Mùa xuân Việt nam: Tâm an, trí sáng

Bằng quyết tâm, ý chí và sự bền bỉ, kiên trì, hãy cùng thắp sáng khát vọng Việt Nam trên nền bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam…

 

1. Năm qua khép lại với những xu thế gần như đảo nghịch nhau không thể dự báo. Trải qua hai năm kiệt quệ vì đại dịch, thế giới gượng dậy, vươn lên bù đắp thời gian mất mát với niềm tin rằng u ám đã qua. Đột ngột, chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, gây hệ lụy toàn diện trên phạm vi toàn cầu. Sự kiện này đảo ngược mọi dự đoán, gây nên sự đổ vỡ, đứt gãy các chuỗi cung ứng trọng yếu. Trong một thế giới toàn cầu hóa cao độ, các nền kinh tế phụ thuộc hữu cơ với nhau, một cuộc chiến nổ ra giữa lòng châu Âu làm tăng giá từng bát phở, cốc cà phê tại Hà Nội… là có thật. Những va chạm cực đoan, đối nghịch của nỗ lực, khát vọng và thất vọng, bi quan đã và đang tạo ra những hiện tượng, hậu quả ở mọi ngõ ngách của thế giới, không dễ gì giải thích được. Việt Nam bước vào năm 2022 như vậy, một nền kinh tế với độ mở cao, giao thương quốc tế gần gấp đôi quy mô GDP, làm sao có thể miễn nhiễm!
Tăng trưởng GDP 8,02%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 9,5%, thu ngân sách vượt dự toán 26,4%… là những kết quả có thật, thể hiện sức bật nội sinh của Việt Nam và chứng minh những biện pháp sớm khôi phục kinh tế, mở cửa trở lại đúng thời điểm là đúng đắn. 

Trong khi đó, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn không nghỉ, không ngừng. Hàng loạt bê bối trong kinh doanh của các doanh nghiệp lớn về bất động sản, tài chính, ngân hàng… chuyển thành các vụ án hình sự, hàng loạt cán bộ các cấp bị xử lý, trong đó, đã thấy những chuyển biến ở cấp địa phương. Thái độ xử lý cương quyết có thể gây những hệ lụy ngắn hạn nhưng lại củng cố sự phát triển lành mạnh, ổn định về lâu dài cho đất nước. Chính bởi vậy, dự báo của các đối tác, các định chế quốc tế uy tín về triển vọng kinh tế Việt Nam chủ đạo là tích cực. 

Năm qua cũng là năm mà hàng loạt các quyết sách quan trọng tạo tiền đề phát triển cho đất nước, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực cũng được triển khai thông suốt, đồng bộ, đồng lòng ở cấp Đảng - Quốc hội - Chính phủ, toàn hệ thống chính trị.  

Bởi vậy, phát triển, hội nhập, đổi mới không ngừng vừa là cảm xúc, khát vọng vừa là xu hướng chi phối toàn xã hội và từng người dân, doanh nghiệp Việt Nam. Đây là xu thế không thể đảo ngược!

Tất nhiên, do không thể dự báo hết bối cảnh và tình hình thế giới, nên về cuối năm, chúng ta đang đối diện với những khó khăn, nghịch lý: Lạm phát được kiểm soát đúng kế hoạch nhưng lãi suất huy động và cho vay tăng cao; Các doanh nghiệp lớn giảm đơn hàng, người lao động thiếu việc làm nhưng nhu cầu lao động chung lại tăng đột biến; Kết quả kinh doanh nhìn chung tích cực mà tâm trạng lo ngại, ý thức về nhiều khó khăn, thử thách đang hiện hữu… Hàng loạt những vấn đề đặt ra có cả nguyên nhân khách quan nhưng cũng không loại trừ yếu tố tâm lý và những nhân tố mà chúng ta chưa “đọc” hết. Có lẽ ngoài tác động của tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam, các ngành, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tự tái cấu trúc, tìm những lối ra mới. Để đánh giá được đúng và hết tình hình, cần tâm an, trí sáng.

2. Bất định, phức tạp, biến động và mơ hồ vẫn là đặc trưng chi phối thế giới. Một đất nước có độ mở, có quyết tâm hội nhập sâu rộng, toàn diện như Việt Nam, luôn phải sẵn sàng trước những thách thức chưa từng gặp. Trong bão táp của thời cuộc, điều tạo nên bản lĩnh, vững vàng là sự bình lặng của nội tâm, là khả năng nhìn lại mình, nhìn đúng tiềm năng, lợi thế, ưu - nhược của chính mình. 

Không phải ngẫu nhiên mà trong năm 2022 bề bộn, cả nước lại bàn nhiều, nói nhiều về văn hóa. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc (2021), đã có những động thái cụ thể, thiết thực, nghiêm túc bàn về việc xây dựng Hệ giá trị dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam, gia đình Việt Nam và chuẩn mực con người Việt Nam; Đồng thời là các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa. Không thể thổi bùng khát vọng làm cho đất nước phát triển hùng cường mà thiếu nền tảng gốc rễ là văn hóa. Kinh tế là câu chuyện tuần, tháng, quý, năm, nhiệm kỳ nhưng văn hóa là câu chuyện trăm năm. Để có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh của dân tộc, dẫn dắt cảm hứng phát triển, cần nhất là những quyết sách trí tuệ, năng lực hành động dựa trên trí tuệ.

Nhiều doanh nhân và lãnh đạo Việt Nam tâm sự, họ thấy rõ vị thế Việt Nam khi ra nước ngoài đã khác. Từ tâm thế phải cầu cạnh, nhờ vả trước đây thì nay là thái độ tự tin, bình đẳng, cùng tìm cơ hội hợp tác và cùng thắng. Vị thế quốc gia được cải thiện, ngoài lịch sử vẻ vang, một nền văn hóa lâu đời, điều quan trọng là do sức mạnh tổng hợp đã khác. 

Vị thế và hình ảnh đất nước không chỉ thể hiện qua hoạt động đối ngoại của các nhà lãnh đạo, mà còn là hành trình chinh phục, khai mở đầy mồ hôi, nước mắt của từng công dân, từng doanh nhân. Nhờ trí tuệ, những tập đoàn công nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam đã từng bước gia nhập các thị trường phần mềm khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… với doanh thu hàng tỷ USD. Doanh nghiệp Việt bám trụ được không chỉ nhờ vào sản phẩm, dịch vụ vượt trội, mà còn thuyết phục bằng vẻ đẹp của văn hóa, tâm hồn Việt Nam. Nếu trước đây, “hộ chiếu văn hóa” của mỗi dân tộc khi đi ra thế giới là những vĩ nhân, anh hùng, những nhà văn hóa, nhà khoa học lớn… thì ngày nay còn là các doanh nghiệp, doanh nhân với sản phẩm, dịch vụ độc đáo và từng người dân Việt Nam. Trí tuệ Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam từng ngày từng giờ được tôi luyện, trui rèn.

Giữ cho trí sáng, tâm an trong việc ra những quyết sách lớn cũng như trong từng hành vi cụ thể phải chăng là nguyên tắc xử thế hợp lý lúc này. Đồng thời cũng phải khoan hòa độ lượng, đề cao tinh thần nhân văn trong mọi tình huống để mầm thiện, điều tử tế lan toả trong xã hội. Đấy là gốc rễ của những cảm xúc tinh thần tích cực thôi thúc sự cống hiến dấn thân. Bằng quyết tâm, ý chí và sự bền bỉ, kiên trì, hãy cùng thắp sáng khát vọng Việt Nam trên nền bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển ở những dấu mốc quan trọng nhất: 100 năm Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm nước CHXHCN Việt Nam.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận