Dân báo chí ở Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), thế hệ sinh vào những năm tám mươi trở về trước, hễ nhắc đến nhà báo Đặng Quang Tình đều gọi ông bằng một cái tên dân dã trìu mến là Bố bản.
Sở dĩ vậy, là bởi, nhà báo Đặng Quang Tình có rất nhiều năm làm công việc Phát thanh Dân tộc và từng là Trưởng ban Phát thanh Dân tộc đầu tiên từ khi ban biên tập này được thành lập. Hơn nữa, còn bởi, dáng vẻ bên ngoài giản tiện, phong cách của người đã có nhiều năm sống và làm việc với người dân tộc thiểu số. Có thể nói, nhà báo Đặng Quang Tình là một trong số ít người ở xứ ta am hiểu và viết xuất sắc về cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam cả lĩnh vực báo chí và văn chương. Bằng chứng, trong quá khứ, khi còn sung sức, Đặng Quang Tình đã từng bốn lần đoạt giải cao trong các cuộc thi văn chương danh giá ở xứ ta với ba lần ở thể loại truyện ngắn và một lần ở thể loại bút ký mà nội dung các sáng tác này của ông đều về đề tài miền núi dân tộc thiểu số...
Tư cách một nhà văn và những giải thưởng văn học
Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, Đặng Quang Tình ở độ tuổi gần chín mươi, ông vẫn chưa là hội viên của bất kỳ một hội nhà văn nào. Ông sống ở Hà Nội cùng các con, sau khi nghỉ hưu tại Đài Tiếng nói Việt Nám (VOV) đã hơn hai chục năm nay. Thường người cầm bút như ông, đều là hội viên của vài ba hội danh giá, ví như hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn. Nghe nói, lâu lắm rồi, Đặng Quang Tình từng có đơn gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam và hiện hồ sơ công tác hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam vẫn còn lưu giữ lý lịch trích ngang của ông. Song hằng năm, mỗi đợt kết nạp, người ta dường như đã quên tên ông thì phải?...
Đặng Quang Tình không hài lòng về việc này thì có, song ông không vì thế mà sốt ruột, hay tiếng bấc tiếng chì trách cứ. Với ông, đơn giản, khi còn cảm hứng và sức lực, viết được gì thì viết thôi. Chẳng vậy mà, trước lúc nghỉ hưu, ông mới chỉ có duy nhất một tập truyện ngắn là Hoa rừng (Nxb Tác phẩm mới, 1986) và một số truyện ngắn, bút ký in trong các tuyển tập của một số nhà xuất bản Hội Nhà văn, Giáo dục, Văn hóa, Dân tộc, Lao động và Hà Nội... cùng những sáng tác đăng tải rải rác ở các báo Văn Nghệ, Người Hà Nội, Văn nghệ TP Hồ Chí Minh v.v...
Sau khi nghỉ hưu, Đặng Quang Tình cho xuất bản tập sách thứ hai, đó là tập truyện Trăn trở (Nxb Lao động, 2001), và rồi bất ngờ ông tăng tốc. Chỉ trong vòng mười lăm năm sau, ông cho ra đời các tiểu thuyết Hướng về Đông (Nxb Lao Đông 2009). Những cánh chim bạt gió (Nxb Hội Nhà văn 2011), Âm thầm (Nxb Lao Động 2015) và Tập truyên ngắn Một thời giông bão (Nxb Hội Nhà văn 2010). Như vậy, ông viết còn sung sức hơn thời kỳ còn công tác. Với ông, dường như khi nghỉ hưu, hàng ngày không phải bận rộn với công việc quản lý báo chí, những phẩm chất sẵn có trong mình, ấy là vốn tư liệu sống của một người nhiều năm lăn lộn làm báo và bút pháp văn phong một nhà văn đã được khẳng đình, chỉ cần ngồi vào bàn là nên tác phẩm. Quả là, một người từng trải, đi nhiều, hiểu nhiều, vốn sống ngồn ngộn mà thời gian lại thiếu, thì khi có, những đứa con tinh thần cứ theo nhau mà ra đời... Nếu chỉ tính số đầu tác phẩm, thì quả là Đặng Quang Tính chưa phải nhiều, nhưng dấu ấn văn chương của ông lại khá đậm nét...
Cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ (1974-1975), là cuộc thi viết kéo dài cả trước và sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vậy mà Đặng Quang Tình đã đoạt giải Nhất với truyện ngắn “Trên vành chảo Điện Biên”. Kế tiếp, cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ (1978-1979), thời gian đó xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân bành trướng Trung Quốc, Đặng Quang Tình lại giành giải Nhất với truyện ngắn “Ông Thào”. Như vậy, ông liên tục đoạt giải cao nhất của hai cuộc thi văn học danh giá liền nhau, mà hiếm có, đúng ra, chưa có cây bút nào ở nước ta đạt được. Mảng đề tài cùng là miền núi và dân tộc thiểu số, nhân vật là người Mông, người sống ở vùng rùng núi nước ta. Dù trong thời kỳ nào, làm cách mạng, kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng bản làng phát triển kinh tế, chống giặc là những người đã từng là bạn bè anh em, thì người Mông nói riêng và người các dân tộc thiểu số nói chung đều nhận thức phân định rõ ràng, bản lĩnh vững vàng, hiểu rõ đúng sai và cương quyết đấu tranh bảo vệ làng bản, đất nước. Ở mảng đề tài này, thêm một lần nữa, Đặng Quang Tình khẳng định tài năng và sở trường của mình, ông lại thành công với truyện ngắn “Lính cối” giành giải Ba cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1983).
Có thể nói, ở thể loại truyện ngắn trong văn học hiện đại nước nhà, đặc biệt ở mảng đề tài về dân tộc và miền núi, Đặng Quang Tình đã khẳng định vị trí hàng đầu của mình và là một tên tuổi không thể không nhắc đến. Sở dĩ, Đặng Quang Tình gặt hái được nhiều thành công ở mảng văn học miền núi dân tộc như vậy, trước hết là có vốn sống, sự hiểu biết sâu rộng về mảng đề tài này nhờ nhiều năm ông lăn lộn ở miền núi phía Bắc dù ở quân ngũ hay làm báo. Ông thạo địa lý, lịch sử vùng đất, hiểu tâm lý và phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số nơi đây. Cái chính, ông phải rất yêu con người và cuộc sống của họ ở vùng đất này thì mới thể hiện một cách chân thực và lãng mạn trong những tác phẩm văn học của mình. Ở đây, phải nhắc đến một thuận lợi riêng có của nhà văn Đặng Quang Tình.
Ông quê Vụ Bản, Nam Định, nhưng gia đình ông sống ở Lào, ông được sinh năm 1934 tại Viên-chăn. Khi về nước, ông tham gia quân đội, nhiều năm sống ở vùng miền núi phía Bắc. Chuyển nghề làm báo, ông có nhiều năm là phóng viên của Đài phát thanh Tây Bắc (khi đó thuộc khu tự trị Thái Mèo) đóng tại Sơn La. Khi đài phát thanh này được sáp nhập vào Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thì Đặng Quang Tình tiếp tục theo dõi và quản lý mảng nội dung về miền núi, dân tộc thiểu. Việc am tường về một mảng nội dung, cộng thêm sự sâu sát địa bàn, chất nhanh nhậy của một người làm báo, không những giúp cho ông làm tốt công tác quản lý, biên tập mà thêm lần nữa, làm nên thành công trong sáng tác văn học. Nhà văn Đặng Quang Tình đã đoạt giải Nhì cuộc thi viết ký do Hội Nhà báo và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức năm 1995 với bút ký Ba lần lên Sa Dung, thêm phần khẳng định sự sát giải (cứ dự thi là đoạt giải) của ông.
Thời còn công tác, Đặng Quang Tình viết ít, khá chắt lọc, ông chỉ xuất bản tập truyện ngắn Hoa rừng (NXB Tác phẩm mới, 1986), và mãi nhiều năm sau, khi đã về nghỉ hưu, ông mới xuất bản tập truyện thứ hai của mình, Trăn trở (NXB Lao Động, 2001). Rồi từ đó, có thời gian suy ngẫm, ông làm một mạch, lần lượt cho xuất bản 4 đầu sách, đó là các tiểu thuyết Hướng về Đông (NXB Lao Động, 2000). Những cánh chim bạt gió (NXB Hội Nhà văn, 2011) và Âm thầm (NXB Lao Động, 2015), và tập truyện Một thời giông bão (NXB Hội Nhà văn, 2010).
Ào ạt với một sê-ri tiểu thuyết như vậy, tuy nhiên, chúng không để lại dấu vết gì đáng kể, nếu không muốn nói là lụt đi giữa biển sách xuất bản hàng năm. Tôi nghĩ, lý giải điều này, có vài ba lý do...
Trước hết, tự thân, sáng tác các tiểu thuyết này, nhà văn Đặng Quang Tình ý thức viết như một nhu cầu giải tỏa bản thân, khi có điều kiện về thời gian và sự từng trải vốn có. Sự thôi thúc viết ra không phải là muốn tìm tòi, đổi mới bút pháp, mà như thể, nếu ngần ngại hay đắn đo thì rất có thể, chúng sẽ chẳng bao giờ có mặt trên đời... Cảm giác ông viết như sự trải lòng, kể lại những chuyện mình từng sống, đã trải qua, từng biết... Viết như sự tiết kiệm, tận dụng cho hết vốn sống, tư liệu mình có... Đơn giản vậy, nên khi ra sách, ông tặng bạn bè, người thân, không giới thiệu, quảng bá này nọ. Xem như mình đã làm xong công việc tự đặt ra cho mình,...
Góc độ khách quan, thời kỳ này, đã có sự chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực xuất bản và sáng tác văn học nước nhà. Trước hết, việc tư nhân tham gia vào lĩnh vực xuất bản đã tác động mạnh đến thị trường và qua đó ít nhiều làm thay đổi nhu cầu và thị hiếu đọc sách của công chúng. Hàng năm, các đầu sách về lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật, tâm linh ra ào ạt, chiếm lĩnh thị trường, lấn át sách văn học. Và riêng mảng sách văn học, các tác phẩm thuộc diện kinh điển được tái bản tràn lan, khiến các tác giả trong nước, muốn được bạn đọc chú ý thật không dễ, vì ngoài nội dung đề cập phải thuộc vấn đề nóng, còn cần thêm các chiêu trò PR này nọ. Trong bối cảnh như vậy, các tiểu thuyết của nhà văn Đặng Quang Tình bị lút chìm là đương nhiên.
Còn một lý do nữa, theo tôi, sở trường của nhà văn Đặng Quang Tình là truyện ngắn. Ở đấy, ông chặt chẽ, dồn nén trong việc tạo không gian truyện, cài đặt chi tiết tài tình và ngôn ngữ hội thoại sắc sảo. Tiếc là, nhưng ưu điểm này ông chưa mang được sang tiểu thuyết,...
Đặng Quang Tình, nhà báo - Bố bản
Tháng 10 năm 1987, tôi cầm quyết định về làm biên tập viên của Ban Thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), thì khi đó Đặng Quang Tình làm Trưởng ban. Trước đó không lâu, ban biên tập Thính giả được thành lập vào ngày 3/8/1987, Đặng Quang Tình được điều từ Ban biên tập Đối nội sang làm Trưởng ban mới. Như vậy, ở vào thời điểm ấy, ông là hạng sừng sỏ ở Đài rồi. Nhớ lại, khi đó, đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới. Tổng Bí thư Đảng là đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn dắt công cuộc đổi mới với hàng loạt chủ trương và công việc cụ thể, trong đó có một việc nóng, ấy là Nói và Làm (N & L), được cập nhật trên báo chí (chủ yếu trên Báo Nhân dân và Đài Tiếng nói Việt Nam). Ban Thính giả Đài TNVN được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu này. Phòng tiếp dân của Đài luôn chật khách, họ là các thính giả từ khắp nước, qua gửi đơn thư, hoặc trực tiếp đến phòng tiếp dân, đưa đơn thư, yêu cầu, khiếu nại này nọ. Khi ấy, tiếp dân là công việc cực nhọc nhất, bởi lượng công dân hàng ngày đến rất đông. Người tiếp dân phải có tính kiên nhẫn, ôn hòa, sự hiểu biết cần thiết và quan trọng phải biết ứng xử nhanh trong các tình huống bức thiết nếu có, để giải thích và hạ hỏa, sao cho thình giả-công dân cảm thấy thỏa mái và được tôn trọng. Chỉ cần sơ suất trong nói năng rất có thể làm họ nổi nóng, to tiếng, thậm chí gây sự ngay tại chỗ. Đã từng xảy ra trường hợp thính giả mang đơn đến khiếu kiện, khi được nhà Đài giải thích sẽ là chuyển nội dung đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền, thị vị thính giả nọ bức xúc, dọa nếu không được giải quyết ngay sẽ tự sát tại phóng tiếp dân. Là người từng có nhiều năm làm công tác đảng, nên Trưởng ban Đặng Quang Tình trong các buổi giao ban luôn nhắc nhở các nhân viên thuộc cấp của mình hết sức lưu tâm, cẩn trọng lời ăn tiếng nói khi tiếp công dân. Ngày đó, tôi cũng phải trực tiếp dân, tháng một tuần nên thấu hiểu điều này... Thực tế, thời lượng phát sóng dành cho chuyên mục Tiếp chuyện bạn nghe đài chỉ hạn định trong khung chương trình hằng ngày, mà số lượng đơn thư lại quá nhiều, nên Trưởng ban Đặng Quang Tình đã tìm ra một giải pháp khả quan và hữu hiệu khác. Ấy là trên cơ sở nội dung đơn thư của thính giả, lựa chọn vấn đề, nội dung cụ thể đưa vào công văn gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời công văn của nhà Đài, để Đài trả lời thính giả. Như thế, hiệu quả công việc khá cao. Tôi không thể nhớ nổi hàng trăm, hàng ngàn những đơn thư được giải quyết bằng cách này trong những tháng năm ấy, song có một trường hợp thì tôi nhớ. Đó là trường hợp của nhà báo nọ. Anh ta bị xem xét trong một vụ việc cụ thể, bị quy tội và đã phải ngồi tù mấy năm, rồi được xem xét lại và được thả tù. Tuy nhiên, khi quay lại cơ quan cũ thì không được cơ quan này bố trí công việc. Anh ta mang đơn đến Đài, công văn gửi cơ quan cũ của anh ta do Trưởng ban Đặng Quang Tình ký. Một thời gian sau, khi được cơ quan cũ xem xét, bố trí công việc, anh ta đã quay trở lại Đài báo tin vui và nói lời cảm ơn. Được biết, sau đó nhà báo này trở thành người làm báo giỏi, hanh thông trên con đường sự nghiệp tiếp theo của mình. Khi đã nghỉ hưu, có lần tôi kể lại chuyện này với nhà văn Đặng Quang Tình, ông cười bảo: “Ngày ấy, thấy cậu ta ít nhiều bị oan, mình bênh vực được thì làm thôi...”. Lý lẽ đơn giản vậy.
Sau một thời gian ở Ban Thính giả, một ban biên tập mới được thành lập, Ban Phát thanh Dân tộc. Đặng Quang Tình được điều làm Trưởng ban này, bởi ở cơ quan thời điểm ấy, không ai có sự hiểu biết và kinh nghiệm về lĩnh vực dân tộc miền núi hơn ông. Đặng Quang Tình làm Trưởng ban Phát thanh Dân tộc, càng củng cố thêm biệt danh Bố Bản, cho đến lúc nghỉ hưu. Từ ấy, mỗi khi nhắc đến Bố Bản, thì người nhà Đài hầu như ai cũng hiểu đó là nhà báo, nhà văn Đặng Quang Tình.
Chuyện vào Hội Nhà văn
Nhà văn Đặng Quang Tình có đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam từ thời ông còn làm việc và nổi danh làng văn ta với mấy giải thưởng liên tiếp về truyện ngắn. Nhưng không hiểu sao, danh sách hội viên được kết nạp vào Hội hàng năm không có tên ông. Mỗi khi có ai đó nói với ông về chuyện này, ông đều cười bảo “Nếu không là hội viên mà không viết được văn thì tớ mới buồn... chứ không là hội viên mà tớ vẫn viết đều thì có gì mà buồn...”. Nói vậy thôi, chứ tôi hiểu, trong lòng, ít nhiều vẫn gợn lên những suy nghĩ... Là tôi cứ nghĩ thế, bời cái tâm trạng “cuời như thầy khóa hỏng thi” vốn thâm căn trong con người ta, nhất là các quốc gia châu Á có bề dày khoa bảng như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và xứ Việt mình,... Miếng giữa làng kia mà!...
Khi nhà văn Đặng Quang Tình nghỉ hưu, chuyện ông vào Hội Nhà văn xem như bị lãng quên. Thi thoảng, mùa kết nạp hội viên, có người nhắc đến tên ông, không phải là sự quan tâm xem ông có vào Hội hay không, mà chỉ để mang ra so sánh với nhà văn này nhà văn kia, rằng cái tay ấy kém thế, có mà xách dép cho ông, thế mà cũng vào Hội đợt này.... Vậy đấy!...
Lâu rồi không ai nhắc đến ông nữa, xem như ông không tồn tại trong làng văn này. Thế mà, khi chẳng mấy ai nhớ đến ông thì Đặng Quang Tình lại được công nhận là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam!...
Số là, cách đây dăm năm, khi nhà thơ Trần Đăng Khoa còn tại vị chức danh Phó Bí thư Đẳng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam, kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, đôi ba lần trong câu chuyện văn chương, tôi nhắc ông rằng còn có một nhà văn tên Đặng Quang Tình với nhiều giải thưởng sáng tác văn học danh giá, từng công tác lâu năm ở Đài này, xứng đáng được kếp nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Trần Đăng Khoa gật gù công nhận điều đó, và quả thật trong mấy kỳ kết nạp hội viên (2017, 2018), ông có nhắc đến trường hợp nhà văn Đặng Quang Tình bị bỏ quên, trong cuộc họp của Ban thường vụ Hội Nhà văn. Để nhấn mạnh, nhà thơ Trần Đăng Khoa còn nhắc đến các trường hợp đáng tiếc khác như nhà thơ Th, nhà thơ D, đã mất, mà đáng ra họ xứng đáng được kết nạp vào Hội khi còn sống...
Có lẽ vậy, mùa kết nạp năm 2019, nhà văn Đặng Quang Tình được Ban thường vụ Hội nhất trí công nhận là hội viên của Hội bằng quyết định số... nhưng nhầm tưởng ông đã mất.
Cuối năm 2020, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 10 diễn ra, tài liệu xuất bản phục vụ đại hội, có tập NHÀ VĂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI cấp cho các hội viên. Xem kỹ. phần về nhà văn Đăng Quang Tình, khi ra quyết định công nhận hội viên cho ông, người ta lầm tưởng ông đã mất. Rẩm riu nghĩ. không sao cả, có khi lại là may, thói đời biết đâu đấy, nếu biết chắc là ông còn sống, thì chưa chắc đã...
Một hôm ông gọi điện cho tôi với tâm trạng vui vẻ. Dường như ông muốn chia vui cùng tôi, bảo “Rốt cuộc, thế cũng là được... Dẫu chẳng để làm gì, nhưng thế cũng là sự ghi nhận công sức lao động văn chương cả cuộc đời mình, cậu ạ”. Rồi ông nói về sự nhầm lẫn khi người ta tưởng rằng ông đã mất khi công nhần ông là hội viên. Tôi cười cầu tài, còn ông lại cười rất chi là sảng khoái: “Tớ gần chín mươi rồi... rủa tớ chết à... còn lâu nhớ... Tớ sẽ sống đến trăm tuổi!...” ./.
Nguyễn Chu Nhạc (tháng 7/2021)