Giữa trưa 5/3/2023 gần hai chục anh chị em nhà báo thuộc lớp “xưa nay hiếm” của Ban Đối Nội trước đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đang tụ họp tại tư gia nhà báo hiếu khách Phạm Thi Chóng thì tôi nhận được cú điện thoại gấp gáp của Phương Hà, con trai trưởng của nhà văn Nguyễn Hiếu: “Bác ơi, bố cháu mất rồi!”. Không tin vào tai mình, tôi hỏi đi hỏi lại: “Mất là mất thế nào? Ở đâu? Bao giờ? Có thật không? Biết là sự thật, bạn đã đi xa, thật xa, nhưng quá đường đột, không muốn tin. Phương Hà nghẹn ngào “Bố cháu đột quỵ sau một cơn đau tim, cấp cứu ở Bệnh viện E. Bố cháu đi nhanh quá bác ạ”. Thoáng lát tôi nghĩ đến một vòng tròn luân hồi sống từ con tim và đi vào cõi vĩnh hằng cũng vì con tim. Con tim cho nhiều nhựa sống, nhưng cũng đột ngột giã từ cuộc sống.
Tôi và Nguyễn Hiếu biết nhau từ mùa thu năm 1966, bước vào giảng đường khoa Ngữ Văn, đại học Tổng hợp danh giá sơ tán tại làng Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Tôi biết Hiếu là học sinh giỏi văn của Hà Nội, mê đọc sách, thích làm thơ, viết truyện ngắn và phê bình văn học.
Ra trường, năm 1970, tôi cùng Nguyễn Hiếu được làm việc tại Ban biên tập CP90, mật danh của Đài Phát thanh Giải phóng A, sau đó chuyển sang Đài TNVN cho đến lúc nghỉ hưu. Lại thêm một cái cùng nữa là cả hai làm phóng viên phát thanh Công nghiệp và Thương mại. Nguyễn Hiếu được phân công chuyên trách mảng giao thông vận tải. Dịp may cho một nhà báo là có không gian rộng mở, một nghề chuyên sâu để mặc sức tung hoành, phản ánh, sáng tạo.
Hơn 40 năm với nghề báo, nghiệp văn, tác phẩm của nhà báo, nhà văn Nguyễn Hiếu không thể tính bằng trang, bằng cuốn mà phải đo băng mét dài. Ở phòng làm việc hay ở nhà Nguyễn Hiếu cắm cúi viết. Những năm bao cấp nghiệt ngã, con chữ theo ngón tay mổ cò của Hiếu làm mòn bàn phím máy chữ, nay thay bằng bàn phím máy tính. Những lúc thấy bạn xả thân vào trang sách, tôi vui đùa “Nhìn cậu như gã lực điền ấy”. Hiếu cười hic híc: “Nhưng cánh đồng của tớ là văn chương”. Khoái chí với một ý nghĩ hay, một chi tiết đặc sắc Hiếu thường gõ gõ bút lên trán rồi không quên vuốt tóc ra phía sau. Tôi chọc: “Gãi vừa vừa thôi, chứ không là chả còn sợi tóc nào đâu hói ạ”. Hiếu gật gật rồi hất hàm: “Vãi…”
Hiếu thích tìm ra điểm yếu hay sơ suất của bạn văn chương để chọc tức hay đùa cợt. Nhà văn Xuân Đức bạn của tôi và Hiếu cũng vậy. Khi Xuân Đức qua đời Hiếu rưng rức bảo “Thế là từ nay mất một thằng bạn hay khiêu khích rồi. Buồn quá”. Nay tôi càng buồn hơn khi cả hai thằng bạn rủ nhau về nơi giới hạn cuối cùng của con tim.
Từ năm 1973, Nguyễn Hiếu đã có thơ, truyện ngắn đăng báo Văn nghệ. Từ đấy bên cạnh phóng sự, bút ký, câu chuyện truyền thanh anh dồn sức cho viết sách. Tập truyện ngắn đầu tiên “Cái vòi nước” ra đời năm 1984 được anh chị em phóng viên phòng phát thanh Công nghiệp phong cho Nguyễn Hiếu danh hiệu nhà văn. Nhà báo Đoàn Quang Long trưởng phòng “bắt huyệt”: “Trong cái vòi nước của Nguyễn Hiếu có cái thực, có cái hài, có ước mơ nhìn về tương lai”.
Bốn mươi năm theo nghề báo nghiệp văn Nguyễn Hiếu đã cho ra đời 26 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn, gần 60 kịch bản sân khấu, 20 kịch bản điện ảnh, hai tập thơ hơn 400 bài, một tập phê bình văn học, một tập truyện ngụ ngôn. Anh còn dự định viết thêm mấy tác phẩm nữa.
Nhìn Nguyễn Hiếu tuyển tập đầy đặn 6060 trang chiếm một khoảng rộng trên giá sách tôi hỏi bạn “Ban đầu cậu viết vì cái gì?”. Nguyễn Hiếu trả lời cộc lốc “Vì tiền”. Đoán là tôi cho không được đứng đắn, Hiếu trải lòng: “Cậu cứ tưởng tượng xem, thời bao cấp lương chúng mình loanh quanh phóng viên 2, phóng viên 3, đúng nghĩa “ba cọc ba đồng” thì làm sao nuôi nổi vợ con. Nghề của mình chỉ có viết, viết để lấy nhuận bút, tăng thu nhập chính đáng. Đúng chưa”. Tôi không ngần ngại hỏi tiếp “Còn bây giờ hai con trai đã phương trưởng, cuộc sống có của ăn của để, cậu cũng viết như điên để làm gì?” Hiếu trả lời ngắn gọn “Cho hôm nay và mai sau”
Nhà báo nhà văn Nguyễn Hiếu, bạn của tôi là thế đấy, một người thợ cày vạm vỡ, một lực điền cần mẫn tung hoành trên mọi thể loại của cánh đồng văn chương. Trang sách của anh từ ngày đầu khởi nghiệp nối dài đến tận cõi vĩnh hằng, nơi an nghỉ cuối cùng./.
Nhà báo - nhà văn Nguyễn Văn Hiếu từ trần hồi 10h50 ngày 5/3/2023 (nhằm 14 tháng 2 Quý Mão,) hưởng thọ 76 tuổi. Lễ viếng Nhà báo - nhà văn Nguyễn Văn Hiếu diễn ra từ 16h05 ngày 5/3/2023 tại nhà riêng (ngách 351, ngõ 50, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Lễ truy điệu vào hồi 16h05 ngày 6/3/2023; an táng tại nghĩa trang phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. |
Vĩnh Trà/VOV