Ngày nào cũng vậy, từ “vươn thở đến tiếng thơ” ở những nơi núi cao nhất, ruộng hoang vu nhất... những kỹ thuật viên không một chút xao nhãng, vượt qua khó khăn giữ cho cánh sóng phát thanh luôn thông suốt, rõ, xa, rộng, chuẩn...
Hãy bắt đầu từ ngọn núi cao thứ nhì ở tỉnh miền núi địa đầu Hà Giang - Chiêu Lầu Thi. Theo tiếng Dao có nghĩa là Chín tầng mây bởi vì muốn lên đến đỉnh núi phải vượt qua 9 khúc cua vành khăn... mà ngay từ khúc quanh đầu tiên ta đã chạm vào mây trắng. Vậy mà năm 2020 một Trung tâm phát sóng phát thanh quốc gia đã sừng sững mọc trên đỉnh cao mây cuốn ấy. Coi trực tại đây chỉ có 2 kỹ thuật viên, họ từ các đài phát sóng VN1, CK2 tại Hà Nội mỗi tháng thay phiên một lần lên trực sóng.
Ở trạm phát sóng này, xa nguồn nước anh em phải chắt chiu từng giọt nước mưa để dùng quanh năm. Nhưng trái lại nơi đây lại quá thừa độ ẩm. “Ngày ráo cũng như ngày mưa, nếu giặt quần áo thì phơi cả tuần cũng không bao giờ hết nước, mà nước lại hiếm vậy nên cứ thay ra, cho vào vali để hết tháng trực mang về nhờ... vợ giặt giúp”, Cao Hoàng Tiến kể như vậy.
Ở nơi xa dân, để có rau, có gạo ăn, các anh cũng đợi ngày chợ, theo đồng bào xuống núi mua và gùi vác lên dùng trong cả tuần. Ở vùng núi cao có đợt mưa cả tháng, anh em không thể xuống chợ được đành nhai mì ăn liền cho qua bữa. Cơn bão số 3 vừa đi qua để lại cho các anh nỗi ám ánh kinh hoàng, trên độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, gió thổi ào ào, có cảm giác cuốn tung tất cả, sét đánh liên hồi... ngồi trong nhà vận hành máy mà chỉ lo sét đánh làm hỏng máy.
“Ngại nhất là những lúc “sổ mũi hắt hơi”, cứ thuốc xuyên hương mà táng... chứ ở đây chẳng có bác sỹ, chẳng có nhà thuốc... nhưng “trộm vía”, khí hậu trong lành, ăn uống sạch sẽ, leo đồi leo núi thay tập thể dục nên sức khỏe cũng ổn!”, anh Tuấn Anh, một kỹ thuật viên tâm sự như thế.
Nhiệm vụ của các anh là ngày nào cũng như ngày nào, dậy từ 4 giờ sáng bật máy phát sóng kênh VOV1 và kênh VOV4 các thứ tiếng dân tộc phục vụ đồng bào các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng... Họ ý thức được rẳng, sóng Đài không bao giờ được đứt để bà con nghe được thông tin từ Hà Nội, những cách thức làm ăn kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình... Hoàng Tiến, Tuấn Anh và nhiều công nhân khác đều có con nhỏ... dịp này Đài phát nhiều bài nói về ngày khai giảng khiến các anh... đứng ngồi không yên. Nếu giờ này ở nhà, chắc chắn họ sẽ đưa con đi mua sắm sách vở, quần áo đẹp cho năm học mới... Còn ở đây các anh chỉ biết gọi điện về động viên các con cố gắng. Có điều “Các cháu con nhà kỹ thuật nhà Đài chăm chỉ học hành lắm. Nhiều cháu là học sinh giỏi, đỗ đầu vào các trường đại học nên bố mẹ cũng yên tâm”, anh Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Đài phát sóng VN1, đơn vị chủ công quản lý Trung tâm phát sóng phát thanh quốc gia Chiêu Lầu Thi cho biết.
Khác với anh Tiến, anh Tuấn Anh, anh Văn Trọng Quảng lại làm nhiệm vụ trực sóng ở vùng đất “thừa nắng thiếu mưa”. Đó là Đài phát sóng Nam Trung bộ đặt ở huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận. “Ở đây nắng thì ràn rạt cả ngày, nóng thì hầm hập cả tháng”, anh Quảng bắt đầu câu chuyện của mình như vậy.
Đài phát sóng khu vực Nam Trung bộ được Đài TNVN đưa vào vận hành năm 2021. Nhiệm vụ chính của Đài là phát sóng phát thanh phủ toàn bộ vùng Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc. Trong điều kiện biên chế không tăng nên cấp trên đã tiến hành luân chuyển kỹ thuật viên từ các đài phát sóng khu vực miền Trung và Nam bộ tới làm việc. Quảng tạm biệt vợ con và anh chị em Đài phát sóng An Hải, Đà Nẵng - nơi anh đã gắn bó hơn hai chục năm để vào đây công tác...
“Nhà em có hai con đang tuổi ăn, tuổi lớn (lớp 11 và lớp 8) rất cần sự có mặt của người cha, nhưng vì nhiệm vụ, vì làn sóng phát thanh em không quản ngại xa nhà sẵn sàng vào đây để nhận nhiệm vụ...”, anh Quảng cho biết.
Ngày đầu đến Đài phát sóng Nam Trung bộ anh không khỏi ngỡ ngàng vì đài được xây dựng trên một cồn cát cách trung tâm huyện Thuận Nam tới hơn 30 cây số, mỗi khi bước ra ngoài kiểm tra máy móc, dây, cột là gặp cát bỏng rát đôi bàn chân. Khác với Chiêu Lầu Thi, ở Thuận Nam 4 mùa thừa nắng, quần áo ở đây giặt xong phơi mấy mươi phút đã khô cong... nhưng cũng chỉ sau một vài tháng là áo trắng ngả màu ngà đục vì nước giếng khoan vẫn đầy vị mặn mòi của biển. Đài phát sóng chỉ có 5 anh em tử tứ xứ về đây, họ thay nhau vừa là cán bộ trực sóng, vừa là cấp dưỡng, vừa là bác sỹ khi cần... Ngày phân công nhau ai không trực sóng thì đi bộ 5 cây số đến chợ thôn mua thực phẩm về nấu ăn... Món ăn của các anh cũng đơn giản có cơm, rau và cá biển.
Quảng đã công tác tại Đài TNVN được 20 năm. Anh đã từng có mặt “canh sóng” tại đỉnh Bà Nà, Sơn Trà... vì vậy anh luôn ý thức được sự quan trọng của làn sóng phát thanh. Quảng kể về những kỷ niệm khi canh sóng ở đỉnh núi Bà Nà, Sơn Trà (Đà Nẵng) mà như khoe những chiến tích. “Năm 2021, ca trực canh sóng tại trạm phát thanh trên bán đảo Sơn Trà vào đúng những ngày cơn bão số 9 hoành hành Đà Nẵng. Cả đêm gió quần đảo như muốn hất tung trạm phát sóng. Tưởng bão thì vào trong phòng đóng kín cửa thì sẽ yên tâm, đâu ngờ ở nơi đầu sóng ngọn gió này, gió vây bốn bề khiến căn phòng trở nên ngạt khí. Chúng tôi phải chạy ra ngoài, tìm chỗ thở dù rất sợ cây cối, gạch ngói, hay tấm tôn bay vù vù ngoài kia rơi vào người. Nhưng, cái lo ấy không bằng cả đêm vừa trú bão vừa lo sét đánh làm hỏng máy, tắt đài... Anh em cứ chạy đi chạy lại để kiểm tra. May là cả chục năm nay, trải qua biết bao cơn bão lớn nhỏ, sóng Đài ở An Hải, Sơn Trà vẫn thông suốt...”.
Giờ về đây, Đài phát sóng Nam Trung bộ, những kinh nghiệm quý ấy đã được anh Quảng chia sẻ với anh em, anh nói: “Chúng tôi hiểu sóng Đài Nam Trung bộ phủ sóng Biển Đông, cung cấp thông tin cho ngư dân, cho cán bộ chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa vì vậy càng trong mưa bão thì sóng Đài càng phải rõ nét để bà con và cán bộ chiến sỹ ngoài đảo, trên biển có thông tin thời tiết để tránh trú an toàn. Mỗi khi anh em ngoài đảo, bà con ngư dân thông báo sóng nghe đều, nghe tốt chúng tôi mừng lắm bởi công việc thầm lặng của mình đã góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước và bảo vệ biển trời của Tổ quốc”.
Ở vùng đất Nam Bộ, có lẽ người dân Cờ Đỏ, Cần Thơ không thể quên được ngày cột phát sóng phát thanh VN2 sừng sững mọc lên giữa hoang vu sinh lầy cách đây gần 30 năm. Để xây dựng được Đài phát sóng phát thanh này, hàng chục cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên đã phải ăn mưa, ngủ nước trên vùng đất này 5 năm trời. Trạm phát sóng ở giữa vùng sình lầy, xa nhà dân, xa chợ, xa đường... nhiều năm nước lũ về, hàng tháng trời phải đi lại bằng xuồng, ghe... Ngại nhất là hàng tuần, anh chị em ở Đài phải lội bộ có khi dầm nửa mình trong nước hàng cây số đi kiểm tra ăng-ten, phi-đơ đảm bảo an toàn cho làn sóng. Rồi muỗi, rồi rắn, rết rồi sốt xuất huyết, rồi bệnh ngoài da... nhưng anh chị em vẫn vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Sóng Đài VN2 suốt gần 30 năm qua phủ kín vùng đồng bằng châu thổ khiến cho Hà Nội gần lắm với người phương Nam, sóng Đài còn vượt biển sang tới Thái Lan, Indonesia và đặc biệt là nước bạn Campuchia để phục vụ bà con kiều bào và công tác đối ngoại... Thời gian trôi đi thật nhanh, vùng đất hoang vu xưa nay đã thành làng, thành thôn. Nhờ hệ thống kênh mương thủy lợi mà vùng đất không còn sình lầy nữa, khiến cho công việc phát sóng Đài của anh chị em ở VN2 đã đỡ vất vả hơn. Những cây xoài quanh đài phát sóng VN2 giờ đã thành cổ thụ, anh Nguyễn Ngọc Bách, một trong những kỹ sư đầu tiên làm việc tại Đài phát sóng VN2 kể “Lúc mới trồng nó chỉ to bằng ngón tay, giờ đã cao lớn vươn tới tầng 3 của tòa nhà. Mà lạ, ngày đó cứ đào đại cây dại về trồng, ai ngờ giờ ra trái lại là giống xoài cát chu ngọt lim, thơm lừng”.
Cũng như rặng xoài xanh mát, trái ngọt đung đưa, gần 30 năm ở vùng đất này, nhiều cặp đôi kỹ thuật viên đã nên vợ nên chồng, con cái của họ đã trưởng thành và đi công tác muôn ngả, một số cháu quay về xây dựng địa phương và công tác tại Đài phát sóng. Anh Nguyễn Đăng Thăng, Giám đốc Đài phát sóng phát thanh VN2 bày tỏ: “Cuộc sống của người dân vùng đồng bằng này còn nhiều khó khăn, nhưng từ cán bộ lãnh đạo huyện đến bà con lúc nào cũng quan tâm, chăm lo cho chúng tôi. Những tình cảm của bà con khiến chúng tôi vượt qua tất cả để làm tốt công việc của mình”. Không chỉ có ở VN2, mà trên ở tất cả các trạm, các đài phát sóng từ nam đến bắc tình cảm của bà con giành cho Đài cũng đều ấm áp như vậy.
Ngày cũng như đêm, trên những đỉnh núi cao mây trắng như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Phia Oắc (Cao Bằng), Cổng Trời (Hà Giang); Pha Đin (Lai Châu); Núi Quế (Quảng Nam); Bà Đen (Tây Ninh), trên cao nguyên Đắc Lắc, cồn cát Ninh Thuận hay giữa đồng bằng sông nước Cửu Long... những kỹ thuật viên không quản ngày rét cắt da, đêm mưa dầm dề, khi nắng như thiêu, khi bão như cuốn bay cả người vẫn bám đài, bám máy để làn sóng phát thanh bay cao, vang xa từ vùng cao tới hải đào, từ thành thị đến nông thôn và phủ rộng nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới.
Họ không bao giờ được nhắc tên trên làn sóng nhưng họ lại rất vui trước niềm vui của đồng nghiệp như tâm sự của anh Nguyễn Đông Hưng, giám đốc Đài phát sóng phát thanh VN1 sau đây: “Mỗi khi có chương trình phát thanh hay, thính giả gọi về nhiều, chúng tôi phát sóng cũng lây niềm vui anh ạ, bởi trong thành công chung đó có sự đóng góp của mỗi kỹ thuật viên các đài phát sóng. Chúng tôi chỉ mong Đài có nhiều chương trình hay như thế!”./.
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng/VOV