'Cuốn vào sóng phát thanh'

Cho đến giờ, dù nhận mình 'đã ở tuyến sau' thế nhưng lửa nghề và tình yêu dành cho phát thanh trong nhà báo Đồng Mạnh Hùng vẫn chưa từng nguội.

 

Cho đến giờ, dù nhận mình “đã ở tuyến sau” thế nhưng lửa nghề và tình yêu dành cho phát thanh trong nhà báo Đồng Mạnh Hùng vẫn chưa từng nguội. Và “Cuốn vào sóng phát thanh” với 246 trang đầy đặn những nội dung hữu ích, thực tế, sâu rộng về báo chí phát thanh, đặc biệt là báo phát thanh ở VOV, là một trong những minh chứng về tình yêu ấy.

Cẩm nang nghề báo nói

“Anh sinh ra để làm phát thanh. Anh yêu nghề phát thanh, yêu đến say mê!”. Đã hơn một lần, tôi nghe các đồng nghiệp nói về nhà báo Đồng Mạnh Hùng như vậy. Tình yêu anh dành cho phát thanh luôn bùng cháy trong suốt 30 năm làm nghề. Suốt nhiều năm gắn bó với phát thanh, những nghiên cứu và kỹ năng làm phát thanh, những gì cốt lõi nhất đã được nhà báo Đồng Mạnh Hùng rút tỉa, chọn lọc để gửi gắm trong “Cuốn vào sóng phát thanh”. Những ai từng đọc “Cuốn vào sóng phát thanh” đều chia sẻ rằng, họ đã bị cuốn vào sóng phát thanh ngay từ trang đầu đến trang cuối với những câu chuyện thực tế và lối viết dễ đọc, dễ hiểu.

“Cuốn vào sóng phát thanh” được các độc giả và đồng nghiệp của tác giả Đồng Mạnh Hùng (bìa phải) trân trọng đón đọc.

“Cuốn vào sóng phát thanh” bao hàm cả kiến thức lý luận, thực tiễn và được chia thành ba phần rõ ràng, mạch lạc. Ở phần 1 - “Phát thanh - Một số vấn đề lý luận” - không chỉ là lý luận mà còn có cả những nhận định về sự thay đổi của báo chí nói chung, phát thanh nói riêng, về các giải pháp đổi mới cách làm phát thanh để thích ứng với nhu cầu thay đổi của công chúng. Đặc biệt là những thông tin mới mẻ, những nhận định về xu hướng phát triển của phát thanh và những yêu cầu đặt ra cho phát thanh trong kỷ nguyên số. “Phần này cho ta cái nhìn tổng quan về phát thanh đang ở đâu trong xu hướng phát triển như vũ bão của báo chí hiện đại và người làm phát thanh cần phải làm gì. Điều này thực sự cần thiết cho những người làm nghề trực tiếp và càng cần thiết hơn đối với những người làm công tác quản lý ở các cơ quan báo chí”, nhà báo Lê Biết - Đài PT-TH Phú Yên nhận định.

Để viết được về vấn đề lý luận của phát thanh là một công việc không dễ, bởi công việc đó thực ra là của những nhà nghiên cứu. Thế nên, phải có một tình yêu nghề nghiệp, có suy nghĩ, trăn trở đến nhường nào thì anh mới viết được như vậy. Hay như độc giả Nguyễn Hoàng Yến đã nói, có lẽ chỉ người gắn bó với VOV nhiều năm, trải qua nhiều vị trí đặc biệt mới có thể có cái nhìn rõ ràng, tổng hợp và hiểu đến từng ngõ ngách để phân tích được như thế. “Tôi muốn viết ra để thấy rằng sự phát triển của Đài TNVN song hành với sự phát triển chung của toàn xã hội, của quá trình phát triển khoa học - công nghệ”, tác giả Đồng Mạnh Hùng chia sẻ.

“Nếu ai đó muốn tìm hiểu về ngành phát thanh, VOV, hoặc muốn nghiên cứu, hay dùng làm tư liệu học tập cho sinh viên báo chí,… thì đây chính là cuốn sách hữu ích, chuẩn xác”.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Yến

Phần hai - “Tiếng nói Việt Nam - Người và nghề” là những câu chuyện về nghề, về những con người cả trong lịch sử lẫn hiện tại gắn bó và tạo nên thương hiệu của Đài TNVN, về vai trò của phát thanh đã đi cùng các cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc và phát triển đến hôm nay ra sao. Theo tác giả, những câu chuyện về những con người đã làm nên dấu ấn của Tiếng nói Việt Nam như: NSND Tuyết Mai - giọng vàng của TNVN, NSƯT Kiên Cường - Giọng nói của một thời bom đạn, Trịnh Thị Ngọ (Hana Hà Nội), Lê Quý, Trịnh Lý Thản, nhà báo Trần Thiên Nhiên - thương hiệu của chương trình thời sự,… đã cho anh niềm tự hào lớn lao với Đài TNVN. Hay những con người rất đỗi bình dị làm ở các trạm phát sóng, anh viết về họ như lời tri ân, ca ngợi để công chúng có thể biết được về những con người thầm lặng ở Đài. Nhà báo Lê Biết bày tỏ: “Tác giả cuốn sách đã giúp người đọc có thêm những thông tin bổ ích về những người làm phát thanh đã đóng đinh trong lòng thính giả. Từ rất nhỏ, tôi đã nghe Đài TNVN và thuộc nằm lòng rất nhiều chương trình. Đọc những bài viết ở phần này, tình yêu của tôi với Đài TNVN được chắp cánh và lớn thêm lên”.

Những kinh nghiệm và kỹ năng làm phát thanh - từ cách viết một cái tin, cách tổ chức sản xuất một chương trình thời sự, cách dẫn dắt một chương trình talk show tọa đàm cho đến việc tổ chức một chương trình phát thanh thực tế, một chương trình phát thanh đồng hành - được tác giả đưa vào phần ba: Phát thanh - Kinh nghiệm và kỹ năng. “Tôi rất thích cách viết của tác giả, không nặng về lý thuyết mà rất gần gũi, thân thuộc, đọc sách nghiệp vụ nhưng ta có cảm giác như nghe một người anh cả trong nhà chỉ bài vậy. Cũng nhờ vậy mà người đọc tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên. Ngoài ra, những trích dẫn của các nhà báo giỏi trong và ngoài nước, hay từ các tài liệu, cẩm nang về báo phát thanh được lồng ghép vào các bài viết về nghiệp vụ theo dạng note là cách trình bày khá sáng tạo. Nó làm cho phần nói về nghiệp vụ trở nên hấp dẫn hơn, không nặng nề, như khi ta nghe một tác phẩm báo phát thanh mà có những tiếng động hay được đặt đúng chỗ vậy”, nhà báo Lê Biết nhấn mạnh.

Nhà báo Thu Hòa (VOV4) cảm ơn tác giả Đồng Mạnh Hùng đã cung cấp một tài liệu quý cho công chúng và những người làm nghề.

Lửa nghề chưa bao giờ nguội

Là phóng viên - biên tập viên ở Đài và cùng là giảng viên báo chí với tác giả Đồng Mạnh Hùng ở Viện Đào tạo Báo chí truyền thông - ĐH KHXH&NV Hà Nội, nhà báo Thu Hòa, phóng viên Ban Dân tộc (VOV4) chia sẻ, về tổng thể, những bài báo, tham luận khoa học của anh luôn thắm lửa nghề, đồng thời thể hiện bức tranh khá hoàn chỉnh về những dấu ấn đổi mới của phát thanh tại Việt Nam. Trong 30 năm công tác, anh đã dành nhiều thời gian để thử nghiệm những kỹ năng mới mẻ vào từng tác phẩm, từng chương trình phát thanh, từ chương trình nhỏ đến những “đại chương trình”, từ đọc một bản tin đến dẫn cả một chương trình lớn, từ phóng sự ngắn đến phóng sự thực tế… Và anh không chỉ đúc rút thành lý thuyết cho riêng mình mà còn đến các đài phát thanh - truyền hình ở các tỉnh thành phố, các đài huyện, đài xã và đặc biệt là sinh viên báo chí để chia sẻ, đào tạo và truyền cảm hứng làm phát thanh. Anh còn viết hàng chục bài viết về những kỹ năng, kinh nghiệm học hỏi, đúc rút được để đăng trên các tạp chí nghiệp vụ và được nhiều nhà báo trẻ coi đó là cẩm nang nghề nghiệp của mình.

Với tôi, đây là một tập sách quý cả về nghề và cả về tình cảm, tâm huyết mà tác giả đã dành cho nó và dành cho phát thanh. Đọc quyển sách này, tôi biết rằng, tôi sẽ “mãi mãi tình yêu với làn sóng phát thanh”.

Nhà báo Lê Biết

“Tôi đặc biệt chú ý và thích phần III của “Cuốn vào sóng phát thanh” bởi ở đó tập hợp các kinh nghiệm và kỹ năng trong cả làm nghề và giảng dạy của anh. Đây là những bài viết chắt lọc từ thực tế công việc, từ những thử nghiệm, có thất bại, có thành công... Người làm nghề được thì nhiều nhưng người đúc kết thành câu chuyện, kinh nghiệm nghề nghiệp thì rất ít. Đó phải là vốn sống, là trải nghiệm, là khả năng nói và viết song hành, đặc biệt thể hiện tâm huyết của một nhà báo gắn bó với làn sóng phát thanh suốt 30 năm qua. Xin cảm ơn nhà báo Đồng Mạnh Hùng đã cung cấp một tài liệu thật quý cho công chúng và những người làm nghề, làm dày thêm nguồn tài liệu về báo chí và phát thanh ở Việt Nam”, nhà báo Thu Hòa gửi gắm tâm sự.

“Cuốn vào sóng phát thanh” như một cái duyên nữa với nghề phát thanh của tác giả. Đó cũng là món quà tiếp thêm sức mạnh để những ai đã, đang và sẽ chọn nghề này thêm yêu làn sóng phát thanh và muốn tiếp tục được cống hiến cho nghề mình đã chọn. Và một tin vui với những người làm báo phát thanh khi nhà báo Đồng Mạnh Hùng cho hay: “Từ cuốn sách này, tới đây, tôi sẽ viết thêm thành quyển sách dày dặn hơn và chỉ viết về những kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất chương trình phát thanh. Phát thanh là một nghề đặc biệt. Tôi mong muốn góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm của mình cho các thế hệ tiếp theo có thêm kinh nghiệm của những người đi trước để có thể làm nghề một cách tốt nhất; góp phần cho làn sóng phát thanh nói chung của Việt Nam và Đài TNVN nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn và thu hút được công chúng nhiều hơn nữa; khẳng định vai trò, vị trí của phát thanh trong đời sống báo chí hiện nay”./.

Gần 30 năm vào nghề và gắn bó với phát thanh, nhà báo Đồng Mạnh Hùng đã kinh qua nhiều vai trò, vị trí: Phóng viên, biên tập viên, dẫn chương trình đến quản lý, đi giảng dạy tại các trường đại học,… hiện anh là Trưởng ban Ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận