Hơn nửa thế kỷ trước, chàng học sinh Đặng Quang Tình quê gốc ở Vụ Bản – Nam Định nhưng sinh ra ở Viên-chăn (Lào) đã chọn hướng Đông để tung cánh. Hướng Đông có quê cha, quê mẹ Việt Nam - nơi đang diễn ra cuộc chiến đấu gian khổ để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ của nước Việt Nam mới. Đặng Quang Tình đã gia nhập cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của nhân dân hai nước Việt - Lào.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954), hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta. Người lính tình nguyện Đặng Quang Tình chọn Tây Bắc là quê hương thứ hai. Tôi có may mắn trong một chuyến công tác dài ngày với ông, được ông kể cho nghe những ngày ông làm phóng viên Đài phát thanh Khu tự trị Tây Bắc. Ba lô hành trang trên vai, ông vừa đi vừa viết. “Ngày ấy bưu điện hoạt động tốt lắm”- ông nhận xét. Viết xong bài nào, cho vào phong bì dán kín giao cho người đưa thư ở bản, ở xã, dặn rằng “Trong này có bài nói về bạn, về xã của mình đó, chuyển ngay về Đài phát thanh ở Sơn La nhé” là thư đến nơi. Cứ thế ông đi, hàng tuần hàng tháng. Nhiều đêm lỡ độ đường, ngủ ngay nơi chạc cây hốc đá...
Đi thực tế - ghi chép kỹ càng, và viết. Những bài báo tức thời là “tân văn”. Còn những gương mặt, những cảnh đời,... ông âm thầm chiêm nghiệm, viết thành những bút ký, truyện ngắn phát trên đài phát thanh, in trên các báo... Truyện ngắn “Trên vành chảo Điện Biên” của ông được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ (1974 -1975) làm độc giả biết đến tên ông. Đến khi lần thứ hai, ông được giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ (1978-1979) với truyện ngắn “Ông Thào”, hòn ngọc Đặng Quang Tình mới lộ sáng.
"Chắc sẽ không có nhiều người có được niềm đam mê đáng nể như ông trong suốt cuộc đời làm báo. Mê mải đi, mê mải viết. Đã đi là đi đến tận hang tận hốc, đã dốc là dốc tận ruột tận gan....". Nhà báo Tạ Toàn, Trưởng ban Phát thanh dân tộc (VOV4).
|
Đây cũng chính là thời gian ông bắt đầu phải làm công tác quản lý. Nhiều phóng viên - biên tập viên thuộc hàng “cán bộ chủ chốt” một thời của Đài đã trực tiếp được ông uốn nắn, dìu dắt từng câu từng chữ, từ cách đi cơ sở, lấy tin, điều tra, xử lý thông tin... đến khi viết thành tác phẩm phát thanh... Ôn tồn, điềm đạm, rủ rỉ rù rì,... nhưng rất thẳng thắn là phong cách sống và làm việc của ông. Đến hôm nay, nhiều phóng viên của bộ phận “Tiếp chuyện bạn nghe Đài” mà ông có thời gian quản lý, còn kể về việc ông “cảnh báo” rất sớm một nữ phóng viên về chuyện gia đình, phục “con mắt tinh đời” khi nhìn người của ông.
Sinh ra ở Lào, nhiều năm sống với người Lào, người Thái Lan, sống với đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc, ông chịu nhiều ảnh hưởng của cách suy nghĩ bộc trực nhưng rất tinh tế. Đặc biệt với ông là lòng tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, vào lý tưởng của Bác Hồ, yêu ghét - bạn thù rõ ràng. Anh chị em phóng viên nhà Đài nói vui: Cái lý của Đặng Quang Tình là “cái lý của ông Thào”. Kẻ viết bài này, trong một buổi trực đêm với ông ở Ban Thời sự, nhận được một bức công văn của Bộ Ngoại giao đề nghị phát tin mừng Quốc khánh Trung Quốc. Cả ngày hôm ấy, Đài đưa tin Trung Quốc bắn pháo vào Xín Mần Hà Giang. Tôi xin ý kiến của ông: Cả ngày hôm nay dân ta nghe Đài tố cáo tội ác của phía Trung Quốc. Bây giờ buổi phát thanh 21h30 lại đưa điện mừng quốc khánh... Dân ta nghĩ Đài thế nào? Suy nghĩ ít phút, ông quyết: Để cái tin ấy lại...
Nghỉ hưu, ông vẫn cặm cụi viết và trong vòng mấy năm hoàn thành ba cuốn tiểu thuyết viết về bà con Việt kiều ở hai bờ sông Mê-công (Lào - Thái Lan) hướng về Tổ quốc và tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp - chống Mỹ của nhân dân hai nước Việt - Lào. Mỗi lần có sách, ông đều gửi tặng tôi - chú phóng viên đàn em. Ông tâm sự: “Mình còn nợ bà con bên ấy nhiều lắm. Còn phải viết nhiều lắm...” Không biết rằng anh lính tình nguyện Đặng Quang Tình có còn để lại di cảo nào không?
Tuổi trẻ, cánh chim Đặng Quang Tình “bạt gió” bay về hướng Đông. Không biết bây giờ, ông có nương theo gió bay về đôi bờ sông Mê-Công hay không?
Không hiểu sao, tôi tin là có thể lắm chứ. Cánh chim Đặng Quang Tình./.
Nhà báo Đặng Quang Tình không viết nhiều nhưng dấu ấn văn chương của ông khá đậm nét trong thể loại truyện ngắn trong văn học hiện đại nước nhà, đặc biệt ở mảng đề tài về dân tộc và miền núi. Có thể kể đến hai tập truyện ngắn thể hiện sâu sắc bút pháp của nhà văn như "Hoa rừng" (1986); "Trăn trở" ( 2001). Ông từng bốn lần đạt giải cao trong các cuộc thi văn chương, trong đó có giải Nhất truyện ngắn báo Văn nghệ (1974 -1975) với tác phẩm "Trên vành chảo Điện Biên", tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự khởi nghiệp văn chương của một nhà báo phát thanh. Giải nhất truyện ngắn bảo Văn nghệ (1978 -1979) với tác phẩm "Ông Thào"; Giải ba truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (1983) với tác phẩm "Linh cối"; Giải nhì Hội Nhà báo Việt Nam (1995) với bút ký "Ba lần lên Sa Dung".
|
Nhà báo Đặng Quang Tình còn xuất bản 4 tập tiểu thuyết gồm "Hướng về Đông" (tiểu thuyết, NXB Lao động. 2009); "Một thời giông bão" (tiểu thuyền, NXB Hội Nhà văn, 2010); "Những cảnh chim bạt gió" (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2011), "Âm thầm" (tiểu thuyết, NXB Lao động, 2015). Trong đó, bộ 3 tiểu thuyết “Hướng về đông”, “Những cánh chim bạt gió”, “Âm thầm” gây xúc động khi cất lên tiếng lòng, khát vọng thống nhất, khát vọng hoà bình cháy bỏng của bà con Việt kiều Thái Lan hướng về đất mẹ Việt Nam và nghĩa tình với nước Lào anh em, đang chìm trong đau thương dưới bom đạn kẻ thù.
|
Nhà báo Đặng Quang Tình, sinh năm 1934, nguyên Trưởng ban Ban Dân tộc – Đài TNVN, thân sinh ông Đặng Quang Thương, Tổng Biên tập Báo Tiếng nói Việt Nam, đã qua đời vào hồi 22h55 ngày 3/8/2022 (tức ngày 6/7 năm Nhâm Dần), hưởng thọ 89 tuổi.
Lễ viếng vào hồi 13h00 ngày 6/8/2022 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 14h ngày 6/8/2022.
Hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội.
|