Năm 1988, tốt nghiệp khóa chính quy trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tôi được bổ nhiệm Phó ban biên tập Thính giả, mà anh Đặng Quang Tình là Trưởng ban. Anh hơn tôi đúng một giáp, nhưng không cách xa về lối nghĩ và cách làm việc. Có lần tiếp thính giả từ Hải Phòng lên, tôi bối rối vô cùng. Đó là cụ già ngoài tám mươi, râu tóc bạc phơ, thân gầy gân guốc, quỳ lạy theo kiểu nhà quan và gọi tôi là ngài cán bộ nhà nước. Ông cụ bị thằng cháu họ chiếm nhà, đẩy ông ra đường. Ông kêu hết các cửa quan từ xã lên huyện, tận tỉnh mà không một ai giải quyết. Cụ nói trong nước mắt: “Bây giờ chỉ nhờ Đài nhà nước mà thôi”. Tôi bức xúc kể lại câu chuyện với anh Đặng Quang Tình và đề nghị cho viết bài, kêu oan cho cụ già. Anh lặng người rồi nhỏ nhẹ: “Dân đã kêu oan thì thống thiết lắm. Vấn đề là mình phải tìm hiểu kỹ, nghe thật nhiều tai mới viết. Nghe kỹ, hiểu thật rõ mới hạ bút viết được”.
Những năm tháng sống và làm việc với nhà báo Đặng Quang Tình chưa thật nhiều, nhưng tôi may mắn được biết nhiều về người anh nghề nghiệp qua từng chuyến công tác, từng trang viết. Câu chuyện của anh bao giờ cũng dung dị, có khi tưng tửng, nhưng chi tiết, hình ảnh nhân vật để lại thật đáng suy nghĩ. Bút ký “Ba lần đến Sa Dung” của anh đoạt giải B, Hội Nhà báo Việt Nam, năm 2005 là thế. Đọc kỹ các truyện ngắn đoạt giải báo Văn Nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội như “Vành chảo Điện Biên”, “Ông Thào”, “Lính cối” mới thấy chất liệu ngồn ngộn, lời văn sinh động, dí dỏm của cây bút hiểu biết sâu sắc, tình cảm sâu nặng với núi rừng Tây Bắc, với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Có lần anh kể với tôi cái duyên đầu tiên đến với nhà Đài. Anh vào chuyện từ một nghi vấn:
- Nhiều người cứ gọi mình là “Ông Thào”, ông Giàng A Tình, nhưng không phải là người Mông đâu nhá.
Quê anh ở Vụ Bản, Nam Định, sinh ra ở Viên Chăn. Năm 15 tuổi sang sinh sống ở Thái Lan. Anh hoạt động tích cực trong Hội Việt kiều yêu nước với công việc đầu tiên là hàng ngày nghe bản tin đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó viết lại thành bản tin, bí mật đưa đến cho mỗi gia đình Việt kiều. Công việc hệ trọng, bí mật nên nhiều khi chỉ nghe và nhớ mà không dám viết ra giấy. Anh thuộc từng bản tin, nhớ như in từng giọng đọc phát thanh viên. Nỗi nhớ quê hương bản quán chảy theo từng bản tin, giọng đọc thân thương ấy. Con đường về quê của chàng trai Đặng Quang Tình thật gian nan. Anh trải qua những năm tháng chiến đấu trong đội quan Pa thét Lào. Năm 1956 anh chuyển về Việt Nam, đóng quân tại cao nguyên Mộc Châu, Sơn La. Anh ra quân vào những năm đầu sáu mươi của thế kỷ trước, được phân công phụ trách Đài Truyền thanh Mộc Châu, sau đó là Đài Phát thanh khu Tây Bắc. Anh bảo cái tuổi ngoài ba mươi sung sức lắm, đi bộ, leo đèo, lội suối ngày đêm ròng rã mà không biết mệt. Những cái tên anh kể từ bản này đến mường nọ tận đẩu tận đâu, xa lắc xa lơ mà lần đầu tiên tôi được nghe.
Sau giải tán khu tự trị Tây Bắc, năm 1977 nhà báo Đặng Quang Tình chuyển về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh thổ lộ cái duyên làm phát thanh đến từ từ, thấp lên cao, từ sơ khai đến hiện đại. May mắn hơn nữa là anh được phụ trách chương trình “Đại gia đình các dân tộc Việt Nam”. Để rồi năm 1993 anh là Trưởng ban đầu tiên của Phát thanh Dân tộc của Đài Quốc gia cho đến ngày nghỉ hưu.
Tôi cũng nghỉ hưu, không còn là phó cho anh nữa, nhưng lại gặp nhau nhiều hơn trong nghiệp văn chương. Món quà quý nhất và vui nhất của anh em chúng tôi là được khoe, được tặng sách cho nhau. Có lần anh hỏi “Cái quý nhất bây giờ là gì, cậu biết không?”. Tôi chưa kịp trả lời thì anh nói ngay: “Thời gian”. Sức mình chưa cạn mà thời gian sắp kiệt rồi ông ạ. Anh miệt mài viết cho xong trọn bộ ba tiểu thuyết “Hướng về Đông”, “Những cánh chim bạt gió”, “Âm thầm”. Tâm nguyện cuối đời của anh đã đạt. Nhà văn của Việt kiều một thời, của rẻo cao đã trả được món nợ ân tình của đất và người, của đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp.
Tháng trước đến thăm, tặng anh cuốn tiểu thuyết “Yêu không lấy”. Anh lật qua lật lại cuốn sách rồi cười nhỏ nhẹ: “Phí nhỉ”. “Là sao anh?”. “Yêu mà không lấy được thì phí quá, tiếc quá mà”. Nghe như còn cái chất “lý người Mèo” trong “Ông Thào”, “Lính cối”.
Vậy mà hôm nay em viết lại những dòng tâm huyết này, anh đã đi xa thật rồi.
An lành chốn vĩnh hằng anh nhé./.
Hà Nội, trời chuyển mát, 5/8/2022
Vĩnh Trà