu đêm về với dãy hầm sâu và dài như một con đưởng mở trong lòng đất. Nhà văn Vĩnh Trà qua tác phẩm “Nơi tìm về” đã nói khá nhiều, viết khá đủ về những câu chuyện ấy với nhiều chi tiết sống động, người ngoài cuộc e khó viết nên...

20 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký của nhà báo, nhà văn Vĩnh Trà hầu như trong tác phẩm nào cũng có bóng dáng đất và người Vĩnh Linh. Đậm đặc và sống động nhất là đặc khu Vĩnh Linh thành miền đất lửa, thành lũy thép anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước qua từng trang bút ký. Tôi không thể viết gì hơn ngoài những điều Vĩnh Trà ghi chép qua tập bút ký “Nơi tìm về”. Những bài viết nhanh, sống động, hấp dẫn, nhiều chi tiết của một người chan hòa trong cuộc sống xa quê mà lúc nào cũng gắn bó với quê hương”.

Nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên Trưởng Ban Thư ký biên tập VOV, sinh năm 1946, quê ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được nhận về Ban Biên tập, Đài phát thanh Giải phóng A. Năm 1972, nhà báo Trần Đức Nuôi khoác ba lô cùng đồng nghiệp rời Hà Nội vào chiến trường Trị Thiên khốc liệt, trở thành phóng viên chiến trường.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận