Lê Đình Cánh: Nhà thơ lục bát tài hoa

Nhắc đến Lê Đình Cánh, người ta vẫn gọi ông là nhà thơ. Nhưng còn có thể gọi thêm ông là "Nhà Đài" và nhà văn.

Nhà thơ Lê Đình Cánh sinh ngày 21/9/1941 tại làng Mía, xã Tân Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

 Nhà thơ Lê Đình Cánh đã từng chia sẻ trên báo Văn nghệ Công an đăng ngày 9/6/2016 như sau: “Tôi tên khai sinh đầy đủ là Lê Đình Cát Cánh. Vì là lương y có bằng hành nghề toàn khu vực Trung bộ nên bố tôi mới đặt tên tôi như vậy. Cát cánh là một loại cây thuốc quý, lá như lá hài vệ nữ, hoa có màu tím như hoa cà có hương thơm, củ như củ cải. Đây là một loại vị thuốc để chữa trị ung nhọt dạng nội u (u bên trong cơ thể) Ấy vậy mà oái oăm thay, đã 4 năm nay tôi phải đối mặt và sống chung với căn bệnh ung thư gan quái ác”.

Lê Đình Cánh được điều trị ở Bệnh viện Hữu Nghị và đã từ trần vào hồi 6h02 phút ngày 5/3/2019, nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Kỷ Hợi,  thọ 79 tuổi.

Tốt nghiệp khoa Vật lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông vào chiến trường dạy bổ túc văn hóa cho thanh niên xung phong mở đường Tây Trường Sơn.

Năm 1969, ông làm biên tập viên nhà xuất bản Thanh niên, năm 1973 về công tác biên tập văn nghệ ở Đài TVNN, Trưởng phòng văn nghệ thiếu nhi và sau đó là phó Trưởng ban Ban Văn học Nghệ thuật Đài TNVN.

Lê Đình Cánh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, hội Nhà văn Hà Nội.

3 lần, ông đoạt giải cuộc thi thơ báo Văn Nghệ, năm 1972, giải khuyến khích với bài thơ: Một mình anh đi, năm 1976; giải nhì với với hai bài thơ Trên cao nguyên Tả Phình và Mẹ ra Hà Nội, và năm 1990 giải ba với bài thơ Trăng nở nụ cười, Người đôn hậu.

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Lê Đình Cánh là một người luôn phấn đấu bền bỉ, tranh thủ học tập để nâng cao kiến thức và ngoại ngữ. Ông đã tốt nghiệp đại học tại chức ngữ văn, Đại học tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp tiếng anh Đại học sư phạm Ngoại ngữ, tốt nghiệp các khóa sau đại học và văn nghệ phát thanh ở AIBD, IPTAR, BC, BCC, ABC.

Ban Văn học Nghệ thuật Đài TNVN là một tập thể gắn bó đoàn kết thương yêu nhau. Chúng tôi hiểu hoàn cảnh của từng anh chị em và luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau. Tôi đã từng ở chiến trường Trị Thiên Huế hơn 6 năm, đã từng bị sốt rét và bị viêm gan do sốt rét nên khi nhìn thấy nước da vàng của Lê Đình Cánh, tôi hiểu và thông cảm với bạn. Lê Đình Cánh đôn hậu, nhỏ nhẹ, sống chừng mực để đề phòng bệnh gan tái phát.

Thể thơ lục bát được Lê Đình Cánh sử dụng một cách thành thạo, từ việc cấu tứ đến dùng câu chữ chọn lọc, tạo cho người đọc nhiều hứng thú. Ông cứ chậm rãi đưa vào thơ những tình huống, những sự việc, con người trong cuộc sống bằng con mắt quan sát tinh nhạy, chọn những chi tiết đắt giá làm cho bài thơ hay bài ký sống động, hấp dẫn. Sự hóm hỉnh, dí dỏm ở nhiều bài thơ của Lê Đình Cánh cũng là nét độc đáo được nhiều người chú ý.

Thơ lục bát của Lê Đình Cánh đã có một vị trí đặc biệt trong dòng thơ lục bát trong nửa thế kỷ qua.

Bài thơ "Quán Sứ bên này" của ông cũng được nhiều người nhớ đến. Xâu chuỗi chùa Quán Sứ, Bệnh viện K, nhà pha Hỏa Lò bên cạnh trụ sở Đài TNVN, nhà thơ Lê Đình Cánh có bài thơ hay: “…Nào đâu kiếp trước đa đoan/Nào đâu túc trái tiền oan những ngày..../Còn tôi, Quán Sứ bên này/Nhìn sao thấu bức tường dày bên kia!”.

Các tác phẩm đã xuất bản của ông:  Miền đất đã có tên (bút ký, 1985), Đất lành (thơ, 1986), người đôn hậu (thơ, 1990), Gió lành (bút ký, 1998), Trời dịu (thơ, 2001), Đường Xuân (bút ký, 2003),  Phù Sa đỏ (bút ký, 2005), Nắng Nghi Sơn (bút ký, 2013), Sông Cầu Chầy (thơ 2015), Miền Chầu Văn (bút ký 2015)…

Chăm chú quan sát cuộc sống, tìm được bản chất của sự việc với sự rung cảm nhạy bén của nhà thơ, Lê Đình Cánh đã thổi hồn mình vào và viết nên những câu thơ độc đáo mang đậm nét văn học dân gian.

Thể thơ lục bát của dân tộc qua bàn tay điêu luyện, nhuần nhuyễn của nhà thơ Lê Đình Cánh đã tạo nên nhiều bài thơ hay ghi lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều bạn đọc và bạn nghe đài./.

Bình luận

    Chưa có bình luận