NSND Vũ Kim Dung: 'Còn một hơi thở tôi vẫn còn ngâm thơ'

Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, giọng ngâm thơ Vũ Kim Dung đã được thính giả biết đến qua sóng phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

 

Một chất giọng đẹp, đầy đặn, sâu lắng, như sinh ra để dành cho ngâm thơ. Chính Tiếng thơ đã góp phần làm nên thành công của NSND Vũ Kim Dung và cũng từ Tiếng thơ, bà đã bước đến những miền không gian khác nhau.

 Hơn cả nỗi nhớ

Thưa NSND Vũ Kim Dung! Không gian phòng thu của Đài TNVN có ý nghĩa như thế nào với bà?

Phòng thu là nơi tôi gắn bó từ thời tuổi trẻ, nơi giọng ngâm thơ của mình được vang lên với đầy âm sắc. Một không gian ấm áp, đầy tình thương mến dành cho những người làm phát thanh, yêu phát thanh. Thế nên, nói “nhớ” dường như là chưa đủ. Có một cái gì hơn cả nỗi nhớ. Từ khi nghỉ hưu, tôi sang Cộng hòa Séc đoàn tụ cùng con cháu. Đến giờ cũng hơn 20 năm, nhưng mỗi lần về nước, được trở lại phòng thu, tôi luôn cảm thấy bồi hồi xúc động, thấy mình như vẫn còn thanh xuân, như còn đang làm việc ở Đài TNVN.

Mặc dù không gặp bà thường xuyên nhưng tôi luôn cảm nhận ở bà một năng lượng nghệ thuật rất nồng nhiệt. Bí quyết để gìn giữ năng lượng đó, thưa bà?

Niềm hạnh phúc của một người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật là được mang tài năng trời phú cho mình để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Chính vì vậy mà thời gian dường như không níu kéo được mình, tất cả dành cho nghệ thuật, và nghệ thuật thì vốn không có điểm dừng.

16 tuổi được tuyển vào Đoàn Cải lương Trung ương nhưng công việc chủ yếu là giới thiệu vở, dẫn chương trình. 27 tuổi trở thành nghệ sĩ ngâm thơ của Đài TNVN. Khoảng 10 năm đầu đời đó có bị lãng phí đối với một nghệ sĩ biểu diễn không, thưa bà?

Điều may mắn đối với tôi thứ nhất là niềm say mê nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thứ hai là được trời phú cho chất giọng, nên khi 11 - 12 tuổi, tôi đã ao ước trở thành diễn viên. 16 tuổi tôi mạnh dạn đi tuyển văn công, bất chấp sự phản đối của gia đình. Không ngờ là được tuyển ngay. Chính Đoàn cải lương Trung ương là cái nôi đầu tiên giúp tôi hiểu thế nào là nghệ thuật, là sân khấu, được các đàn anh, đàn chị hướng dẫn, rèn cặp; khi về Đài lại được gắn bó với nghệ thuật ngâm thơ, được công chúng và thính giả trong cả nước biết đến. Chính vì vậy tôi thấy rằng khi hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần hướng cả trái tim và trí tuệ của mình, tạo nên những giá trị, những dấu ấn riêng đối với khán thính giả. Trải nghiệm 10 năm trước khi trở thành nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp không hề lãng phí. Bởi ở khoảnh khắc nào tôi cũng sống và làm việc vì nghệ thuật, không có giây phút nào thừa ra để luyến tiếc thời gian đã trôi qua. Về Đài, tôi không chỉ phục vụ cho buổi Tiếng thơ mà còn ngâm thơ cho nhiều chương trình khác, như chương trình về nông thôn, phụ nữ, thanh niên, chương trình Quân đội nhân dân, và đặc biệt là ngâm thơ cho buổi phát thanh binh địch vận do nhà thơ Tạ Hữu Yên phụ trách. Với bất cứ chương trình nào, tôi cũng đều làm việc chu đáo, hết lòng.

NSND Vũ Kim Dung trong phòng thu Ban VHNT, Đài TNVN.Người thầy đầu tiên dạy NSND Vũ Kim Dung ngâm thơ là ai?

 Trong nghệ thuật ngâm thơ ở nước ta vốn không có trường lớp đào tạo chính quy mà thường là học hỏi những lớp người đi trước. Thời gian ở Đoàn Cải lương Trung ương, tôi đảm nhận vai trò người giới thiệu các vở diễn, trích đoạn. Xong phần việc của mình, tôi thường ngồi ở cánh gà, theo dõi các anh chị diễn xuất, ca, ngâm và mình ngấm dần. Khi cộng tác với Đài TNVN, tôi vào thu thử một lần là đạt luôn. Cuối 1972, tôi chính thức về Ban Ban Văn học Nghệ thuật của Đài TNVN. Thời gian này đang giai đoạn chiến tranh rất ác liệt. Vừa mới về được mấy ngày tôi đã cùng đồng nghiệp đi sơ tán, lúc đang thu có báo động lại chui xuống hầm, báo yên thì lại lên ngâm thơ. Một bài thơ có khi thu ngắt quãng mấy lần. Thế nhưng không vì thế mà nản. Tôi và đồng nghiệp vẫn cứ mang hết sức mình để phục vụ cho các buổi thu thơ.

Đặt lòng mình trong từng câu thơ

Có nhiều nghệ sĩ ngâm thơ nhưng để trở thành một nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp thì cần phẩm chất gì, thưa bà?

