'Công chúng không còn cần người đưa tin truyền thống nữa'

Khi bước vào thời đại chuyển đổi số, báo chí phải thay đổi, làm mới, nếu không muốn bị thụt lùi và đánh mất công chúng của mình.

 

Ngày 21/6 là tròn 98 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023). Trong suốt những năm qua, các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên đã khẳng định được vai trò, vị thế của dòng chảy thông tin chính thống trong đời sống xã hội, nhận được sự tin tưởng, đồng hành của công chúng.

Tuy nhiên, cũng như các ngành nghề khác, khi bước vào thời đại chuyển đổi số, chịu sức ép cạnh tranh dữ dội từ các loại hình truyền thông xã hội mới, các công cụ trí tuệ nhân tạo, báo chí phải thay đổi, làm mới, nếu không muốn bị thụt lùi và đánh mất công chúng của mình.

Nhằm tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu thông tin của công chúng và sức ép thay đổi của báo chí hiện nay, PV VOV Giao thông đối thoại với nhà báo Nguyễn Cao Cường, chuyên gia báo chí truyền thông, giảng viên Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam.

PV: Thưa nhà báo Nguyễn Cao Cường, gần đây anh nhận được nhiều lời mời tập huấn nghiệp vụ cho các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, phải chăng đây là chỉ dấu cho thấy, các tòa soạn, phóng viên, nhà báo đang có nhu cầu thay đổi rất mạnh mẽ cho hợp với thời cuộc?

Nhà báo Nguyễn Cao Cường: Chúng ta có thể thấy, chuyển đổi số đang là xu hướng mạnh mẽ ở Việt Nam. Trên thế giới, các cơ quan báo chí họ đã ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa các nguồn thu, để chạy trốn khỏi một khủng hoảng lớn bao trùm lĩnh vực báo chí. Tờ NewYorkTimes đã thay đổi nguồn thu chính sang từ người dùng.

Tại Việt Nam, thực tế vài năm trở lại đây, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, cho thấy: Nếu báo chí không thay đổi, chắc chắn sẽ đứng ngoài cuộc chơi. Bây giờ, các kênh truyền thông trên mạng xã hội rất phát triển, họ có thể xây dựng kênh riêng trên youtube, facebook, tiktok… Điều này tạo ra những thách thức rất mới khiến báo chí phải đối diện.

Các cơ quan báo chí về cơ bản vẫn chưa lựa chọn được con đường, cách thức, mô hình, chưa biết chuyển đổi số như thế nào, chuyển đổi cái gì, giải quyết các vấn đề gì.

PV: Những câu hỏi mà các tòa soạn cần trả lời là gì, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Cao Cường: Trong bối cảnh này, chúng ta cần tiếp cận từ mấy góc độ.

Thứ nhất, về công nghệ, chúng ta đã được trang bị công cụ sản xuất, xuất bản theo hình thức số hóa như yêu cầu hay chưa, hay vẫn đang sử dụng công cụ lạc hậu của thế kỷ trước.

Thứ hai, tư duy của lãnh đạo cơ quan báo chí đã đủ cởi mở để sẵn sàng chấp nhận chuyển đổi số hay chưa, hay vẫn hoài nghi, ngại ngần, chưa tin tưởng với việc đẩy sản phẩm lên các nền tảng khác, nền tảng thứ ba.

Thứ ba, trình độ kỹ năng, thái độ nhận thức của người phóng viên, chủ thể sáng tạo tác phẩm báo chí, đã sẵn sàng sử dụng công cụ mới, công nghệ, phương thức sản xuất mới, hay vẫn thờ ơ, ngại khó.

Và thứ tư là các cơ chế chính sách. Hiện chúng ta đang vướng vào khá nhiều cơ chế để chuyển đổi số thành công. Đó là cơ chế tính định mức nhuận bút. Hiện các sản phẩm nền tảng số, new media, OTT thì chưa có định mức ở cơ quan báo chí. Nếu muốn xây dựng định mức phải được cơ quan nhà nước ban hành, mất một vài năm. Nên cơ chế tài chính, chi tiêu nội bộ, định mức nhuận bút là cái chúng ta phải xử lý.

