“Giờ cao điểm giao thông”
Giờ cao điểm buổi sáng ở Thành phố Thái Nguyên. Trên các ngả đường, mật độ giao thông dày đặc. Nhận lời hẹn của một đồng nghiệp làm ở Phòng Phát thanh của Đài PT-TH Thái Nguyên, tôi tới mảnh đất được mệnh danh là “đệ nhất danh trà”, hòa vào dòng phương tiện giao thông nối tiếp nhau đang chầm chậm di chuyển.
Gọi điện cho đồng nghiệp ấy - nhà báo Hà Thế Thắng, Phó Trưởng phòng phát thanh - tiếng anh hối hả: “Chúng ta hẹn nhau sau giờ cao điểm sáng nhé! Anh đang làm trực tiếp Giờ cao điểm giao thông”. Vậy là tôi sẽ “gặp” anh trước qua Kênh Phát thanh FM ở tần số 106,5MHz của Đài PT-TH Thái Nguyên - nơi chương trình “Giờ cao điểm giao thông” đang phát sóng trực tiếp.
Từ tháng 10/2020, vào những giờ cao điểm, sáng từ 7 - 8h, chiều từ 16h45 - 18h, người tham gia giao thông ở Thái Nguyên đã có người bạn đường hữu ích đồng hành, đó là Chương trình “Giờ cao điểm giao thông”. Tôi vẫn nhớ lời anh Thắng kể cách đây hơn 2 năm, khi chương trình này mới được triển khai thử nghiệm. Lúc đó, “Giờ cao điểm giao thông” phải dùng hệ thống camera giám sát giao thông của Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh (IOC) nên hạn chế về hình ảnh. Sau đó, chương trình dùng hình ảnh từ hệ thống camera của Viettel nhưng thời điểm ấy Viettel mới đang thử nghiệm nên chỉ có 10 chiếc camera, hệ thống đường truyền, tín hiệu cũng chưa đảm bảo.
9h sáng, nhà báo Hà Thế Thắng tới điểm hẹn. Anh phấn khởi “khoe” thành quả của “Giờ cao điểm giao thông”: “Chương trình mới phát sóng hơn 2 năm nhưng đã đem lại hiệu ứng xã hội rất tích cực và rõ rệt, thu hút được lượng thính giả rất lớn trong vùng lõi đô thị cũng như các huyện thị thành trên địa bàn”. Rồi anh viện dẫn: “Mỗi ngày, nhất là vào giờ cao điểm, chúng tôi tiếp nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của thính giả gọi về qua số hotline 18001137 để thông tin về những vấn đề giao thông và tham gia vào chương trình. Ngoài ra, qua nhóm zalo 106,5 và các trang fanpage, thính giả còn gửi thông tin phản ánh tình hình giao thông tại hiện trường, về vấn đề đô thị, hạ tầng, cây xanh, viễn thông, cháy nổ,… Có khi từ thông tin mà thính giả cung cấp, Phòng Phát thanh đã nảy ra những đề tài hữu ích. Hằng tuần, Phóng Phát thanh cũng thống kê lượng thính giả truy cập vào Kênh 106,5MHz đang tăng nhanh mỗi ngày. Anh vui lắm, thính giả đã biết nhiều hơn đến Kênh Phát thanh 106,5MHz và hơn thế nữa, còn là đặt niềm tin vào những người làm phát thanh”.
Nghe tôi nói vừa nhìn thấy hệ thống camera ở những nút giao trọng điểm của thành phố, đồng nghiệp của tôi cho hay: Hiện nay, ngoài những thông tin về tình hình giao thông mà phóng viên của Phòng Phát thanh cung cấp trực tiếp từ hiện trường, “Giờ cao điểm giao thông” còn sử dụng hình ảnh từ 60 camera của Viettel Thái Nguyên được đặt ở trung tâm thành phố và từ mạng lưới camera giám sát gần như toàn tỉnh truyền về phòng thu của Trung tâm phát thanh của Đài PT-TH Thái Nguyên. Bởi vậy, chương trình có được những thông tin, hình ảnh rất giá trị.
Theo công bố mới nhất của Cục Thống kê năm 2019, tại Thái Nguyên, số hộ gia đình sở hữu phương tiện xe hơi khá lớn trên mật độ dân số, chiếm 10,3% hộ gia đình. Chính vì vậy, “Giờ cao điểm giao thông” - chương trình phát thanh đầu tiên làm trực tiếp mang tính định kỳ - được triển khai ở đúng thời điểm được coi là thiên thời - địa lợi - nhân hòa, là một bước đột phá đối với một đài địa phương ở khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Năm 2017, khi được điều động từ bộ phận thời sự về Phòng Phát thanh, nhà báo Hà Thế Thắng đã quy cho bản thân trách nhiệm “phải làm phát thanh khởi sắc”. Anh nhen nhóm, nuôi dưỡng ý tưởng làm một chương trình trực tiếp để đáp ứng nhu cầu của thính giả hiện nay, đặc biệt là nhóm thính giả là những người sở hữu ô tô. “Trên cơ sở học tập các đài bạn, đặc biệt là Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, Phòng Phát thanh đã xây dựng một chương trình phát sóng trực tiếp với những nội dung mang tính dân sinh, phù hợp với đời sống xã hội và xu thế phát triển. Quá trình làm đề-mô, “Giờ cao điểm giao thông” được thầy Vũ Quang Hào, một chuyên gia về phát thanh hỗ trợ xây dựng mạch chương trình; được nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký biên tập và nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông truyền “lửa”: Xu thế của phát thanh là phải làm trực tiếp để thu hút và cung cấp cho khán thính giả thông tin nhanh, chính xác nhất. Đó cũng chính là điểm nhấn của phát thanh giữa nhiều kênh truyền thông và sự đa dạng của mạng xã hội hiện nay. Và khi được lãnh đạo Đài PT-TH Thái Nguyên ủng hộ, đặt niềm tin và đầu tư, “Giờ cao điểm giao thông” đã ra đời và khẳng định được vị trí của một chương trình “hot””, nhà báo Hà Thế Thắng vui mừng.
Tương lai rộng mở của phát thanh Thái Nguyên
Buổi trưa ấy, tôi đã “bắt cóc” phóng viên Đặng Xuân Lương, Phòng Phát thanh giữa lúc anh đang giải lao sau một bản tin thể thao. Anh chia sẻ: “Ngoài thông tin về giao thông, “Giờ cao điểm giao thông” còn đưa nhiều thông tin về thời sự, dân sinh, sức khỏe, xe cộ,... Làm phát thanh trực tiếp không chỉ giúp thu hút thính giả mà còn rèn giũa các PV, BTV, KTV trở nên nhanh nhạy, chủ động, năng động, linh hoạt hơn, chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao, cải thiện trông thấy về mặt tư duy, phương pháp làm việc so với phát nguội, tuy áp lực hơn”.
Trên sóng của Kênh Phát thanh FM 106,5MHz, ngoài điểm nhấn “Giờ cao điểm giao thông”, còn rất nhiều chuyên mục hữu ích, trong đó nổi bật là chương trình Thời sự phát sóng 15 phút vào lúc 9h, 20 phút vào lúc 11h30 và 30 phút vào lúc 19h với nội dung phong phú, đa dạng, bổ ích cũng thu hút thính giả ở nhiều tầng lớp, lứa tuổi. Đặc biệt, chương trình phát thanh tiếng Dân tộc (phát sóng 3 thứ tiếng Mông, Dao và Tày) được sắp xếp vào các khung giờ phù hợp đã phát huy hiệu quả rất cao đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Cho tới khi ngồi trò chuyện về nghề báo nói với nhà báo Nguyễn Nam Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên, tôi có thêm niềm tin vào tương lai của phát thanh ở nhà Đài được đánh giá là phát triển và trọng tâm tại khu vực trung du miền núi phía Bắc này. Đài PT-TH Thái Nguyên khởi nguồn là Đài Phát thanh khu tự trị Việt bắc nên mảng báo nói truyền thống được phát huy rất mạnh. Cho đến nay, sự quan tâm dành cho phát thanh vẫn được duy trì đặc biệt để phát huy lợi thế của phát thanh - đó là chi phí cho việc sản xuất chương trình phát thanh không tốn kém mà tính hiệu quả cao, đặc biệt với những địa bàn miền núi như Thái Nguyên, sóng phát thanh vươn xa và dễ tiếp cận đến thính giả. “Hiện Đài PT-TH Thái Nguyên có Phòng Phát thanh chuyên biệt với kênh phát thanh tần suất phát sóng tới hơn 16 tiếng/ngày, được đầu tư về nhân lực, vật lực nên mảng phát thanh của Đài đem lại hiệu quả khá rõ nét. Một trong những dấu ấn là chương trình phát thanh trực tiếp “Giờ cao điểm giao thông” thu hút đông đảo thính giả theo dõi, giúp sóng radio của Đài PT-TH Thái Nguyên lan tỏa rộng hơn đến công chúng”, Phó Giám đốc đánh giá về những việc mà Phóng Phát thanh đã và đang làm được. Ông cho biết thêm, một minh chứng khẳng định chất lượng các chương trình phát thanh của Đài là trong các kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc và các giải báo chí khác, Phòng Phát thanh luôn có tác phẩm tham dự giành giải thưởng, thậm chí có những năm gửi bao nhiêu tác phẩm tham dự thì bấy nhiêu tác phẩm đoạt giải. Những nỗ lực đó thật sự đáng ghi nhận.
Hiện Đài PT-TH Thái Nguyên đã đưa mảng phát thanh lên nền tảng số, cập nhật về xu thế, đáp ứng được cách thức hưởng thụ của thính giả khi sử dụng các thiết bị và lựa chọn được các chương trình dễ dàng hơn. “Tới đây, Phòng Phát thanh cũng sẽ không chỉ có “Giờ cao điểm giao thông” là chương trình phát thanh trực tiếp mà sẽ đề xuất làm những chương trình thời sự trực tiếp khác nữa, tương lai gần là chương trình Thời sự”, nhà báo Hà Thế Thắng cho hay./.
"Sóng phát thanh không bao giờ bị cũ và bị thừa. Chúng tôi sẽ để sóng phát thanh phải có giá trị nhất định trong khu vực, cụm của mình. Và những người làm phát thanh ở Đài PT-TH Thái Nguyên luôn nuôi dưỡng ý tưởng để đóng góp cho phát thanh để phát thanh tiếp tục phát triển".
Nhà báo Hà Thế Thắng
|
“Lợi thế lớn nhất của phát thanh hiện nay là thông tin được truyền đi rất nhanh. Với phát thanh, ngôn từ và biểu cảm chất giọng rất quan trọng, làm sao để khán giả nghe mà hiểu được nội dung bài báo một cách chính xác, tiếp thu thông tin nhanh, và hấp dẫn, dễ nghe, dễ vào và thu hút, tránh tình trạng dùng ngôn từ mập mờ, trung tính, khó hiểu”.
Phóng viên Đặng Xuân Lương
|