Đó là sự tự ý thức, tự dấn thân, tự rèn luyện trau dồi không ngừng nghỉ. Tôi rất may mắn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có những đòi hỏi khắt khe về chất giọng, về khả năng cảm thụ tác phẩm, xử lý văn bản. Ngoài công việc ở Đài, tôi còn thường xuyên được mời đi cùng các nhà thơ, các nhà nghiên cứu đến các tỉnh thành nói chuyện thơ, đi giao lưu và ngâm thơ ở các trường học, cơ quan, đơn vị. Nhờ các buổi nói chuyện thơ đó mà tôi vỡ ra được rất nhiều điều về văn chương và vẻ đẹp ngôn ngữ tiếng Việt, về cách tiếp cận một tác phẩm, cách chuyển tải tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Vì thế, tiếng thơ cũng là tiếng lòng. Các cụ nói nhất nghệ tinh nhất thân vinh mà. Khi mình chuyên sâu về các kỹ thuật ngâm thơ, có sự vận dụng sáng tạo nhiều làn điệu của âm nhạc dân tộc, đặt lòng mình trong từng câu thơ thì sẽ truyền được cảm xúc đến với người nghe.

Bà có nhiều học trò theo học ngâm thơ?

Tôi luôn quan niệm rằng khi mình yêu một lĩnh vực nào thì nó sẽ tỏa sáng trong mình, mở lối cho mình. Trong suốt hành trình làm nghệ thuật, tôi luôn tìm tòi sáng tạo để làm thế nào phát huy và gìn giữ nghệ thuật ngâm thơ. Tôi cũng sẵn sàng trao đi những kinh nghiệm mà mình đã tích lũy, rèn giũa được cho những người đi sau. Thời điểm tôi làm việc ở Ban Văn học Nghệ thuật, chỉ có tôi và NSND Trần Thị Tuyết là hai nghệ sĩ chuyên ngâm thơ. Còn lại là các cộng tác viên. Nếu không truyền dạy lại thì nghệ thuật ngâm thơ sẽ chẳng mấy mà phai nhòa. Thế nên tôi đã tình nguyện hướng dẫn cho rất nhiều bạn trẻ muốn theo học. Mình truyền kinh nghiệm cho các em; các em có những sáng tạo riêng và tôi lại học được ở các em một lần nữa. Thế nên kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi càng ngày càng được bồi đắp phong phú hơn. Khi đã trao cả tâm hồn mình cho nghệ thuật và cho khán giả, tôi luôn được nhận lại niềm vui, niềm hạnh phúc.

NSND Kim Dung cùng bạn bè, người yêu thơ tại Đan Phượng, Hà Nội.Một trong rất nhiều kỷ niệm mà bà không thể quên?

Trong một dịp tôi đi công tác cùng các đồng nhiệp, thật không may xe của chúng tôi bị sa lầy. Tôi sốt ruột, cứ như thế này thì đến bao giờ mới đi được. Thế nên tôi xuống xe, chạy tới chỗ công nhân làm đường đề nghị giúp đỡ. Thế là mỗi người một tay, họ lăn những hòn đá to xuống hố rồi hò dô đẩy cho xe qua. Sau khi cảm ơn và tạm biệt họ, mọi người trong đoàn công tác nói: “Các anh chị có biết người vừa đẩy xe cùng các anh chị là ai không? Đấy là nghệ sĩ ngâm thơ Kim Dung”. Lúc bấy giờ họ mới ồ lên ngạc nhiên và đề nghị tôi ngâm tặng một bài thơ. Tôi vừa bất ngờ vừa xúc động. Trong bối cảnh này, tôi nhớ đến bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ Tịch: Dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi/ Phu đường vất vả lắm ai ơi/ Ngựa xe hành khách thường qua lại/ Biết cảm ơn anh được mấy người. Khi tôi vừa ngâm xong, các nữ công nhân làm đường bật khóc. Tôi cũng khóc. Các chị nói: “Cảm ơn Kim Dung đã đáp ứng mong muốn của chúng tôi. Chúng tôi hứa sẽ làm những con đường rộng rãi đẹp đẽ để lần sau Kim Dung đi công tác qua đây không phải đẩy xe nữa”. Kỷ niệm ấy tôi không bao giờ quên.

Hai chữ “Phục vụ” đã luôn ở trong bà?

Dù chỉ có một người yêu cầu, tôi cũng sẵn lòng, không nề hà, không hề tính toán phân vân. Nơi biểu diễn có thể trên sân khấu, hay giữa công trường, nhà máy, cánh đồng. Bao nhiêu năm công tác, tôi đã cùng đồng nghiệp đến với nhiều tỉnh thành, vùng nông thôn miền núi có, nơi đảo xa có, chấp nhận xa gia đình vào ngày lễ Tết, đạp xe giữa khói bom để lên Đài thu thơ kịp phục vụ tiền tuyến… Những trải nghiệm đó vô cùng quý báu, giúp cho tôi có được ngày hôm nay. Khi sang Cộng hòa Séc, tôi lại được đem lời ca tiếng hát phục vụ kiều bào, được nhận về bao tình thương quý. Với người nghệ sĩ, phục vụ nhân dân là niềm hạnh phúc lớn lao. Còn một hơi thở tôi vẫn còn ngâm thơ.

Xin cảm ơn bà. Chúc bà luôn mạnh khỏe và hạnh phúc cùng tình yêu nghệ thuật.

“Nghệ sĩ Vũ Kim Dung sinh năm 1945. Năm 1993, nghệ sĩ Vũ Kim Dung được phong tặng danh hiệu NSUT. Năm 2023, bà được phong tặng danh hiệu NSND”.

Anh Thư thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận