Sau ba năm đi “B” làm phóng viên Đoàn thường trú của Đài phát thanh Giải phóng ở khu V, đầu năm 1976, tôi ra Bắc, được về Đài TNVN, công tác ở Ban biên tập các chương trình phát thanh Khoa giáo của Đài.
Hồi đó còn rất nhiều anh chị cán bộ, phóng viên thế hệ đầu tiên của Đài thời kháng chiến chống Pháp. Tôi nhớ nhất bà Dương Thị Thanh, phó Ban, nguyên phát thanh viên đầu tiên của Đài. Bà hay kể chuyện nhà Đài thời kháng chiến ở Việt Bắc, tôi nhớ nhiều chuyện rất thú vị.
Đến giữa năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc rất đáng lo ngại, Trung ương gấp rút điều cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương và các tỉnh miền Băc lên tăng cường cho các địa phương biên giới giữ đất giữ dân. Tôi xung phong đi chuyến nữa. Cả Ủy ban Phát thanh - Truyền hình có 9 người đều về Quảng Ninh, lên các huyện miền núi biên giới và ra các đảo. Tôi đi huyện Ba Chẽ.
Có rất nhiều kỷ niệm về ba năm công tác ở biên giới phía Bắc nhưng tôi thấy thú vị nhất một chuyện vì nó liên quan đến chuyện của Đài TNVN mà tôi nghe được: Về huyện được 2 ngày, tôi được gọi tới gặp Bí thư Huyện ủy. Lên phòng họp thấy 2 anh nữa. Bí thư vào việc ngay: - “Ở xã Thanh Lâm có một đàn trâu của bản người Hoa đã bỏ đi Trung Quốc ở trong rừng, các đồng chí phải băt về bàn giao cho bản đồng bào Dao kẻo chúng thành trâu rừng mất. Đơn giản có thế, tôi cho các đồng chí hai tuần”. Khi chúng tôi đi ông còn nói - đùa hay thật không biết -“Đừng để huyện phải trả các anh về tỉnh!”.
Tưởng đi bắt vài con trâu thì có gì khó nên sau một buổi đi bộ về xã, cơm nước qua loa, chúng tôi nhờ dân chỉ đường lên rừng tìm trâu. Không khó để tìm thấy chúng nhưng đến gần mới thấy sợ. Một đàn chừng 40 con đen trũi, dữ tợn như thú hoang. Thì ra ở đây bà con không nuôi trâu chuồng như dưới xuôi mà nuôi thả trong rừng, khi cần mới vào rừng bắt trâu về kéo gỗ, cày ruộng. Thấy người lạ, đàn trâu quây lại, những con trâu đực đứng vòng ngoài chĩa sừng ra, khịt khịt mũi, mắt đỏ lừ hung dữ. Biết khó rồi đây, chúng tôi ra xa làm lán ở bàn kế sách. Khổ nỗi, chỉ có tôi tuy là dân “cày đường nhựa” nhưng hồi học đại học sơ tán về nông thôn còn biết chút ít về trâu bò chứ hai vị kia một là cán bộ công đoàn mỏ than, một là chuyên viên kỹ thuật Tổng cuc Bưu điện, hoàn toàn mù tịt. Mà tôi chỉ biết con trâu miền xuôi hiền lành thôi chứ con trâu ở đây thì không thể “trâu ơi ta bảo trâu này” được. Đêm ở rừng lạnh, lần đầu tiên ngủ trong rừng nên hai ông bạn tôi vừa lạ vừa sợ không sao ngủ được, cứ phải đốt lửa và mở đài oang oang. Tôi quen ngủ rừng nhưng lo tìm cách bắt trâu nên cứ trằn trọc mãi.
Nghĩ vẩn vơ, tôi sực nhớ một chuyện bà Dương Thị Thanh đã kể: Hồi kháng chiến ở Việt Bắc, máy móc của Đài TNVN còn rất sơ sài, toàn do người khiêng vác. Mỗi lần phát thanh thì khiêng máy nổ, máy phát ra giữa cánh đồng. Phòng thu là một ngôi nhà lá nhỏ không vách, đồng bào dùng để ở trông ruộng ngày mùa, phải dùng chiếu cũ để che cho kín. Khi phát thanh thì 2 phát thanh viên ngồi ở bàn đọc, dàn nhạc, ca sĩ đứng liền sau lưng, dừng đọc là đàn là hát. Hóa ra hồi đó các cụ đã làm “phát thanh trực tiếp” rồi. Có chuyện hài hước là, một hôm ra thực hiện buổi phát thanh thấy toàn bộ vách che phòng thu mất sạch. Thì ra đài phát thanh đã bị … trâu ăn mất. Chẳng là trâu ở miền núi thèm muối, mà chiếu cũ của nhà đài thấm mồ hôi người lâu ngày nên mặn, trâu nó khoái khẩu nên chén tuốt…
Gần sáng tôi dựng 2 anh bạn dậy trình bày sáng kiến của mình, cả bọn mừng rơn. Lập tức cử một anh ở lai trông đàn trâu vì sợ chúng đi đâu mất, còn tôi và một anh nữa về bản gần đấy xin hai bó rơm lớn gùi lên. Tôi rải rơm đến gần đàn trâu, không quên vẩy chút nước muối vào rơm. Ngửi thấy mùi rơm ngào ngạt, cả đàn trâu khịt mũi không ngớt. Mấy con nghé kìm không nổi mon men đến ăn rơm, cả đàn ngại ngần cảnh giác nhưng rồi cũng đến ăn. Khoảng cách giữa chúng tôi và đàn trâu gần thêm và nhờ đó mức độ, thân thiện ngày càng tăng. Đến chiều ngày thứ ba, con trâu đầu đàn đưa lưỡi vơ lấy nắm rơm từ tay tôi. Tôi lấy hết sức can đảm không nhìn vào cặp sừng to cong vắt và nhọn hoắt của nó. Đến nắm rơm thứ mấy không nhớ, tôi liều mình đặt bàn tay lên đầu nó, ơn trời nó mải ăn, cứ để yên cho tôi sờ. Tôi dấn thêm, gãi gãi đầu nó. Cu cậu có vẻ thích. Thế là chúng tôi thân nhau rồi. Sáng hôm sau, tôi ôm bó rơm đi thẳng đến nó, nó cũng bước tới vài bước đón tôi. Được đằng đầu lân đằng cổ, đằng lưng, đằng chân, tôi cuộn một nắm rơm cọ khắp người nó. Bây giờ nó chẳng khác gì một con trâu hiền lành dưới xuôi.
Đến sáng thứ sáu, tôi quyết định làm cái việc liều lĩnh cuối cùng là xỏ sẹo vào mũi con trâu. Lúc cho nó ăn tôi đã thử đút ngón tay vào mũi nó vài lần, nó chỉ hất ra cho đỡ vướng để ăn chứ không tỏ vẻ phản ứng. Thế là lấy hết dũng khí, tôi rà rà cái sẹo rồi bất ngờ chọc qua mũi nó. Tôi đã chuẩn bị tinh thần, hoặc tránh được, hoặc sẽ hứng một chiếc sừng nhọn của nó vào bụng.
Nhưng toàn bộ căng thẳng của tôi hụt hẫng, con trâu bình thản đeo cái sẹo, chẳng chút phản ứng nào. Thì ra nó là một con trâu nhà, và tôi như một anh trai cày thành thạo buộc nốt sợi dây thừng vào đó. Nhưng tôi không kéo thừng dắt nó đi vội, tôi quấn sợi dây thừng lên cặp sừng của nó, vỗ về, cho nó ăn tiếp. Nhìn sang bên thấy anh thợ lò đã làm thân được với một con nghé, đang đu mình lên lưng nó, còn ông chuyên viên bưu điện đang đứng phát rơm giữa ba con trâu to.
Trưa ngày thứ sáu, tôi mở thừng, thử dắt con trâu đực đi vài vòng rồi dắt nó xuống suối, cả đàn trâu đi theo. Trời nắng nóng được xuống suối ngâm mình, đàn trâu thích lắm. Chúng tôi cọ cho từng con sạch bóng, vui quá quên cả bữa trưa.
Sáng thứ bảy, chúng tôi dắt cả đàn trâu về bản Dao cách đó vài cây số bàn giao cho dân bản. Tôi lưu luyến ôm cổ con trâu đực. Ai bảo loài trâu không có trí nhớ? Mấy tháng sau, tôi có dịp về bản, đến chuồng thăm nó, nó hít hít ngực tôi, thì ra nó nhận ra tôi.
Chúng tôi về huyện. Đồng chí Bí thư pha trà mời, tủm tỉm cười, phát cho mỗi người một tờ quyết định, đi ba nơi khác nhau trong huyện. Khi về phòng lấy ba lô, chúng tôi mới phát hiện là giấy đề ngày ký trước những 7 hôm./.