Ông John Micklewait: 'Cơ quan báo chí lâu đời sẽ sống sót'

Xu hướng cá nhân hoá và tự động hoá ảnh hưởng ra sao đến công việc của các toà soạn báo?

Mô hình kinh doanh nào sẽ đảm bảo được sự phát triển bền vững cho các toà soạn? Tổng biên tập của tạp chí Bloomberg - John Micklewait đã trả lời phỏng vấn của Mạng lưới biên tập toàn cầu (Global Editor’s Network) về tương lai của tin tức và các tòa soạn, và cách mà Bloomberg đã và đang làm để đối mặt với những thách thức, khó khăn hiện nay.

Sứ mệnh của báo chí là phản ánh chân thực vấn đề

Các cơ quan báo chí ngày càng làm tốt hơn việc phân loại đối tượng công chúng. Ông có cho rằng trong tương lai, các báo/đài không còn sản xuất tin bài phục vụ cho đông đảo mọi đối tượng mà thay vào đó, họ tập trung vào phân loại đối tượng người đọc/xem/nghe đến tận cấp độ cá nhân?

Các báo, đài sẽ còn tiếp tục cá nhân hóa hơn nữa trong việc chuyển tải tin tức tới công chúng. Nhưng dù sao tôi vẫn tin rằng, sứ mệnh của báo chí là phản ánh chân thực các vấn đề xảy ra trên thế giới, chứ không phải điều chỉnh cách đưa tin để phù hợp với người đọc. Cách tiếp cận của chúng tôi là giới thiệu với người đọc những chủ đề và câu chuyện mà họ có thể sẽ quan tâm. Đúng là khách hàng có thể có những tiêu chí chọn tin riêng, họ muốn đọc tin loại này, loại kia… theo chủ ý. Nhưng họ cũng muốn biết những tin tức mà tòa soạn cho là quan trọng.

Liệu có thể xây dựng thành công mô hình kinh doanh dựa trên xu hướng cá nhân hoá?

Rất thú vị. Chúng ta từng nghĩ rằng cá nhân hoá sẽ là một trong những điều quyết định sự thành công của báo chí, nhưng sự thật lại không như vậy. Công chúng vẫn quan tâm đến sự bất ngờ của tin tức. Người ta vẫn hứng thú với các gói tin tức tổng hợp. Nhưng chúng ta có thể cá nhân hoá, đặc biệt là đối với tin thư (news letter, thư gửi đến địa chỉ cá nhân, trong đó giới thiệu các tin tức theo từng lĩnh vực). Sẽ rất hữu ích khi bạn được thông báo tận nơi về tình trạng cổ phiếu, thời tiết ở thành phố bạn sống hay kết quả thi đấu của những trận bóng có đội bóng mà bạn yêu thích…       

Bloomberg có ghi chú, một bài báo đã được tự động hoá/dựa trên thuật toán (viết bằng máy tính). Ông có cho rằng điều đó cần được thể hiện minh bạch đối với độc giả?

Sự minh bạch là rất cần thiết và chắc chắn là độc giả của chúng tôi quan tâm. Tất cả những tin, bài tạo ra dựa trên công nghệ tin tức tự động hóa đều có dòng ghi chú: “Được tạo bởi công nghệ tự động hoá của Bloomberg”, hoặc “Bài viết được tạo nên với sự trợ giúp của công nghệ tự động hoá của Bloomberg”. Chúng tôi cũng cung cấp địa chỉ e-mail để ngay lập tức trả lời câu hỏi hay nhận những góp ý từ người đọc.

Công nghệ tự động hóa hỗ trợ đắc lực cho các tòa soạn

Việc gia tăng những nội dung được viết bằng tự động hóa, dù chỉ là tin tức về tài chính và thể thao, liệu có tạo ra thách thức đối với các toà soạn vẫn làm báo theo lối truyền thống không, khi tin tức do máy tính viết có lợi thế là chi phí rẻ hơn?

Tôi không nghĩ trong tương lai sẽ có một toà soạn báo chỉ sử dụng hoàn toàn công nghệ tự động hoá. Cần phải có những phóng viên và biên tập viên để ra quyết định. Những thành tựu lớn nhất cho đến nay được tạo nên chính là nhờ sự kết hợp giữa con người và máy tính. Đầu tư vào công nghệ tự động hoá cho chúng ta lợi thế đó là nhanh chóng xác định được trọng tâm của sự vật, hiện tượng. Từ đó, các phóng viên sẽ tập trung làm tăng giá trị cho bài báo bằng cách tìm câu trả lời giải thích các hiện tượng đó.

Không có dấu hiệu nào cho thấy công nghệ tự động hoá sẽ trở thành một mối đe dọa. Thậm chí có thể còn ngược lại. Ví dụ, những tòa soạn như The Washington Post đã tạo ra bảng tin (tự động) cập nhật về tình hình bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử, họ đã tường thuật về kết quả bầu cử ở những khu vực mà họ không thể đến tận nơi. Vì vậy, tự động hóa trong lĩnh vực báo chí đang rất có lợi khi làm cho những tin tức dạng này luôn có sẵn và có thể truy cập được một cách dễ dàng.

Ông nói rằng có những lỗ hổng lớn trong lĩnh vực báo chí địa phương. Làm thế nào để tự động hoá và cá nhân hoá hoặc những công nghệ mới có thể được ứng dụng cho báo địa phương?

Vấn đề mấu chốt đối với các báo địa phương nằm ở mô hình kinh doanh, chứ không nằm ở vấn đề phát triển công nghệ. Những tờ báo địa phương hoạt động nhờ quảng cáo, họ không có đủ tiềm lực để theo đuổi những cuộc điều tra dài hơi trong ngành báo… Bởi thế có thể thấy, ví dụ ở cấp địa phương, các chính trị gia thường ít bị “soi” hơn.

Các công nghệ mới thật ra đang có ích cho tất cả các toà soạn báo, dù lớn hay nhỏ. Các phần mềm mã nguồn mở và những ngôn ngữ lập trình như Python và R đều miễn phí. Những phóng viên địa phương cũng có thể dùng các công cụ xử lý dữ liệu báo chí. Bạn không cần làm việc cho Bloomberg hay The New York Times vẫn có thể truy cập những dữ liệu này. Có thể lấy báo Argentina’s La Nacion làm một ví dụ. Họ đã sử dụng dữ liệu thông tin hàng hải để đưa tin trực tiếp trong sự kiện tìm kiếm một tàu ngầm bị mất tích.

Sau hơn 6 tháng thực hiện, thành quả chính của TicToc- mạng lưới lọc thông tin của Bloomberg trên Twitter nhằm làm giảm tin giả (fake news)- là gì?

Mạng xã hội có thể trở nên hỗn loạn và lộn xộn với quá nhiều quan điểm và suy nghĩ chủ quan. Thế hệ người đọc mới rất coi trọng tốc độ đưa tin, nhưng họ cũng muốn đọc nhưng tin tức rõ ràng và đã được kiểm chứng.

Chúng tôi đã cho ra mắt TicToc vào tháng 12/2017 trên Twitter và hiện giờ đã có hơn 420.000 lượt theo dõi. Bloomberg là một trong những tạp chí có nhiều văn phòng phóng viên thường trú quốc tế nhất với 120 điểm. Chúng tôi hy vọng TicToc - đã được kiểm chứng bởi Bloomberg - sẽ giúp công chúng tiếp nhận được những thông tin xác thực.

Ông đã từng nói, ngành “công nghiệp tin tức đang ở thời kỳ quá độ, chứ không phải đang đi xuống”. Vậy cơ hội và thách thức đang chờ đợi báo chí trong năm 2019 là gì thưa ông?

Tôi lạc quan về tương lai của báo chí. Báo chí đang phát triển với một hình thức mới - tin tức đang trở nên số hoá, cá nhân hoá và tự động hoá nhiều hơn, dần dần tiến tới thu phí người đọc và do đó sẽ ít tin giả hơn. Lịch sử đang được lặp lại, điều gây ngạc nhiên là những cơ quan báo chí lâu đời sẽ sống sót. Mặc dù vậy, họ phải làm việc vất vả hơn để giữ chân người đọc. Điều tốt là báo chí chất lượng đang quay trở lại. Báo chí nghiêm túc vẫn rất quan trọng và có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Và người được hưởng lợi nhiều nhất chính là độc giả.

Bình luận

    Chưa có bình luận