Đài Phát sóng khu vực Nam Trung Bộ: Đất và người đưa cánh sóng vươn xa

Tháng 6 này, Đài Phát sóng khu vực Nam Trung bộ ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận chính thức khánh thành.

 

Tháng Sáu cũng là những ngày rộn ràng nhiều hoạt động của những người làm báo cách mạng Việt Nam. Ở Đài Tiếng nói Việt Nam có những người cũng làm nghề liên quan đến báo nói nhưng họ luôn làm công việc trong thầm lặng. Nơi làm việc của họ cũng thường xa xôi, hẻo lánh. Họ không sản xuất tin, bài nhưng nếu không có họ thì sản phẩm của báo Phát thanh sẽ không đến được với công chúng: Đó là những kỹ thuật viên của các Đài phát sóng. Họ là những người đảm đương nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an ninh làn sóng của Đài phát thanh Quốc gia. Tháng Sáu này, Đài Phát sóng khu vực Nam Trung Bộ ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận chính thức khánh thành, góp phần đưa làn sóng Tiếng nói Việt Nam đến người dân duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là ngư dân và các lực lượng làm nhiệm vụ trên khu vực biển Đông của Tổ quốc. Và Đài Phát sóng khu vực Nam Trung Bộ cũng là điểm đến của đội ngũ làm báo Đài Tiếng nói Việt Nam trong dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Các mạng Việt Nam.

Giữa miền cát trắng

Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, bao gồm vùng biển và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, có đông cán bộ chiến sỹ và nhân dân sinh sống, làm việc, có số lượng lớn tàu thuyền của ngư dân thường xuyên khai thác hải sản. Việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cung cấp các thông tin chỉ dẫn, hướng dẫn, cảnh báo thiên tai trên vùng biển qua sóng phát thanh là vô cùng quan trọng, đồng thời góp phần to lớn trong việc khẳng định chủ quyền của đất nước ta đối với khu vực biển đảo Trường Sa.

Chính vì vậy, Đài Tiếng nói Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng Đài phát sóng Nam Trung Bộ nhằm tăng cường năng lực phủ sóng Tiếng nói Việt Nam khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam” với mục tiêu tăng cường năng lực phủ sóng các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam cho khu vực biển Nam Trung bộ và quần đảo Trường Sa, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển thông qua làn sóng phát thanh.

Ngày 13/10/2020, Đài Tiếng nói Việt Nam khởi công xây dựng Đài phát sóng Nam Trung Bộ tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Đài Tiếng nói Việt Nam đã tập trung nguồn lực cùng sự hỗ trợ tích cực của tỉnh Ninh Thuận để Đài phát sóng được đưa vào hoạt động sau gần 3 năm.

Từ đây, sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đến được với đồng bào từ miền biển đến miền núi của khu vực Nam Trung Bộ, với thính giả quốc tế và đặc biệt là đưa tiếng nói Việt Nam đồng hành với ngư dân trên Biển Đông.

Từ thành phố Phan Rang- Tháp Chàm của tỉnh Ninh Thuận, vượt hơn 20km đường đi giữa vùng cát trắng và những vùng đồi thoai thoải đầy bụi cây dại lúp xúp là đến Đài phát sóng. Đài gồm những khối nhà trệt chạy dài, mặt hướng ra đồi cát, phía sau là đồi núi. Cả công trình vững chãi khép kín, hiện đại đứng giữa vùng đất đầy nắng và gió.

Điểm đặc biệt dễ nhận biết Đài Phát sóng khu vực Nam Trung Bộ là nhìn từ xa có thể thấy 2 cột ăng ten cao 95m vươn thẳng lên bầu trời. Các kỹ sư cho biết, Đài sử dụng công nghệ hiện đại thực hiện với hai cột phát sóng nên ăng ten của Đài không quá đồ sộ, cũng không quá to như các đài phát sóng thế hệ trước, nhưng hiệu quả phát thanh thì cao hơn nhiều lần. Hiện Đài phát sóng khu vực Nam Trung Bộ là đài phát sóng AM hiện đại nhất Việt Nam với công suất phát sóng 400kW trên tần số 1071kHz.

Sống và cống hiến cho làn sóng phát thanh

Ông Lê Hà Giang, Giám đốc Đài phát sóng Nam Trung Bộ, thuộc Trung tâm Kỹ thuật phát thanh- truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam tâm sự: Đài xây dựng và phát sóng thử nghiệm trong giai đoạn dịch Covid -19 bùng phát mạnh. Các nơi đều phải đóng băng, khóa chặt, trong khi lực lượng kỹ sư, kỹ thuật viên đều là nhân sự được điều động từ các Đài phát sóng khắp cả nước về tăng cường nên việc đi lại, hoạt động vô cùng khó khăn. Có người bố đẻ qua đời ở quê cả tuần lễ nhưng vẫn không thể về chịu tang; nhiều người gia đình bị mắc Covid phải nhập viện, thiếu thốn trăm bề…. Thế nhưng trong khó khăn ấy, các cán bộ, kỹ sư, người lao động ở đây vẫn không hề nao núng tinh thần, động viên nhau tiếp thu, học hỏi, nắm bắt nhanh những kỹ thuật công nghệ mới, hiện đại để đưa vào vận hành thử nghiệm Đài phát sóng đúng kế hoạch.

Đài được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.“Sinh sau, đẻ muộn” nhưng lại là Đài Phát sóng hiện đại nhất cả nước nên nguồn nhân lực của Đài Phát sóng khu vực Nam Trung Bộ cũng khá đặc biệt. Họ là những người được quy tụ từ rất nhiều nơi. Đó là những kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm, những kỹ sư giỏi nghề của Đài Tiếng nói Việt Nam làm việc ở các Đài Phát sóng của Đài trải khắp mọi miền đất nước, như: Hưng Yên, Quảng Bình, Đà Nẵng đến những nhân viên mới là người quê gốc Ninh Thuận- nơi đặt Đài phát sóng. Tất cả như anh em một nhà, sống nhường nhịn, sẻ chia và làm việc luôn trong tâm thế: Tất cả vì làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Anh chị em tâm sự: Khu vực Đài Phát sóng cách chợ gần nhất cũng 5km và điều kiện làm việc với giờ giấc nghiêm ngặt, tuân thủ trực 24/24 nên anh chị em cả tuần mới đi chợ một lần. Cả Đài cùng ăn ở bếp ăn tập thể, người xuống ca nấu cho người đang trong ca trực ăn. Cứ như thế, anh chị em đùa nhau rằng, ở đây một tháng là ăn đủ các món đặc trưng các vùng miền bởi mỗi người sẽ nấu món yêu thích của mình.

Một góc Đài phát sóng Nam Trung bộ tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.Ở nơi khá hẻo lánh, heo hút nên anh chị em Đài phát sóng luôn “thèm” được đón khách. Hôm có đoàn cán bộ, nhân viên của CQTT Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP.HCM đến thăm, cả chủ nhà và khách trao đổi suốt một ngày không hết chuyện. Phóng viên, biên tập viên hiểu hơn quy trình để sản phẩm báo chí của mình đến với thính giả và cảm thông, chia sẻ hơn với những khó khăn, vất vả của đội ngũ kỹ thuật phát thanh.

Nhiều kỹ sư trẻ quê Ninh Thuận, trước đây làm việc ở đô thị lớn như TP.HCM, khi nghe tin Đài phát sóng Nam Trung Bộ tuyển dụng nhân sự, đã lập tức quyết định ứng tuyển để về quê làm việc. Ban đầu, nhiều anh em cũng thấy khá buồn vì khu vực còn hẻo lánh, xa đô thị, nhưng chỉ một thời gian ngắn là quen và cảm nhận được tình cảm chân thành của mọi người nên quyết tâm gắn bó lâu dài. Anh chị em nơi đây, hàng ngày, trong ca trực thì mải miết với nhiệm vụ giữ vững làn sóng thông tin từ các chương trình phát thanh, ngoài ca trực thì cùng nhau trồng cây xanh, chăn nuôi gà, vịt, đào ao, nuôi cá, vào bếp nấu nướng, rảnh rỗi thì ca hát, biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”…

Các cột an ten phát sóng của Đài phát sóng Nam Trung bộ.Điều mà anh, chị em ở đây tâm đắc là khi Đài Phát sóng cắt băng khánh thành và chính thức phát sóng sau gần 2 năm thử nghiệm thì những mảng xanh của cây cối đang dần bao phủ diện tích của cả khu vực mà cách đây hai năm chỉ là vùng đồi toàn cát là cát. Anh, chị em tốn khá nhiều công sức để trồng thử nghiệm các loại cây xanh. Nhiều loại cây vừa mơn mởn chưa kịp vượt qua đỉnh đầu đã bị nắng làm cháy sém và gió quất đứt ngọn không vươn lên được. Sau hơn 2 năm, cuối cùng chỉ có dừa, xoài là tồn tại được với vùng đất cát nơi đây.

Chỉ về phía những hàng dừa đang oằn mình trong gió và những cây xoài sai trĩu quả, ông Lê Hà Giang, Giám đốc Đài hồ hởi: "Không bao lâu nữa chúng tôi sẽ biến khuôn viên Đài Phát sóng thành vườn hoa đủ sắc màu và những hàng cây xanh phù hợp với vùng đất nắng và gió Ninh Thuận. Mong rằng đây sẽ là điểm đến của những người làm báo VOV và đồng nghiệp báo chí khắp nơi trong cả nước khi đến với vùng đất Nam Trung Bộ này."./.

Nhóm PV/VOV-TP.HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận