60 năm chương trình phát thanh Quân đội nhân dân: Chặng đường gian khổ nhưng vẻ vang

Cách đây 60 năm ngày 16/3/1959, lần đầu tiên trên làn sóng Đài TNVN bản nhạc "Vì nhân dân quên mình" - nhạc hiệu của chương trình phát thanh QĐND đã vang lên.

 

Luôn bám sát các chiến trường

 Được sự chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, thường xuyên của lãnh đạo Tổng cục Chính trị, chương trình phát thanh Quân đội nhân dân (QĐND) luôn luôn chứng tỏ là một cơ quan báo chí có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng vượt qua mọi thử thách, bám sát các chiến trường, các đơn vị, địa phương trong cả nước để làm công tác tuyên truyền một cách kịp thời, chính xác, sát và đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội.

Từ năm 1959 - 1975, chương trình phát thanh QĐND đã thực sự là nhịp cầu nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, cổ vũ các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, trong chiến đấu giết giặc lập công ở cả hai miền Nam-Bắc. Đội ngũ phóng viên phát thanh QĐND luôn bám sát các trận địa, các trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá ở miền Bắc, ở tuyến lửa Quân khu 4, Đường 9, Khe Sanh, các chiến trường Tây Nguyên, Khu 5, miền Đông Nam bộ và cả trên chiến trường đất nước Lào, Campuchia. Cũng nhờ vậy, nhiều chuyên mục của phát thanh QĐND như: Sổ tay chiến sĩ, Kể chuyện chiến đấu, Bình luận quân sự, Tường thuật trận đánh, Phóng sự, Ghi nhanh… đã chuyển đến quân và dân miền Nam tư tưởng chỉ đạo tác chiến, đấu tranh chính trị của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh, đã trở thành nhu cầu thông tin hằng ngày không thể thiếu của đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Từ năm 1975 - 1986, chương trình phát thanh QĐND kịp thời phản ánh những thông tin về quân đội ta làm nhiệm vụ ở các tuyến biên giới, hải đảo, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia, về các đơn vị cùng nhân dân ra sức lao động để khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào thi đua quyết thắng trong toàn quân. Nhiều chuyên mục mới của phát thanh QĐND ra đời như: Câu chuyện truyền thanh sáng chủ nhật, Chiến sĩ ta ca hát tối thứ bảy hằng tuần, Nói chuyện chuyên đề, Người tốt việc tốt… đã khẳng định rõ phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong chiến đấu cũng như trong lao động, học tập, công tác.

Nhiều cây bút có thương hiệu

Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, phát thanh QĐND đã nhanh chóng quán triệt những quan điểm đổi mới của Đảng trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, tập trung cổ vũ toàn quân, toàn dân không ngừng mài sắc ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết chống mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, ra sức xây dựng QĐND cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh, xây dựng quốc phòng-an ninh gắn với kinh tế, làm tròn nhiệm vụ của một đội quân chiến đấu, lao động và công tác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng các chuyên mục đã định hình, phát thanh QĐND có thêm nhiều chuyên mục nữa như: Chương trình dành cho các bạn trẻ trong quân đội với mục Chuyện kể ở đại đội, Người chiến sĩ hôm nay… Nội dung, thể loại và hình thức thể hiện của chương trình ngày càng phong phú, đa dạng và sinh động, bám sát cuộc sống đời thường, bám sát sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, lao động hăng say, sôi nổi của quân và dân cả nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc thành quả xã hôi chủ nghĩa.

Sau 52 năm trong đội hình Cục Tuyên huấn, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Cục, ngày 7/3/2011, Trung tâm PT-TH Quân đội được thành lập, trực thuộc Tổng cục Chính trị. Bước chân của các phóng viên phát thanh QĐND vẫn tiếp tục đến các địa bàn chiến lược trọng điểm như Tây Nguyên, Trường Sa, tuyến hải đảo, ven biển, biên giới, đến với các đơn vị bộ đội đang giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng…

Từ lực lượng ban đầu chỉ có 4 - 5 phóng viên, trang bị kỹ thuật sơ sài, lạc hậu, bảo đảm thời lượng phát sóng từ 15 - 30 phút mỗi ngày, đến nay phát thanh QĐND đã có một đội ngũ phóng viên được đào tạo cơ bản, trang bị kỹ thuật được đổi mới và tăng cường, thời lượng phát sóng nâng lên 60 phút/ngày. Từ những người phụ trách đầu tiên đầy tinh thần trách nhiệm như các đồng chí: Phạm Chí Nhân, Ngô Thế Kỷ rồi Hồng Lân, Trần Tất Đắc, Lê Hào…, những phóng viên xông xáo, nghiệp vụ giỏi như: Hồ Tương Phùng (liệt sĩ), Ngô Trung Sơn, Hải Tân, Cao Nham, Tào Hòa, Đào Lộc Bình, các cán bộ văn nghệ như: Duy Khán,  Thân Như Thơ (nhà thơ), Văn An, Thanh Phúc, Vũ Hùng (nhạc sĩ), sau này đã có nhiều phóng viên lớp kế tiếp trở thành các tổng biên tập (báo Quân đội nhân dân, Người làm báo), giám đốc đài phát PT-TH tỉnh, cán bộ quản lý công tác tư tưởng - văn hóa, thông tấn - báo chí…

Cho tới nay, các chuyên mục Nói chuyện chuyên đề, Văn nghệ tổng hợp quân đội, Chương trình dành cho các bạn trẻ trong quân đội… vẫn hấp dẫn người nghe. Trang tin hoạt động quân sự-quốc phòng nhanh nhạy, kịp thời hơn trước. Thính giả cả trong và ngoài quân đội đã quen nghe một Gia Khánh “chính luận”, một Thanh Tuấn “ghi nhanh”, rồi Thùy Vinh linh hoạt, giàu sáng tạo…, làm cho chương trình phát thanh QĐND ngày càng hay và sát thực tiễn. Đặc biệt, chương trình trực tiếp trên sóng phát thanh do Văn Hoan - Khánh Ngọc thực hiện khá sống động, khiến người nghe như thấy có mình trong các sự kiện đang diễn ra; qua đó, đã có nhiều thính giả đặt những câu hỏi tới các vị khách mời của chương trình. Để thực hiện chuyên mục Câu chuyện truyền thanh sáng chủ nhật hằng tuần, sau nghệ sĩ ưu tú Văn Ngải, rồi Đức Toàn, Hoàng Hữu Phương, đến nay là nữ biên tập viên Minh Hương đã xây dựng được nhiều chương trình mới, hấp dẫn đông đảo thính giả.

Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao Cờ và Bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch nước ký tặng cho Ban biên tập phát thanh QĐND, năm 2011.

Một nét đẹp có tính truyền thống của phát thanh QĐND là ngay từ buổi đầu đã thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Chương trình đã có hàng trăm cộng tác viên trên mọi miền của Tổ quốc, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Chính lực lượng cộng tác viên này đã giúp cho nội dung tuyên truyền trên sóng phát thanh ngày càng phong phú, tươi mới, bám sát cuộc sống, bảo đảm tính toàn quân, toàn quốc.

Chương trình phát thanh QĐND đã được nhận nhiều phần thưởng vinh dự của Nhà nước: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ, 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 huân chương Lao Động hạng Nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, chương trình phát thanh QĐND đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một cơ quan báo chí. Nhiều tác phẩm báo chí của phóng viên phát thanh QĐND đã được tặng giải thưởng của Bộ Quốc phòng, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài TNVN… Tự hào với chặng đường phấn đấu gian khổ nhưng vẻ vang trong 60 năm qua, cán bộ, phóng viên phát thanh QĐND tự thấy còn phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa trước yêu cầu nhiệm vụ mới. Các chương trình của phát thanh QĐND đã “đúng” với đường lối, quan điểm của Đảng, “trúng” với nhu cầu nắm bắt thông tin của người nghe, còn phải “hay” hơn nữa, có tính thuyết phục cao hơn nữa, để xứng đáng với sự tin cậy, yêu mến của đồng bào, chiến sĩ cả nước, của cấp trên và đồng nghiệp./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận