Theo Phó Tổng giám đốc Vũ Hải Quang, việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực báo chí truyền thông sẽ cho phép chúng ta có thể tự động hóa quy trình tác nghiệp, làm giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu suất kinh doanh, giảm chi phí, rút ngắn các công đoạn, đáp ứng một cách kịp thời nhu cầu của thị trường và sự quan tâm của công chúng. Trên cơ sở nguồn dữ liệu lớn thì nó cho phép hình thành một quy trình mới trong việc sáng tạo sản phẩm và dịch vụ báo chí truyền thông để đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Thưa ông, chuyển đổi số mang lại lợi ích gì về mặt quản trị, điều hành cơ quan báo chí?
Lợi ích của chuyển đổi số trong trong quản trị nội bộ trong các cơ quan báo chí thì cũng giống các cơ quan đơn vị khác, nó gồm: Quản lý về mặt hành chính, quản lý về mặt tài chính và quản lý về mặt nhân sự. Khi thực hiện việc chuyển đổi số thì nó sẽ giảm thiểu được chi phí quản lý và tối ưu hóa được các công đoạn trong công tác quản lý, tránh được sự chồng chéo và truy cứu thông tin, phục vụ cho công tác quản lý nhanh hơn và có thể truy cứu bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào.
Một ví dụ trong chuyển đổi số ở lĩnh vực này, đó là sử dụng chữ ký điện tử, chúng ta có thể ký ở bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào mà không cần phải đến nhiệm sở; hoặc là từ khi có đại dịch Covid -19 đến nay thì tất cả cuộc họp hành, giao ban thì chúng ta hầu hết thực hiện trên hình thức trực tuyến và như vậy làm giảm thiểu chi phí đi lại, giảm thiểu chi phí về thời gian và tiền bạc rất lớn, và có thể chúng ta đang ngồi ở trên xe ô tô thì chúng ta vẫn có thể tham gia các cuộc họp.
Vậy khi thực hiện chuyển đổi số trong quy trình sản xuất nội dung báo chí, sẽ đem đến điều gì cho cơ quan báo chí truyền thông và đặc biệt là công chúng, thưa ông?
Khi thực hiện việc chuyển đổi số trong quy trình sản xuất báo chí thì hầu hết dựa trên nền tảng điện toán đám mây, nó cho phép chúng ta sản xuất từ xa. Ví dụ, một phóng viên, biên tập viên đang tác nghiệp ở Sơn La nhưng có thể trực tiếp sản xuất tin bài trên nền tảng của trung tâm mà đang đặt tại Hà Nội và sau đó đưa vào phát sóng ngay. Như vậy, nó giảm thiểu rất nhiều chi phí đi lại và đặc biệt bảo đảm tính thời sự của một sự kiện vừa mới diễn ra. Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực báo chí truyền thông nó cho phép chúng ta có thể tự động hóa quy trình tác nghiệp, làm giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu suất kinh doanh, giảm chi phí, rút ngắn các công đoạn, đáp ứng một cách kịp thời nhu cầu của thị trường và sự quan tâm của công chúng.
Trên cơ sở nguồn dữ liệu lớn thì nó cho phép hình thành một quy trình mới trong việc sáng tạo sản phẩm và dịch vụ báo chí truyền thông để đáp ứng nhu cầu của công chúng, đồng thời cũng tạo ra nhu cầu mới với thị trường và nó làm tăng tính tương tác giữa người làm báo với công chúng và giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định chính sách của nhà nước. Chẳng hạn khi chúng ta ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI thì nó giúp chúng ta làm tăng lưu lượng người dùng, người nghe, người xem; nó truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với các nhu cầu khác nhau và nó gợi ý những nội dung yêu thích của công chúng theo dạng thư tòa soạn hay tin tuyển chọn từ Ban biên tập.
Việc chuyển đổi số cũng mở ra các điều kiện tập hợp và thống nhất các nguồn lực vào một mạng lưới trung tâm, nó hỗ trợ cho quá trình sản xuất. Trong quy trình truyền thống thì nó có sự tách biệt nguồn lực và giữa các bộ phận với nhau, cả về mặt vật lý và cả về mặt không gian, thế nhưng trên môi trường số thì các nguồn lực nó được số hóa một cách đồng bộ và được kết nối, liên thông với nhau và nó cho phép tối ưu hóa quy trình, phát huy hiệu quả cao nhất trong hoạt động sáng tạo và cung cấp sản phẩm dịch vụ cho nhu cầu của công chúng. Như vậy, nó không những tiết kiệm được nguồn lực mà hiệu quả sử dụng nguồn lực nó được nâng cao hơn.
Cái việc chuyển đổi số nó cũng tạo ra hệ thống để thu thập số liệu của công chúng một cách phù hợp, liên kết các dữ liệu để làm cơ sở hoạch định chiến lược phát triển. Cái điều này làm gia tăng việc trải nghiệm của công chúng, nó đáp ứng nhu cầu một cách đa dạng và tiện lợi của công chúng trong chuyển đổi số.
Ngày nay việc cá nhân hóa thông tin đóng vai trò vô cùng to lớn với công chúng. Việc trước đây chúng ta sản xuất các sản phẩm giống nhau, đồng loạt cho tất cả mọi người thì không còn phù hợp. Cái sản phẩm báo chí phải được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của công chúng, chỉ có cách này thì các cơ quan báo chí truyền thông mới thu hút được sự quan tâm của công chúng. Đây chính là cơ sở phát triển bền vững đối với mỗi đơn vị báo chí truyền thông trong cái điều kiện nền kinh tế thị trường đang cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Thưa ông, đó là về sản xuất nội dung, vậy còn phân phối, đăng tải, truyền dẫn thì việc chuyển đổi số sẽ giúp mang tới điều gì đối với các cơ quan báo chí?
Về mặt phân phối nội dung trên nền tảng số thì nó có rất nhiều tính năng ưu việt so với việc phân phối trên nền tảng truyền thống thì tôi không thể kể hết được, nhưng có thể kể ra đây một vài tính năng nổi bật như thế này. Thứ nhất, đầu tiên việc phân phối nội dung trên nền tảng số là chúng ta giảm rất nhiều chi phí để đầu tư xây dựng các trạm phát sóng công suất lớn và nó cũng giảm chi phí trong khai thác vận hành. Thay vì phát sóng truyền thống chỉ phủ sóng trong một phạm vi, một vùng nhất định thì việc phân phối trên nền tảng số có thể phủ toàn thế giới, cứ ở đâu có internet là có thể tiếp cận được các sản phẩm báo chí truyền thông.
Thứ hai là công chúng có thể nghe, xem những thông tin nào mà họ muốn và nghe xem ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào và họ có thể tìm kiếm nội dung nhanh nhất bằng cả giọng nói và văn bản. Đây là cái rất tiện lợi.
Ngoài ra công chúng có thể nghe, xem trực tiếp hoặc nghe lại và cũng được gợi ý một cách thông minh theo hành vi của người dùng. Chẳng hạn, chúng ta thường xuyên nghe các chương trình thời sự thì khi mà chúng ta vào mạng chúng ta xem thì gần như tất cả các chương trình thời sự sẽ hiện nên cho chúng ta và ngoài ra chúng ta có thể tương tác với Ban biên tập và chia sẻ trên mạng xã hội một cách rất là dễ dàng.
Chính Tâm (thực hiện)