Đây là loạt bài viết của hai nhà báo Đình Thiệu - Long Phi (VOV miền Trung, Đài TNVN). Loạt bài viết rất thuyết phục vì có những dẫn chứng cụ thể, lý giải thấu đáo nguyên nhân, chỉ rõ những vướng mắc cần tháo gỡ để chủ chương, chính sách ưu việt sớm đi vào cuộc sống.
Phát hiện đề tài từ những chuyến đi thực tế
Thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 nhưng trên thực tế, các dự án dành cho bà con vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nằm trên giấy. Với tổng nguồn vốn lên đến 137.664 tỷ đồng sau hơn 2 năm triển khai, nhiều địa phương rơi vào tình trạng tiền nằm im trong kho bạc, còn dân nghèo chờ dự án.
Trong các chuyến công tác tại nhiều bản, làng nghèo vùng đồng bào DTTS ở một số tỉnh miền Trung vào giữa năm 2023, nhà báo Long Phi và Đình Thiệu đã nghe được những lời kêu ca, phàn nàn của người dân về những bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tại huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nhiều hộ đồng bào nghèo nằm trong vùng dự án được hỗ trợ tiền để xây nhà nên bà con đã vay tiền làm nhà trước, chờ tiền hỗ trợ sau, thế nhưng khi làm xong nhà, bà con lại ôm nợ vì không nhận được tiền hỗ trợ. Ngay sau các chuyến công tác đó, nhóm đã báo cáo lãnh đạo cơ quan xin triển khai thực hiện đề tài này.
Nhà báo Đình Thiệu cho biết: “Tiếp tục đi sâu tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận rất nhiều bất cập xung quanh việc thực hiện chủ trương hỗ trợ đồng bào nghèo, thậm chí nhiều dự án của chương trình này chỉ nằm trên giấy, không thể triển khai. Được dự các cuộc làm việc của các Đoàn Giám sát của Quốc hội về thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại các tỉnh miền Trung, chúng tôi thấy lãnh đạo các sở, ngành, địa phương miền núi thuộc các tỉnh ở miền Trung đều kêu khó trong quá trình triển khai do quá nhiều “điểm nghẽn”, vướng thủ tục pháp lý. Hầu hết các địa phương rơi vào tình trạng “tiền nằm im trong kho bạc”, còn dân nghèo chờ dự án. Sự chậm trễ và ách tắc trong triển khai chương trình này không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra mà còn gây nhiều hệ lụy trong cuộc sống đồng bào DTTS miền núi. Từ thực tế đó, nhận thấy đây là vấn đề thời sự, đang được quan tâm lúc bấy giờ nên nhóm chúng tôi đề xuất với lãnh đạo cơ quan tổ chức triển khai thực hiện loạt bài này và được lãnh đạo cơ quan hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho phóng viên tác nghiệp”.
Để có đầy đủ tư liệu cho bài viết, nhóm tiếp tục đi đến các bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Bà con ở đây thường lên rẫy rất sớm, đến chiều tối mới về nhà. Để gặp được bà con, phóng viên phải nhờ cán bộ địa phương hẹn trước để bà con ở nhà, còn nếu không phải ở lại qua đêm trong bản, làng chờ bà con về để gặp. Nhiều bản, làng nằm sâu trong núi, phóng viên phải lội bộ, băng rừng nhiều giờ đồng hồ mới đến nơi. Ở đó chưa có điện thắp sáng, không có sóng điện thoại nên dù đã hẹn trước nhưng khi đến nơi lại không liên lạc được, phóng viên đành phải đợi đến khi bà con về mới gặp được.
Đi lại đã khó khăn, việc nghiên cứu tài liệu cũng khiến phóng viên tốn nhiều công sức bởi thời điểm đó, hành lang pháp lý cho việc thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa rõ ràng, có quá nhiều văn bản chồng chéo nhau. Phóng viên phải tìm hiểu, tập hợp các văn bản liên quan chương trình này từ cấp Trung ương đến cấp xã. Những tập tài liệu này nặng cả chục ký và khi đọc thì hai nhà báo cảm thấy thực sự lúng túng khi nhiều văn bản nội dung chồng chéo, nội dung văn bản này “đá” văn bản kia. “Khi có được tư liệu đầy đủ, chúng tôi dành thời gian để đọc, hiểu các nội dung các văn bản để phân tích đánh giá, lập luận cho bài viết. Đến lúc đi phỏng vấn cán bộ các sở, ngành cũng rất khó khăn vì họ sợ sai, sợ trách nhiệm nên ngại, thậm chí né tránh, đùn đẩy tiếp xúc với báo chí. Chúng tôi lại phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục và gặp gỡ, tiếp cận đầy đủ các thông tin với nhiều cách khác nhau - nhà báo Long Phi cho hay.
Bà con đã nhận được tiền làm nhà
Mục tiêu của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 hướng đến thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng đặc biệt khó khăn so với bình quân chung của cả nước. Đây là chủ trương giàu tính nhân văn với nhiều chính sách ưu đãi và toàn diện so với nhiều chương trình trước đây dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thế nhưng, quá trình triển khai trên thực tế có nhiều vướng mắc nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp, thậm chí có nhiều dự án của chương trình không giải ngân được. Vì vậy, khi triển khai loạt bài viết, VOV miền Trung mong muốn góp tiếng nói, giúp các bộ, ngành Trung ương thấy được bất cập để có sự điều chỉnh kịp thời, sớm đưa đồng tiền hỗ trợ của Chính phủ đến với đồng bào nghèo.
Khi loạt phóng sự “Vì sao tiền dành cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số “bị nhốt” trong kho bạc?” được phát trên sóng Đài TNVN và đăng tải trên Báo Điện tử VOV.VN, VOV miền Trung liên tục nhận được phản hồi của các địa phương có nêu trong bài viết. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, bài viết đã nói đúng, trúng và chỉ rõ những bất cập, yếu kém, qua đó nói lên tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cán bộ địa phương trong quá trình triển khai chương trình này. “Tháng 8/2023, lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vui mừng thông báo cho chúng tôi, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Sau đó vài tuần, chúng tôi nhận được thông tin bà con ở huyện vùng cao Nam Trà My đã nhận tiền hỗ trợ làm nhà. Đây chính là niềm vui lớn của người làm báo vì đã góp tiếng nói nêu lên thực trạng, mang lại những kết quả cụ thể trong cuộc sống đồng bào nghèo, yếu thế” - nhà báo Đình Thiệu chia sẻ.
Theo lãnh đạo VOV miền Trung, nhữnh nội dung được đề cập trong loạt phóng sự của nhà báo Đình Thiệu và Long Phi được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây cũng là vấn đề nóng được đặt ra tại cuộc họp HĐND các tỉnh, thành phố và các kỳ họp Quốc hội. Sau đó, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã tổ chức nhiều đoàn giám sát, tập trung tháo gỡ vướng mắc các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để triển khai chương trình này.
Lãnh đạo cơ quan đã truyền lửa đam mê
Nhà báo Đình Thiệu cho biết, để có thể thực hiện thành công loạt 3 bài viết góp phần tháo gỡ vướng mắc các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để chương trình triển khai trên thực tế, lãnh đạo cơ quan đã truyền lửa đam mê và chỉ đạo quyết liệt, định hướng cụ thể về nội dung trong từng bài viết. Trước khi viết bài, lãnh đạo cơ quan yêu cầu nhóm phóng viên dành hơn 1 tháng để đi thực tế nhiều lần, nhiều nơi, gặp, làm việc với nhiều người DTTS thuộc hộ nghèo và gặp đại diện các cơ quan ban, ngành và chính quyền các địa phương ở miền Trung. “Sau khi đề cương chi tiết được phê duyệt, lãnh đạo cơ quan yêu cầu chúng tôi hoàn thành tác phẩm với chất lượng tốt nhất. Chúng tôi phải viết đi, viết lại nhiều lần mới được duyệt phát sóng/đăng tải. Trong quá trình đó, chúng tôi thường xuyên nhận được sự chỉ đạo sâu sát và tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành loạt bài với chất lượng cao nhất. Thành công của loạt bài, ngoài nỗ lực của nhóm tác giả có vai trò định hướng và giúp đỡ rất lớn của lãnh đạo cơ quan” - nhà báo Đình Thiệu nhấn mạnh.
Trong những năm gần đây, Cơ quan Thường trú miền Trung, Đài TNVN liên tục gặt hái được những giải thưởng báo chí lớn. Nhà báo Long Phi và nhà báo Đình Thiệu cảm thấy tự hào khi được công tác trong một cơ quan báo chí lớn của Đảng, Nhà nước, và được làm phóng viên của một cơ quan từng đoạt nhiều giải thưởng cao tại các giải báo chí lớn. Nhà báo Long Phi cho rằng: “Chính nhờ làm việc trong môi trường báo chí chuyên nghiệp, được rèn giũa kỹ năng lẫn phong cách tác nghiệp, học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước và đặc biệt là lãnh đạo cơ quan luôn đồng hành, sát cánh cùng chúng tôi trong từng tác phẩm báo chí, nên chúng tôi mới có những sản phẩm báo chí chất lượng và có bài viết được Giải báo chí Quốc gia”. Nhà báo Đình Thiệu bổ sung: “Nâng cao chất lượng chuyên môn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được lãnh đạo cơ quan đặt ra trong suốt quá trình chỉ đạo điều hành. Trong các cuộc giao ban hằng ngày, chúng tôi luôn được lãnh đạo cơ quan hướng dẫn, chỉ ra những sai sót, rút kinh nghiệm về cách viết, cách dùng từ, chọn chi tiết trong từng câu chuyện báo chí và kỹ năng dàn dựng, nhờ đó mà chuyên môn, nghiệp vụ của anh em chúng tôi ngày một vững vàng hơn”./.