Phát thanh là dòng chảy cuộc sống

'Phát thanh là địa chỉ cung cấp thông tin đáng tin cậy, kịp thời và có chiều sâu. Với thế giới âm thanh sinh động, phát thanh đã ở trung tâm của dòng chảy đời sống' – đó là nhận định của PGS,TS Đinh Thu Hằng, Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

 

Thưa bà, được biết bà là thành viên nhiều năm của Hội đồng giám khảo Liên hoan phát thanh toàn quốc, bà có thể chia sẻ một vài cảm xúc khi là thành viên hội đồng giám khảo Liên hoan phát thanh lần này?

          Tôi rất vui, rất tự hào khi là thành viên Hội đồng giám khảo Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV. Đồng thời tôi cũng ý thức trách nhiệm của mình trong việc đánh giá, lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất đi sâu vào các vấn đề trọng yếu của đời sống, thể hiện hơi thở của cuộc sống trong năm qua, thấu cảm với tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời thể hiện sự sáng tạo trong cách thức truyền tải và thể hiện những ưu thế của loại hình báo phát thanh.

Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ XV được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề “Linh hoạt chuyển đổi - Thích ứng vượt lên” là một dịp sinh hoạt chuyên môn quan trọng của người làm phát thanh trong cả nước, tạo điều kiện để ghi nhận, tôn vinh tài năng và tâm huyết của các nhà báo phát thanh, họ đã mang đến những món ăn tinh thần bổ ích cho công chúng thính giả, và đóng góp những giá trị tích cực cho đất nước. Đồng thời, Liên hoan cũng là dịp để chúng ta cùng tụ hội, thảo luận, nhìn nhận xu hướng phát triển, thời cơ và thách thức của phát thanh trong bối cảnh truyền thông số để từ đó phát thanh tiếp tục thể hiện vai trò là kênh thông tin thiết yếu trong đời sống xã hội.

Bà đánh giá như thế nào về chất lượng bài dự thi năm nay so với các năm trước?

Liên hoan phát thanh toàn quốc năm nay đã thu hút sự tham gia của đông đảo các Đài PT-TH trong cả nước. Tác phẩm, chương trình dự thi năm nay có chất lượng tốt, đa dạng, phản ánh cuộc sống ở nhiều chiều cạnh, nhưng nổi bật nhất là các tác phẩm phản ánh sự chung lòng, đồng sức, quyết tâm vượt qua đại dịch Covid-19, phản ánh nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những luận điệu sai trái, thù địch. Có những tác phẩm phản ánh cách làm hay, mô hình tốt, giải pháp mang lại lợi ích cho cộng đồng trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19.  Nhiều tác phẩm phản ánh những câu chuyện, con người với những việc làm, lời nói giản dị nhưng đầy tính nhân văn, vì cộng đồng, thấm đẫm tình người, chạm đến trái tim của người nghe. Cũng nhiều tác phẩm thể hiện tính phản biện sắc sảo đối với những bất cập trong đời sống. Tác phẩm dự thi Liên hoan phát thanh cho thấy phát thanh đã ở trung tâm của dòng chảy đời sống.

Theo bà cách thể hiện đề tài phát thanh qua dạng thức chuyên đề có khó khăn và thuận lợi gì so với các dạng thức khác? Liệu nó có phản ánh được hơi thở của cuộc sống hay không?

Nếu như chương trình thời sự tổng hợp phản ánh nhanh các sự kiện nổi bật ở các lĩnh vực của đời sống, đáp ứng nhu cầu của công chúng nhận biết về cái mới thì chương trình chuyên đề lại là không gian để đi sâu vào câu chuyện, con người, mở những lát cắt bên trong để phân tích sâu các mối quan hệ, các chiều, cạnh tác động và nhìn ra được bản chất của sự kiện, vấn đề. Các chương trình chuyên đề đáp ứng nhu cầu hiểu sâu về sự kiện, vấn đề, và vì vậy là kênh quan trọng để định hướng cách hiểu, cách nghĩ, cách ứng xử phù hợp của công chúng.

Bên cạnh đó, các talkshow cũng là không gian để thảo luận, tương tác rộng rãi về những vấn đề nóng hổi của đời sống, góp phần tháo gỡ băn khoăn, thắc mắc của công chúng và góp tiếng nói đáng tin cậy phản biện chính sách, phản biện chất lượng đời sống.

Thời gian qua dịch bùng phát, mọi hoạt động gần như tê liệt, tuy nhiên dòng chảy của báo chí nói chung và báo chí phát thanh nói riêng vẫn mang hơi thở cuộc sống, góp phần phản ánh thông tin đa chiều, trung thực khách quan đến mọi người dân. Với một người làm chuyên sâu về phát thanh, bà nhận xét gì về những đóng góp của phát thanh trong giai đoạn vừa qua? 

 Trong hơn 2 năm qua, khi thế giới và Việt Nam phải tập trung mọi nguồn lực để đối phó với đại dịch Covid-19 cũng là lúc nhiều quốc gia phải đối đầu với “virus tin giả”. Môi trường mạng đã trở thành một không gian truyền bá thông tin xấu độc, cùng với đó là tin tức giả, những phát ngôn gây thù ghét tràn lan, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, nền tảng văn hóa và đạo đức, gây chia rẽ, thù hằn, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trong bối cảnh đó, phát thanh đã ghi tên mình là người định hướng thông tin, là địa chỉ cung cấp thông tin tin cậy, kịp thời và có chiều sâu. Với thế giới âm thanh sinh động của mình, phát thanh đã cung cấp thông tin mọi mặt, liên tục và chính xác, giúp công chúng hiểu biết về các lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt phát thanh đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa nhân dân với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Từ đó góp phần giúp cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước có thể nhanh chóng điều chỉnh hoặc có những quyết sách kịp thời giúp phát triển kinh tế xã hội tốt hơn. Ngoài ra, nhiều chương trình phát thanh đã trở thành “người bạn tâm giao” trong thực hiện nhiệm vụ tư vấn, chỉ dẫn, giải đáp những yêu cầu, thắc mắc của thính giả trong cuộc sống.

Bà có lời khuyên gì cho các phóng viên phát thanh khi thực hiện tác phẩm của mình?

Hãy đầu tư cho trải nghiệm, hãy quan sát, lắng nghe dòng chảy cuộc sống để khám phá, lựa chọn đề tài là những vấn đề tiêu biểu cho dòng chảy của đời sống, những câu hỏi bức thiết từ cuộc sống. Hãy trả nghiệm để có được những chi tiết đắt. Nếu không có các chi tiết đắt thì tác phẩm sẽ không đọng lại trong người nghe, không tạo được dấu ấn. Điều vô cùng quan trọng là tác phẩm dự thị phải có chiều sâu và phải đi đến cùng vấn đề, sự việc. Thật là đáng tiếc nếu tác giả tìm được đề tài hay nhưng trong quá trình thể hiện lại không đào sâu được vấn đề, vấn đề nêu ra nhưng bị bỏ ngỏ, không có cách giải quyết. Tác phẩm hay là tác phẩm nêu và giải quyết được các vấn đề một cách thấu đáo, thể hiện công sức, tâm huyết của nhà báo trong thu thập, xử lý tư liệu. Bên cạnh đó, nhà báo hãy sáng tạo không ngừng và tìm ra lối kể chuyện riêng. Hãy yêu và hiểu phát thanh hơn nữa để mỗi âm thanh ta sử dụng đều có tiếng nói riêng của nó. Hãy không ngừng làm giàu tri thức, bản lĩnh và hoàn thiện thêm đạo đức nghề nghiệp để mỗi tác phẩm viết ra đều là những sản phẩm chứa đựng trí tuệ và giá trị nhân văn.

Xin cảm ơn bà!

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận