Kỷ niệm về nhà báo Huỳnh Văn Tiểng

Báo TNVN xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng giám đốc Đài TNVN về nhà báo Huỳnh Văn Tiểng.

 

1. Đất nước ta đầu thập niên 1940 lâm vào cảnh cùng cực. Trên danh nghĩa Việt Nam vẫn là thuộc địa của Pháp nhưng toàn quyền Decoux đầu hàng phát xít Nhật, âm thầm chống lại các nước Đồng Minh. Máy bay Mỹ ném bom phá hoại một số cầu đường sắt. Dưới ba tầng áp bức: Pháp, Nhật và triều đình, hầu như mọi gia đình ở nông thôn đều khánh kiệt.

Kỳ nghỉ hè năm ấy tôi về quê, một trưa tình cờ nhìn thấy trước cái quán bán nước vối bên đường có ba chiếc xe đạp sang trọng nhãn hiệu Sterling kê liền nhau, loại xe đua thời thượng hồi bấy giờ. Ba thanh niên mặc áo quần thể thao áo thun quần ngắn vừa uống nước vừa chuyện trò với bà chủ quán. Một anh nhìn thấy tôi, hỏi chuyện mấy câu. Uống nước xong ba chàng lại lên xe khom người, chiếc ba lô nặng chịch trên lưng, đi hàng dọc theo quốc lộ 1 bon tiếp vào Nam. Cậu bạn cùng quê lớn hơn tôi, thành thạo nhiều thứ, nhìn theo ba người nói: “Anh vừa hỏi chuyện mày là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đấy”.

Hồi ấy tôi tuyệt nhiên chưa hiểu gì về nhóm Huỳnh Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) nhưng các điệu nhạc hào hùng, lời ca gợi cảm của những bài như Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng… , chúng tôi đều thuộc, đều hát, đến nay nhiều người tuổi trên dưới 90, lời ca điệu nhạc vẫn cứ nằm lòng: Bạch Đằng Giang sông ơi cùng ta réo lên thiên anh hùng ca...

Mùa hè năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp, phong trào Việt Minh nhanh chóng lan tỏa, chúng tôi tham gia hoạt động, đêm đêm vác chiếc gậy tre xếp hàng tập đi đều một hai, một hai theo nhịp bài Lên đàng, đến cuối tuần lại tập hợp cả làng nghe cán bộ Việt Minh giảng bài quanh các bếp lửa trại tổ chức theo lối hướng đạo sinh để che mắt địch. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chúng tôi quyết tâm Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu - chiến đấu thay tranh đấu trong nguyên tác, được Đảng định hướng cho nếp sống cả đời.

2. Cuối tháng tư năm 1975, tròn 30 năm sau những ngày đêm ấy, tôi vào Đà Nẵng làm phóng viên báo Nhân Dân, đang chạy tìm xe đáp nhờ vào Sài Gòn, đến bữa ăn tập thể tại Nhà khách Thành phố gặp nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, Phó Tổng biên tập, Giám đốc Ban Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh nói: “Cơm xong bọn mình lên xe đi tiếp, may ra vào kịp”.

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng (người mặc comle) cùng đồng nghiệp cũ.

Và đoàn của anh đã gặp may kịp vào đến Sài Gòn chiều 30/4/1945. Nhà lãnh đạo Huỳnh Văn Tiểng đã khéo phối hợp ba lực lượng: các đoàn từ Hà Nội vào, các nhóm trên chiến khu về, và đặc biệt cùng các bạn tại chỗ lên sóng truyền hình, làm người dân Sài Gòn - Gia Định thật sự ngỡ ngàng khi nghe Đài Truyền hình Giải phóng phát chương trình tại chỗ tối 1/5/19751.

3. Năm 1988, tôi được cấp trên chuyển về làm Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài TNVN thay cây đại thụ Trần Lâm. Anh chị em nhà Đài đoàn kết, cùng nhau vươn lên “tự đổi mới để phục vụ đổi mới”. Năm 1995, Đài TNVN tròn 50 năm tuổi, được nhận Huân chương Sao Vàng. Đài mời lớp cán bộ đã đặt nền móng xây dựng, phát triển Đài nửa thế kỷ qua, nhiều người cao tuổi sống tại các tỉnh phía Nam, về Hà Nội dự buổi họp mặt. Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng bị bệnh nặng, gặp tai biến phải đi xe lăn nhưng trí tuệ minh mẫn, lạc quan yêu đời. Lãnh đạo Đài dặn anh em đặt sẵn vé máy bay mang đến tận nhà mời hai ông bà các bậc lão thành như Huỳnh Văn Tiểng, Lê Quý..., đón các cụ ra Hà Nội dự buổi họp mặt.

Hôm ấy Hà Nội đã vào thu nhưng thời tiết vẫn oi lắm. Đến buổi giao lưu, chụp ảnh kỷ niệm giữa sân, mọi người đều mặc giản dị, Vợ ông Huỳnh Văn Tiểng thướt tha với chiếc áo dài truyền thống, tươi cười đẩy chiếc xe lăn đưa ông chồng chững chạc trong bộ comple đen cà vạt màu vào.

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng sinh ngày 10/10/1920, tại Củ Chi, TP.HCM, là cán bộ lão thành cách mạng. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, khi mới 16 tuổi, trong phong trào sinh viên yêu nước, nổi tiếng với những ca khúc cách mạng trong nhóm Hoàng Mai Lưu (Hoàng là Huỳnh Văn Tiểng, Mai là Mai Văn Bộ, Lưu là Lưu Hữu Phước). Suốt cuộc đời làm báo, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nam bộ tại Quảng Ngãi (1946), Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, phụ trách công tác tuyên truyền, Quyền giám đốc Sở Thông tin Nam bộ (1948), Phó Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (từ 1954), Trưởng Ban Vô tuyến truyền hình Việt Nam (từ 1971, cái nôi của ngành truyền hình Việt Nam).

Đến lúc trao quà lưu niệm tri ân các bậc lão thành, tôi đã đưa hai tay mời bác Huỳnh Văn Tiểng cứ ngồi, ông vẫn nhờ bà cùng hai người ở hàng ghế sau phụ lực đỡ ông đứng dậy, để hơi nghiêng mình đưa hai tay lịch sự đón nhận món quà của tập thể Đài, trước khi sang Đài Truyền hình Việt Nam dự Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập.

Các nhà trí thức thuộc thế hệ vàng như Huỳnh, Mai, Lưu… đều là những người Việt Nam như thế.

Trong lòng nhiều người cao tuổi, nay đã trên dưới 90, dường như vẫn còn ngân vang các câu hát:

Bạch Đằng Giang sông nơi cùng ta reo lên thiên anh hùng ca...

Và Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu…

 (Tháng 3/2019)

1. Trước đó, vào 20 giờ ngày 30.4.1975, dưới sự chỉ đạo của nhà báo Thanh Nho (tức Vũ Đường), Đài Giải phóng B đã có buổi phát sóng chương trình truyền hình do hai phát thanh viên Mỹ Hạnh (nữ) và Hữu Phước (nam) thực hiện, được phát lại vào 5 giờ sáng ngày hôm sau 1.5.1975 (nguồn: 70 năm Đài TNVN - NXB CTQG- Sự thật - 2015)

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận