Nhà báo Trần Mai Hạnh mở rộng cánh cửa 58 Quán Sứ

Chuyến đi thăm lại chiến trường xưa cuối tháng ba đầu tháng tư này, anh Trần Mai Hạnh, nguyên Giám đốc Đài TNVN đã đi mãi, đi mãi không về.

 

"Vừa họp ở Văn phòng Chính phủ về, anh Trần Mai Hạnh vào phòng tôi vừa lau kính mắt vừa nói về ý tưởng mở rộng biên độ phát thanh Quốc gia thành “Tập đoàn truyền thông đa phương tiện”.

Chiều muộn mùng một tháng một năm 1996 tôi cùng anh Vũ Hà, biên tập viên Ban Văn Nghệ cùng một số anh em khác trong Đài rủ nhau ra quán bia hơi giải khát thì gặp anh Trần Mai Hạnh đi họp về. Anh mới về nhậm chức Tổng giám đốc Đài Quốc gia, nhưng nhiều anh em biết nhau lâu nên vui vẻ mời anh cùng đi. Anh cười nhỏ nhẹ rồi đi luôn. Quán bia gần Bờ Hồ rôm rả nói cười, anh Hạnh ít nói, chỉ nghe. Vũ Hà sôi nổi phát biểu như trong hội thảo Sân khấu chèo, có ý xin chiêu đãi cả nhà chầu bia này để mừng tân Tổng Giám đốc. Anh Trần Mai Hạnh đứng dậy khiêm tốn: “Tối nay là buổi gặp đầu tiên với anh em nhà Đài vui vẻ như thế này và cũng là ngày kỷ niệm sinh nhật tôi. Xin được chiêu đãi anh em”. Nói rồi anh ra quầy trả tiền. Anh Hạnh bảo sinh đúng 1/1/1943, nhưng vẫn cầm tinh con ngựa, tung hoành khắp đó đây.

Mấy ngày sau anh Hạnh mời tôi lên phòng Tổng Giám đốc báo cáo tình hình. Anh bảo “Anh về Đài đã lâu, biết nhiều thứ, tôi lãnh đạo, nhưng mà lính mới nên anh nói hết mọi nhẽ cho tôi biết, tôi hiểu mới làm tốt được”. Có lần anh Hạnh bảo tôi “phải mở rộng cánh cửa 58 Quán Sứ”. Tôi thiên nghĩ về nghĩa đen, cụ thể, về sau mới hiểu hết nghĩa bóng, nghĩa rộng của “cánh cửa mở rộng”.

Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.Tháng 2/1997, tại hội nghị tổng kết năm 1996 của VOV, Tổng Giám đốc Trần Mai Hạnh có bài phát biểu dài, ngồn ngộn chất liệu, sắc sảo trong nhận định và mới mẻ về phương hướng đi tới của Đài phát thanh Quốc gia. Anh nhận định Đài có truyền thống đi cùng dân tộc vô cùng oanh liệt, đầy vinh quang. Để không phụ lòng các thế hệ đi trước chỉ có cách kế thừa những gì quý nhất, phát huy tinh thần sáng tạo trong mọi công việc làm cho làn sóng phát thanh liên tục, vang xa, hiệu quả. Muốn vậy phải mở rộng dung lượng, nối dài cánh sóng bằng các phương tiện truyền thông khác. Bài phát biểu thu hút người nghe, thức dậy niềm say mê nghề nghiệp. Nhà báo Nguyễn Lương Phán, Tổng biên tập Tạp chí Phát thanh cho in thành phụ bản khá trang trọng phát hành cả nước.

Ít lâu sau, vừa họp ở Văn phòng Chính phủ về, anh Trần Mai Hạnh vào phòng tôi vừa lau kính mắt vừa nói về ý tưởng mở rộng biên độ phát thanh Quốc gia thành “Tập đoàn truyền thông Đa phương tiện”. Tôi nhớ lại trước đó Tổng giám đốc Phan Quang cho tôi xem bản đề nghị của TTXVN đổi tên thành “Hãng Thông tấn Việt Nam”, nhưng không thành. Anh Hạnh cũng biết việc này và có sáng kiến là không nói “Tập đoàn” mà đề nghị với Trung ương là “Tổ hợp”. Nội dung cốt lõi là tiếp tục mở rộng thời lượng, nâng cao chất lượng nội dung làn sóng phát thanh làm trục xoay cho mọi hoạt động khác của Đài, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mở ra các phương tiện thông tin mới mà từ trước đến nay Đài chưa từng làm, chưa từng có. Trước mắt là cho ra đời tờ tuần báo in “Tiếng nói Việt Nam”.

Anh Hạnh từng là Tổng biên tập nhiều tạp chí, tuần báo ở Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam nên kinh nghiệm xây dựng nội dung, đội ngũ không khó. Cái khó nhất là xin cấp giấy phép. Ban đầu từ Ban Tuyên huấn TW, Bộ Văn hóa Thông tin đến một số đồng nghiệp nhiều báo không đồng tình cho Đài phát thanh ra báo in. Có người nói vui chẳng lẽ xin trồng cột ăng ten ở cây đa 71 Hàng Trống à. Anh Hạnh bảo tôi gặp khó phải biết gỡ khó. Anh giao việc cho Ban thư ký biên tập in thời lượng khung chương trình các hệ và thư, ý kiến thính giả gửi về Đài cùng Tổng Giám đốc lên làm việc với Ban Tuyên huấn TW và Bộ Văn hóa Thông tin. Anh Trần Mai Hạnh từ tốn trình bày hàng ngày Đài phát 24/24 với lượng thông tin đồ sộ, phong phú đến hàng trăm trang in. Tin tức, phản ánh nhiều việc làm hay, nhiều nhân tố mới, nhưng tính chất phát thanh là nghe qua một lần nên khó nhớ, nhất là bà con ở nông thôn, miền núi. Cho nên Đài muốn tập hợp lại những tin bài hay trong tuần đăng lên tuần báo, phát hành đến tay người đọc trong cả nước. Đấy là cách nối dài cánh sóng đài Quốc gia. Cuộc họp ngắn nhưng được hai cơ quan lớn đồng tình. Anh Khắc Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin nhẹ nhàng vỗ vai tôi “Thế là ổn nhé”.

Chiều muộn một ngày như thật dài vì chờ đợi giấy phép xuất bản tuần báo “Tiếng nói Việt Nam”. Anh Hạnh từ Bộ Văn hóa - Thông tin về, chầm chậm uống cốc nước nguội, thả giọng: “Giấy phép có rồi, nhưng kẹt ở phòng Bộ trưởng ông ạ”.

Anh hơn tôi ba tuổi, bình thường thì “tôi và anh”, khi cần chia sẻ anh gọi tôi bằng “ông”. Thì ra Bộ trưởng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không đồng ý tên tờ báo Tiếng nói Việt Nam, như thế xem ra rộng  quá, bao phủ quá, nên thêm chữ Đài vào đấy cho rõ cơ quan chủ quản. Tôi biết anh Khoa Điềm từ hồi làm phóng viên thường trú Đài Giải phóng tại Thưa Thiên Huế (1972) và cùng học trường Nguyễn Ái Quốc (nay là học viện Hồ Chí Minh) khóa 1985 - 1987 và hiểu anh ít nói, nghĩ nhiều, sâu lắng, kiên định quan niệm. Anh Hạnh bảo tôi không “xin” nữa và hy sinh điều tâm đắc, thêm chữ Đài để được cấp phép. Vậy là ngày 2/11/1998 tờ tuần báo Đài Tiếng nói Việt Nam ra mắt bạn đọc cả nước.

Anh Hạnh thường nói “thua keo này ta bày keo khác”, nhưng khi thắng tuần báo in anh lại hô tiến lên thắng trận báo điện tử. Một ngày se lạnh cuối năm 1998 Tổng giám đốc cử Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Cúc và tôi, Trưởng ban Thư ký biên tập đến VDC Hà Nội tìm hiểu về xây dựng báo điện tử trên mạng Internet. Cái gì cũng mới, nhiều thuật ngữ mới nghe lần đầu, nhưng đều vượt qua hết. Cái khó nhất lại là xin giấy phép. Cú vượt rào đầu tiên là làm việc với đại diện Bộ Công an. Đồng chí này nghe tất cả, nhưng ít nói, khi nói thì cả tôi và Kim Cúc giật mình “Nếu có kẻ xấu xuyên tạc thì ai chịu trách nhiệm?”.

Kim Cúc từ tốn: “Chúng tôi làm mọi việc để không xảy ra sự cố và tin tưởng hàng rào lửa của bên công an. Mong các anh cùng chúng tôi xây dựng tờ báo điện tử Quốc gia”. Kết luận đồng chí đại diện công an là về xin ý kiến thủ trưởng. Tôi hơi buồn thuật lại đầy đủ nội dung cuộc họp, anh Hạnh lại thở phào “Vậy là được rồi, có nghĩa là chúng ta còn thời gian để thương lượng. Việc này để tôi”. Thế rồi sau mấy lần anh Hạnh đi về làm việc với các cơ quan trung ương, cuối cùng Tổng Giám đốc giao cho Ban thư ký biên tập và Văn phòng xin giấy phép. Ngày 3/2/1999 tờ báo điện tử VOV.VN ra đời trở thành một trong những tờ báo điện tử đầu tiên của cả nước.

Để đưa làn sóng VOV khỏi mang tiếng một thời là “Đài Sông Hồng”, lãnh đạo Đài xây dựng đề án tổ chức các cơ quan thường trú trong và ngoài nước. Cơ quan thường trú đài VOV ở thành phố Hồ Chí Minh được phát triển, đổi tên từ VOV 2 với quy mô lớn nên không thể áp dụng mô hỉnh này với các nơi khác.

Tổng Giám đốc giao cho tôi nhiệm vụ theo cách gọi của anh Trần Mai Hạnh là “thiết kế chính trị các cơ quan thường trú trong và ngoài nước”. Anh truyền cho tôi những kinh nghiệm của Thông tấn xã Việt Nam về vấn đề này. Tôi nhận ra các hạng mục, chọn địa điểm, cơ cấu tổ chức, nhân sự từ cán bộ đến các phòng biên tập, kỹ thuật, văn phòng. Thấy tôi nghĩ ngợi nhiều, anh Hạnh nói nhanh là Ban Thư ký lo thiết kế chính trị thôi còn tiền nong đã có anh Khánh, trưởng ban Kế hoạch Tài vụ, người do ban Tổ chức lo, mua sắm thiết bị đã có văn phòng, còn xin đất các địa phương thì không ai ngoài Tổng giám đốc. Ít lâu sau các cơ quan thường trú Sơn La, Cần Thơ, Thái Lan, Cộng hòa Pháp được thành lập. Tin tức, phóng sự được phóng viên thường trú trực tiếp truyền trên làn sóng tạo nên không khí tươi mới, sinh động. Các hệ phát thanh liên tiếp tạo nên chương trình mới, tiết mục mới. Tôi nhớ nhất là thảo luận về chương trình mới “Làng vui chơi, làng ca hát” của Ban biên tập Âm nhạc do nhạc sỹ Tuấn Nhuệ chủ đề tài. Nhiều ý kiến cho rằng đưa chiếu chèo về làng thì được chứ mang cả một tổ hợp sân khấu âm nhạc về thôn quê thì quá phức tạp, từ diễn viên đến công chúng. Anh Hạnh nghe một hồi rồi quyết, cái mới nào cũng khó cả, nhưng thấy khó mà không gỡ thì còn làm ăn gì. Tổng giám đốc quyết cho làm thử. Không ngờ làm thử ở phòng thu nhạc M đông đặc khán thính giả. Đưa về quê, nhiều nơi bà con leo lên cây, ngồi trên mái nhà để thưởng thức.

Anh Trần Mai Hạnh cho rằng làm lãnh đạo là biết đề ra kế hoạch cả ngắn hạn và dài hạn, biết triển khai công việc, biết thu hút người cùng làm, biết kiểm tra. Đừng nói chung chung mà phải có giải pháp cụ thể, cuối cùng là phải biết tổng kết. Hàng năm hoặc nhân kỷ niệm thành lập Đài lãnh đạo đài mời các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đến thăm, làm việc. Anh Hạnh giao cho tôi dự thảo các bài phát biểu. Anh bảo đây là dịp mình tổng kết những vấn đề chiến lược của Đài được các nhà lãnh đạo duyệt và phát biểu, sau đó tập hợp in thành tập văn kiện. Đến năm 2000 cuốn “Tiếng nói Việt Nam - cầu nối Đảng với Dân” do nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia - Sự Thật ấn hành gồm các bài nói của Hồ Chủ tịch, các bài viết, phát biểu của thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, thủ tướng Võ Văn Kiệt, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Phú Trọng.

Nghỉ hưu Trần Mai Hạnh lao vào viết tiểu  thuyết, hồi ký giá trị, tạo tiếng vang trong làng báo, làng văn cùng công chúng trong và ngoài nước. Áp Tết năm ngoái dù sức khỏe không được như mấy năm trước, nhưng anh vẫn đến gặp gỡ thân mật với anh chị em cựu phóng viên Công nghiệp và Thương mại của VOV. Tôi và nhà báo Trần Đức Thành tiễn anh lên taxi. Anh lưu luyến vẫy tay và tôi nhớ mãi câu nói của anh hồi đầu tháng 5/2002, trước khi tôi làm trưởng đoàn nhà báo VOV sang thăm và dự hội nghị Phát thanh Cộng đồng ở Wasington DC - Hoa Kỳ: “Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, mạnh mẽ khởi đầu cho những chuyến đi”

Có ngờ đâu chuyến đi thăm lại chiến trường xưa cuối tháng ba đầu tháng tư này, anh Trần Mai Hạnh đi mãi, đi mãi không về.

Vĩnh Trà/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận