Hiện nay, thính giả đang có xu hướng chuyển từ nghe radio truyền thống sang nghe phát thanh trên các nền tảng số như web, youtube, podcast,… giúp họ tiếp cận được thông tin nhanh, chính xác và được tương tác nhiều hơn trên sóng phát thanh. Trước xu hướng này, các đài phát thanh, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam, đã và đang thực hiện phát thanh trên nền tảng số để đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Bước khởi đầu
Thay đổi phương thức phát thanh đang là câu chuyện “nóng” trong Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà báo Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN cho biết: “Đối tượng thính giả của Đài TNVN đang có sự thay đổi về lứa tuổi nghe đài. Những lớp thính giả truyền thống đã giảm đi, lớp thính giả trẻ tuổi tiếp cận thông tin qua Đài TNVN phần lớn là trên nền tảng internet. Bởi vậy, việc đưa nội dung các tác phẩm phát thanh lên các nền tảng số được Đài TNVN xác định là rất quan trọng và đã được triển khai trong nhiều năm nay”. Từ năm 2005, nắm bắt được xu thế phát triển, lãnh đạo Đài TNVN đã quyết định đưa các hệ phát thanh lên internet theo hình thức trực tuyến. Cũng từ đó, các nội dung, chương trình của Đài TNVN được chia sẻ nhiều hơn trên các nền tảng trực tuyến, đặc biệt là trên hệ thống của các đơn vị trong Đài. Năm 2012, kể từ khi tất cả kênh phát thanh của Đài TNVN phát triển trang web riêng của mình thì đó là bước khởi đầu để các kênh thực hiện chuyển đổi sang nền tảng số.
Hiện nay, các Ban Biên tập phát thanh đều được đầu tư studio đa phương tiện hiện đại. Các kênh phát thanh của VOV đều có các trang web riêng để phát trực tuyến và lưu giữ các chương trình phát thanh phục vụ tất cả các đối tượng nghe, xem và tương tác. Nghĩa là, Đài TNVN đã và đang nỗ lực tiếp cận và thu hút công chúng của mình ở nhiều nền tảng khác nhau trên không gian mạng.
Ở Ban Thời sự (VOV1) - đơn vị sản xuất và phát sóng tin tức trong nước và quốc tế hàng đầu của Đài TNVN - việc phát thanh trên nền tảng số đã được triển khai từ nhiều năm nay. Trang web của VOV1 (vov1.vov.vn) phát trực tuyến hằng ngày để tiệm cận với các lớp công chúng là người chủ yếu sử dụng internet, máy tính và điện thoại thông minh. “Ngoài trực tuyến, VOV1 chọn lựa biên tập các nội dung hay, thay vì những chương trình phát thanh như thông lệ thì cắt thành đoạn, hoặc một phỏng vấn hay, ý kiến tốt, ấn tượng để đưa lên trang web. Như vậy, công chúng có thể lựa chọn, nghe rất nhanh nội dung mà họ thấy cần thiết, hấp dẫn. Kèm theo các file âm thanh, chúng tôi viết lời giới thiệu và có thêm ảnh để thu hút sự chú ý của công chúng nhiều hơn”, nhà báo Vũ Duy - Trưởng Ban Thời sự VOV1 cho hay.
5 năm trở lại đây, Ban Thời sự đẩy mạnh việc đưa nội dung lên các nền tảng số và coi đây là tương lai của phát thanh hiện đại. Dõi theo kênh fanpage VOV1 - Thời sự, kênh youtube: VOV1 - Thời sự, thấy thời lượng công chúng xem khá lớn. Đó là một minh chứng cho lời chia sẻ của nhà báo Vũ Duy rằng, mỗi ngày, VOV1 luôn luôn bắt nhịp với sự thay đổi trong cách tiếp cận thông tin của công chúng để sản xuất được các nội dung phù hợp với sự thay đổi này. Thay vì đưa những nội dung có thời lượng khá dài như trước đây, hiện nay, dù là nội dung từng chương trình hay những status trên fanpage của VOV1 đều gọn gàng hơn, đi vào thực chất vấn đề hơn để giữ công chúng ở lại. Trên fanpage, VOV1 đẩy mạnh việc sử dụng hình ảnh, gồm: Ảnh, biểu đồ, đồ họa, video bởi công chúng hiện nay không chỉ nghe, mà còn muốn cảm nhận, tiếp thu thông tin bằng thị giác.
Dẫn một ví dụ điển hình cho việc VOV1 bước đầu thành công với phát thanh trên nền tảng số, nhà báo Vũ Duy kể: “Năm 2020, khi bầu cử Mỹ diễn ra, Ban Thời sự đã thực hiện những cuộc livestream thu hút tới hơn 1 triệu người vào xem. Tổng thời lượng VOV1 làm livestream liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lên tới hơn 3 triệu lượt người xem. Đó là một kỷ lục mà khó có sự kiện nào đạt được. Và đây cũng là một gợi ý về nội dung, cách thức làm để thu hút sự chú ý của công chúng”.
Làm nội dung trên nền tảng số có những yêu cầu khá khắt khe, đòi hỏi người làm có sự say mê và nhạy bén, sáng tạo, có trình độ nghiệp vụ tốt, biết cách ứng xử trên MXH hoặc trên các nền tảng số. “Sáng tạo trên nền tảng số là yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng nội dung thông tin. Thế nhưng nếu muốn chuyển đổi số thành công, vững vàng vẫn cần có sự đào tạo và huấn luyện một cách kỹ càng, bài bản hơn. Thay vì chúng ta lựa chọn đào tạo một nhóm mang tính nòng cốt thì có thể đào tạo chung trong toàn bộ hệ thống, sau đó có sự chia sẻ chung về nhận thức và cách làm thì sẽ tạo ra sự đồng bộ, lâu dài”, nhà báo Vũ Duy nêu ý kiến.
Không làm mất tính đặc sắc của phát thanh
Đem vấn đề phát thanh trên các nền tảng số trò chuyện với nhà báo Vũ Thị Tuyết Mai, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Văn hóa VOV2, chị cho hay: Với VOV2, việc phát triển các thông tin trên web và fanpage có tên “VOV2 - Cuộc sống muôn màu” đã được các thế hệ lãnh đạo của đơn vị rất quan tâm và có sự đột phá trong 3 năm trở lại đây. Khi chuyển đổi các nội dung của phát thanh sang nội dung số, VOV2 không chỉ báo hóa các chương trình khi đưa lên web mà còn đa dạng các thể loại theo nội dung số, ví dụ như video clip, Emagazin, infographic,… Ngoài ra, VOV2 còn có những tác phẩm mang tính nội dung số - đó là tích hợp tất cả loại hình: hình ảnh, audio, video trong một tác phẩm báo chí khi đăng trên web.
Một trong những hướng mà VOV2 rất trăn trở là phát triển podcast, bởi rất phù hợp với những chương trình mang tính chuyên đề và đời thường như của VOV2. Đây là một hướng đi mà trong 6 tháng cuối năm nay và những năm sắp tới, VOV2 sẽ xây dựng những format riêng để phát triển podcast trên nền tảng số. “VOV2 phát triển nội dung số nhưng không làm mất tính đặc sắc của phát thanh. Chúng tôi không muốn có những sản phẩm báo chí mà ngôn ngữ chung chung, không mang tính đặc sắc riêng của một loại hình báo chí nào. Phải tìm ra một hướng đi riêng, phát triển trên nền tảng số của một kênh chuyên đề. Đó là nhiệm vụ mà VOV2 tự giao nhiệm vụ cho mình”, nhà báo Tuyết Mai trăn trở.
Mới đây, VOV3 đã gửi podcast “Khúc nhạc tiễn đưa” tham dự cuộc thi Liên hoan phát thanh - truyền hình quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (ABU). Biên tập viên Nguyễn Thị Bích Liên - một thành viên trong nhóm tác giả của podcast này chia sẻ: “Cùng với việc tìm hiểu, học hỏi từ những người bạn đang học, đang làm tại nước ngoài về podcast, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia để biết làm thế nào tạo được một podcast hấp dẫn người nghe. Một chương trình phát thanh truyền thống nếu mang đi dự thi thì phải bao gồm đầy đủ yếu tố như: Đưa ra và giải quyết được vấn đề nào đó ở tầm vĩ mô thì với podcast chỉ đơn giản là những tập tin rất nhỏ, mình đưa đến cho họ những thông tin mà họ muốn biết”. Để có được một podcast gửi đi dự thi như vậy, Liên và ê-kíp đã phải đầu tư rất dài hơi, thu chương trình hết 11 tiếng để rồi cắt thành một podcast đi thi chỉ có 20 phút. “Cắt như vậy là một thử thách, nhưng để làm một podcast hấp dẫn người nghe và biết được từ một vấn đề rất vĩ mô trở thành đơn giản thì chúng tôi có động lực tìm ra cách để thực hiện dễ dàng hơn. Podcast giúp việc đưa thông tin tới công chúng một cách nhẹ nhàng, hơn thế nữa, còn khiến họ cảm thấy thích thú khi tìm hiểu về vấn đề đưa ra trong podcast đó”, Liên chia sẻ.
Câu chuyện trên là một ví dụ về việc VOV3 làm phát thanh trên nền tảng số. Nhạc sĩ Tạ Ngọc Hưng - Phó Trưởng Ban VOV3 cho hay, những năm qua, các phóng viên - biên tập viên của VOV3 đã tham gia các lớp đào tạo từ xa, đào tạo trực tiếp do Ban Hợp tác quốc tế và Trung tâm đào tạo của Ban Tổ chức cán bộ, Đài TNVN tổ chức để sản xuất ra những sản phẩm âm nhạc đến với công chúng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Ngoài ra, các bạn còn tìm hiểu trên mạng từ những giáo trình của nước ngoài hướng dẫn làm các thể loại như podcast, chương trình phát thanh ngắn, chương trình phát thanh tương tác trên các nền tảng số. VOV3 đã đưa chương trình lên facebook, youtube, twitter, spotify, podcast,… và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán thính giả.
Khi chuyển đổi từ làm phát thanh truyền thống sang phát thanh trên nền tảng số, đòi hỏi từ biên tập viên, đạo diễn cho đến người thực hiện chương trình phải rất “cao tay” bởi trong một tác phẩm đó phải đáp ứng được rất nhiều thể loại: Một chương trình phát thanh trực tiếp, một chương trình livestream mang tính chất điện ảnh, truyền hình, từ đó cắt - trích ra có thể trở thành một podcast,…
“Tuy nhiên, Ban Âm nhạc cũng gặp khó khăn về vấn đề bản quyền trên nền tảng số. Các tác phẩm do Đài TNVN thu thanh, lưu trữ trong kho băng và đã được trả nhuận bút cho tác giả. Thế nhưng có người ở ngoài đưa lên các nền tảng số và đăng ký bản quyền. Vì thế, giờ chúng tôi đăng lên thì lại bị vướng, bị báo ngay là đã có một bản quyền thuộc về người khác. Những ca khúc Đài đã thu trước đây, giờ chúng ta muốn đưa lên mạng hoặc podcast thì sẽ rất khó làm được. Chúng tôi mong Đài TNVN sẽ có động thái để các đơn vị có bản quyền hiểu được điều này”, nhà báo Tạ Ngọc Hưng chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, đầu năm 2022, Ban Âm nhạc đã tổ chức chương trình Hát lên Việt Nam. Đây là cuộc vận động sáng tác về đề tài quê hương, đất nước. Trong quy chế, Đài TNVN được phép sử dụng các tác phẩm đó ở trên nền tảng số cũng như phục vụ công cộng, không mang tính kinh doanh. Theo chỉ đạo của lãnh đạo Đài, VOV3 sẽ tổ chức những cuộc thi như vậy để dần gom những bản quyền âm nhạc để có thể sử dụng trên nền tảng số.
Nhạc sĩ Tạ Ngọc Hưng cho biết thêm, hai trang thông tin điện tử của VOV3 đang được xây dựng và hoàn thiện đã có lượng lớn độc giả truy cập. Ở đó, Ban Âm nhạc không đi theo lối mòn của các trang nghe nhạc số của các đơn vị đi trước. VOV3 đã xây dựng nhiều chuyên mục thông tin mang tính chính thống, bài bản trên trang web để tất cả khán, thính, độc giả tìm được cái mình cần khi truy cập vào đó. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đài vào 7/9 tới đây, VOV3 sẽ làm những chương trình livestream trên trang web. Điều này khẳng định trang Thông tin điện tử của VOV3 sẽ là một địa chỉ để khán thính giả sẽ vào đăng ký làm thành viên và nghe xem ở đó mới là chính thống, chứ VOV3 không dựa trên các nền tảng số thứ 3 như youtube, twitter, zalo, facebook…. “Hiện nay, VOV3 đã bắt tay xây dựng dự án phòng thu M Studio. Với phòng thu này, vừa có thể làm chương trình phát thanh trực tiếp, vừa livestream cùng lúc trên các nền tảng số cũng như các nền tảng của truyền hình. Các phóng viên - biên tập viên đã tham gia một lớp đào tạo trong 5 ngày để bước đầu có thể sử dụng được những thiết bị mới trong phòng thu này”, anh Tạ Quang Huy, Trưởng phòng Nội dung số của Ban Âm nhạc VOV3 cho biết.
Sẽ không để chậm chân
Đối với các đài địa phương, nền tảng số quốc gia là một kênh phân phối nội dung giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Theo ông Nguyễn Văn Báu, Giám đốc Đài PT-TH Thanh Hóa, để bắt kịp xu thế phát triển, Đài PT-TH Thanh Hóa đã phát huy những lợi thế để riêng thực hiện những phương thức phát sóng trực tuyến, on-demand, podcast, livestream... tạo ra những “đài phát thanh không cần ăng-ten”, đáp ứng nhu cầu nghe theo yêu cầu, nghe bất cứ lúc nào, nghe bất cứ cái gì và có thể “nhìn” thấy phát thanh... Đài đã tích hợp các chương trình phát thanh trên Website, ứng dụng OTT, các nền tảng xã hội, nhờ đó giúp thính giả có thể nghe phát thanh trực tiếp, nghe lại các chương trình phát thanh và nghe các câu chuyện podcats ngay trên chiếc điện thoại của mình mà không giới hạn bởi không gian và thời gian. Ngoài ra, Đài đã tổ chức thành công các chương trình “Tiếng nói từ cơ sở”, xây dựng chương trình, bản tin, tọa đàm phát thanh ngay tại địa phương, được livestream trên Fanpage của Đài, thu hút sự quan tâm, tương tác rất cao của khán, thính giả trong tỉnh, trong nước.
Ở Kênh VOV Giao thông, khá nhiều chương trình phát thanh đã được chuyển thể sang dạng podcast để phân phối trên các nền tảng như spotify, Apple podcast hoặc Androi Podcast trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, nguồn lực để đầu tư cho các sản phẩm này hiện giờ chưa được phân bổ, cơ cấu một cách mạnh dạn nên các sản phẩm vẫn đang ở dạng chuyển thể và chưa có những sản phẩm sản xuất hoàn toàn cho việc phân phối trên các nền tảng số. Việc chuyển đổi phương thức sản xuất phân phối trên các nền tảng số thì nguồn nhân lực và tư duy sản xuất trên nền tảng số là yếu tố quan trọng. “Việc đào tạo nguồn nhân lực không phải quá khó khăn, bởi việc chuyển đổi sang sản xuất trên nền tảng số thậm chí còn dễ dàng hơn radio truyền thống, chủ yếu là sự quyết tâm và tầm nhìn của đơn vị. Chỉ có một lưu ý rằng, dù trên phát thanh truyền thống hay phát thanh trên các nền tảng mới, chúng ta cũng luôn luôn phải cập nhật các xu hướng về ngôn ngữ cho phù hợp với xu hướng ngôn ngữ của công chúng. Ngoài ra, việc sản xuất trên nền tảng số chưa có quy định về tài chính trong ba-rem thù lao nhuận bút đang áp dụng hiện hành, vì thế, gặp khó khăn trong vốn đầu tư”, nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc VOV Giao thông nhìn nhận.
Sản xuất đa phương tiện là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại, nếu như tòa soạn báo nói chung cũng như các kênh phát thanh, báo điện tử, truyền hình của Đài TNVN muốn giữ chân công chúng và thu hút nhiều hơn nữa công chúng cho các chương trình, sản phẩm truyền thông của mình. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hải Quang, chuyển đổi số là cả một quá trình lâu dài, phải từng bước một. Thứ nhất, chúng ta chưa có kinh phí; thứ hai, chuyển đổi của người sử dụng cũng như của công chúng, đặc biệt chúng ta là đơn vị phục vụ cho công chúng - chúng ta làm mà công chúng không tiếp thu được thì tất cả trở thành vô nghĩa./.
Ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH):
Riêng đối với VOH, hiện nay chúng tôi cũng đã có quá trình thích ứng, vượt lên khá mạnh mẽ. Đến năm 2022 là đài phát thanh chuyên nghiệp duy nhất. Đóng vai trò trong lĩnh vực chuyên trách này, chúng tôi đang tiếp tục phát được 80 giờ trong 1 ngày, đã hoàn thiện được trang Web để đẩy mạnh cho quy trình số hóa. Đến hôm nay, trong bảng xếp hạng được thống kê thì VOH có lượt xem khoảng 10 triệu lượt trong 1 tháng và đứng thứ 21 trong tất cả các trang web. Chúng tôi đã tích hợp toàn bộ các hạ tầng mạng, có thể từ podcast, zalo, viber, facebook để đưa thông tin trên hạ tầng của chúng tôi lên các hạ tầng mạng. Chúng tôi cũng hoàn thiện xong data để làm dữ liệu dùng chung cho toàn bộ hạ tầng. Và tất cả quá trình đó hiện nay đang được chuyển đổi mạnh mẽ, góp phần cho phát thanh ngày càng tiệm cận với giai đoạn số hóa. Đây cũng là cái mà chúng tôi muốn đi trước 1 bước để hoàn thiện hoạt động phát thanh của mình.
|
Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Kênh VOV Giao thông:
“Hiện nay, các xe hơi đời mới đã tích hợp các hệ thống để có thể kết nối với điện thoại một cách dễ dàng. Trong tương lai rất gần, việc nghe các nội dung âm thanh qua các nền tảng số trên xe hơi sẽ trở nên phổ biến. Bởi vậy, chúng ta không thể thờ ơ với vấn đề này, đặc biệt khi việc sản xuất nội dung radio và phân phối trên các nền tảng số trở nên rẻ hơn, hấp dẫn hơn, phù hợp với xu hướng hơn thì chắc chắn các cách thức của radio truyền thống sẽ bị hạn chế rất nhiều. Nếu không chuyển đổi kịp thời, không đầu tư nguồn lực cho phương thức sản xuất mới thì có lẽ chúng ta sẽ chậm chân”.
|
Bà Nguyễn Thị Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh:
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là một trong những đơn vị trong toàn quốc sớm ứng dụng công nghệ số vào phát thanh hiện đại. Ngoài 2 kênh phát thanh truyền thống trên sóng FM là Thời sự chính trị tổng hợp QNR1 và Văn hóa - du lịch - đối ngoại QNR2, Trung tâm còn đẩy mạnh truyền tín hiệu trên các nền tảng số như Website báo điện tử Quảng Ninh, ứng dụng Quảng Ninh Media trên điện thoại, livestream trên các Fanpage, thử nghiệm loại hình sản xuất mới như Podcast... Việc ứng dụng công nghệ số vào phát thanh hiện đại những năm gần đây thể hiện sự quan tâm đầu tư của tỉnh Quảng Ninh, tạo cho đội ngũ làm báo phát thanh sự năng động, bắt nhịp với xu thế đổi mới mạnh mẽ.
|