Thi Uyên là phóng viên đầu tiên giành được giải thưởng ở hạng mục này cho Đài TNVN với tác phẩm “Con hẻm nhỏ”. Điều này cho thấy thế mạnh của Đài TNVN giờ đây không chỉ ở mảng phát thanh.
Giải thưởng lớn cũng là áp lực lớn
Tháng 11/2022, Thi Uyên cùng những phóng viên đoạt giải sang Ấn Độ nhận giải thưởng Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương(ABU). Đây là lần đầu tiên Thi Uyên được tiếp xúc với nhiều phóng viên quốc tế kỳ cựu trong mảng số. “Ra ngoài mới thấy mình còn nhiều điều cần phải học hỏi. Nhiều tác phẩm đoạt giải quốc tế được họ đầu tư hằng năm trời với nguồn tài chính không hề nhỏ. Nhưng cũng không vì thế khiến mình tự ti. Bởi tôi thấy các tác phẩm dự thi của Đài TNVN đều rất tốt. Đó đều là những câu chuyện có ý tưởng, có sáng tạo, đầy say mê và tinh thần dấn thân... Chúng ta có lối kể chuyện đặc sắc mang đặc trưng của Đài TNVN” - Thi Uyên chia sẻ.
Đối với Thi Uyên, Giải thưởng ABU là phần thưởng, là động lực để cô thêm phấn đấu và gắn bó với nghề. Nhưng đoạt giải thưởng lớn khi tuổi đời còn trẻ cũng đem đến cho Thi Uyên nhiều áp lực. Sau này, cô sẽ phải làm gì để có tác phẩm hay hơn, làm sao để vượt qua chính mình. Chuyến đi lần này giúp Thi Uyên có thêm những người bạn, đồng nghiệp mới. Họ giới thiệu, trao đổi và góp ý cho tác phẩm “Con hẻm nhỏ” của Thi Uyên. Họ nói với Thi Uyên: “Chúng ta có thể hợp tác để làm ra những tác phẩm tốt”. Đây là hướng mở cho Thi Uyên, bởi với những dự án số không ai có thể làm một mình. Càng có nhiều người muốn hợp tác, muốn làm việc với mình, Thi Uyên càng có nhiều cơ hội mang đến cho độc giả những sản phẩm tốt. “Tôi sẽ cố gắng để có những sản phẩm tốt hơn, còn chuyện đoạt được giải thưởng hay không thì tôi chưa nghĩ đến, vì giải thưởng đôi khi còn là cái duyên nữa” - Thi Uyên chia sẻ.
Chọn nghề báo vì muốn trải nghiệm
Thi Uyên sinh ra ở một bản làng của “dân di cư” trên địa phận tỉnh Yên Bái. Ông bà cô từ Thái Bình lên Yên Bái lập nghiệp. Năm Thi Uyên 5 tuổi, bản của cô mới có điện. Cuộc đời của Thi Uyên và những đứa trẻ khác trong bản như bừng sáng theo ánh điện. Năm Thi Uyên học lớp 6, lần đầu tiên được chạm tay vào chiếc máy tính, Thi Uyên đã mê mẩn, nhưng phải mất 2 năm sau, bố mẹ Thi Uyên mới có thể sắm cho con mình chiếc máy tính đầu tiên. Công nghệ số đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của một cô bé miền núi như Thi Uyên, đem đến cho cô những chân trời mơ ước. Thi Uyên say sưa tìm hiểu, khám phá thế giới qua chiếc máy tính và cũng nhờ sự kết nối đó, việc học của cô tốt hơn.
Lên lớp 10, Thi Uyên thi đỗ vào Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) và cô chuyển đến học ở trường cách xa nhà hơn trăm cây số. Là dân chuyên Văn, Thi Uyên cùng các bạn trong lớp bảo nhau viết tản văn gửi đến các báo địa phương. Nhuận bút nhận được mấy trăm nghìn mỗi tháng là số tiền và niềm vui không nhỏ đối với những cô, cậu học sinh sống xa nhà. Với Thi Uyên, cô bắt đầu nhen nhóm tình yêu với nghề báo khi thấy cái tên nhỏ xinh của mình được in trên những tản văn, được tòa soạn gửi báo biếu. Chính vì lẽ đó khi đăng ký thi đại học, đứng trước hai lựa chọn hoặc trở thành cô giáo dạy Văn hoặc trở thành nhà báo? Thi Uyên nghiêng về lựa chọn thứ hai hơn, bởi cô muốn chọn nghề được đi nhiều để cuộc sống có nhiều trải nghiệm. Và Thi Uyên đã thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khoa Báo chí đa phương tiện.
“Báo chí đa phương tiện là gì?”
Năm Thi Uyên học, khái niệm báo chí đa phương tiện còn rất mới. Cô đặt câu hỏi: “Báo chí đa phương tiện là gì?” ở mọi nơi có thể. Cô hỏi thầy cô, hỏi chuyên gia tại mọi hội thảo, tọa đàm về ngành báo chí mà cô được tham dự nhưng cô vẫn chưa tìm được một lời giải đáp thỏa đáng. Năm học đại học năm thứ 2, Thi Uyên được xem một sản phẩm của New York Times. Đó là một tác phẩm kết hợp giữa video, đồ họa và tương tác người dùng trên nền tảng web. Lúc ấy cô mới thốt lên: “À thì ra báo chí đa phương tiện là như thế này!” Và cô tiếp tục đặt câu hỏi: Để làm được một bài báo như thế, mình cần trang bị những kỹ năng nào? Cô thấy ngoài khả năng viết lách, chụp ảnh, quay clip, video, thu thanh như báo chí truyền thống, cô cần biết thêm các kỹ năng khác như xây dựng website hay thiết kế đồ họa... Và như thế, nếu chỉ học ở trường thôi thì chưa đủ. Thi Uyên quyết định theo học một khóa đào tạo mỹ thuật đa phương tiện ở một trường nghề khác: “Học song song hai trường rất vất vả nhưng bù lại tôi có thêm sự so sánh, kỹ năng mới bổ sung và hỗ trợ cho việc học ở cả hai trường” - Thi Uyên tâm sự.
Từng bỏ nghề báo
Ra trường, sau 1 năm học việc tại Thông tấn xã Việt Nam, Thi Uyên nhận thấy nghề báo là một nghề vất vả. Cô đã thay đổi môi trường làm việc, chuyển qua làm việc cho doanh nghiệp với mức lương khá tốt và môi trường làm việc cũng nhẹ nhàng hơn.
Thế nhưng có một sự kiện làm cho Thi Uyên quyết định quay lại với nghề mình được đào tạo. Năm Thi Uyên 25 tuổi, cô phải chứng kiến sự ra đi của một người bạn đã chơi với cô từ nhỏ. Sự ra đi đột ngột của bạn làm Thi Uyên cảm nhận sâu sắc rằng, cuộc đời con người thật ngắn ngủi. Vì ngắn ngủi như vậy mình phải làm những việc mình thích, mình say. Mà chỉ có nghề báo mới khiến Thi Uyên thấy say. Thi Uyên dừng làm việc ở khối tư nhân quay trở lại với ước mơ còn dang dở. Thi Uyên tham gia thi tuyển và bắt đầu làm việc tại Đài TNVN từ tháng 9/2020.
Làm việc tại một cơ quan truyền thông đa phương tiện như Đài TNVN, có nhiều thuận lợi cho Thi Uyên: “Đài có truyền thống lịch sử lâu đời với kho tư liệu đồ sộ và những con người dày dặn kinh nghiệm. Việc của tôi là làm thế nào để có thể phối kết hợp tạo ra một đội nhóm sản xuất đa phương tiện. Sự sáng tạo trong báo chí số là không giới hạn. Trong thế giới ấy có rất nhiều thứ để cho tôi vừa làm vừa học hỏi. Hơn nữa, trong những năm gần đây, Đài TNVN đầu tư rất nhiều nguồn lực cho việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất báo chí, phát triển báo chí đa phương tiện. Đó quả thực là một điều may mắn với tôi - một con đường còn mới nhưng rất thú vị để đi” - Thi Uyên chia sẻ.
Làm báo phải xuất hiện ở những thời điểm lịch sử
Tháng 7-9/2021, TP. HCM là tâm dịch của cả nước. Khi đọc bài về Covid-19, cả ở trong và ngoài nước, Thi Uyên suy nghĩ: Làm báo phải dấn thân, phải xuất hiện ở những thời điểm như thế này, phải sống ở những giờ phút như thế này để ghi lại những câu chuyện có thể xưa nay chưa từng có mới đúng nghĩa của nghề báo. Nghĩ vu vơ thế thôi, chứ để tác nghiệp trong môi trường ấy không dễ. Thế nhưng, cuối tháng 8/2021, Đài TNVN lại thành lập một đoàn công tác đặc biệt vào trong TP.HCM hỗ trợ phóng viên thường trú tại TP.HCM đưa tin về dịch Covid-19 tại TP.HCM và vùng ĐBSCL. Khi có thông báo kêu gọi phóng viên lên đường, Thi Uyên xin phép Tổng Biên tập Báo điện tử VOV:
- Em xin xung phong đi TP.HCM.
- Chắc chưa?
- Dạ chắc.
Thế là Thi Uyên có tên trong danh sách Đoàn công tác của Đài TNVN lên đường. Lúc đó, Thi Uyên mới tiêm phòng Covid-19 được 1 mũi và trước hôm đi mấy ngày cô được tiêm phòng mũi thứ 2. Thi Uyên cũng sợ bố mẹ mình lo lắng nên không dám báo tin.
Thi Uyên lên đường trong tình cảnh “điếc không sợ súng”. Khi đặt chân đến TP.HCM, cô mới cảm nhận rõ nỗi sợ hãi. Cảm nhận đầu tiên là thành phố buồn hiu hắt, im lặng một cách đáng sợ. Thi Uyên đối mặt với nguy hiểm đầu tiên là khi tiếp xúc với F0, những người mà trước nay cô mới chỉ nhìn thấy qua màn ảnh. Đưa máy lên chụp nhân vật mà hai tay cô run lập cập. Thi Uyên thầm nghĩ: “Chẳng biết bao giờ thì mình gia nhập vào đội quân F0 của thành phố”. Cũng may là Thi Uyên đi tác nghiệp không chỉ có một mình. Cô được anh, chị trong đoàn tư vấn nên tâm lý vững vàng hơn, ý thức hơn về nhiệm vụ của mình. Vượt qua nỗi sợ tiếp xúc với F0 ban đầu, Thi Uyên cùng các đồng nghiệp được sắp xếp vào tác nghiệp tại tâm điểm của trận chiến - ICU (nơi tiếp nhận và điều trị những ca nhiễm Covid-19 nặng nhất). Khi tiếp xúc với F0, lần đầu tiên Thi Uyên mặc bộ đồ bảo hộ cấp 1 thì vào ICU, Thi Uyên phải mặc bộ đồ bảo hộ cấp 4 nặng trịch. Nỗi sợ hãi khi chứng kiến những cảnh tượng trong ICU khiến Thi Uyên toát mồ hôi hột, người run lập cập. Cô nghe rõ tiếng nước chảy róc rách trong bộ đồ bảo hộ khi buông tay xuống. Thi Uyên tự nhủ, đã vào đây là phải có hình ảnh. Trách nhiệm về công việc đã lấn át nỗi sợ hãi.
Lúc làm việc tự nhủ mình như vậy, thế nhưng lúc quay ra, nhìn thấy giường trống của những bệnh nhân vừa mất, cả những bệnh nhân không mảnh vải với dây dợ chằng chịt bên người đang thở máy, Thi Uyên lại thấy hoang mang. Tiếp píp píp của chiếc máy thở ám ảnh đến mức vài tháng sau Thi Uyên vẫn còn thấy văng vẳng bên tai. Hệ lụy của nửa tháng tiếp xúc với Covid-19 là những ám ảnh, căng thẳng khiến cô cứ 3h sáng là tỉnh giấc, giấc ngủ hằng đêm đứt gãy. Nhờ sự đồng hành của đồng nghiệp mà cô vượt qua được những sang chấn tâm lý ban đầu: “Tôi thấy mình may mắn khi có chị Phương Lan, chị Anh Thu, anh Thành Lương và cả anh Dương lái xe trong chuyến đi đặc biệt ấy. Họ đều là những người giỏi, dày dặn kinh nghiệm và vững vàng tâm lý. Khi đi cùng nhau, chúng tôi đỡ sợ hơn, làm việc tốt hơn và cùng và tạo ra những sản phẩm đa phương tiện gồm cả hình, tiếng và điện tử. Lần đầu tiên tôi hiểu rõ giá trị của việc làm đội, làm nhóm trong những thời điểm nóng bỏng, quan trọng như dịch bệnh, chiến tranh. Công chúng cũng sẽ được tiếp nhận những sản phẩm báo chí trọn vẹn, đầy đặn, và đẹp hơn bởi đó là công sức làm việc của cả một tập thể. Chưa kể, trong chuyến đi ấy chúng tôi còn có một “thành trì” rất đặc biệt và vững chắc là các lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cùng tham gia vào chuyến công tác” - Thi Uyên chia sẻ.
Trong những ngày ở TP.HCM, Thi Uyên bất đắc dĩ trở thành “cô giao liên” cho những người lao động nghèo. Khi đó, những gia đình có người mất vì Covid-19 phải trả chi phí mai táng từ 20 - 30 triệu đồng. Một số người rơi vào cảnh nợ nần mà không biết đến chính sách hỗ trợ 17 triệu đồng tiền mai táng của Nhà nước. Thi Uyên đều đặn lên quận 7, TP.HCM để trao đổi về số tiền hỗ trợ mai táng cho họ. Có em bé bố mất vì bệnh khác nên không nhận được hỗ trợ tiền mai táng, Thi Uyên đã xin Đài hỗ trợ cho em bé đó. Cô còn đi xin lương thực, thực phẩm chuyển đến cho bà con nghèo ở con hẻm nhỏ. Sau những nỗ lực của Thi Uyên, quận 7 đã phản hồi về hiện tượng người dân nợ tiền mai táng và chính sách hỗ trợ của TP. Quận 7 sẽ tạm ứng để chi trả cho người dân. Khỏi phải nói bà con ở đây quý mến cô gái nhỏ Nhà Đài thế nào. Thi Uyên giành được sự yêu thương, tin tưởng của bà con. Điều đó khiến Thi Uyên hiểu rằng, nghề báo có tác động không nhỏ đến xã hội, đến đời sống con người. Trải nghiệm này giúp cô hiểu và trân trọng hơn về những giá trị của nghề./.
Tác phẩm: “Con hẻm nhỏ” của Nguyễn Thị Uyên nói về con hẻm tập trung nhiều lao động tự do trên địa bàn quận 7, TP.HCM. Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các nhân vật trong câu chuyện một người chồng mất vợ, một người chị mất em, và một người con mất cha. Ba câu chuyện là lát cắt hiện thực về phương pháp, tình trạng điều trị bệnh nhân khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM: Điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà; điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại các khu cách ly và điều trị tập trung; điều trị các bệnh khác trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Dịch bệnh kết thúc để lại cho họ những vết sẹo, gánh nặng tâm lý và kinh tế cho những người ở lại, đồng thời trực tiếp tạo ra những vấn đề xã hội mới (trẻ mồ côi, người già neo đơn…). Nhưng những tâm hồn đau đớn ấy không đầu hàng. Chậm chạp nhưng họ dần dần hồi phục, dần dần tìm ra con đường mới - con đường mà có lẽ họ nghĩ mình sẽ không bao giờ đi.
|