PV: Các báo, đài đã thích ứng như thế nào trước những thách thức đó?

Nhà báo Nguyễn Cao Cường: Nhiều cơ quan báo chí đã quan tâm hơn tới việc tạo ra thêm nguồn doanh thu. Thúc ép đấy khiến họ tìm đến giải pháp mới, đó là các nền tảng social media. Trong thời gian vừa qua, có một số báo đài địa phương đã làm rất tốt tối ưu hóa nguồn thu này.

Như ở phía Nam, Truyền hình Vĩnh Long có kênh youtube nhiều triệu người xem, tạo ra doanh thu đáng kể tái đầu tư sản xuất. Ở miền Trung, có báo, đài truyền hình Nghệ An bám theo trend về cuộc xung đột Nga-Ukraine, tạo ra sức hút người xem lớn.

Ở cấp độ Trung ương, hàng loạt tờ báo lớn đã sử dụng nền tảng này, coi đó là một hướng đi để tạo doanh thu bù đắp, như báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Sức khỏe đời sống, ANTV, VOV…

Như anh nói, các cơ quan báo chí vẫn đang tìm các hướng đi mới, nhưng có một bài toán đặt ra là làm sao để giữ được bản sắc mà vẫn theo được xu hướng?

Nhà báo Nguyễn Cao Cường: Nếu theo dõi các nền tảng truyền hình, thì một sự kiện đưa tin có hang loạt đài đến đưa tin. Công chúng có lý do để lựa chọn đài này và bỏ qua đài khác. Như vậy, nếu chỉ đi vào tin tức thì tự đánh mất đi cơ hội sở hữu công chúng riêng. Không phải đài nào cũng sẵn sàng bỏ ra một đống tiền để làm phim, mua bản quyền thể thao, sản xuất phim tài liệu, khoa học đắt tiền. Trong khi lĩnh vực tin tức dễ làm lại bị cạnh tranh.

Vậy thì đi như thế nào? Sau khi phân tích dữ liệu của một số kênh trên truyền thông xã hội, tôi nhận thấy có xu hướng, khán giả dần quan tâm nhiều hơn vào các nội dung chuyên sâu: Phân tích, bình luận.

Ví dụ liên quan xung đột Nga-Ukraine, ngoại trừ tìm kiếm tin tức, khán giả bắt đầu tìm kiếm nhiều hơn để trả lời câu hỏi tại sao, cần giải đáp. Trong núi tin tức đồ sộ, chúng ta không có bình luận chuyên sâu, khán giả sẽ thiếu thông tin. Tôi cho rằng, với các cơ quan báo chí nói chung, đi vào phân tích, bình luận là xu hướng tốt. Nó không đòi hỏi bỏ ra chi phí nhiều như những xu hướng khác.

Theo nhà báo Nguyễn Cao Cường, chuyển đổi số cơ quan báo chí thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về Tổng biên tập.Với các nhà báo, phóng viên, họ cần thay đổi thế nào trước thời đại làm báo mới này, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Cao Cường: Gần đây nhất, chúng ta cảm thấy lo lắng khi Chat GPT ra đời với những tính năng cực mạnh. Hay AI của Canva, MidJourney đã trợ giúp người sáng tạo nội dung vẽ ra ảnh minh họa sát thực tế, các chatbot giọng đọc, tạo nhận diện khuôn mặt, nếu như chúng ta không sử dụng được những công nghệ đó, thì chúng ta có giá trị nào đây?

Tôi sẽ không cần một người đưa tin bình thường nữa, các con bot sẽ thu thập tin tức để tạo ra những tác phẩm đơn giản. Công việc của người phóng viên đưa tin đơn giản đã biến mất. Người ta không cần người đưa tin theo kiểu truyền thống nữa.

Chúng ta đã sử dụng được công nghệ để biến sản phẩm của phóng viên với chất lượng cao hơn, hàm lượng phân tích, trí tuệ cao hơn để thu hút độc giả hay chưa? Những câu hỏi như vậy đặt ra với phóng viên, biên tập viên là rất lớn. Nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ thua.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện./.

Chu Đức/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận