Cảm xúc từ trái tim sẽ khiến trái tim rung động

Những năm gần đây, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thường xuyên đoạt những giải thưởng giá trị của Hiệp hội PT-TH châu Á - Thái Bình Dương (ABU).

 

Năm 2023, VOV lại ghi dấu mốc mới khi ngoài các giải thưởng khác, lần đầu tiên có tác phẩm giành giải Xuất sắc, hạng mục phát thanh, thể loại Thông điệp xã hội. Đó là tác phẩm “Trao tôi 25cm tóc để tôi giống mọi người" của nhóm tác giả Ban Đối ngoại (VOV5).

Chọn những câu tinh nhất

Thực hiện một tác phẩm cực ngắn, chỉ dài 1,5p, thể loại còn mới lạ ở Đài TNVN là một thách thức với nhóm tác giả Nguyễn Hồng Vân, Nguyễn Lan Phương, Nguyễn Thị Lệ Chi, Vũ Nhật Quỳnh. Theo nhà báo Hồng Vân, tác phẩm có thời lượng ngắn như vậy nhưng nội dung cần phải truyền tải được thông điệp rõ ràng, bởi điều quan trọng nhất của thể loại thông điệp xã hội là làm sao để “cộng đồng cùng hành động”. Do đó, mọi khâu của tác phẩm từ việc lựa chọn chủ đề, nhân vật, chi tiết đưa vào tác phẩm đều phải rất đời thường, dễ hiểu, dễ nhớ. Tất cả những yêu cầu đó được gói gọn và thể hiện trong 90 giây là thử thách không nhỏ nhưng cũng rất thú vị bởi mọi người được thử sức ở một góc độ hoàn toàn khác của nghề.

Nhà báo Lệ Chi, người phụ trách chọn âm nhạc và dàn dựng cho tác phẩm cho biết: “Đối với tôi, để sản xuất một tác phẩm phát thanh có thời lượng ngắn nhưng mang lại hiệu ứng cao cho người nghe luôn là một thử thách lớn. Với tác phẩm mang tính nhân văn cao như “Trao tôi 25cm tóc để tôi giống mọi người”, chúng tôi đã phải mất nhiều thời gian chọn lựa câu thoại, tiếng động hiện trường, âm nhạc, giọng đọc để truyền cảm hứng đến người nghe. Về phần âm thanh, tôi chia tác phẩm thành ba phần. Phần mở đầu, phần quan trọng nhất để giữ thính giả ở lại với chương trình, tôi chọn âm nhạc nhẹ nhàng có chút buồn để tăng thêm cảm xúc cho người nghe. Trong phần thứ hai, phần triển khai, tôi muốn thính giả cùng chia sẻ niềm vui và hy vọng với các nhân vật nên âm nhạc mang nét tươi mới hơn. Phần kết thúc chứa câu thông điệp cũng đóng một vai trò quan trọng nên tôi đưa âm nhạc lên cao trào nhằm làm nổi bật chủ đề của tác phẩm”.

Nhà báo Nguyễn Hồng Vân, Nguyễn Lan Phương, Nguyễn Thị Lệ Chi trong nhóm tác giả đoạt giải thưởng.Dù các nhân vật xuất hiện trên sóng mỗi người chỉ nói một vài lời, nhưng đều chứa thông tin mạch lạc. Việc cân nhắc để nhân vật nói gì trên sóng nhằm đạt hiệu quả như mình mong muốn rất quan trọng. Các thành viên trong nhóm đã cùng nhau trao đổi, tranh luận để tìm ra phương án tốt, hợp lý và logic nhất. “Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để cân nhắc, lựa chọn những gì hay nhất, cô đọng nhất của từng nhân vật, rồi truyền tải trên sóng phát thanh. Tất cả những câu nói của từng nhân vật đều là những câu tinh nhất, chứa nhiều thông tin nhất trong từng đoạn phỏng vấn để làm sao cho thính giả dễ hình dung về thông điệp chúng tôi muốn truyền tải. Điều mà nhóm muốn hướng tới khi thực hiện tác phẩm chính là kêu gọi cộng đồng hiến tóc để giúp các bệnh nhân nữ bị ung thư có thêm tự tin trong quá trình chữa bệnh. Do đó, mọi câu nói của các nhân vật đều nhằm phục vụ mục tiêu này. Cụ thể là chỉ cần 25cm tóc thôi là sẽ dệt được một bộ tóc giả để tặng bệnh nhân ung thư” -  nhà báo Hồng Vân chia sẻ.

Những câu nói chạm đến trái tim

Nhà báo Lan Phương kể về quá trình đến nhà nhân vật: “Vào buổi sáng chủ nhật giữa tháng 5, tôi và Hồng Vân vượt gần 40km  bằng xe máy đến nhà em Hoàng Tố Như bị mắc bệnh ung thư ở giai đoạn 2B, nhân vật chính trong tác phẩm. Em gầy gò, nhỏ thó so với tuổi lên 7. Ban đầu thấy người lạ, em có phần hơi bẽn lẽn. Nhưng khi mẹ gọi ra ngồi nói chuyện cùng các bác, em mạnh dạn hẳn. Chúng tôi trò chuyện trước với chị Nguyễn Thị Ngà, mẹ của bé. Chị Ngà kể về quá trình phát hiện và chữa trị bệnh ung thư xương cho con gái. Qua lời kể của mẹ cháu bé, chúng tôi dần hiểu câu chuyện chiến đấu với bệnh tật của cô bé. Sau đó, chúng tôi mới hỏi chuyện bé. Bé Như trả lời rất cởi mở. Khoảng cách với người lạ không còn. Tố Như có đôi mắt to tròn, rất đẹp. Càng hỏi chuyện, chúng tôi càng yêu bé nhiều hơn bởi em nói chuyện chững chạc, suy nghĩ già dặn như người lớn, đặc biệt, em luôn lạc quan trong suốt cuộc trỏ chuyện” .

Dù nhân vật chính trong tác phẩm là em bé 7 tuổi bị ung thư, nhưng khi xuất hiện trên sóng, em vẫn giữ được sự hồn nhiên, lạc quan qua giọng nói, qua tiếng cười khúc khích. Nhà báo Lan Phương cho rằng: “Những cảm xúc xuất phát từ trái tim sẽ chạm tới trái tim và khiến trái tim rung động. Từ sự thấu cảm với nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần đè nặng lên em, về hoàn cảnh đang ở nhà thuê, về độ tuổi còn quá nhỏ mà đã mắc bệnh sarcoma xương, cánh tay trái sau phẫu thuật vẫn đeo băng trước ngực, chúng tôi hỏi chuyện em bắt đầu từ những câu hỏi thăm rất đời thường và em đáp lại chân thực và dễ thương. Em kể tóc em dài đến lưng, khi bị bệnh, mỗi lần chải đầu, tóc rụng, em không lấy đó làm buồn vì nghĩ “Mai sau con lại có tóc tiếp”. Đến lớp học, các bạn hỏi: “Tóc của bạn đâu?”. Em trả lời: “Tớ bị bệnh nên mới bị rụng tóc thôi”. Em thấy mẹ đi hiến tóc, em cũng mong sau này mái tóc dài trở lại để đi hiến tóc tặng các bạn nhỏ bị ung thư giống em. Em nói chuyện hồn nhiên và lạc quan vô cùng khiến tôi thêm cảm phục ý chí vượt lên căn bệnh ung thư xương quái ác của em và lòng tôi dấy lên niềm thương quặn thắt. Sờ tay vào vết sẹo lồi dài ở cẳng chân em, tôi chực bật khóc. Sau khi hóa trị và phẫu thuật khối u, để giữ lại cánh tay cho Như, các bác sĩ đã lấy xương mác ở cẳng chân phải để ghép lên cánh tay trái của em. Sau thời gian dài điều trị, cánh tay trái của Như vẫn lủng là lủng lẳng không dính với đoạn xương ghép, em lại tiếp tục chuỗi ngày dài để chống chọi bệnh tật. Chia tay em, nhóm chúng tôi chỉ mong Như luôn giữ được sự dũng cảm, niềm lạc quan vốn có và quyết tâm chữa bệnh đến cùng”.

Gợi mở cách làm mới

Nhà báo Hồng Vân, đại diện nhóm tác giả sang Hàn Quốc nhận giải thưởng đã phát biểu: “Giải thưởng này là sự động viên lớn cho những nỗ lực làm nghề của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng tác phẩm của mình sẽ truyền cảm hứng đến cộng đồng để cùng giúp đỡ các bệnh nhân ung thư”.

Theo nhà báo Hồng Vân, điều mà chị cảm nhận được từ các đồng nghiệp tham dự giải ABU đó là sự lao động nghiêm túc, say nghề, đầu tư công phu, rất kỹ lưỡng cho tác phẩm của mình. Bản thân chị thấy những vấn đề mang tính nhân văn, đề cao những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, tình yêu thương con người thường mang lại những kết nối cảm xúc chân thật và dễ nhận được sự đồng cảm.

Phóng viên VOV 5 tác nghiệp.

Trả lời cho câu hỏi: “Giải thưởng ABU có gợi mở gì về việc đổi mới cách làm chương trình trên sóng phát thanh?” - nhà báo Lệ Chi cho biết: “Từ trước đến nay, Chi hội Nhà báo VOV5 thường xuyên tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong phát thanh. Những tác phẩm ngắn cũng được Chi hội đánh giá cao. Chúng tôi đã thực hiện nhiều tác phẩm ngắn nhưng mới chỉ dừng lại ở những tác phẩm quảng bá về văn hóa, du lịch, hay quảng bá cho chuyên mục hoặc chương trình tổng hợp. Những tác phẩm này được sản xuất phù hợp với từng chuyên mục và phát trước hoặc sau chuyên mục đó. Sau khi tác phẩm đoạt giải, tôi nghĩ việc đưa một tác phẩm về thông điệp xã hội lên sóng phát thanh thường xuyên hơn là một ý tưởng rất hay, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng”.

“Khi tác phẩm phát sóng, khán giả đã cảm nhận được tính nhân văn mà tác phẩm muốn đề cập. Cảm nhận được tình yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia mà cộng đồng dành cho các bệnh nhân ung thư. Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, lòng tốt vẫn luôn hiện diện và lan tỏa” - nhà báo Hồng Vân.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận